Hà Nội giữa vòng vây ô nhiễm làng nghề

Mong muốn giữ gìn, phát triển các làng nghề hài hòa việc bảo vệ môi trường, nhiều năm nay Hà Nội đã quy hoạch, xây dựng các cụm công nghiệp (CCN) làng nghề để di dời các hộ sản xuất ra ngoài khu dân cư. Chủ trương đúng, tuy nhiên trong quá trình thực hiện, nhiều dự án (DA) vẫn chưa biết bao giờ mới được phê duyệt, trong khi một số lại biến tướng khiến người có nhu cầu sản xuất thật thì không ra được khu sản xuất tập trung.

Nhà hàng, quán ăn mọc lên nhan nhản tại điểm tiểu thủ công nghiệp làng nghề Vạn Phúc.
Nhà hàng, quán ăn mọc lên nhan nhản tại điểm tiểu thủ công nghiệp làng nghề Vạn Phúc.

Kỳ 2: Biến tướng các cụm công nghiệp làng nghề

Quy hoạch vẫn chờ phê duyệt

Hoạt động sản xuất làng nghề của Hà Nội hiện nay đang thu hút được gần một triệu lao động (LĐ) tham gia, trong đó có hơn 700 nghìn LĐ thường xuyên, chiếm hơn 60% tổng số LĐ trong độ tuổi LĐ của làng và chiếm hơn 42% tổng số LĐ sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trên toàn địa bàn thành phố. Chiếm vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế nông thôn nên việc giữ gìn và phát triển nghề của làng một cách bền vững, gắn bảo vệ môi trường cần nhận được sự quan tâm thích đáng. Một trong số các giải pháp đó là việc hình thành các CCN làng nghề. 

Theo quy hoạch đến năm 2030, Hà Nội dự kiến có 159 CCN, trong đó có 82 CCN làng nghề. Tính đến tháng 6-2020, Hà Nội đã triển dựng được 70 CCN, nhưng trong số đó chỉ có 15 CCN làng nghề đang hoạt động.

Nằm ở cửa ngõ phía nam Hà Nội, huyện Thường Tín được mệnh danh là “đất trăm nghề” với 126 làng nghề thủ công rải rác khắp huyện, trong đó có 48 làng được công nhận làng nghề truyền thống. Tuy nhiên, do tính chất tiểu thủ công, sản xuất nhỏ lẻ nên nhiều năm nay, đây cũng chính là những “điểm nóng” về môi trường. 

Tại xã Hòa Bình, huyện Thường Tín - nơi mà nghề chế tác các sản phẩm từ xương và sừng động vật đã tồn tại gần 650 năm, bầu không khí lúc nào cũng đặc quánh bụi và hôi nồng nặc do việc chế tác của các xưởng sản xuất gây ra. Không gian sản xuất chật hẹp giữa khu dân cư đông đúc, trong khi đó, chất thải không được thu gom, xử lý theo hệ thống riêng biệt mà chủ yếu đốt thủ công để tiêu hủy. Bản thân chủ sản xuất của các cơ sở tại đây cũng nhận thức được tính chất độc hại của công việc nhưng vẫn vừa làm vừa nuôi hy vọng về một khu sản xuất tập trung trong tương lai. 

Chị Nguyễn Thị Lanh, chủ một cơ sở sản xuất cho biết: Bụi ở đây không hút được hết ra ngoài, cộng thêm cả mùi dầu chiên nguyên liệu bốc lên nên công nhân thường xuyên ho, ốm, đi làm bập bõm. Doanh nghiệp cũng mong muốn được tạo điều kiện ra khu sản xuất tập trung, có hệ thống xử lý chất thải để giảm thiểu những ảnh hưởng đến môi trường sống cho gia đình và làng xóm.

Trước mong muốn này của người dân nói chung và các hộ sản xuất, gần chục năm nay, UBND xã Hòa Bình đã chủ động lập quy hoạch, xây dựng bản đồ CCN làng nghề. Ông Nguyễn Văn Học, Chủ tịch UBND xã Hòa Bình cho biết: Chúng tôi vẫn luôn xác định rằng muốn phát triển làng nghề bền vững, phải xử lý tốt vấn đề môi trường. Xã cũng xây dựng quy hoạch điểm CCN với mong muốn lớn nhất là đưa làng nghề ra khỏi khu dân cư, tuy nhiên, hiện nay mọi tiến trình thực hiện vẫn chậm. Vì vậy, chúng tôi rất mong huyện, thành phố tạo điều kiện giúp xã sớm hoàn thành điểm CCN làng nghề này.

Còn tại thôn Nhân Hiền, xã Hiền Giang, huyện Thường Tín, nơi nổi tiếng với nghề chạm khắc tượng phật, phù điêu, đồ trang trí trong chùa thì vấn đề thiếu mặt bằng sản xuất đang khiến các cơ sở vừa không thể phát triển, vừa gây ra ô nhiễm môi trường sống cho người dân chung quanh. Ông Vũ Ngọc Hiếu, Chủ tịch UBND xã Hiền Giang cho biết: Đã là sản xuất trong làng thì chắc chắn tiếng ồn, bụi bặm… sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Chính vì lẽ đó, chúng tôi đã quy hoạch mặt bằng làng nghề để di dời các hộ sản xuất nhưng đề nghị UBND thành phố hai năm nay vẫn chưa được phê duyệt.

