Nâng giấc mơ bay

Trên màn hình 3D, tôi thấy rõ chiếc trực thăng Mi-8 đang lăn ra đường băng rồi cất cánh. Khẩu lệnh giáo viên vang lên dứt khoát: “Chú ý độ cao! Đẩy cần lái về phía trước! Chú ý 
tốc độ!...”. Neraksathya, một trong năm học viên người Campuchia ở trung đoàn 917, Sư đoàn 370, Quân chủng Phòng không Không quân căng thẳng thấy rõ, dù chỉ là một buổi bay giả định. 

Trung tá Nguyễn Trường Toán trong tiết học hướng dẫn học viên phi công Campuchia xử lý tình huống bất trắc trên không.
Trung tá Nguyễn Trường Toán trong tiết học hướng dẫn học viên phi công Campuchia xử lý tình huống bất trắc trên không.

Giả định cũng không được sai

Được phép đứng phía sau tổ lái kèm học viên quốc tế trong buồng tập mô phỏng trực thăng Mi-8 ở Trung đoàn 917, tôi nhận ra không chỉ Nerakasathya lo lắng. Ngay cả khi chỉ là trên mô hình giả tưởng, mức độ tập trung và căng thẳng của cả kíp bay vẫn không kém gì bay thực tế. Mặc dù trong phòng tập có điều hòa mát lạnh nhưng khi học viên cho máy bay hạ cánh, cả thầy và trò ai cũng mồ hôi nhễ nhại vì tập trung cao độ quá. Trong một chút, Nerakasathya như khựng lại, dường như nghe không rõ khẩu lệnh của giáo viên. 

Rời phòng bay thử, Trung tá Nguyễn Trường Toán gọi cậu lại: “Ở dưới mặt đất tôi có thể nói chậm để các bạn hiểu nhưng ở trên không, trực thăng nó là cỗ máy, nó không dừng lại để đợi các bạn tra từ điển được đâu!”.  Hầu như học viên nào cũng được nhắc nhở rút kinh nghiệm, nhưng với các học viên nước ngoài, việc nhắc rèn luyện tiếng Việt luôn là một nội dung quan trọng. 

Quay qua uống cạn chai nước, Trung tá Nguyễn Trường Toán - người được phân công phụ trách huấn luyện bay cho năm học viên Campuchia mới về trung đoàn  - quay sang tôi bày tỏ: “Khi đưa các bạn vào những chuyến thực hành bay trong giai đoạn đầu thì giữa thầy và trò đã làm công tác hiệp đồng rất tỉ mỉ, chặt chẽ nhưng khi máy bay nổ máy, lăn ra, cất cánh, có độ cao thì các bạn không nhớ các nội dung đã hiệp đồng. Thí dụ, khi tôi nói học viên nâng ga lên chân phải thì các bạn lại nâng chân trái. Khi đến điểm vòng, hô các bạn ép độ nghiêng để vòng thì các bạn ấy không ép độ nghiêng hoặc ép độ nghiêng ngược lại. Những chuyến bay đầu tiên về thì bản thân tôi cảm thấy rất là lo lắng, để đào tạo được các bạn trở thành phi công quân sự thì rất là khó khăn và vất vả”.

Trước khi sang Việt Nam theo học chuyên ngành phi công quân sự, Neraksathya cùng đồng đội chỉ có một năm học dự bị tiếng Việt. Ngôn ngữ là một rào cản lớn với cả đội. Kết thúc buổi học, cậu lè lưỡi với tôi: “Thầy khó tính và nghiêm khắc lắm!”. Không khó tính sao được khi mà ở trên không, hiểm nguy luôn nguy cơ rình rập từ mọi phía. Nếu như ở dưới mặt đất học viên nghe chưa sõi thì khi máy bay cất cánh, họ vừa phải tính toán về kỹ thuật bay trên không, nhìn đồng hồ, quan sát bên ngoài, tính toán sức gió, vừa bị tiếng ồn động cơ máy bay chi phối thì bất trắc rất dễ xảy ra. 

Để ngôn ngữ không còn là rào cản

Người đồng hương của Neraksathya, Mony Ponreay - học viên năm thứ hai chuyên ngành Kỹ thuật Hàng không - thì biết nhiều từ lóng, biết bông đùa và online Facebook nói chuyện tiếng Việt thành thạo. Trong tiết học “Quan sát và đo lường tín hiệu” ở Trường Sĩ quan Không quân, cậu cùng hai học viên khác được thầy giáo gọi lên bảng để thực hành đo tín hiệu trên máy. Mặc dù cách phát âm tiếng Việt của Ponreay chưa thật sự chuẩn xác nhưng cậu lần lượt trả lời được hết các câu hỏi mà thầy giáo đưa ra. Sau khi nhận điểm 8 và được thầy nhờ lên xóa bảng, Ponreay lém lỉnh trêu thầy: “Xóa bảng được 9 điểm thầy nhé!” khiến cả lớp cười ồ. 

Thế nhưng, khi đối mặt với từ ngữ chuyên ngành, cậu cũng lúng túng như các đồng đội nước ngoài khác. Điều đó đòi hỏi các giảng viên phải vô cùng kiên trì và linh hoạt trong quá trình giảng dạy. Thiếu tá Tô Anh Tín, giảng viên Khoa Vô tuyến Điện tử nói với tôi rằng: “Khi vào học có rất nhiều thuật ngữ chuyên ngành khó tìm ra từ gần nghĩa để giải thích cho các bạn hiểu nên mình phải giảng giải thật chậm, lặp đi lặp lại nhiều lần”. Tôi liền thắc mắc: “Kiến thức nhiều như vậy mà cứ giảng chậm thì liệu các bạn có hoàn thành được chương trình học không?”. Thiếu tá Tô Anh Tín cười: “Có chứ, mình tập trung vào những nội dung chính, chú trọng dạy thiết thực sao cho các bạn có kiến thức để vận dụng được vào môi trường thực tế của nước bạn. Các kiến thức cần thiết vẫn phải đáp ứng đủ”.

