Ly hương để mưu sinh

Biết bao lần tôi tự đặt câu hỏi: Đằng sau những cuộc rời quê đi kiếm sống ấy là gì? Cuộc sống nơi đất khách quê người có khỏa lấp được những mộng tưởng trong họ về một tương lai tốt đẹp hơn? Những trăn trở đó đưa tôi đến với những câu chuyện mặn mồ hôi, nước mắt của những người con xứ Thanh đang nhọc nhằn mưu sinh xa quê.

Những chuyến ra khơi được mất thất thường buộc nhiều người dân xã Ngư Lộc phải chọn con đường ly hương để thay đổi cuộc sống.
Những chuyến ra khơi được mất thất thường buộc nhiều người dân xã Ngư Lộc phải chọn con đường ly hương để thay đổi cuộc sống.

1/ 5 giờ sáng, tại một con hẻm nhỏ thuộc quận 9 (TP Hồ Chí Minh), bên trong căn phòng trọ cấp 4 cũ kỹ, anh Lê Đình Quy cùng vợ - chị Nguyễn Thị Nga, quê ở xã Thiệu Giao (Thiệu Hóa) đã thức giấc chuẩn bị cho một ngày mưu sinh. Anh Quy buộc đồ nghề lên xe và không quên chỉnh lại chiếc loa cũ - người bạn đồng hành trên mọi nẻo đường buôn đồng nát cùng anh suốt 15 năm qua. Phía bên ngoài, chị Nga cẩn thận xếp từng quả trứng vịt lộn mới luộc vào hai chiếc thúng. Đúng 6 giờ, anh Quy đèo vợ ra trước cổng Trường ĐHQG TP Hồ Chí Minh để kịp đón những vị khách đầu tiên.

Gần 15 năm buôn thúng, bán bưng ở trước cổng trường đại học, chị Nga không nhớ nổi mình bị khách hàng quỵt bao nhiêu lần tiền, không biết bao lần bị đuổi, bị thu quang gánh. Có những lần chị lê hai thúng trứng chạy, cuống cuồng thế nào để vấp ngã sõng soài ra đường, trứng vỡ vương vãi khắp mặt đất. Tối về, chân tay chị tím bầm, đau nhức, phải nghỉ suốt cả tuần để hồi phục. Chị bảo, đã bao lần vợ chồng chị quyết tâm về quê để phát triển kinh tế, nhưng mọi tính toán đều đưa đến ngõ cụt. Bởi, ở quê có mấy sào ruộng, nếu thời tiết thuận hòa thì một năm cũng chỉ được vài tạ lúa, còn không thì trắng tay. Đã có thời điểm, vợ chồng chị quay sang chăn nuôi, nhưng nuôi con gì cũng lỗ nhiều hơn lãi. Lúc thì do dịch bệnh, lúc lại tại thị trường bấp bênh, rớt giá. Cuối cùng, vợ chồng chị quyết định vào nam kiếm sống.

2/ Khi anh Quy và chị Nga loay hoay tìm kế sinh nhai ở TP Hồ Chí Minh, thì tại một bến cảng biên giới phía bắc, anh Nguyễn Văn Dương (tên nhân vật đã được thay đổi), quê ở xã Ngư Lộc (Hậu Lộc) cũng đang vật lộn với “cuộc chiến sinh tồn” của mình. Đưa đôi mắt đượm buồn, nhìn xa xăm, Dương kể cho tôi nghe về cuộc sống của mình: Sinh ra và lớn lên tại vùng quê đất chật, người đông, để có tiền nuôi bản thân và phụ giúp gia đình, Dương đã theo anh em trong xã sang Trung Quốc làm nghề bốc vác thuê. Để có được chân bốc vác này, Dương phải tốn 5 triệu đồng tiền “phí” môi giới mới có được. Tuy nhiên, công việc không đơn giản như Dương nghĩ, ngày nào cũng như ngày nào, từ sáng sớm đến chiều tối Dương bị chủ lao động vắt kiệt sức bởi những thùng hoa quả nặng. Đã có lần, khi vác thùng quả thanh long nặng trĩu từ xe container vào kho, Dương bị trượt chân ngã gãy cả tay nhưng không được chủ bồi thường gì, bởi lẽ Dương là lao động chui, không hợp đồng, không bảo hiểm, nên đành cắn răng chấp nhận nằm bẹp trong căn nhà tồi tàn gần tháng trời để vết thương lành lại.

Đến thời điểm hiện tại, Dương đã có hai năm bốc vác hoa quả thuê trên đất Trung Quốc. Lời hứa hẹn 15 triệu đồng/tháng mà môi giới đem ra “quảng cáo” với Dương cũng trở nên xa vời. Có cố gắng lắm anh cũng chỉ kiếm được 10 triệu đồng. Nhưng, để có được con số đó, bản thân anh cũng phải đánh đổi rất nhiều.

Ly hương để mưu sinh ảnh 1

Năm nay đã 79 tuổi nhưng bà Lê Thị Lung vẫn phải cố gắng chăm sóc cho bốn đứa cháu nội là con của anh Quy, chị Nga để bố mẹ chúng đi làm xa.

