Một ngày đi chợ Tân Thanh

Nhiều năm nay, khu chợ cửa khẩu Tân Thanh (bản Nà Lầu, xã Tân Thanh, huyện Văn Lãng, Lạng Sơn) vẫn được mệnh danh là “thiên đường hàng giá rẻ”. Chúng tôi đã theo chân những “thượng đế” lên đây và phát hiện ra nhiều cuộc mua-bán giật mình.

Nơi đây được mệnh danh là thiên đường của hàng giá rẻ.
Nơi đây được mệnh danh là thiên đường của hàng giá rẻ.

Từ hàng siêu rẻ…

Lạng Sơn nổi tiếng với bốn khu chợ gồm: Đông Kinh, Kỳ Lừa, Đồng Đăng và chợ cửa khẩu Tân Thanh. Khu chợ Tân Thanh được bao quanh bởi dãy núi đá vôi trùng điệp và chỉ có duy nhất một con đường chính từ TP Lạng Sơn đi lên. Đây là một khu phức hợp rộng đến cả chục ha gồm các sạp bày hàng theo kiểu truyền thống xen lẫn với trung tâm thương mại hiện đại, hào nhoáng, cao ba - bốn tầng có thang máy được đặt chính giữa. Chung quanh là những dãy hàng vỉa hè. Khu chợ có bãi đỗ xe rộng với những đoàn xe tải, xe container biển các tỉnh thành từ bắc tới nam luôn vào-ra không ngừng.

Nếu như chợ Đông Kinh, Kỳ Lừa, Đồng Đăng, khách mua còn có thể tìm thấy vài mặt hàng “Made in viet nam”, thì lên đến chợ cửa khẩu Tân Thanh mọi thứ hàng hóa đều có mác “Made in China. Mọi người đến chợ Tân Thanh đều có chung một tâm lý đó là: thích sự đa dạng về mẫu mã, chủng loại, đẹp, hào nhoáng nhưng giá lại rất rẻ.

Chúng tôi bắt đầu đi ngang qua những điểm bán quần áo. Ở đây áo da, áo dạ, áo khoác… đổ thành hàng dài hoặc treo ngổn ngang trên móc, ngay bên cạnh là tấm biển “hàng thanh lý giá từ 100 đến 300 nghìn” vô cùng hấp dẫn. Nhiều sạp còn không ngần ngại treo biển “Đây là áo da cá sấu xịn 100%” với cái giá rẻ đến giật mình!

Xen kẽ với hàng quần áo, giày dép là khu đồ điện tử, điện lạnh với những món hàng người mua khi nhìn vào bảng giá rẻ đến “nổi gai ốc”. Những chiếc USB, điện thoại di động nhái, máy ảnh kỹ thuật số, dàn âm-ly, đầu đĩa…được đổ thành từng đống chứ chẳng thèm xếp đặt. Đống usb, máy ghi âm… có giá từ 30-250 nghìn đồng/cái, tùy vào dung lượng và mẫu mã. Ở đống hàng cao cấp hơn như iPad, iPhone “gắn” mác Sony, Apple có giá từ 400 nghìn đến hơn một triệu đồng/chiếc (!).

… Đến “hàng nóng”, “hàng lạnh”

Nhưng những mặt hàng giá siêu rẻ từ quần áo, giày dép, đến điện tử, điện lạnh, xoong chảo, bát đĩa… được bày trên các sạp chỉ là bề nổi ở khu chợ sầm uất này. Còn các món hàng độc, lạ thì tiềm ẩn bên trong tùng góc khuất của các sạp hàng, khu chợ.

Chúng tôi tình cờ quen được nhóm thanh niên cũng từ Hà Nội lên Lạng Sơn du lịch, mấy chàng trai cũng bỏ hẳn một ngày để đi chợ Tân Thanh săn hàng giá rẻ. N.T.V nhà ở khu Hoàng Mai, Hà Nội cho biết: “Ở Hà Nội em cũng hay vào chợ Giời - phố Huế tìm hàng giá rẻ, nhưng so với ở đây chẳng là cái gì, bọn em lần đầu tới đây nên rất choáng với nhiều loại hàng giá rẻ như cho”.

V. nói kỹ hơn, đó là hàng “nóng” gồm: đao, kiếm, dùi cui điện, súng hơi… và hàng lạnh: đĩa phim sex, thuốc kích dục, thực phẩm chức năng sinh lý lậu, và cả sextoy (PV - dụng cụ gây hưng phấn tình dục cho cả nam và nữ)… Nhóm của V. được một người tiếp cận, giới thiệu nhiều mẫu mã, chủng loại với giá khác nhau. Đao, kiếm Trung Quốc hàng thường có giá từ 300 - 400 nghìn đồng/thanh, còn muốn hàng “xịn” hơn một “chai” (PV - một chai là một triệu đồng) cũng có. Bộ kiếm Nhật gồm ba - sáu thanh để trên giá thì từ 6 “lít” (PV - 600 nghìn đồng) đến hơn hai “chai”. Còn những loại kiếm chặt, chém được thật sự thì khách muốn mua sẽ được dẫn đi chỗ khác bàn bạc.

