Gồng mình chống hạn

Có mặt tại các xã: Hưng Tây, Hưng Yên Bắc, Hưng Yên Nam, huyện Hưng Nguyên; Nghi Hưng, Nghi Phương, Nghi Mỹ huyện Nghi Lộc, trước mắt là những cánh đồng nứt nẻ, những đám lúa, đám ngô cháy vàng phất phơ. Chỗ nào gần hệ thống thủy lợi tuy có đỡ hơn nhưng cây mạ không thể sinh trưởng, lưa thưa, xơ xác. 

Đồng khô, lúa cháy ở các xứ đồng xã Hưng Tây (Hưng Nguyên).
Đồng khô, lúa cháy ở các xứ đồng xã Hưng Tây (Hưng Nguyên).

Kỳ 2: Nỗ lực cứu lúa

(Tiếp theo và hết) 

Rừng bị lửa đốt, lúa bị nắng thiêu 

Ông Cao Minh Lực, Phó Chủ tịch UBND xã Hưng Tây dẫn chúng tôi xuống tận những cánh đồng khô nẻ, lo lắng: “Hiện toàn xã có khoảng 300 ha trên tổng số 540 ha lúa đã gieo cấy bị hạn, thiếu nước trầm trọng; trong đó nặng nhất là các xóm: Phúc Điền 70 ha, Thượng Khê 60 ha, Nam Kẻ Gai 30 ha… Tuyến kênh T2, trục chính nối từ sông Kẻ Gai dẫn nước về cho xã đã bị khô kiệt nhiều ngày nay, khiến trạm bơm chính không thể hoạt động được. Chính quyền đã vận động nhân dân, tận dụng các nguồn nước sẵn có ở các hồ, đấu để dùng hơn 100 máy bơm mi ni vét, ép nước lên ruộng, cứu lúa. Nay các ao hồ này cũng đã cạn kiệt nước đành bất lực nhìn đồng khô, lúa cháy...

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Hưng Nguyên Hoàng Đức Ân cho biết: Nắng nóng khốc liệt, kéo dài nhiều tháng nay, đã khiến cho hệ thống nước trên sông Hoàng Cần, Kẻ Gai, kênh Lê Xuân Đào… đều cạn kiệt, 80% số máy bơm trên hệ thống thủy lợi này không thể hoạt động nên đã khiến 2.000 ha lúa bị hạn nặng, chiếm gần một nửa diện tích lúa đã cấy. Đặc biệt hơn 800 ha khô hạn nghiêm trọng; tập trung ở các xã: Hưng Tây: 300 ha; Hưng Tân 160 ha, Hưng Nghĩa: 100 ha… Hơn một nửa trong số diện tích này đã bị cháy. Hiện Hưng Nguyên đang huy động các trạm bơm Hưng Lĩnh, Hưng Xuân bơm tạo nguồn hỗ trợ cho các vùng giữa của huyện; Chỉ đạo các xã mượn máy bơm dầu dã chiến bơm lên hệ thống thủy lợi để bà con dùng máy bơm mi ni bơm nước vào ruộng… “Tuy nhiên, cũng chỉ cứu được một số ít diện tích vì nước không có nhiều”, ông Ân cho biết thêm.

Bị ảnh hưởng nặng nề nhất của tỉnh Nghệ An phải nói đến huyện Nghi Lộc, bởi do nằm cuối hệ thống thủy lợi. Chủ tịch UBND xã Nghi Phương  Hoàng Trung Thông chia sẻ: Trong số 520 ha lúa gieo cấy, hiện 110 ha ở xóm 2, xóm 6, xóm 7, xóm 8 đã bị cháy; 200 ha bị hư hỏng 40 - 70% diện tích. Mặc dù xã đã bỏ kinh phí đào, nâng cấp 800 m kênh dẫn nước từ sông Cấm vào trạm bơm số 1, nối thêm đường ống và huy động nhân dân nạo vét bùn… nhưng chỉ bơm được một, hai hôm thì nước sông cũng cạn kiệt. Hiện chỉ còn một trong số ba trạm bơm trong xã hoạt động, nhưng cầm chừng.

Phó Phòng NN&PTNT huyện Nghi Lộc Trần Trung Thao cho biết: Toàn huyện đã gieo cấy được 5.590/7.100 ha lúa kế hoạch; ngoài ra, do bị hạn nên khoảng 3.500 ha màu không thể canh tác được. Trong số diện tích đã gieo cấy, có gần 3.000 ha lúa bị hạn, trong đó gần 900 ha hạn nặng, đang dần chết cháy; trong đó, nặng nhất là xã Nghi Hưng 210 ha, Nghi Phương 110 ha, Nghi Mỹ 100 ha… Phó Chủ tịch UBND huyện Nghi Lộc Nguyễn Đức Thọ lo lắng: Do tất cả các nguồn nước bơm, nước hồ đập đã cạn kiệt, nếu 10 ngày nữa không có mưa thì toàn bộ diện tích lúa đã gieo cấy toàn huyện sẽ không có nước để tưới; trong đó, 3.000 ha lúa có khả năng bị chết; chưa kể hàng trăm ha nuôi trồng thủy sản ở Nghi Tiến, Nghi Quang có nguy cơ mất trắng...

