Làm khổ nhau vì ý nghĩ lạc hậu

Đi qua nhiều thăng trầm, hầu hết các buôn làng ở Tây Nguyên bền bỉ xây dựng cuộc sống ấm no. Nhưng, hút sâu trong những ruộng rẫy bao la mầu xanh thẳm vẫn còn nhiều người chưa cởi bỏ hẳn ý nghĩ lạc hậu, biến những chuyện vụn vặt thành mâu thuẫn, thù hận. Có người tự đầy đọa mình vào chốn rừng sâu, gánh nặng lo âu đè thêm lên người thân.

Những suy nghĩ cổ hủ, lạc hậu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng bất hòa giữa những người dân ở xã Bờ Ngoong.
Những suy nghĩ cổ hủ, lạc hậu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng bất hòa giữa những người dân ở xã Bờ Ngoong.

Sứt mẻ tình nghĩa xóm làng

Rúm người đứng trên chính mảnh đất bao đời mình đã sinh sống, làm lụng, ông Đinh Breo (làng Puih Jri, xã Bờ Ngoong, huyện Chư Sê, Gia Lai) lấm lét, lớ ngớ, rụt rè như thể mình vừa gây ra tội ác gì ghê gớm lắm! Trôi trong những hoài niệm, ông Breo bảo: Mình cứ đầu tắt mặt tối trên ruộng rẫy, không thích xem tivi, ít nghe đài thành ra ý nghĩ cứ phải như người xa xưa mới là đúng. Nghĩ mới mẻ đi thấy lạ lẫm quá!

Nguồn cơn nỗi sợ hãi của ông Breo bắt đầu từ việc thấy chiếc bờ nhỏ phân định ruộng lúa nhà mình với hàng xóm là ông Đinh Bê và bà Đinh H’Ngloch đã bị nước làm xẹp đi nên tự ông Breo đóng cọc thay cho đắp bờ mà không báo với làng, với gia đình ông Bê. Biết tin, ông Bê kéo cả làng ra bắt ông Breo nhận lỗi vì tự ý cắm cọc và phải làm thịt một con heo to cúng Yàng (trời). Ngỡ mọi việc đã xong, ông Breo hồ hởi nối lại tình xóm giềng nhưng bỗng bà H’Ngloch đau bụng âm ỉ. Trong đầu ông Bê và người thân sục sôi ý nghĩ chính ông Breo đã yểm, đã bỏ “thuốc thư”, “ám khí” khiến bà H’Ngloch lâm bệnh. Nếu ông Breo không giải thuốc thì bị đánh đuổi khỏi làng. Sợ bị đòn, ông Breo phải dắt díu gia đình cùng đàn bò vào tận rừng sâu để tá túc trong nhà người quen. Mỗi lần về thăm nhà, ông Breo lại phải chạy hộc tốc vì ai thấy cũng chỉ trỏ, quát tháo.

Cũng bỗng nhiên bị hàng xóm ụp lên đầu bao nhiêu thứ lạc hậu, không có thật nên gia đình bà Kpă Hling (làng Kênh Siêu, xã Chư Pơng, Chư Sê) phải bỏ làng ra đi trong nỗi tiếc nuối quặn thắt, nhiều đêm nhớ làng, nhớ người thân quen đến quay cuồng cũng không dám về. Mọi việc cũng chỉ bắt nguồn từ mâu thuẫn nhỏ trong đất đai với ông Hlơi. Dẫu đã hòa giải xong nhưng đầu năm 2019, một số người thân ho thốc tháo, ông Hlơi xông thẳng đến nhà bà Hling và trút xuống cơn giận dữ, khăng khăng đổ tội cho bà Hlinh đã bỏ “ám khí”, “thuốc thư” cho người thân ông ngã bệnh. Không chịu nổi áp lực, bà Hling phải ngậm ngùi rời làng.

