Lý Sơn:

Khi ngư dân làm du lịch

Khi đảo Lý Sơn là điểm đến của du lịch, cả đảo “xắn tay áo phục vụ”. Từ lão nông, ngư dân đến phụ nữ buôn gánh bán bưng ven biển cũng “nhập vai mới”.

Có nhiều thắng cảnh độc đáo và bề dày truyền thống văn hóa, đảo Lý Sơn là điểm đến hấp dẫn.
Có nhiều thắng cảnh độc đáo và bề dày truyền thống văn hóa, đảo Lý Sơn là điểm đến hấp dẫn.

Chủ nhà nghỉ kiêm “hòa giải viên”

Cẩm Nhung tung tẩy xách túi mận từ trong nhà ra mời khách. Trái cây xứ đảo không nhiều, cứ khách quý sẽ được mời những cây trái, sản vật đặc trưng vùng cát trắng. Mận giữa mùa vẫn có vị ngọt thanh lẫn chát đậm phảng phất mùi san hô. Dáng người thấp đậm, làn da cháy xạm bởi cát nắng vẫn không làm nụ cười Cẩm Nhung bớt tươi. Sau vài năm buôn bán ven biển, khi đảo Lý Sơn ồ ạt khách thập phương, vợ chồng Nhung quyết định đầu tư nhà nghỉ. Từ cô gái nhà nông hành tỏi, bán buôn bờ biển, loáng cái Nhung trở thành bà chủ trẻ.

“Thâm niên” 5 năm đón khách của Nhung cũng lắm công phu, hài hước. Hai năm trước, nhà nghỉ Dung đón đôi vợ chồng du khách trẻ. Sau một ngày rong chơi đến chiều tối, vợ chồng du khách cãi vã, to tiếng. Sau một hồi yên ắng Nhung định bụng chắc ổn rồi. Một lúc sau, anh chồng chạy xộc vào bếp “Chị ơi thấy vợ em đâu không”. Cả vợ chồng Nhung đều ngẩn mặt, tròn mắt lắc đầu. Vị khách hốt hoảng “Lúc nãy cãi nhau một hồi vợ em ra ngoài, em tìm nãy giờ không thấy. Điện thoại cũng không được”. Sau phút bần thần cả ba chia lối đi tìm.

Lân chồng Nhung dọc theo bờ biển thoáng thấy bóng dáng cô gái trẻ men chân “đi về phía biển”. Mỗi lúc cô gái càng đi xa bờ, nước ngập ngang người. Nhìn bóng dáng đúng như miêu tả, Lân sải vội bước chân kéo người vào bờ.

“Ông chồng em lôi cô vợ vào bờ, rồi hai anh em nói chuyện bên mé đá ngoài gành. Ảnh hỏi chuyện rồi cũng phân tích phải trái, thuyết phục cô gái đó bỏ ý nghĩ ra biển. Chắc nhờ kinh nghiệm nhiều trận chiến với em mà ảnh hòa giải thành công”, Nhung cười phá lên.

Phần Nhung, cũng tay phải tay trái phân tích “tâm lý phụ nữ” cho chàng khách trẻ. Sau vài giờ thuyết phục, ca hòa giải thành công, cả vợ chồng Nhung thở phào. “Em sợ quá chừng. May mà hôm đó phát hiện sớm chứ không cô ấy nghĩ quẩn thì không biết sao. Ở cạnh mé biển mà, buồn buồn đi ra đó thì tong luôn. Cho nên vừa phục vụ khách mình cũng trông chừng đủ thứ”, Nhung bật mí ngón nghề sau vài năm làm dịch vụ.

Hờn giận với… du khách

“Khăn mặt mà khách đoàn em lấy lau giày dép. Đền cho anh đi chứ như thế không được”, anh Trần Minh Thắng bực bội lớn tiếng mặc cho hướng dẫn viên du lịch xin bỏ qua. “Được rồi, tôi trả tiền cho cái khăn này, chả đáng bao nhiêu”. Sau cuộc cãi vã, hướng dẫn viên đưa đoàn khách một đi không trở lại. Bài học lớn nhất của anh Thắng khi bước sang nghề mới là không được cãi vã, hờn giận với du khách, hướng dẫn viên du lịch.

Chân ướt chân ráo mới vào nghề, anh đôi lần tranh luận, cãi vã với khách bởi xót công, tiếc của. Ngư dân như anh đầu tư nhà nghỉ, khách sạn vài tỷ đồng làm dịch vụ nhưng không kỹ năng, thiếu kiến thức, kinh nghiệm nên phục vụ du khách theo tinh thần “có sao làm vậy”. Ngư dân đất đảo chất phác, bộc trực cứ “thẳng ruột” bực bội, hờn giận với khách như cơm bữa.

