“Lộc vàng” của biển

Mặt trời nhú lên, tỏa nắng ban mai ấm áp hòa quyện vào dòng người tươi vui đang thu hoạch hải sâm cát trong những ngày cuối năm tại biển Sa Huỳnh (Đức Phổ, Quảng Ngãi). Tiếng cười vui của bà con khi thu hoạch trúng lớn những mẻ hải sâm nuôi đầu tiên như “lộc vàng” của biển khiến không khí càng thêm nhộn nhịp như mùa xuân đang về.

Các hộ dân tại thôn Tân Diêm (xã Phổ Thạnh, Đức Phổ, Quảng Ngãi) phân loại, sơ chế hải sâm.
Các hộ dân tại thôn Tân Diêm (xã Phổ Thạnh, Đức Phổ, Quảng Ngãi) phân loại, sơ chế hải sâm.

Làm sống lại những ruộng muối hoang

Là một trong những tỉnh ven biển miền trung có thế mạnh về kinh tế biển, hằng năm, sản lượng khai thác hải sản các loại của Quảng Ngãi lên đến hàng nghìn tấn. Riêng vùng biển Sa Huỳnh, ngoài nguồn lợi thủy sản rất phong phú, còn sở hữu diện tích ruộng muối tự nhiên khá lớn. Tuy nhiên, những năm gần đây do sản xuất muối không mang lại hiệu quả, nhiều ruộng muối bỏ hoang nên người dân hiện nay đã cải tạo lại cánh đồng đầu tư làm hồ chuyển sang nuôi hải sâm cát, bước đầu cho thu nhập khá cao.

Theo Giám đốc điều hành Công ty TNHH hải sâm Việt Nam Vũ Ngọc Tuyến, sau ba năm nghiên cứu, khảo sát cánh đồng muối Sa Huỳnh và những hồ nuôi tôm trên cát bị ô nhiễm, bỏ hoang dọc ven biển tại tỉnh Quảng Ngãi, công ty đã kết hợp Viện nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản III - Khánh Hòa tiến hành thử nghiệm các yếu tố kỹ thuật nuôi trồng hải sản như: độ mặn của nước biển, thức ăn cho hải sâm cũng như thời tiết, khí hậu và điều kiện các hồ nuôi phải bảo đảm yếu tố môi trường cho hải sâm phát triển… Khi bắt đầu triển khai mô hình này tại Quảng Ngãi gặp rất khó khăn. Tuy nhiên, sau khi tiến hành khảo sát, thí điểm mô hình “lộc vàng trên biển” tại Quảng Ngãi đã mang lại lợi ích thiết thực nên thu hút được nhiều hộ dân tham gia. Từ năm 2018 đến nay, tại thôn Tân Diêm (xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ) đã có hàng chục hộ dân đầu tư cải tạo lại cánh đồng muối Sa Huỳnh và hồ nuôi tôm bị ô nhiễm chuyển sang nuôi hải sâm cát với diện tích trên hàng chục ha. Sau đó, diện tích chuyển đổi mở rộng ra các xã Đức Phong, Đức Minh… Và trong năm 2019, huyện Mộ Đức đã tăng gấp đôi diện tích nuôi hải sâm cát, bước đầu nhiều gia đình đã có thu nhập cao, cuộc sống ổn định…

Thực tế, triển khai mô hình này, Công ty TNHH hải sâm Việt Nam đã cung cấp giống, hỗ trợ kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm đầu ra. Cán bộ kỹ thuật của công ty xuống kiểm tra trực tiếp, theo dõi quá trình sinh trưởng và phát triển của hải sâm. Ở các vùng khác nuôi phải trung bình tám tháng mới được thu hoạch, nhưng ở vùng muối Sa Huỳnh chỉ sáu tháng đã đạt tiêu chuẩn để thu hoạch và được thị trường tiêu thụ nhanh...