Hiện nay, trên địa bàn huyện Thường Tín có sáu CCN làng nghề đang hoạt động hiệu quả. Tuy nhiên, còn có đến 16 địa điểm đã được quy hoạch để xây dựng phát triển CCN làng nghề vẫn chưa thể triển khai. Chia sẻ về tiến trình thực hiện, ông Kiều Xuân Huy, Chủ tịch UBND huyện Thường Tín cho biết: Trên cơ sở 16 CCN làng nghề đã có chủ trương, hiện chúng tôi cũng đang tập trung hoàn thiện các quy hoạch, mong thành phố sớm phê duyệt để chuyển những nghề truyền thống trong làng ra đây. Tuy nhiên, nhu cầu về mặt bằng của các làng nghề hiện nay là rất lớn, đây cũng là một khó khăn. Thứ hai là, căn cứ vào hướng dẫn, chúng tôi cũng đang chỉ đạo để lựa chọn, tìm kiếm các nhà đầu tư. 

Bất cập trong quản lý, triển khai

Trong quá trình tìm hiểu về việc triển khai các CCN làng nghề, có cán bộ cơ sở đã thừa nhận thực tế, không đưa các hộ sản xuất ra CCN còn giữ được nghề, ra rồi không đủ chi phí, nhiều hộ đã tự ý chuyển đổi khiến dáng dấp của các CCN làng nghề bị méo mó, mờ nhạt, không còn như ý tưởng ban đầu.

Được phê duyệt quy hoạch là điểm tiểu thủ công nghiệp làng nghề dệt lụa Vạn Phúc (Hà Đông) với những khu vực sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công vừa và nhỏ kết hợp các hộ thu gom bán, giới thiệu sản phẩm; là điểm lưu giữ khai thác và phát triển làng nghề truyền thống, làng văn hóa, du lịch, tuy nhiên sau năm lần điều chỉnh quy hoạch, đến nay điểm tiểu thủ công nghiệp này đã “biến” thành khu nhà ở, dân cư sinh sống đông đúc. Thậm chí nhiều hộ dân sau khi hoàn thành xây dựng không thực hiện theo ngành nghề đăng ký hoạt động mà chuyển sang kinh doanh nhà hàng ăn uống, giải khát, bia hơi…

Tương tự, tại CCN làng nghề Vân Hà, huyện Đông Anh, nhiều lô đất được quy hoạch làm nhà xưởng sản xuất, gia công, chế tác gỗ thủ công mỹ nghệ với chiều cao quy định từ một đến hai tầng, mật độ xây dựng tối đa 50%, nhưng cũng bị biến tướng, sử dụng sai mục đích. Thay vào đó là nhiều công trình cao từ hai đến ba tầng, thậm chí có cả một số biệt thự được xây dựng theo kiểu nhà để ở chứ không phải nhà xưởng.

Hay như tại CCN làng nghề Triều Khúc, huyện Thanh Trì, dù được quy hoạch làm nhà xưởng phục vụ nghề dệt, làm sợi, sản xuất lông vũ... để di dời các hộ làm nghề truyền thống của xã ra. Nhưng khi bước vào giai đoạn đấu giá đất thì hộ có nhu cầu thực lại không trúng. Tìm hiểu nguyên nhân thì được biết, sau khi CCN làng nghề được xây dựng xong, Nhà nước tiến hành cho đấu giá những ô đất có diện tích rất lớn lên đến cả nghìn m², vượt quá khả năng tham gia của các hộ sản xuất nhỏ lẻ. Quy định này chỉ tạo điều kiện cho những công ty có tiềm lực kinh tế gom đất. Hệ lụy là đến nay, các hộ sản xuất nhỏ lẻ làm nghề truyền thống vẫn tiếp tục làm tại nhà, vừa gây ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan đô thị. Còn toàn bộ CCN có rất ít những hộ dân làm nghề truyền thống, hiện chủ yếu là những công ty có quy mô vừa và lớn hoạt động ở nhiều lĩnh vực khác nhau như: dệt may, tái chế nhựa, phân bón. 

Ông Nguyễn Văn Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì cho rằng: Đối với CCN làng nghề, Nhà nước nên hỗ trợ việc giải phóng mặt bằng, đầu tư hạ tầng (trạm xử lý nước thải, thu gom rác thải) rồi cho người dân vào thuê. Hộ nào sản xuất không đúng có thể cho ra chứ như hình thức đấu giá hiện nay, ai trúng được cấp quyền thuê 50 năm, khi đó họ có chuyển đổi ngành nghề thì cơ quan quản lý nhà nước cũng không làm gì được. Ngoài ra, ông Hưng cũng cho rằng, không phải nghề nào cũng cần phải đưa ra CCN sản xuất tập trung. Cần phân loại từng làng nghề, sau đó đặt hàng các nhà khoa học hướng tới xử lý rác thải tại hộ gia đình, ngay trong làng nghề để giảm chi phí. 

(Còn nữa)

Mới đây, tại Hội nghị “Hà Nội 2020 - Hợp tác đầu tư và phát triển”, thành phố đã hoàn thiện 23 hồ sơ CCN làng nghề để bàn giao cho chủ đầu tư. So các CCN làng nghề trước đây, 23 dự án này được xây dựng cơ sở đồng bộ và không được chuyển hộ gia đình ra sinh sống. Đáng chú ý, sẽ tập trung ưu tiên cho phát triển nghề truyền thống của làng nghề cổ truyền, thu hút nghệ nhân tay nghề cao; ưu tiên phát triển công nghệ sạch, công nghệ cao và xây dựng đồng bộ hệ thống nước thải...