Lá chắn thép trên tuyến đầu chống dịch

Những ngày này, cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Điện Biên đang dồn sức, nỗ lực cùng chính quyền, người dân địa phương trong cuộc chiến phòng, chống dịch Covid-19. Với bà con ở cực tây Tổ quốc, các anh được ví như những “lá chắn thép” trên tuyến đầu chống dịch…

Bộ đội Biên phòng Đồn Nậm Nhừ kiểm tra thân nhiệt cho nhân dân trên biên giới.
Bộ đội Biên phòng Đồn Nậm Nhừ kiểm tra thân nhiệt cho nhân dân trên biên giới.

Ngày thường ở chốt

Trên đường đưa chúng tôi lên chốt ở mốc 43, Trung tá Đặng Văn Hạnh, Đồn trưởng Biên phòng Nậm Nhừ, cho biết, chốt này mới được thành lập từ ngày 24-2 theo chỉ đạo của Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh để kiểm soát, ngăn người dân hai bên không qua lại biên giới; đồng thời kết hợp tuyên truyền, vận động bà con thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch. Chốt có năm người, gồm: BĐBP, công an huyện, dân quân xã và một cán bộ trung tâm y tế huyện; anh em thuộc chốt phải trực 100% quân số 24/24 giờ, bảo đảm không người nào qua địa bàn mà không nắm được.

Đồng hồ điểm 22 giờ cũng vừa lúc đoàn chúng tôi đến chốt 43. Trong nhà bạt chừng 10 m² là nơi làm việc, ăn, nghỉ của cán bộ, chiến sĩ canh chốt, chỉ có vài vật dụng đủ cho năm người năm cái, như: bát, đĩa, chén nước và hai cái nồi được xếp gọn gàng. Hằng ngày, anh em đều phân lịch trực tại chốt, đi tuần trên đường biên. Cùng với đó, họ còn thay nhau đến từng nhà của bà con dân bản Nậm Nhừ 3 kiểm tra thân nhiệt, nhắc nhở bà con dùng nước sát khuẩn và vệ sinh nhà cửa, quần áo.

Với các gia đình có người đi làm việc ở các địa phương khác thì anh em tại chốt đã để lại điện thoại để gia đình họ chủ động báo tin ngay khi người thân trở về. Với những trường hợp như thế, dù là nửa đêm hay sáng sớm tinh mơ, anh em đều lập tức đến để cập nhật thông tin, kiểm tra sức khỏe và chuyển người đi cách ly khi thấy cần. Từ khi thành lập chốt đến nay, đội đã khám, tư vấn sức khỏe cho hơn 1.000 lượt người; tuyên truyền, hướng dẫn 1.500 lượt người cách nhận biết các biểu hiện bệnh và yêu cầu 26 người cách ly tại nhà, cách ly tập trung theo quy định. Đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn hai xã do đồn quản lý là Nậm Nhừ, Na Cô Sa chưa phát hiện trường hợp nào nghi nhiễm, bà con đều có ý thức hợp tác tốt với bộ đội phòng dịch.

Nghe những việc Thượng úy Lỳ Sàng Phạ thông tin khiến tôi nhớ chuyến công tác tại trạm kiểm soát biên phòng A Pa Chải trên xã Sín Thầu tuần trước. Biên giới tháng 3, oi nồng và khô khát, trong lều bạt nóng hầm hập như rang nhưng vì nhiệm vụ các anh vẫn ngày ngày bám chốt. Nhà nào có người đau, người mệt các anh lại vượt rừng đến tận giường thăm khám, động viên mà quên đi những gian khó mỗi ngày. Điểm qua những thiếu thốn, vất vả của anh em trên trạm như là nước ăn, nước uống phải đi chở cách vài cây số; rau dưa phải đếm cây ăn dè.

Theo Đại úy Lò Văn Điện, khó khăn nhất là những ngày đầu đi tuyên truyền và phát khẩu trang để phòng, chống dịch bệnh. Đã hướng dẫn cách đeo, dặn từng người cách giữ gìn khẩu trang, vậy mà chỉ một lúc bà con lại giật ngoéo dây ra, để… thở. Có cụ ông còn đem khẩu trang ra tận trạm và bảo “bịt cái mồm lại bố khó thở quá, trả lại bộ đội này”! Trước tình huống “dở khóc dở cười” ấy, anh em lại nhẹ nhàng giảng giải để ông cụ và bà con hiểu, đeo khẩu trang là quan trọng để phòng bệnh. Nhờ kiên trì thuyết phục, hướng dẫn của BĐBP, đến nay bà con các xã: Sín Thầu, Sen Thượng, Leng Su Sìn… đã hiểu sự nguy hiểm của dịch bệnh và ai cũng tuân thủ quy định đeo khẩu trang khi ra ngoài, tiếp xúc với người khác. “Riêng tại xã Sín Thầu, anh em đã phát hơn 3.700 khẩu trang và hàng nghìn bánh xà-phòng mà vẫn thiếu. Trên này xa xôi cách trở, người có tiền cũng không mua được chứ nói gì nghèo khó như bà con…!” - Thiếu tá Trần Bá Liên nói như nỗi niềm đang đè nặng!

