Gọi nhau trên dãy Trường Sơn

Kỳ V: Những cái đầu bốc lửa

Đào bới tìm kiếm ở chân cao điểm M2.
Đào bới tìm kiếm ở chân cao điểm M2.

Trong cuộc tìm kiếm trên dãy Chư Mom Ray, đã có lần cả đội giật mình tưởng như tìm thấy một chỉ dấu. Đó là lúc giữa đám đất đỏ bỗng có một vật thể lạ, khác hẳn đất đá chung quanh. “Một mẩu xương chăng?”, một phỏng đoán được đưa ra. Nhưng với kinh nghiệm đi rừng lâu năm của một người Xê Đăng, Thiếu tá U Tiến Minh (Trợ lý chính sách tỉnh đội Kon Tum) cho rằng, đó chỉ là một loại hạt quả rừng. Cuộc thảo luận sau đó của cả đoàn cũng nhận định, đó thật sự chỉ là một loại hạt. 

Những lần hụt hẫng như thế rất nhiều, suốt 12 năm qua…

Khi di vật là 20 chiếc giày cùng bên trái

“Đi tìm liệt sĩ phải có tâm, không được kêu ca, bình tĩnh kiên trì mà làm, có khi đi rất nhiều chuyến mà sau một năm mới tìm được thêm trường hợp mới”, Đại tá Chu Đình Dương - nguyên Chính trị viên huyện đội Sa Thầy (Kon Tum) chia sẻ.

Cũng là một người lính, cũng từng nằm gai nếm mật trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, Đại tá Dương luôn tâm niệm mình phải cố gắng đưa được những đồng đội của mình trở về. Năm 2010, khi đọc những thông tin về hành trình tìm kiếm của những cựu chiến binh (CCB) E209 tìm đồng đội ở Chư Tan Kra, ông Dương ngay lập tức liên hệ với họ. Bây giờ, khi đã nghỉ hưu, vị đại tá lại tiếp tục là cầu nối liên lạc cho các CCB trong hành trình trên dãy Trường Sơn. 

Thời điểm ông còn ở huyện đội Sa Thầy, đã có lúc khi tìm kiếm, ông phải ngăn anh em mạnh tay: “Cái sọ mà như cục đất, có anh em đòi vất cục đất đấy đi, mà tôi bảo không được đâu. Toàn bộ là di vật, hài cốt liệt sĩ hết”. Hơn 50 năm, những nơi xưa là rừng rậm, giờ đã là nhà cửa, đường sá. Ngay Vườn quốc gia Chư Mom Ray, Di sản thiên nhiên ASEAN, cũng đã thu hẹp đáng kể, không chỉ tính từ thời còn “xẻ dọc Trường Sơn”, mà chỉ trong 12 năm các CCB E209 tìm kiếm. “Chôn cất liệt sĩ thời điểm trong chiến tranh trước 1975 không có điều kiện để làm bài bản. Xương đã ít, cộng với môi trường như thế này, ngoài lớp đất nguyên thổ, di vật mang về khác môi trường chung quanh là có thể nghi vấn rồi. Tôi đã trải qua trường hợp phát hiện, quy tập di vật của 20 liệt sĩ là 20 cái đế giày bên trái, không có đế giày bên phải”, ông Dương kể. 

Thượng úy Võ Anh Ngọc, cán bộ chính sách BCH quân sự thành phố Kon Tum là người từng trực tiếp quy tập nhiều trường hợp liệt sĩ trên địa bàn theo thông tin của người dân địa phương thông báo. Anh kể đã làm chính sách 4, 5 năm rồi: “Năm nào cũng có đi quy tập, gặp mộ liệt sĩ thì ôm cũng có, bốc cũng có. Đã quen rồi, cái xương cái cốt là không có gì e sợ cả”. Anh chia sẻ, công tác rà soát, quy tập liệt sĩ được thực hiện theo danh sách liệt sĩ theo địa bàn nơi hy sinh do cấp trên chuyển về đến cấp huyện, cấp xã. Song quá trình thực hiện cũng gặp rất nhiều khó khăn vì thời gian đã dài, địa hình thay đổi, nhiều khi trong rẫy người ta đã cày xúc nhiều năm rồi… nên địa phương không có nhiều cơ sở để triển khai xác minh thông tin, quy tập hài cốt liệt sĩ. Vì vậy việc chủ động tìm kiếm là hết sức khó khăn. 