Để khắc phục rào cản ngôn ngữ, Trung tá Nguyễn Trường Toán tiết lộ đã tham mưu với Đảng ủy, Ban chỉ huy trung đoàn bố trí cho các bạn học viên Campuchia cùng ăn, cùng ở, cùng sinh hoạt học tập với phi công thành viên tổ bay của trung đoàn để các bạn có điều kiện học hỏi, trao đổi kinh nghiệm. Sự “ba cùng” ấy đã khiến các học viên nước ngoài tiến bộ nhanh chóng. Đích thân Trung tá Toán cũng tự kèm từng học viên biểu diễn các đường bay cạn một cách tỉ mỉ, chỉnh sửa từng động tác lái, nhắc đi nhắc lại các khẩu lệnh...

Neraksathya bảo cậu cùng đồng đội rất cảm động vì sự “ba cùng” ấy của các thầy, các học viên đồng đội Việt Nam: “Tất cả chúng em được sự quan tâm giảng dạy của các thầy lắm. Dù nghiêm khắc nhưng các thầy luôn sâu sát chỉ bảo hướng dẫn cho chúng em mọi thứ liên quan đến nghề bay như kỹ thuật hàng không, dẫn đường, ra-đa, khí tượng”. 

Giấc mơ bay tự mình nắm lấy

Mặc dù chương trình đào tạo đã được cán bộ, giảng viên Trường Sĩ quan Không quân biên soạn đi vào trọng tâm, trọng điểm, đổi mới phương pháp giảng dạy phù hợp để giúp học viên quốc tế dễ hiểu, có thể theo kịp chương trình đào tạo, thế nhưng nỗ lực từ chính các học viên quốc tế cũng phải vô cùng lớn mới có thể đáp ứng được nhiệm vụ học tập. 

Để có được thành tích tốt,  Ponreay thừa nhận phải nỗ lực học hơn nhiều người: “Em phải tích cực ghi chép bài đầy đủ, nội dung nào chưa hiểu nhờ giảng viên làm rõ. Còn trong lúc tự ôn tập, chúng em cùng nhau trao đổi bổ sung những nội dung còn thiếu trong từng bài giảng”. Không ai cảm thấy vất vả với những ngày gò lưng thức khuya dậy sớm với từng con chữ tiếng Việt, hay với những buổi tập từ tờ mờ sáng đến lúc hoàng hôn khuất bóng.  Phearon, một học viên Campuchia ở lớp Phi công quân sự nói rằng: “Em rất biết ơn những tình cảm mà ban chỉ huy trung đoàn, thầy giáo và các thành phần bảo đảm bay dành cho chúng em. Vì thế mà mình phải nỗ lực nhiều hơn”. Những lời ấy được các học viên đất nước Chùa Tháp nói rất nghiêm túc, bằng tiếng Việt rành mạch.

Ngồi cùng nhóm học viên Lào ở sân trường trong giờ nghỉ, tôi thấy các bạn vẫn chăm chú vào một bản vẽ sơ đồ động cơ trực thăng. Trên bản vẽ là chằng chịt những chú thích từ mới, những mũi tên, dấu hiệu ghi chú. Phon Ma Lay là Đoàn trưởng Đoàn học viên Lào và cũng là người nói tiếng Việt tốt nhất chia sẻ với tôi rằng: “Năm thứ nhất nghe thầy giảng em cứ phải tra từ điển liên tục, sau đó em thường xuyên giao lưu với cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị và tham gia các hoạt động tập thể nên tiếng Việt tốt hơn nhiều. Em phải tranh thủ thời gian để giúp các bạn trong đoàn nữa”.

Phon Ma Lay cũng giống như Mony Ponreay và nhiều học viên quốc tế khác sẽ có ba năm theo học chuyên ngành kỹ thuật hàng không ở Trường Sĩ quan Không quân. Họ sẽ phải vô cùng chăm chỉ để có thể làm chủ được kiến thức chuyên ngành và hoàn thành tốt phần thi tốt nghiệp cuối khóa tại trung tâm huấn luyện thực hành của trường. Còn đối với những học viên quốc tế theo chuyên ngành phi công quân sự như Neraksathya, sau khi học hai năm kiến thức đại cương ở trường, họ sẽ có thêm hai năm thực hành bay tại các trung đoàn bay. Và đó là những trải nghiệm rất đặc biệt. 

Tôi nhớ lại lời của Thiếu tướng Vũ Văn Kha, Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân chủng Phòng không Không quân trao đổi với tôi khi tôi đến Quân chủng: “Ngoài việc là nhiệm vụ chính trị theo các thỏa ước Quốc phòng ký kết giữa các nước, đây còn là tinh thần hợp tác quốc tế, vì khu vực hòa bình, ổn định và thịnh vượng, thắt chặt tình đoàn kết hữu nghị giữa ba nước trên bán đảo Đông Dương”.

Đi cùng với những học viên trẻ măng trên chuyến xe ra đến đường băng, nhìn cách họ chú tâm và tập trung với mỗi chi tiết, tôi bắt đầu hiểu khát khao chinh phục bầu trời của những chàng lính trẻ. Dù ở xa nhà, nhưng những gương mặt vẫn đầy sự hứng khởi, hầu như không có khoảng cách. Sự tận tình của những người thầy ở Trung đoàn 917 đã chắp cho họ thêm đôi cánh, làm điểm tựa từ mặt đất để họ vững tin bay cao, bay xa.