Hà Nội giữa vòng vây ô nhiễm làng nghề

Trong các năm qua, tổng kinh phí Hà Nội dành cho giải quyết vấn đề môi trường, trong đó có môi trường làng nghề tăng đều theo các năm. Coi trọng và quan tâm nhưng thực tế tại cấp xã, nơi sát sườn quản lý các làng nghề lại không có cán bộ chuyên trách về môi trường. Lỗ hổng này đang gây nên nhiều khó khăn trong việc kiểm soát chất thải từ đầu nguồn.

Ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng tại các làng nghề.
Ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng tại các làng nghề.

Kỳ 3: Để phát triển bền vững

(Tiếp theo và hết)

Thiếu cán bộ cấp cơ sở

Tại địa bàn ven đê sông Nhuệ, khu vực giáp ranh giữa hai xã Hiền Giang  (người dân làm nghề mộc, chạm khắc, thợ nề) và xã Tiền Phong của huyện Thường Tín (người dân làm nghề may bông len, chăn, ga, gối, đệm), nhiều năm nay luôn nhức nhối tình trạng người dân đổ trộm chất thải gây ô nhiễm. Chia sẻ về cái khó trong công tác quản lý môi trường, ông Lê Xuân Huệ, cán bộ Địa chính - Xây dựng xã Tiền Phong cho biết: Hiện nay, xã không có cán bộ chuyên trách có chuyên môn về môi trường mà do tôi và một đồng chí nữa là cán bộ địa chính kiêm nhiệm. Việc quản lý rất vất vả, chúng tôi không đủ sức canh chừng 24/24 giờ mà người dân thì thường đổ trộm chất thải vào ban đêm. 

Thực tế cán bộ môi trường ở cấp xã đều đang phải cùng lúc kiêm nhiệm nhiều vai trò như địa chính, xây dựng, nông nghiệp... và người được chọn trúng tuyển thường không có chuyên môn về môi trường. Cho rằng đây chính là lỗ hổng trong công tác quản lý môi trường làng nghề, TS Tôn Gia Hóa, Phó Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Việt Nam phân tích: Phát hiện ô nhiễm phải từ cơ sở, xử lý ô nhiễm phải bắt đầu từ phần ngọn... mà cán bộ môi trường cấp xã lại bị xem nhẹ thì khó tránh khỏi những bất cập nảy sinh. Quản lý môi trường mà không có chuyên môn thì sẽ rất lúng túng khi giải quyết vấn đề, không biết tác hại của quá trình sản xuất nằm ở khâu nào, không biết thế nào là ô nhiễm và không ô nhiễm… thì không thể sát sao được. 

Không chỉ riêng vấn đề cán bộ, ông Nguyễn Văn Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì cũng thẳng thắn: Qua quá trình quản lý làng nghề nói chung và vấn đề ô nhiễm làng nghề nói riêng, chúng tôi thấy có những khó khăn nhất định. Thứ nhất, các hộ sản xuất với quy mô nhỏ lẻ, phân tán trong khu dân cư nên việc tập trung xử lý chất thải còn nhiều khó khăn. Thứ hai là hiện nay theo phân cấp quản lý theo đề án vị trí việc làm, bộ phận tài nguyên và môi trường (TN&MT) huyện chỉ có một cán bộ chuyên trách, đối với cấp xã thì giao cho một cán bộ kiêm nhiệm rất nhiều nhiệm vụ khác, chuyên môn hạn chế. Thứ ba là trang thiết bị phục vụ cho công tác thanh, kiểm tra môi trường đối với cấp huyện, xã còn nhiều khó khăn, hầu như chưa có trang thiết bị gì phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra. Thứ tư là chế tài xử lý còn khó khăn do công tác phát hiện và quy trình xử lý còn nhiều bất cập.

Quản lý chồng chéo

Tổng kinh phí Hà Nội dành cho việc giải quyết vấn đề môi trường tăng đều qua các năm. Cho đến nay, TP Hà Nội đã dành hơn 3,8% tổng chi ngân sách hằng năm cho sự nghiệp môi trường. Sở Công thương Hà Nội cũng đưa ra kế hoạch xử lý ô nhiễm môi trường các làng nghề trên địa bàn TP với khoản kinh phí 1.350 tỷ đồng. Theo đó, giai đoạn 2010 - 2020 thành phố cần 750 tỷ đồng xây dựng hệ thống xử lý môi trường tại 50 làng nghề trọng điểm. Trong giai đoạn 2020 - 2030 cần 600 tỷ đồng xây dựng hệ thống xử lý môi trường tại 30 làng nghề khác, đồng thời quy hoạch các CCN làng nghề; nghiên cứu xây dựng thí điểm mô hình hệ thống quản lý môi trường tại làng nghề; hoàn thành đề án bảo vệ môi trường làng nghề đến năm 2020, định hướng đến năm 2050.

Cho rằng đây không phải là số tiền nhỏ mà đó mới chỉ là dành riêng cho vấn đề môi trường, TS Tôn Gia Hóa đặt câu hỏi: Các chương trình phát triển nông thôn mới, hay chương trình mỗi xã một sản phẩm đều hướng về làng nghề và các nghệ nhân làng nghề. Rất nhiều tiền, vậy tại sao việc quản lý môi trường làng nghề lại chưa hiệu quả?

Theo phân cấp, hiện nay làng nghề đang phải chịu sự quản lý của quá nhiều cấp ngành chuyên môn: Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (NN&PTNT) quản lý về ngành nghề, lao động; Sở Công thương quản lý về cụm khu công nghiệp làng nghề và tiêu thụ sản phẩm; Sở Xây dựng quản lý về xây dựng hạ tầng xử lý chất thải; Sở TN&MT quản lý về môi trường; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch quản lý về du lịch; Sở Thông tin và Truyền thông quản lý về văn hóa.