3/ Câu chuyện xa xứ mưu sinh của anh Quy, chị Nga, anh Dương cũng giống như câu chuyện của hàng nghìn người con xứ Thanh khác đang phải tha hương kiếm sống nơi đất khách quê người. Tất cả cũng vì mục đích kiếm tiền nuôi sống bản thân và gia đình. Song, con đường lựa chọn công việc của mỗi người một khác, người thì tìm đến những khu công nghiệp trở thành công nhân, chấp nhận đánh đổi một phần thanh xuân của mình trong những giờ tăng ca mệt nhọc. Nhiều người lại cạn mồ hôi, công sức vác những kiện hàng nặng, hoặc những quang gánh vắt vẻo ngang vai len lỏi khắp mọi ngóc ngách của những thị tứ, đô thành…

Những ngôi làng với nếp nhà xưa cũ, những mùa lúa chín vàng như màu nắng hay mùi khói rơm rạ cay nồng… đã không còn giữ nổi bước chân người ở lại. Làng bây giờ đâu đâu cũng thấy những tấm biển tuyển người cho các khu công nghiệp. Những vùng ngoại ô thị thành, đâu đâu cũng thấy những xóm trọ công nhân, những con đường chiều chiều biến thành chợ tạm cho bữa cơm chiều của những người con xa quê. Như xã Thiệu Giao, quê hương của anh Dương, chị Nga, trước năm 1995, khi đang còn trong địa giới hành chính của huyện Đông Sơn, từng được biết đến là một trong những xã đông dân với dân số lên đến 11.000 người. Tuy nhiên, đến nay, xã chỉ còn vẻn vẹn 3.200 nhân khẩu, trong đó đa phần là người già và trẻ con. Xã trước kia có nghề đúc xoong, nồi truyền thống nhưng hiện tại chỉ còn lại duy nhất một hộ đang “cố” giữ lấy nghề.

Hay ở vùng quê Ngư Lộc, nơi anh Dương đã ra đi, có tới 90% người dân sống bám biển. Nếu như trước kia, những chuyến ra khơi trở về luôn đầy ắp tiếng cười với những khoang tàu, thuyền đầy tôm, cá thì khoảng chục năm trở lại đây, thay bằng những nụ cười là nỗi lo toan, trăn trở. Nghề đi biển phụ thuộc nhiều vào “lộc trời”, thất thường với những chuyến no chuyến đói. Các chủ tàu thì đau đầu với việc cân bằng khoản thu - lượng hải sản đánh bắt được - với các khoản chi: dầu, bảo trì tàu thuyền, trả lương cho các thuyền viên. Không những thế, mỗi chuyến ra khơi, họ luôn phải chuẩn bị tinh thần để ứng phó với những tai nạn, rủi ro trên biển. Vì những lý do như thế, Dương chấp nhận ly hương. Nhưng Dương không đi một mình. Ở mảnh đất Ngư Lộc này, vì nhiều lý do khác nhau, có tới hàng nghìn người cũng buộc phải đưa ra lựa chọn này.

Những cuộc ly hương vẫn lặng lẽ diễn ra trong lòng những ngôi làng, như cái cách mà nó đã diễn ra ở Thiệu Giao, Ngư Lộc và nhiều vùng quê khác. Người dân xã Thiệu Giao cũng đã quen với nhịp sống chậm chạp xen chút buồn vì thưa vắng bóng dáng những người trẻ. Làng vắng người, hầu như quanh năm, chỉ vài ngày lễ, Tết là rôm rả hơn một chút. Cả một trục đường lớn thi thoảng mới có tiếng xe máy chạy qua. Ông Hoàng Trọng Cường - Bí thư Đảng ủy xã Thiệu Giao ngậm ngùi tâm sự: “Xã Thiệu Giao có tới 70% người dân địa phương lựa chọn ly hương để thay đổi cuộc sống dẫn đến tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng nguồn lao động tại chỗ. Thực trạng đó cũng là nguyên nhân dẫn tới hàng loạt những khó khăn trong việc giải quyết các vấn đề tại địa phương”. Ông Cường cho biết thêm: “Xã có 11 công an viên thì đến quá nửa ở độ tuổi trên 60. Đã vậy, có thời điểm trong chưa đầy ba tháng, liền một lúc, có tới năm lá đơn xin nghỉ công tác, mỗi lá đơn một lý do xem ra đều hợp tình hợp lý cả”. Nói rồi ông nhìn tôi cười mỉm, thoáng trong nụ cười có gì xót xa, bất đắc dĩ lắm.

Khi nào thì người dân vùng nông thôn không phải đi kiếm sống từ những thành phố xa? Và đến khi nào họ an tâm ở lại quê nhà lao động để vực dậy kinh tế nông thôn thì vẫn là một bài toán chứa nhiều ẩn số. Các cấp, ngành đang triển khai thực hiện mô hình “xây dựng nông thôn mới” với mục tiêu xây dựng chất lượng sống ở vùng nông thôn. Tuy nhiên, việc này sẽ rất khó khăn nếu như không có cách “níu chân” và giảm áp lực ly hương.