Bản thân tôi và người bạn đi cùng cũng bị vài phụ nữ lôi kéo mời mọc các món hàng gọi là lạnh. Khi tôi đang xem mấy chiếc áo vest nữ giá rẻ, thì bà chủ quán ngồi gần cất giọng lơ lớ ghé sát vào tai: “Mua đồ… dùng thử không em. Chị có cả hàng bôi, uống và dùng cầm tay. Mua cho chồng hoặc người yêu và cả bản thân em dùng đều có. Mấy loại này hiện phụ nữ hay tìm mua lắm…”. Chị này còn bảo, nếu quyết định mua hàng nào sẽ dẫn chúng tôi đi lấy ngay và có thể thử luôn tại trận… Hàng đắt có, hàng rẻ kiểu thanh lý đều có…

Lên đến trung tâm thương mại Hồng Công, Quảng Châu ở khu tầng 2, 3, 4 chúng tôi lại tiếp tục nghe thấy những lời chào mời đủ các loại hàng cấm… Ở đây có phần kín đáo hơn các sạp vỉa hè nên những lời cò mời có phần mạnh miệng. Một chủ hàng bán đồ chơi trẻ em mời gọi đám đàn ông đang đi gần chúng tôi: “mua đao, kiếm, tuýp sắt, … không mấy anh ơi!”. Khách tò mò dừng lại thì được cậu ta cho một tập giấy vẽ các loại hung khí…

Thích gì… có nấy

Hàng nóng, lạnh được mua - bán theo kiểu cò mồi, tâm sự thầm thì nhỏ to với nhau. Còn những loại đồ chơi điện tử bạo lực kích động cho trẻ em, đặc biệt là các loại súng bắn điện, bắn đạn giả được bày bán công khai. Nhiều mặt hàng độc, lạ mắt, lạ tai… và nói chung thích hàng gì có hàng ấy.

Một ngày đi chợ Tân Thanh ảnh 1

Một thiết bị được quảng cáo là ăn cắp điện với giá siêu rẻ.

Trong lúc chúng tôi còn chưa hết ngỡ ngàng, thẹn thùng bởi lời tỉ tê câu dẫn mua hàng lạnh của chị chủ quán, thì nhóm V. đã được anh ở sạp đồ điện chăm sóc, mồi chài:

- Mua loại này về dùng thử đi mấy chú, tiết kiệm điện lắm!

- Gì vậy anh? (Một người trong nhóm của V. hỏi lại)

- Thiết bị ăn cắp điện mấy chú à!

Anh chủ hàng nhanh tay lấy ra một chiếc ổ cắm như chiếc ổ cắm điện thông thường có mầu xanh - trắng. Chiếc ổ cắm mà anh ta bảo là thiết bị ăn cắp điện này có thể cắm được tám phích của các thiết bị điện vào. Anh cắm thử luôn chiếc bóng điện 200w và cho đi qua công-tơ đo điện ngay gần đó. Mọi người quan sát đều thấy chiếc công-tơ quay rất chậm. Ngẩng lên anh nói:

- Mấy cậu yên tâm mua đi không ai phát hiện ra đâu, thiết bị này chỉ ăn cắp được hơn 1/2 số điện dùng thực tế mà thôi!”.

Anh ta báo giá 300 nghìn đồng/chiếc. Thấy lạ, mấy người khách đi ngang qua cũng xúm lại xem. Một vị khách thích quá, mặc cả luôn 200 nghìn. Anh chủ quán nói: bớt cho bác được 50 nghìn thôi, mua về dùng khỏi phải nghĩ. Chỉ trong vài phút mời chào, đã có ba người mua chiếc ổ cắm.

Càng đi sâu vào những ngóc, ngách của những dãy sạp hàng, hay khu trung tâm thương mại chúng tôi càng thấy nhiều cảnh mua-bán lén lút với nhiều loại mặt hàng nguy hiểm, hàng cấm… Rất nhiều sạp bán đồ thông thường như quần, giày dép chỉ là để có tấm bình phong che đậy cho hàng cấm.

Dọc con đường từ TP Lạng Sơn lên chợ cửa khẩu Tân Thanh là những tấm biển “Nộp thuế là nghĩa vụ của mỗi chúng ta…” san sát nhau. Nhưng thử hỏi những mặt hàng được vác lậu vào Việt Nam qua đường tiểu ngạch rồi bán ở chợ Tân Thanh đã làm thất thoát của nhà nước bao nhiêu tiền thuế? Đáng lo hơn cho xã hội, khi ngày ngày những mặt hàng độc, hại ở đây thoải mái đến tay người dân, trong đó có một bộ phận thanh, thiếu niên.