Khi khéo dân vận

Song song nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, Sư đoàn 4 (Quân khu 9) còn quản lý hơn 3.000 ha rừng tràm ở vùng Tứ giác Long Xuyên. Địa bàn quản lý rộng, phân tán nên để nắm chắc địa bàn quản lý, xây dựng mối đoàn kết, gắn bó giữa quân và dân ngày càng bền chặt, đơn vị đã phối hợp nhịp nhàng với cấp ủy, chính quyền các địa phương và đa dạng các hình thức trong công tác dân vận.

Cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 10 gia cố tuyến đê bao chống lũ thuộc ấp Thuận Tiến, xã Bình Sơn, huyện Hòn Đất.
Cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 10 gia cố tuyến đê bao chống lũ thuộc ấp Thuận Tiến, xã Bình Sơn, huyện Hòn Đất.

Việc thường xuyên

Những trận mưa dầm đầu mùa làm cho một số tuyến đường liên ấp của xã Bình Sơn (huyện Hòn Đất, Kiên Giang) bị xuống cấp khá nặng. Thế nhưng, mấy hôm nay, chuyện đi lại của người dân nơi đây đã cơ bản được giải quyết. Ông Nguyễn Thanh Đắc ở ấp Thuận Tiến phấn khởi nói: “Hôm rày bộ đội của Sư đoàn 4 về đây tổ chức phát quang, đắp tôn nền và rải đá mặt đường nên bà con đi lại dễ hơn. Ở đây cái gì cũng vậy, làm việc gì cũng đều có bộ đội tham gia”.

Còn nhớ giữa tháng 8-2018, đồng bằng sông Cửu Long nước lũ dâng nhanh bất ngờ. Nhiều hộ dân ở ấp Mẹt Lung, xã Vĩnh Phú, huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang như ngồi trên đống lửa. Chỉ sau một đêm, hơn 6 ha lúa chuẩn bị thu hoạch của gia đình ông Nguyễn Văn Ngân chìm trong biển nước. Xót của, ông Ngân chạy đôn chạy đáo tìm nhân công nhưng ngặt nỗi nhà nào cũng cùng chung cảnh ngộ như ông. Ông Dương Minh Sang, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Phú kể: “Nước lên nhanh quá, bà con không kịp trở tay. Lúa của gia đình ông Ngân cũng như bà con trong xã đều nằm ngoài đê bao. Chúng tôi chỉ còn biết qua nhờ lực lượng bộ đội của Trung đoàn 30, Sư đoàn 4. Anh em chẳng nề hà, ngay trong buổi sáng hôm đó cử hơn 40 cán bộ, chiến sĩ xuống giúp bà con. Do lúa bị ngập sâu trong nước nên việc thu hoạch rất vất vả, khó khăn. Năm ngày ròng rã, 24 ha lúa của người dân được lên bờ. Chẳng những vậy, anh em còn đào đắp gia cố tuyến đê bao kênh K2 đoạn dài hơn 1 km ở ấp Đồng Cơ để ngăn lũ và phụ giúp xây dựng ba cầu dân sinh giúp bà con thông thương thuận lợi hơn trong mùa nước nổi. Thiệt tình là không có bộ đội chúng tôi cũng không biết xoay xở thế nào nữa”.

Trước đó, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 10 cũng đưa lực lượng xuống xã Bình Sơn, huyện Hòn Đất gia cố 76 cống, đập và đắp hơn 7 km đê bao ngăn lũ. Xong rồi quay sang sửa lộ giao thông, bắc cầu tạm, xây cầu bê-tông, sửa chữa nhà dân bị lốc xoáy làm tốc mái, đổ bê-tông khuôn viên Trường tiểu học Bình Sơn 1, khơi thông cống rãnh ở khu dân cư xã Thổ Sơn tránh ngập cục bộ khi mưa dầm, rồi thu hoạch và vận chuyển lúa giúp dân những nơi bị ngập úng... Công việc tuy vất vả, nhưng với cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 4 đó là việc phải làm, phải giúp dân trong lúc thắt ngặt nhất. Và tình cảm chân thành cùng tấm lòng thơm thảo của bộ đội đã làm ấm lòng người dân nơi đây.

Khi khéo dân vận ảnh 1

Cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 30 thu hoạch lúa giúp dân ấp Mẹt Lung, xã Vĩnh Phú, huyện Giang Thành.