Cũng theo ông Vũ Ngọc Tuyến, mô hình nuôi hải sâm tại Sa Huỳnh thả giống trong ao nuôi được dẫn nước trực tiếp từ ngoài biển vào và không qua bất kỳ một bước xử lý hóa học nào. Hải sâm là loài khó gây giống, nhưng lại rất dễ nuôi. Bà con chỉ cần thường xuyên thay nước cho ao nuôi mà không tốn chi phí thức ăn như các vật nuôi khác. Quá trình nuôi cũng chưa phát hiện dịch bệnh gây hại cho hải sâm. Hải sâm là loài động vật sống dưới đáy ao, có đặc tính ăn đáy, ăn những chất thải hữu cơ ở đáy ao. Về hiệu quả kinh tế với 1 ha ao nuôi, trong thời gian từ sáu đến tám tháng, có thể mang lại cho nông dân thu nhập từ 250 - 350 triệu đồng. Khi thu hoạch, công ty cam kết thu mua toàn bộ sản lượng hải sâm cho bà con. Vì thế, bà con hoàn toàn có thể yên tâm khi hợp tác nuôi hải sâm với công ty. Hiện công ty có đầu ra ổn định xuất khẩu đi các nước châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc…

Đi thăm vùng nuôi hải sâm cát tại Sa Huỳnh, chúng tôi ghi nhận sự chuyển đổi ngành nghề đúng hướng của bà con diêm dân. Với hàng chục ha ruộng muối sản xuất thất thu, nay chuyển nuôi hải sâm cát với giá trị gia tăng cao, bà con đang trúng “lộc vàng của biển”.

Ông Lê Thành Công, một diêm dân có kinh nghiệm ở xã Phổ Thạnh cho biết, không nói thì ai cũng biết nghề làm muối vốn cơ cực, long đong. Rủi ro do thời tiết, rủi ro về giá cả thị trường là mối lo thường trực làm cho hạt muối không nuôi nổi người dân, đã khiến cho nhiều người phải đi nơi khác kiếm kế sinh nhai. Hiện nay nguồn nước làm muối ở khu vực này đã bị ô nhiễm nặng do ảnh hưởng từ cảng cá Sa Huỳnh và hoạt động của hơn 20 nhà máy chế biến thủy sản tại địa phương. Cho nên việc cải tạo lại đồng muối đưa vào nuôi hải sâm là hợp nguyện vọng của bà con nơi đây.

Đứng cạnh một hồ nuôi hải sâm, ông Nguyễn Văn Biển (thôn Tân Diêm, xã Phổ Thạnh), một người đàn ông da ngăm đen, vạm vỡ đang ngâm mình dưới nước chuyển từng thúng hải sâm lên bờ vui vẻ nói với chúng tôi: Vụ này nuôi hải sâm khá thuận lợi, chỉ mới thả sáu tháng mà đã cho thu hoạch với hiệu quả kinh tế rõ rệt. Vừa rồi, gia đình nuôi khoảng 1 ha hải sâm đã thu nhập gần 350 triệu đồng, tăng gấp nhiều lần so làm muối trước đây. Gia đình tôi sẽ tiếp tục đầu tư vốn mở rộng diện tích nuôi hải sâm cát.

Chờ những mùa xuân mới

Chiều muộn, gió se lạnh trong những ngày cuối năm, chia tay bà con ven biển Sa Huỳnh, chúng tôi trở lại vùng cát trắng xã Đức Phong (huyện Mộ Đức), nơi đã từng mệnh danh “vua tôm trên cát”. Thế nhưng, bây giờ vùng cát này không còn là “vua tôm” nữa mà thay vào đó là những hồ nuôi hải sâm cát có giá trị kinh tế cao. Hiện nay nhiều gia đình mạnh dạn vay vốn đầu tư phát triển mạnh hải sâm cát. Có hộ đã bỏ ra hàng chục, hàng trăm triệu đồng để cải tạo và mở rộng hồ nuôi hải sâm. Đứng nơi đây, chúng tôi đang nghe những âm thanh của những chiếc máy sục khí lại vang lên. Hàng chục hồ trên cát được cải tạo, che lưới, xử lý kỹ thuật ao nuôi và môi trường nước để thả hải sâm cát.