Đón người lúc nửa đêm

Là việc mà nhiều đêm rồi cán bộ, chiến sĩ biên phòng Điện Biên đã thực hiện với trách nhiệm cao nhất, để mọi công dân từ Lào trở về qua Cửa khẩu Quốc tế Tây Trang đều cảm thấy an lòng, nhất là trong những ngày thông tin về dịch cứ nóng lên từng giờ.

Bảo đảm cho mọi người đều có chỗ nghỉ chờ làm các thủ tục nhập cảnh, khai báo y tế, kiểm tra thân nhiệt, Bộ Chỉ huy BĐBP Điện Biên đã thành lập một trạm cách ly tạm thời trên Cửa khẩu Tây Trang đủ khả năng tiếp nhận cùng lúc hơn trăm người. Cùng với đó, Bộ Chỉ huy còn điều động một số cán bộ trẻ các phòng, ban tăng cường lên cửa khẩu làm thủ tục nhập cảnh, đón tiếp, hướng dẫn người dân trong khu cách ly tạm thời.

Tính từ đêm 18-3 đến nay, BĐBP và các lực lượng phối hợp: hải quan, y tế tại cửa khẩu đã làm thủ tục nhập cảnh, kiểm tra thân nhiệt cho 760 công dân từ Lào về. Cao điểm nhất là sau khi có thông báo của UBND tỉnh Điện Biên tạm dừng hoạt động các cửa khẩu chính, cửa khẩu phụ trên biên giới Việt Nam - Lào kể từ ngày 19-3 thì bà con trở về dồn dập; nhiều gia đình đem theo cả trẻ nhỏ, cha mẹ già. Tuy nhiên, trước sự đón tiếp khẩn trương, trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ BĐBP và các lực lượng ở đây, mọi người đều yên tâm. Bà Lường Thị Ín, ở xã Pom Lót, huyện Điện Biên, cho biết: Trước khi ở Lào về tôi cũng khá hoang mang, lo lắng, song khi về tới đất quê mình thì hoàn toàn yên tâm. Được cán bộ tiếp đón ân cần, được kiểm tra thân nhiệt, được phát khẩu trang và nước rửa tay phòng bệnh, tôi không còn lo lắng gì nữa. Tại Cửa khẩu Tây Trang, BĐBP cũng giải thích cho mọi người hiểu rõ việc cách ly tập trung 14 ngày là quy định của Chính phủ nhằm bảo đảm cho công tác phòng, chống dịch, an toàn cho bản thân và cộng đồng nên chúng tôi hiểu và nghiêm túc chấp hành chứ không ai phản ứng gì đâu!

“Dồn lực cho tuyến đầu phòng dịch”

Tại các cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Điện Biên trong thời gian vừa qua, Thượng tá Trần Nam Trung, Chỉ huy trưởng BĐBP Điện Biên từng nhấn mạnh phải ưu tiên công tác phòng dịch của BĐBP. Bởi vậy, ngoài nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát tại cửa khẩu, lối mở và đường mòn trên biên giới, với nhiệm vụ phòng dịch đặt ra, từ cuối tháng 2-2020 Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã chủ trì, thành lập 41 tổ chốt chặn phòng, chống dịch với 250 người thường trực 24/24 giờ để ngăn chặn công dân xuất, nhập cảnh trái phép; kiểm tra, theo dõi sức khỏe thường xuyên cho bà con các dân tộc thiểu số trong khu vực giáp biên. Bằng nỗ lực, trách nhiệm, những ngày qua hàng trăm cán bộ, chiến sĩ BĐBP Điện Biên còn rà từng nhà ở khắp các bản thuộc 29 xã biên giới để nắm tình hình người đi làm việc ở nước ngoài và các tỉnh miền xuôi.

Bà con các dân tộc thiểu số ở biên giới tỉnh Điện Biên đã vì cảm mến tấm lòng, việc làm và những hy sinh của BĐBP mà ngày càng hợp tác tốt hơn trong công tác phòng, chống dịch. Ở mốc 43, Trưởng bản Nậm Nhừ 3 - Vàng A Sì, đã nói: “Bộ đội vì dân phải ngủ trong lán, ăn giữa rừng; nước nôi không có, cái gì cũng không có vậy mà bộ đội vẫn ngày ngày đi khám bệnh, giúp đỡ dân trong bản...”.

Hiểu rõ khuyến cáo nguy hiểm của dịch bệnh mà BĐBP cung cấp, nhiều người dân tộc H’Mông, Dao, Hà Nhì... ở vùng biên đã góp sức tuyên truyền, vận động con cháu trong dòng họ nghiêm túc chấp hành Luật Biên giới; thường xuyên rửa tay bằng cồn, xà-phòng và đeo khẩu trang khi giao tiếp như cách cán bộ biên phòng hướng dẫn để phòng bệnh cho bản thân, gia đình và bản làng. Có gia đình ở xã Nậm Nhừ đã chuẩn bị xong cỗ cưới con nhưng khi nghe BĐBP giải thích đã tự nguyện hoãn đám cưới và xin với chính quyền “cho hai cháu làm trước thủ tục đăng ký kết hôn, còn tiệc cưới khi nào hết dịch mới làm”.