Giúp dân cũng là giúp mình

Giúp dân không chỉ ở thời điểm khó khăn mà nó đã trở thành việc làm thường xuyên của cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 4. Thế nhưng cũng có lúc do bị lôi kéo, xúi giục mà một số bà con đã có những hành động tiêu cực. Đại tá Lê Văn Lâm, Chính ủy Sư đoàn 4 cho biết: “Trước đây, một số hộ dân tự ý bao chiếm đất quốc phòng do Sư đoàn đang quản lý. Có thời điểm người dân bị kích động tụ tập đông người gây mất an ninh - trật tự. Sư đoàn đã nhiều lần giải thích, vận động nhưng không thành. Qua trao đổi, thống nhất với Huyện ủy huyện Hòn Đất, hai bên đề ra nhiều biện pháp trong công tác dân vận. Trong đó, Phòng Chính trị Sư đoàn cùng Ban Dân vận Huyện ủy, Bưu điện và Đài Truyền thanh huyện Hòn Đất tích cực phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền, vận động và chú trọng đến công tác an sinh xã hội trên địa bàn”.

Ông Nguyễn Thanh Cần, Phó Trưởng ban Dân vận huyện Hòn Đất nhớ lại: “Ban đầu người dân cũng chưa đồng tình bởi họ cho rằng mình đúng. Chúng tôi đã cùng Phòng Chính trị của Sư đoàn 4 và địa phương tổ chức gần 70 cuộc tuyên truyền với gần 1.700 người dân tham gia. Chủ yếu là giải đáp thắc mắc, phân tích cho bà con thấy việc bao chiếm đất là sai; đồng thời tuyên truyền để người dân nắm rõ chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Mặt khác, lãnh đạo huyện Hòn Đất cùng Sư đoàn 4 cũng gặp gỡ các chức sắc, chức việc các tôn giáo, các vị sư sãi trên địa bàn nhằm tạo sự liên kết chặt chẽ trong vận động giáo dân, phật tử tuân thủ đúng pháp luật. Lực lượng bộ đội của Sư đoàn cũng đẩy mạnh các công tác dân vận thông qua nhiều việc làm cụ thể, thiết thực như giúp dân làm đường giao thông, sửa cầu bị hư hỏng nặng, cất mới nhà dân bị sập do lốc xoáy, vệ sinh khu vực dân cư; ủng hộ hơn 210 triệu đồng vào quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, quỹ “Bảo trợ trẻ em” và bàn giao bảy căn nhà tặng người có công và người nghèo... Sự chăm lo, giúp đỡ cả về vật chất lẫn tinh thần cùng điều hay lẽ phải của bộ đội như “mưa dầm thấm sâu” đã giúp người dân hiểu ra”.

Bà Đặng Thị Hà, xã Bình Sơn, huyện Hòn Đất nói: “Lúc đó tôi chưa hiểu rõ về pháp luật, cứ đòi quyền lợi trong khi bản thân mình tự ý bao chiếm đất của Sư đoàn. Tính tôi cũng cố chấp, nhưng anh em bộ đội rất nhẫn nại, kiên trì. Dần dần tôi cũng hiểu ra và thấy cái sai của mình. Bây giờ bộ đội cũng vui vẻ giúp gia đình tôi việc này việc kia chứ không phiền hà gì hết”.

Có lẽ hơn ai hết, người dân hiểu rõ nỗi vất vả, khó nhọc của người lính đang âm thầm làm nhiệm vụ dưới những tán rừng nơi đây. Điều kiện sống còn nhiều khó khăn, nhưng các anh vẫn luôn giúp đỡ bà con. Dẫu chỉ là chuyện giản đơn hằng ngày, như hướng dẫn cách cải tạo đất phèn trồng rau như thế nào, hay chăn nuôi ra sao cho hợp lý, rồi lợp lại nhà dân bị tốc mái, bắc cầu tạm cho học sinh thuận tiện đến trường, góp tiền hỗ trợ hộ nghèo... Đó là cái tình cái nghĩa giữa quân và dân, tạo nên tình đoàn kết gắn bó lâu dài. Như lời Đại tá Lê Văn Lâm, Chính ủy Sư đoàn 4 chia sẻ: “Mình giúp dân, dân sẽ giúp mình. Dù cho cuộc sống có lúc này, lúc khác, nhưng khi chúng ta biết dựa vào dân, nói dân hiểu, làm để dân tin thì việc có khó khăn mấy cũng sẽ trở nên dễ dàng”.

Nhớ lại những ngày lũ lên đỉnh điểm, Binh nhì Hứa Phú Thiện, Đại đội 1, Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 10 nói: “Chúng tôi làm hầu như không ngơi tay. Bà con đứng ngồi không yên vì tài sản có nguy cơ mất trắng trên đồng ruộng, thấy xót xa lắm”. Bà Trần Thị Liên, ấp Thuận Tiến, xã Bình Sơn xúc động kể: “Sáng ra thăm ruộng, vợ chồng tôi tá hỏa khi hơn 2 ha lúa còn vài ngày nữa là cắt đã chìm sâu trong nước. Nhà nào cũng bị như vậy nên tôi đâu biết nhờ ai. Cũng may có bộ đội chứ không thì hai vợ chồng cố gắng lắm cũng chỉ cắt vớt lên được số ít”.