Chúng tôi đã từng chứng kiến cuộc tranh luận gay gắt giữa các CCB E209 và những người làm công tác chính sách ở tỉnh đội Kon Tum. “Có chết tôi cũng tin đó là mộ liệt sĩ”, CCB Hồ Đại Đồng nói với đôi mắt hoe đỏ. Mâu thuẫn về việc có thể công nhận những gì đã tìm được là mộ liệt sĩ hay không, vẫn là câu chuyện bỏ ngỏ. Nhưng điều quan trọng nhất, rằng từng ấy năm qua, chưa một lúc nào những người CCB chùn bước trước mỗi hành trình tìm lại đồng đội. “Tất cả vì đồng đội, không phải vì ta”, CCB Nguyễn Xuân Ánh thở dài sau chuỗi ngày trên núi không có kết quả. 

“Năm đó nếu cứng nhắc thì chắc cũng không tìm được 81 liệt sĩ ở Chư Tan Kra”, ông Chu Đình Dương nhớ lại. Đó là thời điểm các CCB E209 tìm thấy dấu vết ngôi mộ lớn ở khu vực Đồi Tranh thuộc xã Sa Sơn (Sa Thầy, Kon Tum) vào ngày 19-12-2010. Trong ngôi mộ có nhiều di vật, những đế giày, những vụn xương, một vài mảnh nylon lẫn trong đất đen. Hơn nửa thế kỷ, nằm sâu trong lòng đất bazan, xương cốt các liệt sĩ tiêu hủy nhanh hơn so với những nơi khác. Cuối cùng, 81 liệt sĩ được tìm về, yên nghỉ trong nghĩa trang liệt sĩ huyện.

Đại tá Nguyễn Ngọc Quang, Trưởng phòng Công tác mộ liệt sĩ (Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị) nhận định: “Hiện tại các cơ quan quản lý vẫn làm theo quy định cũ, tất cả trường hợp phải có cốt. Khi lực lượng quy tập lập biên bản hồ sơ chi tiết, chụp hình ảnh gửi về lấy mẫu sinh phẩm giám định ADN mới đi đến quyết định cuối cùng”. “Nếu chỉ có đất đen không thì cũng phải nghiên cứu, ghi nhận những trường hợp đó, song không cẩn thận thì trùng lặp, một liệt sĩ thành hai mộ sau này khó xử lý”, đại diện Cục Chính sách thông tin thêm.

Câu chuyện “cậu Thủy” cũng luôn được nhắc lại, như một bài học cho những người trong cuộc. Những CCB nhiều năm dọc dài trên các chiến trường xưa như ông Kiềm, ông Hưởng, ông Đồng… đều ít nhiều gặp các nhà ngoại cảm tìm đến mình. Ông Chu Đình Dương từng kể rằng, đã từng có nhà ngoại cảm tìm đến ông, trả ông 100 triệu đồng cho mỗi một thông tin liệt sĩ mà ông cung cấp, nhưng ông thẳng thắn từ chối. 

Về đây đồng đội ơi!

Khi chúng tôi bắt đầu viết những dòng đầu tiên của loạt bài này, CCB Hồ Đại Đồng nói rằng, đừng quên ai cả - những người đã bao nhiêu năm kề vai sát cánh bên nhau, như những thuở nào còn chung chiến hào, để cùng nhau gọi những đồng đội vẫn đang nằm đâu đó ở Trường Sơn. Chuyến đầu của CCB E209, có năm người tham gia, gồm ông Đồng, Chúc, Ngọc, Khánh, Văn… 12 năm qua đi, nhiều gương mặt không cùng E209 nhưng đã đến, đã cùng chung sức với họ như Đại tá Chu Đình Dương, như CCB Nguyễn Xuân Ánh (E88). Chuyến tìm kiếm tháng 12-2017, còn có sự tham gia của Thiếu tướng Lộ Khắc Tâm. Năm xưa cắt tay lấy máu xin viết thư đi đánh giặc, hai tháng trèo đèo lội suối trên đường mòn Hồ Chí Minh vào chiến trường miền nam, bây giờ, tướng Tâm lại cùng đồng đội vượt dãy Trường Sơn tìm những người nằm lại. Có những thân nhân liệt sĩ cũng bền bỉ cùng E209, như Nguyễn Trọng Bình. Anh Bình có ba người chú cũng là lính E209. Anh đã theo những CCB qua nhiều hành trình. Cũng có lúc tưởng gần đến nơi, như tháng 12-2020, khi đoàn tìm kiếm tìm thấy dấu vết của 25 liệt sĩ, mà dựa trên tài liệu và ghi chép thì trong đó có một người chú của anh. 

