Hải Dương:

Hy sinh sau 69 năm vẫn chưa được công nhận liệt sĩ

Đã 69 năm trôi qua, kể từ khi chiến sĩ Nguyễn Hữu Phương cùng đồng đội của mình bị địch bắt và giết hại trong quá trình hoạt động cách mạng tại xã Thanh Lang (huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương). Nhưng đến nay, đồng chí Nguyễn Hữu Phương vẫn chưa được công nhận liệt sĩ.

Ông Phạm Văn Ngân, cán bộ văn hóa UBND xã Tân Việt cho biết, sự hy sinh của năm cán bộ cách mạng, trong đó có ông Phương là chứng tích quan trọng trong lịch sử đấu tranh chống Pháp của địa phương.
Ông Phạm Văn Ngân, cán bộ văn hóa UBND xã Tân Việt cho biết, sự hy sinh của năm cán bộ cách mạng, trong đó có ông Phương là chứng tích quan trọng trong lịch sử đấu tranh chống Pháp của địa phương.

Mòn mỏi chờ đợi

Kể cho chúng tôi nghe về câu chuyện mấy mươi năm đi tìm công bằng cho bố mình, ông Nguyễn Hữu Mỹ (sinh năm 1949, thôn Vạn Tuế, xã Tân Việt, tỉnh Hải Dương) không kìm nén nổi cảm xúc. Ông Mỹ bật khóc, nghẹn ngào kể.

Từ thuở bé, ông đã không biết mặt bố. Bởi, khi ông mới một tuổi, bố ông đã đi làm cách mạng và bị địch giết ngay ở xã bên, tính đến nay, cũng đã gần 70 năm. Ký ức về bố, ông Mỹ không có, nhưng qua những câu chuyện của mẹ, của làng xóm, ông Mỹ biết rằng, bố mình là một chiến sĩ cách mạng kiên cường.

Chiến sĩ cách mạng Nguyễn Hữu Phương, sinh năm 1929, tại thôn Vạn Tuế, xã Tân Việt, tỉnh Hải Hưng (nay là Hải Dương), tham gia cách mạng từ năm 1950 với vai trò Trung đội trưởng dân quân du kích và được tổ chức Đảng phân công công tác địch vận tại địa phương. Năm 1950 khi giặc Pháp càn quét các cơ sở cách mạng ở địa phương, ông Nguyễn Hữu Phương và một số đồng chí khác được điều động xuống các thôn để bám dân, ổn định tổ chức cách mạng. Ngày 26-11-1950, khi đang làm nhiệm vụ tại xã Thanh Lang, đồng chí Nguyễn Hữu Phương cùng bốn đồng chí khác (Ngô Ba Ruật, Nguyễn Tuấn Thự, Hoàng Văn Ấu, Nguyễn Chính Bội) đã bị địch bắt và giết hại.

Nhiều năm trôi qua, cuộc sống gia đình khá giả hơn nhiều nhưng nỗi trăn trở của ông Mỹ với bố vẫn còn đó. Ông tâm sự: “Chừng nào tôi còn sống, tôi vẫn mong một ngày bố tôi được công nhận là liệt sĩ”. Nhưng đó là một hành trình gian nan của gia đình ông, khởi đầu là mẹ ông (cụ Phạm Thị Huệ) và giờ đến ông nối tiếp. Đã 25 năm, kể từ ngày mẹ ông nộp lá đơn đề nghị đầu tiên, những bước chân mòn mỏi mỗi lần gõ cửa các cơ quan chức năng cũng đã tạm ngưng và nhường bước cho ông Mỹ tiếp nối. Ông thở dài: “Từ năm 1995, mẹ tôi đã nhiều lần gửi đơn trình lên các cấp xã, huyện, tỉnh đề nghị công nhận liệt sĩ cho bố tôi nhưng không nơi nào công nhận. Những lá đơn gửi đi khắp nơi rồi bặt vô âm tín, thi thoảng có nơi hồi âm thì nội dung rất sơ sài: là đang xem xét, không đủ dữ liệu, không có người làm chứng... Năm 2005 mẹ tôi mất, trước lúc ra đi, bà vẫn gắng dặn tôi rằng: Bố con là chiến sĩ cách mạng, bố con hy sinh vì đất nước, các con phải cố gắng, không được bỏ cuộc…”.

Nhiều chứng tích minh chứng

Sự hy sinh của chiến sĩ cách mạng Nguyễn Hữu Phương đã được các lão thành cách mạng địa phương ghi lại trong “Niên giám lịch sử Đảng bộ và nhân dân xã Tân Việt giai đoạn 1930 - 2010”.

Theo đó, từ dòng thứ 8 đến dòng 20, trang số 69 có nội dung như sau: Cũng trong tháng 1/1950, địch ở bốt Cổ Chẩm càn vào xã Thanh Lang, một số cán bộ xã Tân Việt còn sơ tán ở dây. Do có chỉ điểm, chúng cuốc hầm bắt được đồng chí Ngô Ba Ruật - Chi ủy viên, Nguyễn Tuấn Thự - Ủy viên ban KC-HC xã, Hoàng Văn Ấu, Nguyễn Chính Bội và Nguyễn Hữu Phương - Trung đội trưởng dân quân kiêm địch vận. Địch bắn chết tại chỗ đồng chí Hoàng Văn Ấu, Nguyễn Chính Bội và Nguyễn Hữu Phương; Còn đồng chí Ruật và Thự bị chúng đưa về bốt Đại Điền tra tấn, sau đó giải về đò Phương La giáp xã Tân Việt bắn chết nhằm uy hiếp tinh thần nhân dân.

