Mơ “phủ sóng” cây dược liệu khắp miền tây xứ Nghệ

Nhận thấy cây dược liệu vùng núi xứ Nghệ phong phú và đa dạng, Phan Xuân Diện, chàng trai quê lúa Yên Thành (Nghệ An) đã nảy ý tưởng trồng và sản xuất cây dược liệu trên quy mô lớn.

Công nhân đang thu hoạch dược liệu.
Công nhân đang thu hoạch dược liệu.

Ý tưởng hay!

Tốt nghiệp Đại học (ĐH) Nông nghiệp Tây Nguyên năm 2000, Phan Xuân Diện đã có hai năm làm ở đội tri thức trẻ tình nguyện của tỉnh Đác Lắc. Chính thời gian ở đây, thấy bà con vào rừng khai thác cây dược liệu bán cho tư thương với giá rẻ, Diện đã manh nha ý tưởng sẽ nhân giống và trồng những loài dược liệu quý này.

Ý tưởng được bắt tay thực hiện khi anh về nhận công tác ở huyện miền núi Con Cuông (Nghệ An) năm 2004. Qua thực tế, nhận thấy vùng núi Con Cuông cây dược liệu rất phong phú và đa dạng nên ý tưởng trong anh đã được dịp phát huy. Một mình với chiếc ba-lô con cóc, Diện nhiều lần lặn lội vào rừng tìm tòi, khảo sát và khám phá các loại dược liệu tự nhiên rồi đem về nghiên cứu. Anh còn đi nhiều nơi để tham quan học hỏi mô hình.

Mất nhiều năm trời mày mò nghiên cứu, cuối cùng Diện cũng hoàn thiện đề án “Ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ xây dựng mô hình trồng cây dược liệu tại huyện Con Cuông”. Ngày 24-7-2015, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức hội thảo “Phát triển cây dược liệu thành cây chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội ở tỉnh Nghệ An”. Đề án của Phan Xuân Diện tiếp tục nhận được sự ủng hộ của UBND tỉnh, Sở Khoa học & Công nghệ Nghệ An và được phê duyệt. Phan Xuân Diện khi đó là Phó trưởng Phòng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn huyện Con Cuông, được lựa chọn làm Chủ nhiệm dự án, Công ty CP Dịch vụ Khoa học - Công nghệ nông nghiệp Thành An làm đơn vị triển khai dự án.

Táo bạo thực hiện…

Diện cho biết, để có nguồn nhân lực phục vụ dự án, anh đã thuyết phục được một số bạn trẻ tốt nghiệp ĐH loại giỏi như: Lộc Văn Ngọc - ĐH Kinh tế Quốc dân, Lương Văn Cảnh, ĐH Nông lâm Huế; Giản Thị Sang - Khoa Nông lâm ngư - ĐH Vinh về đầu quân. Đây là những hạt nhân quan trọng cho sự thành công của dự án.

Khi chúng tôi đến thăm vườn cây dược liệu hơn 6 ha ở xã Chi Khê, thấy Diện cùng các bạn trẻ này đang hối hả cùng công nhân thu hoạch dược liệu. Họ làm việc vất vả, mồ hôi ướt đẫm trong cái nắng oi nồng của mùa thu nhưng trên gương mặt ai cũng tươi tắn phấn khởi. Lộc Văn Ngọc tâm sự: Khi nhận lời mời của anh Diện, thì dự án chưa có gì cả. Chúng tôi xác định, ban đầu sẽ gặp rất nhiều khó khăn thử thách. Nhưng, chúng tôi tin tưởng tính hiệu quả của dự án và tương lai tốt đẹp ở phía trước nên đã tình nguyện về đây!

Ban đầu thực hiện dự án gặp muôn vàn khó khăn. Nguồn vốn eo hẹp, nhân lực ít. Địa điểm triển khai dự án này trước đây là một khu rừng có tiếng “ma thiêng nước độc”, không có đường vào. Các thành viên dự án phải ngày đêm lăn lộn mở đường chinh phục gần một năm trời thì khu rừng này mới ra hình hài như bây giờ. Tiếp đến là công việc vỡ đất, lên luống, làm giàn, bón phân… anh em cũng lăn vào làm như những công nhân thực thụ. Diện chỉ vườn dược liệu mênh mông với các loài dược liệu quý: Dây thìa canh, cà gai leo, kim ngân, đinh lăng được quy hoạch thành vùng quy củ. Anh nói: Có được vườn dược liệu ngon lành như thế này đều nhờ sự đồng cam cộng khổ, cùng chí hướng của anh chị em tham gia dự án. Nếu không có lòng quyết tâm và nhiệt huyết của họ thì dự án khó có thể thành công.