Trong chuyến đi năm nay, CCB Nguyễn Văn Vĩnh vừa qua đợt tai biến vài tháng trước, cũng kiên trì tới ngày cuối cùng của hành trình. Từng ấy năm, người vừa tai biến, người bị ngã, người đặt sten… nhưng vẫn chưa thấy các CCB nói sẽ dừng lại. 

CCB Phạm Công Hưởng, vẫn tiếp tục chiến đấu với căn bệnh ung thư, để hoàn thiện tâm nguyện tìm được những người đồng đội ngã xuống ở Đắk Pết - trận chiến mà ông có mặt vào tháng 4-1972. Ông nói đang hoàn thiện hồ sơ, chuẩn bị gửi công văn lên Bộ Quốc phòng để xin vào cuộc tìm kiếm. “Hiện, tôi đã tập hợp đủ danh sách hơn 130 liệt sĩ rồi, nhưng tài liệu ghi lại phải tới 140 người hy sinh”, ông Hưởng bùi ngùi. 

CCB Nguyễn Đình Kiềm, vẫn đau đáu với những người lính chưa về ở ngã ba Da Bò (Plei Yabo) tháng 7-1967 và cao điểm 621 Ia H’drai tháng 3-1967. Ông nói ông sắp vào lại nơi đó, sẽ tìm tận nơi, cùng với những thân nhân liệt sĩ như Chu Văn Việt, Nguyễn Tiến Vũ. “Tôi tin họ (các liệt sĩ - PV) vẫn muốn trở về”, ông Kiềm bảo. 

Trời Tây Nguyên ngay cả những ngày đầu mùa mưa, vẫn một mầu xanh biếc. Trên Facebook, vẫn thấy những nick các CCB cũng lấp lánh xanh báo hiệu online. Họ đang gọi nhau, rằng chờ hết mùa mưa, sẽ lại quay lại Trường Sơn. Những người lính già có một niềm tin mãnh liệt, rằng những người đồng đội đang nằm trên dãy Trường Sơn, sẽ nghe thấy tiếng gọi của họ, để trở về. 

“Có mất mát nào lớn bằng cái chết/Khăn tang, vòng tròn như một số không/Nhưng bạn ơi, ở bên trong vòng trắng/Là cái đầu bốc lửa ở bên trong” (thơ Phạm Tiến Duật). Hơn nửa thế kỷ, chúng tôi vẫn thấy những mái đầu bạc bốc lửa, giữa đại ngàn Trường Sơn. 

Đại tá Nguyễn Ngọc Quang, Trưởng phòng Công tác mộ liệt sĩ (Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị): 

“Theo quy định đào tìm phải có xương cốt mới bàn giao được, nhưng nhiều trường hợp đào xuống vị trí chính xác, theo sơ đồ và thông tin chỉ dẫn đều trùng khớp, khi đào lên tìm thấy tăng vẫn còn hình dạng khi chôn cất theo cách bó đúng ba lớp, lớp bó tay, bó chân vẫn còn, dây dù vẫn có. Khi mở ra trong không còn xương cốt, chỉ còn đất đen với lại những di vật của liệt sĩ. Hiện, Cục Chính sách có kế hoạch thảo luận với bên Bộ LĐ-TB&XH tìm hướng xử lý, xem đó có thể coi như một hài cốt hay không”. 

Ông Trương Công Chính, Trưởng phòng Chính sách, huyện Sa Thầy, Kon Tum: 

“Hiện nay văn bản quy định xác định di vật, danh tính liệt sĩ còn cứng nhắc, mà càng ngày thời gian càng lùi xa. Nhiều quy định có lẽ cần điều chỉnh từ hàng chục năm nay”.