Theo báo cáo của tỉnh Nghệ An, do từ đầu năm đến nay, lượng mưa trung bình ít hơn so cùng kỳ tới 50 - 150 mm; trong lúc nắng nóng khốc liệt kéo dài suốt từ tháng 5 đến nay vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại, khiến việc gieo cấy lúa và cây màu không đạt kế hoạch đề ra. Đã có hàng nghìn ha lúa ở các huyện Nghi Lộc, Hưng Nguyên, Đô Lương, Yên Thành… bị  hạn cùng nhiều diện tích ngô, chè, cam… ở các huyện miền núi bị khô, cháy. Chỉ tính riêng tại thủ phủ cam Quỳ Hợp “trong số hơn 2.000 ha cam liên vùng thì có khoảng 1.500 ha bị héo quắt, có khả năng hư hỏng lớn, còn khoảng 500 ha do bà con đầu tư tưới công nghệ nhỏ giọt và khoan giếng lấy nước tưới tại chỗ, nên mức độ héo ít hơn”. Trưởng phòng NN&PTNT huyện Quỳ Hợp Quán Vi Giang cho biết, chỉ cần một tuần nữa nếu không có mưa xảy ra thì diện tích lúa bị hạn có thể lên đến 15.000 ha cùng nhiều diện tích cây trồng khác bị hư hỏng hay chết cháy; trong đó, diện tích do Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam quản lý có hơn 8.000 ha lúa bị hạn.

Gồng mình chống hạn -0
Tận dụng nước hồ lò gạch cũ để đặt máy bơm dầu chống hạn cho xứ đồng Hưng Tây 3 (xã Hưng Tây). 

Chủ động phòng, chống hạn, xâm nhập mặn

Theo nhận định của Trung tâm khí tượng thủy văn, 2020 là năm chịu ảnh hưởng của hiện tượng Enino, thời tiết thiên về nắng nóng kéo dài, nhiệt độ trung bình có khả năng cao hơn so cùng kỳ những năm trước nên tỉnh Nghệ An đã có nhiều văn bản chỉ đạo các địa phương chủ động phòng, chống hạn, xâm nhập mặn, bảo đảm cung cấp nước phục vụ sản xuất, dân sinh. Tỉnh đã chỉ đạo các Nhà máy thủy điện Bản Vẽ, Khe  Bố, Chi Khê, điều tiết xả nước cấp cho hạ du. Trong những ngày nắng hạn vừa qua, Thủy điện Bản Vẽ đã xả nước xuống hạ du từ 120 - 150 m³/s so nước từ thượng nguồn đổ về hồ thủy điện từ 30 - 40 m³/s; yêu cầu công ty thủy lợi mở hết cửa lấy nước tại cống Mụ Bà, Nam Đàn, kể cả âu thuyền khi có khả năng lấy nước vào hệ thống thủy lợi. Cùng với đó, tiến hành đóng kín hệ thống cuối kênh như Bến Thủy, Nghi Quang… để ngăn xâm nhập mặn; nạo vét kênh tưới, kênh dẫn từ lòng hồ đến cống để bơm mực nước chết trong lòng hồ cũng như tận dụng mọi nguồn nước ao hồ, bàu biền, sông cụt… nhằm lắp đặt trạm bơm dã chiến tưới cho vùng hạn. 

Giám đốc Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam Thái Văn Hùng cho biết: Đơn vị đã phối hợp địa phương đắp đập ngăn tạm sông Cấm, kênh Hạnh Phúc, kênh Lam Trà 2 để ngăn mặn và nhất là tạo nguồn nước ngọt phục vụ các trạm bơm dọc sông Cấm, Khe Cái, Kẻ Gai… phục vụ nước cho các huyện Hưng Nguyên, Nghi Lộc đang bị hạn nặng. Bên cạnh đó, đơn vị cũng đã nạo vét bùn ở cống Nam Đàn và các trạm bơm liên quan; nạo vét bể hút, nối thêm vòi và lắp thêm 10 trạm bơm dầu dã chiến, công suất lớn để vét nước lên các kênh chính để phục vụ nước tưới cho bà con. Cũng theo ông Hùng, do nguồn nước trên các sông đã cạn kiệt, nhất là sông Lam, sông Cấm và xâm nhập mặn vào khá sâu, nên đơn vị đã lên các phương án tính toán, dồn nước để bơm cứu lúa ở những vùng có thể, không thể bơm trên diện rộng như trước đây. Công ty cũng phân công trực 24/24 giờ để mở cửa đón nước tạo nguồn khi nước lên cũng như chặn lại, giữ nước khi nước xuống…

Để phòng, chống nắng hạn khốc liệt, người dân cần chuyển sang làm đất hay gieo trồng vào tối muộn hay sáng sớm. Ở các vùng trọng điểm chè huyện Anh Sơn, Thanh Chương hay vùng trọng điểm cam, cây ăn quả ở huyện Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn, người dân cần tiến hành lắp hệ thống tưới nhỏ giọt, tưới phun tự động... Ngư dân ở vùng biển ngang Quỳnh Lưu, Diễn Châu… cũng phải thay đổi lịch ra khơi cho phù hợp để vừa giữ sức khỏe, vừa giảm hư hỏng hải sản đánh bắt được.

Cũng do nắng hạn kéo dài, tại một số địa phương của huyện Yên Thành, Diễn Châu, những ngày cuối tháng 6 vừa qua, liên tục xảy ra nhiều vụ cháy rừng, thời gian cháy kéo dài, từ ngày này sang ngày khác và diện tích rừng bị thiệt hại cũng rất lớn.

Toàn tỉnh có 1.061 hồ chứa, trong đó, doanh nghiệp quản lý 97 hồ và địa phương quản lý 964 hồ. Tính đến ngày 19-7, có 97% hồ chứa do doanh nghiệp quản lý thiếu hụt nước so dung tích thiết kế. Các hồ chứa nhỏ do xã, hợp tác xã  quản lý chỉ đạt 20 - 30% dung tích thiết kế; trong đó, 234 hồ nhỏ đã xuống dưới cao trình mực nước chết.