Diện cho biết: Ngoài sự hỗ trợ của tỉnh về kinh phí tập huấn trồng và chăm sóc cây dược liệu, với một số ít phân bón, cây giống bao gồm các loại: thìa canh, cà gai leo, kim ngân thì công ty tự bỏ kinh phí để mua giống cây và tự nhân giống từ những cây dược liệu có sẵn trên địa bàn. Hiện nay, công ty đã trồng được hơn 6 ha cây dược liệu theo tiêu chuẩn GACP-WHO. Điều phấn khởi là các loài dược liệu được trồng ở đây đều phát triển tốt, hầu như không có sâu bệnh gây hại.

Đầu háng 5-2017, đơn vị đã đầu tư mua hệ thống máy sản xuất trà dược liệu, xây dựng nhà xưởng, kho, sân phơi, nhà sấy bằng năng lượng mặt trời để chế biến trà dược liệu túi lọc (cà gai leo, dây thìa canh), có tác dụng hỗ trợ điều trị một số bệnh như tiểu đường, giúp hạ và ổn định huyết áp, mỡ máu, chữa mụn nhọt, mề đay, lở ngứa ban sởi, tả, lỵ… Hiện nay, hai dòng sản phẩm trà dược liệu và trà túi lọc đã được cấp quyền sở hữu trí tuệ và lưu hành trên thị trường. Diện phấn khởi cho biết, hai sản phẩm này đã có nhiều đơn đặt hàng với số lượng lớn. Có một số bạn hàng ở Nhật Bản, Trung Quốc, Thái-lan đã trực tiếp đến liên hệ để tiêu thụ sản phẩm.

Mơ mọi người cùng làm giàu

Hiện nay, Phan Xuân Diện đang tiến hành thành lập các quầy hàng giới thiệu và bán sản phẩm ở các huyện, thị xã trên địa bàn Nghệ An. Những gian hàng mới mở ở thành phố Vinh, các huyện Con Cuông, Yên Thành, Đô Lương, Diễn Châu…, khách hàng đến mua rất đông. Đây là tín hiệu tốt cho dự án của Phan Xuân Diện phát triển và vươn xa.

Song song với những công việc trên, Diện cùng các cộng sự cũng đang nhân giống từ cây đầu dòng để triển khai tại một số xã trên địa bàn. Các hộ dân đã được tập huấn công tác trồng và chăm sóc, thu hoạch, sơ chế cây dược liệu. Dự kiến, sắp tới diện tích các cây dược liệu sẽ phát triển lên khoảng 50 ha trên địa bàn huyện Con Cuông.

Nói về những dự định cho tương lai. Phan Xuân Diện cho biết, trong thời gian tới, công ty sẽ xây dựng xưởng sản xuất tinh dầu dược liệu; nhà máy sản xuất trà dược liệu hòa tan và viên nang dược liệu. Hiện nay anh đang liên hệ với các huyện miền tây Nghệ An để trồng cây dược liệu. Những loài dược liệu này thích ứng rộng, dễ trồng, dễ chăm bón, đầu tư ít. Dây thìa canh, kim ngân, cà gai leo có thời gian lưu gốc từ 3 - 10 năm (trong đó cà gai leo 3 năm, kim ngân 6 - 8 năm, dây thìa canh 9 - 10 năm). Với giá bán qua sơ chế từ 70 - 120 nghìn đồng/kg mỗi loại, và năng suất bình quân 10 - 11 tấn/ha/năm, những loại cây dược liệu này có thể đem về cho người trồng dược liệu ở số tiền hơn 100 triệu đồng/ha/năm. Nếu như “phủ sóng” cây dược liệu khắp các huyện miền tây Nghệ An, đây sẽ là những cây góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xóa đói, giảm nghèo và tạo việc làm cho hàng nghìn lao động.

Diện bật mí thêm: Thời gian qua anh cũng đang nghiên cứu để bảo tồn và nhân giống các loài dược liệu quý trên địa bàn như kê huyết đằng, sói rừng, tam thất, lông cu li, kim ngân, cầu thàn, thiên niên kiện… Những loài dược liệu này đang bị chảy máu do người dân khai thác bán cho tư thương rồi tuồn qua biên giới với giá rẻ mạt. Sắp tới, trong kế hoạch của Phan Xuân Diện và các cộng sự, các dược liệu quý hiếm này cũng sẽ được trồng nhân rộng để cung cấp ra thị trường những sản phẩm dược liệu hữu ích.