Mùa “ăn” mứt biển

Như thường niên, hằng năm khoảng từ tháng 11 đến thời điểm này, những ngư dân sống ở làng chài Nam Ô (phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) lại ra rạn đá ven làng để đi hái rong biển. Mọi người gọi đó là mùa “ăn” mứt biển.

Người dân Nam Ô sống bám vào biển.
Người dân Nam Ô sống bám vào biển.

Nhờ “lộc” của biển

Mứt biển (hay rong biển) thường mọc vào tầm tháng 10 dương lịch, sau mùa mưa, mứt bắt đầu mọc trên các vách đá, sát với nước biển. Năm nay, rong mọc muộn hơn do không có mưa, nên người dân mới bắt đầu đi hái rong tầm hai tháng gần đây.

Hơn 5 giờ sáng, thấy nước biển đã rút, cô Bùi Thị Phải (70 tuổi) khoác lên người chiếc áo mưa tiện lợi, mũ len trùm đầu, chân đi tất ra bãi đá Nam Ô cùng những người khác trong làng để thu hoạch mứt. Gần 9 giờ, cô khoe với chúng tôi 2 kg rong đã hái được từ sáng đến giờ. Từ đầu tháng 12-2019 đến nay, hôm nào cô cũng chuẩn bị “đồ nghề” để ra ghềnh đá lấy mứt. Có những ngày nước biển rút sớm, từ 3 - 4 giờ sáng cô và mọi người đã đi, có hôm trễ hơn thì 6 giờ. Cô Phải chia sẻ: “Cái mùa đi “ăn” mứt này từ năm nào, đời nào đã có ở làng Nam Ô, cứ đến mùa mứt mọc lên cả làng lại ra đây thu hoạch. Từ năm 15 tuổi, cô đã cùng gia đình đi hái mứt, cho đến bây giờ. Năm nay, cô hái trễ hơn, làm cỡ bốn, năm tiếng được tầm 2 - 3 kg mứt thì cô về”.

Dọc bãi đá Nam Ô, có đến gần 10 người đang thu hoạch mứt, tiếng cào của kim loại cán vào đá hòa với sóng biển, vang vọng một góc ghềnh. Dụng cụ để đi hái mứt cũng khá đơn giản, miếng cào bằng nhôm, sắt hình tròn, cán mỏng để cào mứt ra khỏi mỏm đá, túi lưới đựng rong, găng tay. Để bảo vệ bản thân, mọi người thường đi tất để lội qua những mỏm đá sắc nhọn ra sát mép nước biển. Nhiều người cho biết, rong mọc ở xa bờ thường sạch và nhiều hơn rong mọc gần. Nên mọi người vẫn bất chấp nguy hiểm, khó khăn để ra xa, men theo các lèn đá để hái mứt. Mỗi người có thể hái được 3 đến 4 kg mỗi ngày.

Ngâm mình dưới nước biển từ 5 giờ 30 phút sáng, đến 8 giờ, cô Trương Thị Lược (68 tuổi) thu về được 1 kg rong biển tươi. Mỗi kg rong hái về đều được mọi người mua lại ngay, cô Lược hồ hởi: “Nãy vừa được 1 kg mang lên bờ thì bán luôn cho một hộ với giá 200 nghìn đồng. Giờ cô quay lại lấy thêm ít rong nữa trưa về nấu canh cho mấy đứa cháu ăn”.

Rong sau khi hái về, được rửa qua ở nước biển và rửa thêm hai lần nước ngọt và để ráo nước. Rong có thể dùng lúc tươi hoặc phơi khô để dành. Mỗi kg rong tươi bán với giá từ 200 - 300 nghìn đồng. Sau khi rửa, ép khô nước, rong phơi khô sau một nắng thành rong khô sẽ được bán với giá 2,5 - 3 triệu đồng/kg. Tầm 10 kg rong tươi thì sẽ được 1 kg rong khô.

Mùa “ăn” mứt biển ảnh 1

Mỗi ngày, một người có thể hái được 3-4 kg rong biển tươi.

Mùa “hẹn” bên ghềnh đá

Khắp ghềnh đá, những dáng người nhỏ thó lọt thỏm trong những mỏm đá lớn, hoặc cheo leo trên mép nước để có thể lấy được những cân mứt tươi ngon. Mặc dù nhìn đơn giản, nhưng nghề hái mứt cũng có nhiều rủi ro, khi những người đi hái rong mứt đều đã lớn tuổi, người “trẻ” cũng đã trên dưới 60. Việc ngâm mình nhiều giờ dưới nước biển hay đi trên những tảng đá đầy rong, rêu trơn trượt cũng đều là những mối nguy hiểm với mọi người. Vậy nhưng, có những người đi thu hoạch mứt để kiếm thêm thu nhập cải thiện cuộc sống, cũng có những người vì “đến hẹn lại lên”, vẫn muốn có mứt trong nhà để không “lỡ hẹn” với biển.

Vợ chồng ông Trần Văn Muộn và bà Phạm Thị Đậu (75 tuổi) từ 5 giờ đã dậy đi hái mứt. Ngày thường, ông bà làm nghề bỏ mối mắm, cá cho mọi người, tới mùa “ăn” mứt, hai vợ chồng cùng nhau đi hái dăm ba kg về ăn và phơi để dùng dần. Bà Phạm Thị Đậu tâm sự: “Cái nghề này từ bao nhiêu đời gia đình cứ đến mùa lại đi làm, mình không hái để buôn bán như mọi người nhưng vẫn đi hái để ăn, mứt ở đây ngon, ngọt. Mứt hái được nhiều cũng có để bán thêm thu nhập, số còn lại, vợ chồng phơi khô để dành chia cho con cái mỗi đứa một ít để dùng dần trong năm”.

Các con của ông bà đi làm ăn xa, mỗi năm chỉ về vào dịp Tết, vì vậy cứ đến tầm này, hai vợ chồng lại ra hái mứt để dành cho các con. Vị rong mứt của quê nhà đã theo từng đứa trẻ trong làng lớn lên, nên đi xa về, ai cũng muốn được thưởng thức những bữa cơm gia đình có tô canh rong mứt, rong mang theo hương vị của biển. Người làng Nam Ô chỉ ăn mứt của rạn Nam Ô. Mọi người nói mứt ở đây thơm, ngon, giòn và ngọt hơn rất nhiều so những vùng khác. Mứt được mọi người hái ngay từ lúc vừa mọc để giữ nguyên vị của mứt chứ không để mứt phát triển lâu, lá già sẽ mất ngon. Nhiều người nhớ lại, nhiều năm trước, tháng 7 thường có mưa nhiều nên tầm tháng 8 đã bắt đầu có rong biển để hái, mùa hái rong kéo dài đến tận tháng 12 dương lịch. Tuy nhiên, nhiều năm trở lại đây, mứt ngày càng mọc muộn hơn, tầm tháng 10, tháng 11 mới bắt đầu có.

Những ngư dân Nam Ô sống bám vào biển, biển và trời cũng mang “lộc” đến cho mọi người. Vì vậy, ngoài niềm ao ước trời yên biển lặng để ra khơi, mùa “ăn” mứt cũng là mùa được mọi người mong chờ trong cả năm. Không chỉ là một nghề mưu sinh, mà nhiều người dân Nam Ô vẫn hái về để dành, phơi khô sử dụng. Các gia đình vẫn để dành nấu món canh mứt ăn với gia đình ngày Tết, đó là món của “lộc biển” không thể thiếu trong mâm cỗ sum họp ngày xuân…