Hồi ức những ngày trên đất Lào của một vị tướng

Ông đã có 11 năm (1965 - 1975) làm Chính ủy quân tình nguyện tại Lào, ba lần thoát chết nơi nước bạn. Nhớ những ngày từng cùng bà con đất Triệu Voi chia ngọt sẻ bùi, lại nhớ những người đồng đội đã không trở về, Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương lại không ngăn được dòng nước mắt. 

Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương giới thiệu những bức ảnh ghi lại các chuyến đi thăm lại đất nước Lào của mình. Ảnh: QĐND
Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương giới thiệu những bức ảnh ghi lại các chuyến đi thăm lại đất nước Lào của mình. Ảnh: QĐND

Chính ủy năm chiến dịch lớn

Năm 1965, Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương, khi đó là Phó Chính ủy Mặt trận Tây Nguyên, sang Lào chiến đấu trong đoàn công tác đặc biệt 40 người do Đại tướng Võ Nguyên Giáp trực tiếp chỉ đạo thành lập, dặn dò, giao nhiệm vụ. “Cái kinh nghiệm của anh em ở Tây Nguyên có thể vận dụng ở Lào, vì thế sau đấy mình liên tục làm Chính ủy năm chiến dịch tại Lào, mà chiến dịch nào cũng diệt được nhiều địch. Trong đó có một chiến dịch ở Nặm Bạc, hai lần giải phóng cánh đồng Chum, một chiến dịch Mường Sủi, một chiến dịch đánh vào nữa. Những cái đó đều có nguyên nhân thúc bách hết”, ông Hương hồi tưởng.

Cuối năm 1969, đế quốc Mỹ đẩy mạnh hoạt động ở Lào nhằm buộc miền Bắc Việt Nam phân tán lực lượng đối phó và cân bằng thế đấu tranh ngoại giao, tạo điều kiện cho lực lượng phái hữu Viêng Chăn hoạt động. Chiến dịch hành quân mang tên Cù Kiệt (tiếng Lào nghĩa là “cứu vãn danh dự”) có quy mô lớn nhằm thực hiện Học thuyết Nixon - dùng người địa phương mà lực lượng nòng cốt là lực lượng Vàng Pao, đưa quân lấn chiếm ra các khu vực, đặc biệt là vùng cao nguyên chiến lược cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng, nhằm “cứu vãn danh dự” nước Mỹ. Quân đội Mỹ huy động nhiều loại vũ khí hiện đại, kể cả cho B52 rải thảm để tìm chiến thắng. Thời điểm ấy, Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương nhớ lại, Mỹ đã chiếm lại gần hết vùng mình đã giải phóng. Đánh giá tầm quan trọng của địa bàn chiến lược cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng cả về mặt quân sự và chính trị, hai Đảng, quân đội Việt Nam và Lào đã thống nhất tăng cường lực lượng, phối hợp mở chiến dịch phản công cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng. Cuộc phản công triển khai ba đợt, đợt 1 chiến dịch từ ngày 25-10-1969 đến 10-2-1970, đợt 2 từ ngày 11 đến 25-2-1970 và đợt 3 từ ngày 26-2 đến 25-4-1970. Ông Hương kể, “Lúc ấy anh Khamtay (Khamtay Siphandon, Tổng tham mưu trưởng Lực lượng vũ trang quân đội Pathet Lào) nói ở Lào khó có thể dự trữ để mà mở hết chiến dịch này đến chiến dịch khác  liên tục được. Nhưng mà bây giờ mình có thể chọn những mục tiêu để mình giải quyết trong mùa mưa để thấy rằng mùa mưa mùa nắng mình có thể đánh thắng được địch thì cái đó là cái hay nhất. Chúng tôi mới nói mùa mưa chúng ta tiến hành được chiến dịch thì anh có đồng ý không, ông Khamtay nói được”. Chiến dịch “Cù Kiệt - Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng” là chiến dịch lớn nhất trên toàn Lào, đó cũng là chiến dịch mà bộ đội Việt Nam phối hợp bộ đội Pathet Lào bắt được số lượng tù binh đông nhất, 3.200 người. 