Nhìn những cánh đồng mênh mông, mùi khói bếp quyện trong sương chiều, bà Hling thổn thức: Tình nghĩa xóm làng tồn tại đời nọ nối tiếp đời kia giờ thành ra lạnh nhạt, thấy nhau là phải tránh. Chỉ mong ông Hlơi sớm xóa đi ý nghĩ lạc hậu trong đầu mình.

Sinh ra không may mắn như người khác, phải gánh trên mình dị tật ở chân nên anh Đinh Hậu ở Ia Blang (huyện Chư Sê) phải đi tập tễnh mỗi ngày hàng chục km lên rẫy. Quãng đường ấy giờ lại thêm xa khi ông Đinh Bốt làm nghề bán hàng xén, mỗi lần ế ẩm lại đổ tội cho Đinh Hậu đi qua và ám sự không may mắn ở lại. Từ đó, Hậu phải đi đường vòng qua làng để lên rẫy.

Lại còn chuyện đau lòng này nữa. Một thời gian dài đã trôi qua, nhưng đến nay họ hàng nhà ông Đinh Khot và Đinh Pot (ở làng Ring Răng, xã Dun, huyện Chư Sê) vẫn lướt qua nhau như những người xa lạ dẫu đi chung trên một con đường làng. Vài lần trong cơn say, ông Khot lời qua tiếng lại với Pot. Khi ông Pot phềnh bụng lên, người xanh như tàu lá rồi tử vong vì xơ gan cổ trướng thì người thân ông Pot áp tội cho ông Đinh Khot đã bỏ “khí độc”, “thuốc thư” khiến ông Pot chết. Trong sự u mê và kích động, người thân nhà Đinh Pót đã đánh ông Đinh Khot tử vong.

Thêm phần cơ cực

Lặn lội qua nhiều buôn làng, xuyên qua nhiều cánh rừng để vận động người dân từ bỏ ý nghĩ lạc hậu, bà Nguyễn Thị Trang Thanh, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã Bờ Ngoong chia sẻ: Vùng này hầu hết là đồng bào dân tộc thiểu số (chủ yếu người Ba Na). Khi các mâu thuẫn xảy ra chỉ làm cho nhau thêm phần cơ cực. Chúng tôi phải ăn chung, ở chung để nói nhiều, phân tích nhiều nhưng cũng chưa thấm hết được.

Kéo ống quần xỉn mầu bùn đất, ông Breo chỉ vào đôi chân chi chít sẹo, gót chân nứt toác, ngậm ngùi: Nào mình có muốn chốn lủi đi nơi khác đâu. Vừa khổ, vừa thiếu thốn. Nhiều đêm không ngủ nổi ở chỗ lạ, nhớ nhà lắm! Có lần thấy người nhà ông Đinh Bê định làm lành, hàn huyên, giải thích nhưng sợ mà cũng không biết bắt đầu từ đâu. Từ ngày phải bỏ làng, cơm ăn bữa no, bữa đói.

Nỗi ám ảnh của ông Breo chỉ được xóa dần đi khi tận mắt thấy kết quả của Trung tâm y tế huyện Chư Sê chứng minh bà Đinh H’Ngloch đau bụng là do viêm dạ dày nặng chứ hoàn toàn không phải “khí ám” hay “thuốc thư” gì cả. Được giải thích khoa học, cặn kẽ nhưng mà Đinh H’Ngloch vẫn phân vân, mơ hồ và luôn nhìn ông Breo bằng ánh mắt đầy căm giận khi tiếng của… thầy bói Blem vẫn văng vẳng bên tai rằng “mọi đau bệnh của con là do hàng xóm bỏ “thuốc thư”, “khí độc”.

Mấy lần chẳng kịp chạy về nhà vét đống bắp (ngô) do trời mưa, ông Đinh Chao họ hàng ông Khot cũng chỉ biết cắn răng chịu đựng. Ông Chao bộc bạch: Mình phải đi đường khác, không chung đường với phía nhà Đinh Pot nên về nhà chậm. Nếu lúc mưa mà giận lên lại bùng phát thêm mâu thuẫn.