Bao năm buôn bán sát mặt biển, đảo Lý Sơn đổi ngôi thành điểm du lịch nóng, bà Nguyễn Thị Dũ “trở tay” về nhà làm du lịch. Ngay trung tâm cầu cảng Lý Sơn, khách sạn 1.000 m² của gia đình bà đầu tư 11 tỷ đồng với 31 phòng nghỉ. Chưa quen nghề, cả gia đình sáu thành viên đều xắn tay phục vụ du khách, từ sắp xếp phòng ở, ăn, đi lại đều lo trọn gói. Vừa vui vừa có tiền nhưng cũng lắm rắc rối nảy sinh bởi sự không chuyên nghiệp.

Những ngày thường, gia đình bà tự quán xuyến kinh doanh. Lúc lễ, Tết khách ra đảo ồ ạt, bà lại huy động tổng lực bà con, cháu chắt đón khách. Kiểu làm du lịch “gia đình đông vui” khiến gia đình bà Dũ bao phen mếu máo.

Tay phe phẩy quạt giấy bên võng, bà Dũ thủng thẳng kể bài học nhớ đời. Lần đầu tiên đón đoàn khách đông không kịp bố trí phòng ở. Để giải quyết cấp tốc, bà cho chuyển đồ đạc khách cũ ra ngoài, dọn phòng đón khách mới. Thế là cãi nhau. Dù bà giải thích, năn nỉ thế nào gia đình du khách vẫn quay lưng không thông cảm.

“Thì mình có kinh nghiệm gì đâu! Khách cũ thì qua trưa là họ trả phòng vào bờ nên mình nghĩ ưu tiên khách mới, vì họ say tàu cần phòng nghỉ ngơi. Mình chỉ nghĩ đơn giản là ưu tiên người mệt. Thế là khách cũ lẫn mới đều giận tui luôn. Giờ kinh nghiệm rồi, mình có làm thêm phòng trung gian, giải quyết được khoảng trống tàu ra vô”, bà Dũ cười tủm tỉm.

Chân chất tình người

Được ví như “đảo tiên” giữa Biển Đông, Lý Sơn được thiên phú nhiều cảnh đẹp kỳ vĩ và truyền thống văn hóa xứ sở Hùng binh Hoàng Sa trăm năm. Mỗi năm, đảo Lý Sơn đón gần 250 nghìn lượt khách trong nước và quốc tế về với đất đảo. Cả đảo Cù Lao Ré có 121 cơ sở lưu trú đón khách, trong đó hơn một nửa là do cư dân xứ đảo “khởi nghiệp”. Ngành du lịch không khói vượt sóng ra đảo mang bao cơ hội cho cư dân vương quốc tỏi. Trong cơn sốt du lịch, cư dân loay hoay, lúng túng thích nghi với nghề mới. Và sau bao chuyện vui buồn, dí dỏm những ngày đầu khởi nghiệp, những “hướng dẫn viên du lịch đi lên từ tàu thuyền” cũng dần rút ra kinh nghiệm, thích nghi dần với chiếc - áo - mới - du lịch.

“Lần đầu ra đảo mình được bà con đón đưa, giọng nói đầy chất lạ xứ đảo mình thấy vui. Dù chưa chuyên nghiệp nhưng chính cư dân đảo làm thì mình vẫn thích hơn. Mình cảm nhận được cái chân chất, hồn hậu và đôi khi vô tư của bà con”, chị Hương Lan du khách nhiều lần đến Lý Sơn cười thân thiện.

Với phần lớn du khách, chính sự chân chất, hơi thở miền biển xen lẫn chút quê mùa xứ đảo là đặc sản khiến khách du lịch nhớ đến vùng biển cát san hô Lý Sơn. Phát triển du lịch cộng đồng, gìn giữ những giá trị tinh thần về con người đất đảo mộc mạc, thân thiện, mến khách, huyện Lý Sơn cũng bổ sung những kỹ năng, kiến thức cho ngư dân, nông dân làm du lịch, dịch vụ. Sau vài năm phát triển mạnh du lịch, dịch vụ, ngành công nghiệp không khói này chiếm tỷ trọng 22%, mỗi năm mang về gần 280 tỷ đồng cho huyện đảo.

“Du lịch, dịch vụ thật sự thay đổi lớn đến từng làng, từng ngõ gia đình của đảo. Hầu như gia đình nào cũng có người làm du lịch. Chúng tôi vẫn sẽ phát triển du lịch cộng đồng, từ chính bà con cư dân đất đảo. Sự chân chất, tình người của Lý Sơn là giá trị lớn để thu hút nhiều người đến đây tham quan, tìm hiểu thêm về văn hóa, lịch sử năm xưa”, bà Phạm Thị Hương, Phó Chủ tịch UBND huyện đảo Lý Sơn chia sẻ.