Ông Phạm Văn Ngân, cán bộ văn hóa UBND xã Tân Việt cho biết: “Các thông tin được ghi trong niên giám được biên soạn từ năm 1990, do chính các lão thành cách mạng, hoạt động cùng thời với đồng chí Nguyễn Hữu Phương hồi tưởng lại. Năm 2015, niên giám được biên soạn lại nhằm bổ sung thêm lịch sử địa phương trong thời kỳ đổi mới đến nay. Sự hy sinh của năm cán bộ cách mạng, trong đó có ông Phương là chứng tích quan trọng trong quá trình đấu tranh chống Pháp của địa phương”.

Ông Ngân cũng cho biết thêm rằng: “Niên giám lịch sử Đảng bộ và nhân dân xã Tân Việt đã ghi rất rõ nội dung xảy ra sự việc năm cán bộ, chiến sĩ cách mạng bị bắt và sát hại. Trong năm đồng chí hy sinh, có ba đồng chí đã được công nhận là liệt sĩ chống Pháp. Hiện chỉ còn trường hợp của ông Phương và ông Ấu là vẫn chưa được công nhận. Lý do vì sao thì tôi cũng không nắm bắt được”.

Không chỉ trong niên giám lịch sử, trong ký ức của các cán bộ, chiến sĩ cách mạng cùng thời với ông Nguyễn Hữu Phương khi còn sống đều xác nhận về sự hy sinh anh dũng ông Phương và các đồng đội trong năm 1950.

Ngày 20-4-1995, cụ Nguyễn Đình Đô, nguyên là thôn Đội trưởng phụ trách dân quân du kích thôn Vạn Tuế (xã Tân Việt, Thanh Hà) đã viết thư tay xác nhận sự hy sinh của ông Phương như sau: “Năm 1950 tôi là thôn Đội trưởng phụ trách dân quân du kích thôn Vạn Tuế. Thời điểm đó địch ở các đồn bốt tiến hành càn quét, cướp phá… Sáng ngày 26-11-1950 địch kéo quân từ bốt Cổ Chẩm xuống sục sạo, càn quét. Chúng tìm được hầm trú ẩn của các ông ấy rồi bắt và áp giải ông Ruật, ông Thự về, còn giết ông Phương, ông Ấu, ông Bội tại chỗ… Sau trận càn, chúng tôi cùng Ban mặt trận Liên Việt phối hợp chôn cất ông Phương, ông Ấu, ông Bội ở đầu cầu thôn Kim Can”.

Tương tự, hàng loạt các cán bộ cách mạng cùng thời cũng có bản xác nhận sự việc xảy ra vào năm 1950 tại thôn Kim Can, xã Thanh Lang khiến năm cán bộ cách mạng bị bắt và giết, như: Bản xác nhận ngày 18-4-1995 của cụ Đỗ Văn Ái - nguyên Trưởng ban công tác mặt trận thôn Vạn Tuế; giấy xác nhận ngày 15-10-1997 của cụ Nguyễn Thị Xanh (sinh năm 1925, trú tại thôn Kim Can, xã Thanh Lang); giấy xác nhận 15-10-1997 của cụ Phạm Văn Thuế (sinh năm 1918, trú tại thôn Kim Can, xã Thanh Lang)…

Hồ sơ đã chuyển, đợi cấp trên duyệt…

Trả lời câu hỏi tại sao đến nay, trường hợp của ông Phương vẫn chưa được công nhận liệt sĩ? Ông Phạm Văn Ngân cho rằng: “Ở xã chúng tôi không chỉ có riêng trường hợp ông Phương, hiện toàn xã có bốn trường hợp chưa được công nhận liệt sĩ. Thẩm quyền của cấp xã chỉ tiếp nhận hồ sơ và chuyển lên các cấp có thẩm quyền xem xét. Hiện, tất cả hồ sơ đề nghị đã được chúng tôi gửi lên các cấp có thẩm quyền, riêng trường hợp của ông Phương đã gửi cách đây hai năm, UBND tỉnh cũng đã có thông báo gửi về xác nhận trường hợp này. Không biết có vướng mắc gì không, đến nay vẫn chưa thấy được công nhận”, ông Ngân nói.

Bà Nguyễn Thị Duyên, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Việt cũng cho biết: Theo tìm hiểu của UBND xã, thì trường hợp của ông Phương đã được ghi trong Niên giám lịch sử Đảng bộ và nhân dân xã Tân Việt rất rõ ràng rồi. Năm người hy sinh thì có ba người được công nhận rồi, còn hai trường hợp là ông Phương và ông Ấu là chưa được công nhận. Trường hợp của ông Phương thì hoàn tất hồ sơ và chuyển đi lâu rồi. Còn ông Ấu thì mới gửi đi vào tháng 10-2018, nguyên nhân là do việc Ban soạn thảo biên soạn lại Niên giám lịch sử mới, viết sai lỗi chính tả: “ông Ấu thành ông Âu”.

Để làm rõ vấn đề này, chúng tôi đã tìm đến Phòng Lao động - Thương binh & Xã hội huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương. Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Trọng Thạnh (phó phòng) cho biết: Sự việc này đã xảy ra đã lâu và hiện tại chưa thể tìm được hồ sơ và trả lời ngay được. Vì vậy, chúng tôi sẽ trả lời vấn đề này vào một buổi khác.