“Mình là ba lần chết hụt, nhất là trong trận Cù Kiệt, anh em vào trong cái hang rồi, ở trong hang mà nó ném bom ngoài này, bom ngoài này nó lại văng mảnh vào trong”, ông Hương kể. Đời chinh chiến trải qua nhiều mất mát, nhưng lần đó khiến ông nhớ, nhắc lại vẫn day dứt, bởi mảnh bom văng khiến đồng đội ông có người thư ký và người lính công vụ hy sinh. “Ngày xưa các cụ đã nói chinh chiến bất kiến nhân hồi, có nghĩa ít có người trở về lắm”, ông Hương trầm ngâm. 

Hạt muối chia nửa, cọng rau chia đôi

Sau trận Cù Kiệt, trâu bò của người dân chết, chạy loạn hết cả. Vậy là đánh xong giặc, bộ đội Việt Nam lại chia nhau vào rừng tìm gia súc cho bà con. Nhưng năm đó bộ đội tìm mãi chẳng được con nào, bà con tự đi tìm thì lại thấy. Lúc ấy tất cả mới họp lại tìm nguyên nhân. Bà con mới bảo là phía Lào họ tổ chức đoàn phụ nữ đi tìm, còn bộ đội Việt Nam thì toàn súng ống đội mũ cối, trâu nó khôn lắm, nó thấy quân đội là nó chạy. Vậy là để tìm lại trâu, bộ đội không ngại mượn áo quần của phụ nữ để đi tìm. “Cái kỷ niệm nho nhỏ thế rất vui đấy”, ông Hương hồ hởi.

Sống chung với đồng bào các bộ tộc Lào, nhiều cán bộ ta cũng thực hiện “cà răng, căng tai” giống người dân địa phương. Thậm chí, những anh lính trẻ măng chưa từng biết đến việc sinh đẻ thế nào cũng “xông vào” đỡ đẻ cho đồng bào Lào. Nhưng quá trình vận động cũng thật gian nan, bởi vì muốn vận động được bà con thì phải thấu hiểu được phong tục tập quán của họ. Ông Hương nhớ lại hồi ở cái cao nguyên Bolaven, người ở đây vẫn giữ phong tục người chết dựng đứng lên, đến thăm viếng thì đút một miếng xôi, một miếng thịt vào miệng người chết, người chết không ăn được thì người đến thăm viếng phải ăn cái đó để chứng tỏ là tôi thương yêu anh, trước sau như một, sống chết cũng như nhau. “Cái phong tục đó kiêng kỵ nhất và đồng thời cũng là đỉnh cao của cái lòng tin của người ta. Ngay lúc ấy mà mình đi vận động, cho rằng nó mất vệ sinh, không ăn cái đó thì người ta không tin ngay”, ông Hương kể kinh nghiệm. Bộ đội cũng phải ngồi cùng họ, ăn cùng họ, họ mới coi người Việt như người thân. Cũng từ đó công tác vận động rất dễ dàng, mà bà con cũng tin theo bộ đội. 

Có những người cha Lào ngày đêm vót chông, đào hào đánh giặc, vượt qua bao nhiêu ngọn núi để báo tin giặc cho quân tình nguyện Việt Nam. Có những bà mẹ, em gái Lào đem từng típ xôi, con cá khô, điếu thuốc, đi hết cánh đồng này đến khu rừng kia tìm anh em Việt Nam trong những ngày giặc càn quét. Có những nhà sư Lào ân cần chăm sóc thương binh, cất giấu anh em trong buồng riêng của mình những ngày giặc vây. Thậm chí, những người Lào được chuyển về Nghệ An tránh giặc đã trồng rau, gửi về cho mặt trận. Những ngày trên đất Lào, mỗi chiến sĩ quân tình nguyện khi có giặc thì chiến đấu, lúc yên bình thì giúp dân sửa nhà, gieo trồng, đúng như tinh thần “hạt muối chia nửa, cọng rau chia đôi”. Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương nhớ lời một bà mẹ Lào nói: “Tao cứ tưởng tụi mày như lính phu-ma, tao không tin, tao còn giấu nhiều thứ lắm. Bây giờ, tao mới biết, tụi mày tốt. Thuế má, nhà tao không phải nộp. Bắt được con heo, tao được tự do hưởng. Ốm, tụi mày tới chăm sóc. Tụi mày như con của tao vậy. Cách mạng có khác. Tao sẵn sàng giúp tụi mày”.