TS Trần Thị Quốc Khánh, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho rằng: Theo Luật Bảo vệ môi trường thì vấn đề bảo vệ môi trường là do Bộ và ngành TN&MT ở các địa phương thực hiện quản lý nhưng mà đi vào cụ thể ở các làng nghề thì lại do Sở NN&PTNT phụ trách. Trong khi đó, CCN làng nghề lại do Sở Công thương quản lý… Nếu cứ giữ nguyên kiểu điều khiển “quyền anh, quyền tôi”, không ai chịu ai thì cuối cùng thực trạng ô nhiễm người dân và Nhà nước phải chịu.

Trong quá trình thực hiện bài viết, để tìm hiểu thông tin, thu thập tư liệu và có góc nhìn đa chiều, chúng tôi đã phải liên hệ với ba cơ quan đầu mối quản lý làng nghề tại Hà Nội, gồm: Sở NN&PTNT, Sở Công thương, Sở TN&MT. Tuy nhiên, dù đã rất nhiều lần liên hệ nhưng cho đến nay chúng tôi vẫn chưa đặt được một lịch hẹn nào với lãnh đạo ba sở trên (?).

Để phát triển bền vững

Thực tế cho thấy, những nỗ lực sắp xếp quy hoạch lại làng nghề mà không dựa trên điều kiện tồn tại sống còn của nó, tách nó ra khỏi “hệ sinh thái” nghìn năm, tách nghề ra khỏi “làng” đã không thành công. Theo nhiều chuyên gia, giải quyết vấn đề môi trường làng nghề thì phải bắt đầu từ làng, từ xã và phụ thuộc chủ yếu vào sự chủ động, trách nhiệm, sự linh hoạt của chính quyền địa phương cũng như người dân. 

Lấy thí dụ về câu chuyện đưa vấn đề bảo vệ môi trường làng nghề vào hương ước của làng, TS Tôn Gia Hóa cho rằng: Đầu tư về môi trường là đầu tư rất lớn, không tiền của nào xuể được nếu như cộng đồng dân cư không đồng thuận, tham gia. Khu công nghiệp là công nghiệp còn làng nghề là làng nghề. Nghề nào gây ô nhiễm, sản xuất mang tính chất công nghiệp thì phải kiên quyết đưa vào khu công nghiệp có quy chế đàng hoàng. Còn những nghề như đan lát, thêu thùa, làm nón…  hoàn toàn có thể sản xuất tại nhà, trong làng, giữ được đúng tính chất của làng nghề truyền thống. Mô hình phù hợp sẽ là các cơ sở nhỏ lẻ, hộ gia đình trong làng làm vệ tinh sản xuất theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp. Bên cạnh chuyện giữ nghề, cũng cần đẩy mạnh xu hướng sản xuất xanh kết hợp phát triển du lịch làng nghề như một hướng đi bền vững giúp người dân có thêm thu nhập.

Hướng đến phát triển bền vững, nhiều làng nghề đã ứng dụng công nghệ để sử dụng năng lượng thay thế vào sản xuất. Làng bún Phú Đô (quận Nam Từ Liêm) giờ đã bớt mùi hôi, chua nồng nặc khi chuyển sang sử dụng lò than cải tiến, nồi hơi và dây chuyền khép kín từ máy xay, nhào bột, làm bún… đều bằng điện. Hay như tại làng gốm Bát Tràng (Gia Lâm), nhờ chuyển đổi công nghệ sang lò gas để nung gốm, bài toán ô nhiễm môi trường đã dần được cải thiện.

Mới đây, các nhà khoa học tại Viện Công nghệ sinh học và công nghệ thực phẩm (Đại học Bách khoa Hà Nội) đã thực hiện nghiên cứu đề tài “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học để chế biến và nâng cao hiệu quả kinh tế các sản phẩm từ dong đao làng nghề”. Theo đó, đã sử dụng công nghệ sinh học (sử dụng vi sinh vật) để xử lý nước thải thành nước có thể tái sản xuất. Bã dong đao dùng để trồng nấm, bùn hoạt tính sau trồng nấm được sử dụng làm phân bón hữu cơ quay trở lại để trồng cây dong đao. Đặc biệt, công nghệ này có thể áp dụng đối với những làng nghề chế biến nông sản thực phẩm khác.

Những nỗ lực trên cho thấy bài toán môi trường không thể “khoác chung một áo” mà phải được giải trên điều kiện thực tiễn của từng địa phương, từng làng nghề. Điều mà Nhà nước cần làm là tạo ra cơ chế chính sách hỗ trợ, khuyến khích sự vào cuộc của các nhà khoa học và sự chuyển đổi của người dân vì mục tiêu chung.

GS, TS Đặng Kim Chi, Chủ tịch Hội đồng khoa học kiêm Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên môi trường cho rằng: Những biện pháp giáo dục nâng cao nhận thức của bà con dân làng nghề là vô cùng quan trọng. Chính quyền địa phương, hiệp hội làng nghề… dựa trên thói quen, tập quán của địa phương mình, có những biện pháp tuyên truyền phù hợp để làm sao bà con làng nghề nhận thức được những tác động, ảnh hưởng của ô nhiễm môi trường đến sức khỏe, cuộc sống của gia đình họ và bà con lối xóm. Việc lựa chọn công nghệ và quy mô xử lý nước thải cũng phải phù hợp đặc thù, điều kiện kinh tế của làng nghề, cũng như trình độ kỹ thuật của người lao động.