Nông dân Nguyễn Khánh Toàn, ở thôn Thạch Thang, xã Đức Phong đang bắt đầu với công việc mới sau nhiều năm bỏ hồ vì nuôi tôm thất bại chia sẻ, khác với nuôi tôm phải đóng giếng khoan, lấy nước ngầm rồi đem trung hòa với nước biển, việc nuôi hải sâm cát chỉ lấy nguồn nước biển bơm từ ngoài biển vào hồ. Bà con nơi đây đang khá háo hức với mô hình nuôi hải sâm cát là mô hình mới nằm trong chương trình khuyến nông của huyện Mộ Đức.

Từ năm 2018, huyện đã đầu tư kinh phí khá lớn và chọn bốn nhóm hộ nuôi trên diện tích mặt hồ rộng 4.000 m2, mật độ thả nuôi 2.500 - 3.000 con hải sâm/m². Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Mộ Đức Vũ Nhân, mô hình này đã thành công, hiện nay huyện đang nhân rộng diện tích trên địa bàn các xã ven biển. Huyện cũng đã đặt chủ động phối hợp đơn vị thu mua sản phẩm ký kết hợp đồng một cách bền vững và bao tiêu sản phẩm để nông dân yên tâm nuôi trồng thủy sản...

TS Nguyễn Đình Quang Duy (Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản III - Khánh Hòa) cho biết: Từ năm 2012, Viện đã nghiên cứu thành công quy trình sinh sản nhân tạo hải sâm cát và bắt đầu chuyển giao công nghệ sản xuất giống để nuôi thương phẩm đối tượng này ở các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ. Gần đây, đưa thí điểm dự án đầu tiên hải sâm được nuôi tại Quảng Ngãi và cũng là lần đầu tiên thực hiện mô hình “bốn nhà”, gồm: Nhà nước, nhà nông, nhà khoa học và nhà đầu tư đã mang lại thành công bước đầu. Hiện hải sâm cát tự nhiên ở Việt Nam đã bị khai thác cạn kiệt và ngày càng khan hiếm… Nhu cầu thị trường trong nước rất lớn, trong khi thị trường xuất khẩu, đặc biệt là thị trường các nước như: Trung Quốc, Nhật Bản, Hồng Kông, Đài Loan, Singapore… đang rất cần loại hải sâm cát. Hiện nay, giá thu mua hải sâm khô ổn định ở mức trên 100 đến 200 USD/kg. Vì vậy, đây là mô hình cần được nhân rộng trong thời gian tới nhằm giúp người dân vùng ven biển Quảng Ngãi sớm thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

Hiện nay, tỉnh Quảng Ngãi đang kết hợp Công ty TNHH hải sâm Việt Nam phát triển mạnh nuôi hải sâm cát, đây là “lộc vàng” của biển, tạo bước chuyển đổi ngành nghề tại địa phương có hiệu quả. Công ty TNHH hải sâm Việt Nam đã được đối tác nước ngoài ký thỏa thuận mua 300 tấn hải sâm tươi trong năm 2019 và 700 tấn hải sâm vào năm 2020. Do đó, công ty đã xin lập dự án đầu tư sản xuất giống, nuôi trồng, chế biến hải sâm kết hợp du lịch dịch vụ liên quan đến hải sâm và nông nghiệp theo lộ trình: Năm 2019, tỉnh Quảng Ngãi đã nuôi hải sâm cát 150 ha, đầu tư hệ thống ươm giống tại xã Phổ Thạnh để cung cấp giống tại chỗ và cung cấp ra nơi khác. Năm 2020 nuôi 500 ha hải sâm cát trên toàn tỉnh và bắt đầu tổ chức dịch vụ du lịch trải nghiệm nông nghiệp.

Sắc xuân đang về trên khắp miền đất Quảng.

Hy vọng chất xúc tác từ việc mạnh dạn làm sống lại những cánh đồng muối bỏ hoang, những đầm tôm ô nhiễm bằng mô hình nuôi hải sâm cát kết hợp làm dịch vụ du lịch trải nghiệm sẽ đem lại những lợi ích đáng kể cho người dân trên quê hương Quảng Ngãi.

Hải sâm cát (tên khoa học là Holothuria Scabra) rất phù hợp điều kiện nuôi trồng thủy sản ở Việt Nam. Đây là loài thủy sản thân mềm, sống ở vùng nước nông ven biển, có giá trị dinh dưỡng cao, được xem là “thần dược của biển”.