Đĩa ổi mời nhau của những người chung chiến hào

Nói về tình cảm với những người bạn Lào, nhiều người vẫn biết về thanh bảo kiếm và lá cờ in dòng chữ “Bạn chiến đấu cùng chiến hào” được Tổng Chỉ huy Quân đội Lào Khamtay Siphandon trao tặng Đoàn chuyên gia quân tình nguyện Việt Nam vào cuối năm 1975. Ông Hương là người đại diện nhận thanh kiếm đó. Thế nhưng có câu chuyện về cuộc gặp giữa những người chỉ huy mà ít người biết, ngay trong những ngày ác liệt nhất của chiến dịch Cù Kiệt. Đó cũng là kỷ niệm mà ông Hương coi là ý nghĩa nhất với ông.  

Lúc đó đánh nhau ác liệt “tan nát hết cả rừng”, đến lương thực cũng chẳng dư thừa. Một ngày phía Việt Nam sang doanh trại Lào bàn kế hoạch mà chẳng biết mang quà gì tặng bạn. “Thế là bọn mình đi tay không, trên đường đi bọn mình mới nhặt ổi với ớt, gói vào lá sang thăm anh Khamtay”, ông Hương cười rổn rảng. Ở Lào đã lâu, ông Hương biết những thứ dân dã ấy hợp khẩu vị người Lào. Nhưng điều ông bất ngờ là khi tới nơi, trình bày chẳng có gì quý giá, chỉ có ít ổi rừng và ớt, thì ông Khamtay Siphandon cười vui vẻ: “Chúng tôi cũng có quà cho các đồng chí”, rồi vị chỉ huy cũng mang ra hai đĩa ổi và ớt, có khác là thêm một chút muối. Hai bên nhìn nhau mà rưng rưng. “Đấy, hoàn cảnh éo le như thế, nhưng vậy là chứng minh đúng là chúng ta đã chung một chiến hào, cùng sống cùng chết với nhau. Cả mấy hôm không có gì ăn, nên đĩa ổi với ớt đó rất có ý nghĩa”, ông Hương bảo. 

Tôi hỏi ông lấy động lực gì để cống hiến suốt những năm tháng thanh xuân như thế. Ông bảo đó là do tuổi trẻ, “Tuổi trẻ làm nên sự nghiệp, sự nghiệp này là của mình, của dân tộc mình, cái vinh quang mà mình đạt được là từ tuổi trẻ mà tuổi trẻ ấy chỉ có nhờ cái động cơ duy nhất là tình yêu nước và tất cả cho yêu nước, không có tính toán gì cho riêng tư”.

“Ngày xưa như thế, ngày nay nó nhất định cũng như thế, nó cũng có lúc giao thời, lòng người dao động, có cái không được vừa ý, nhưng truyền thống là truyền thống, nó đã tiêm vào xương cốt dân tộc Việt rồi”, vị tướng trăm tuổi kết thúc dòng hồi tưởng, trong một buổi chiều đầy nắng. Ở độ tuổi này, ông vẫn còn rành rẽ và mạch lạc lắm.

Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương sinh năm 1922, quê Hội An (Quảng Nam). Ông từng đảm trách Cục trưởng Tổ chức cán bộ Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam (năm 1958); Phó Chính ủy Mặt trận Tây Nguyên (1965 - 1967); Phó Chính ủy Quân khu Tây Bắc (1968 - 1971); Trưởng đoàn chuyên gia quân sự Việt Nam tại Lào (1972 - 1975); trong cuộc chiến tranh biên giới phía bắc ông được điều động làm Phó Chính ủy Quân khu 2. Ngoài ra, ông còn hai lần giữ chức Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH (1975 - 1978 và 1984 - 1990). Ông cũng từng là cố vấn cho các ông Khamtay Siphandon, Cayso Phimvihane - hai lãnh tụ cách mạng của Lào.