Trăn trở trước những điều mắt thấy, tai nghe, ông Đinh Khanh, Phó Chủ tịch HĐND xã Bờ Ngoong tâm tình: Mình cũng là người con của đồng bào Ba Na nên cũng liên tục khuyên giải. Khi xảy ra các mâu thuẫn hay thù oán nhau thì cả hai bên đều khổ cả. Không khổ về thể xác thì khổ trong tâm tưởng thôi.

Giải bài toán tư tưởng

Muốn thay đổi được nếp nghĩ lạc hậu của nhiều người trong các buôn làng thì phải giải được bài toán tư tưởng. Ông Đỗ Văn Mạch, Chủ tịch UBND xã Bờ Ngoong khẳng định: Năm 2019 này nổi cộm nhất là chỗ ông Breo. Vấn đề cứ mâu thuẫn với hàng xóm rồi khi bị đau ốm, bệnh tật nghĩ là bị bỏ “khí độc”, “thuốc thư” có giảm mạnh nhưng vẫn còn, nhiều xã còn. Điều này đã ăn sâu vào tư tưởng bao nhiêu đời rồi nên phải xóa từ từ. Phải linh hoạt nếu không bà con khó tiếp nhận. Như trường hợp ông Breo với Đinh Bê, xã phải huy động nhiều thành phần thay nhau lý giải bằng đủ mọi cách. Sau đó còn kéo đến các buôn làng khác để phân tích. Khi được chính quyền đứng ra hóa giải mâu thuẫn, trong lòng những người bị đổ tội như ông Breo vẫn thấy sợ và tự cô lập mình. Nên phải động viên nhiều tháng, xem đây là hoạt động thường xuyên, không thì rất khó.

Bà Nguyễn Thị Trang Thanh, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã Bờ Ngoong chia sẻ thêm: Từ giữa năm 2019 đến nay, chúng tôi vận động bà con bài trừ lạc hậu rất ráo riết. Dù có khó đến mấy cũng phải quyết tâm bài trừ tư tưởng lạc hậu của các buôn làng. Khi có bất cứ sự thù hận, mâu thuẫn nào xảy ra là huy động cả y tế, công an, già làng, đoàn thể… cùng xuống phân tích, vận động. Chỉ có như vậy mới mong sớm có kết quả. Hiện nay, một số tục lệ lạc hậu như: Cúng Yàng xin khỏi bệnh, xin bùa để chữa bệnh… đã được bãi bỏ. Khi có bệnh, các nhân viên y tế xuống tận nhà, tận buôn để chứng minh không phải do “thuốc thư”, “khí độc”. Bên cạnh đó, vận động từng người tham gia bảo hiểm y tế để bảo đảm sức khỏe cho mình.

Vỡ òa hạnh phúc sau khi đả thông tư tưởng được cho hàng chục người dân, Nguyễn Thị Lệ (nhân viên y tế thôn bản ở Chư Sê) bộc bạch: Mình phải lăn xả vào, xem người bệnh như người thân và dùng chính các biện pháp y học để chữa khỏi là họ tin ngay, không còn nghi ngờ người khác bỏ độc hay “thuốc thư” nữa. Các đoàn công tác phải có thêm cán bộ y tế làm nòng cốt để nắm bắt bệnh tật, người nào cổ hủ muốn tin thầy cúng thì chính quyền địa phương đứng ra bảo đảm cho thầy thuốc đến nhà chữa, thế là ý nghĩ họ chuyển biến ngay. Cùng với đó, phải kiểm soát chặt chẽ hoạt động của các thầy bói, thầy cúng, không để tình trạng mê tín dị đoan lan truyền, gây tác động tiêu cực đến đời sống người dân.