Gọi nhau trên dãy Trường Sơn

Kỳ 3: Dấu chấm hỏi ở những nghĩa trang

CCB Hồ Đại Đồng đi thăm đồng đội ở Nghĩa trang liệt sĩ huyện Sa Thầy trước khi bắt đầu mỗi hành trình tìm kiếm.
CCB Hồ Đại Đồng đi thăm đồng đội ở Nghĩa trang liệt sĩ huyện Sa Thầy trước khi bắt đầu mỗi hành trình tìm kiếm.

Năm 2012, trên vùng đất lưng tựa vào dãy Trường Sơn của huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum, Hà Nội đã xây dựng khu tưởng niệm tri ân các anh hùng liệt sĩ của Trung đoàn 209 hy sinh tại mặt trận Bắc Kon Tum tháng 3-1968.

Tháng 4-2021, một tấm bia tưởng niệm liệt sĩ Trung đoàn 174 hy sinh tại Đắk Tô - Tân Cảnh năm 1967 - 1968 cũng đã được khánh thành. 

Chỉ là còn rất nhiều trận đánh, vẫn đang chờ một tấm bia. 

Giấc mơ ám ảnh

Chúng tôi gặp Chu Văn Việt ở Gia Lai, trước khi lên đường cùng các cựu chiến binh (CCB) E209 vào Chư Mom Ray. Ông của Việt, Thiếu úy Chu Minh Thiện, Đại đội phó Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 320, hy sinh ngày 21-3-1967, giấy báo tử gửi về chỉ có một dòng “hy sinh phía đông sông Sa Thầy”. Năm 2020, Việt xin nghỉ phép một tháng, đi dọc sông Sa Thầy tìm mộ ông. Nghĩa trang nào cũng vào, BCH quân sự nào cũng tìm đến, kết quả vẫn là con số 0. 

Nhờ một vài mối liên hệ, Việt gặp được ông Nguyễn Đình Kiềm. Ông Kiềm là CCB E320, từng chiến đấu từ Quảng Trị, sang Lào, rồi lên đến chiến trường Tây Nguyên. Ông Kiềm nhận ra ông nội của Việt. Năm đó chính ông Chu Minh Thiện đã cầm giúp cho anh lính trẻ Nguyễn Đình Kiềm khẩu súng. Trận đánh 21-3-1967, ông Kiềm mô tả ta và địch đánh giáp lá cà, xa nhất 10 m, còn khoảng cách hai bên chỉ tầm sáu, bảy mét. Ông vẫn nhớ địa hình lúc đó. Trong chuyến khảo sát cuối năm 2020 cùng các CCB E320, Việt đã tìm đến được gần địa điểm nơi ông đã hy sinh. Đó là khu vực cao điểm 621 nằm sát đường 14, nay thuộc thôn 7 và 8, xã Ia Tơi, huyện Ia HD’rai, Kon Tum. 

Việt cũng đã đi hỏi thêm nhiều nơi, xác định cả vị trí tọa độ. Cuối năm 2020, Việt cùng các CCB E209 trong đó có ông Hồ Đại Đồng cũng đã khảo sát cao điểm 621 ba ngày. Ở tọa độ YA 683570, có dấu tích hai hầm, đào tới độ sâu 50 cm họ phát hiện ra các mảnh tăng bộ đội bị phân hủy gần hết, vẫn chưa tìm thấy di vật, xương hoặc đất đen. Cuộc tìm kiếm phải dừng lại ở đó. 

Cùng tìm kiếm với Việt có Nguyễn Tiến Thắng, người được bố vợ lúc trăng trối giao cho anh nhiệm vụ tìm người anh trai. Người nhà anh Thắng là liệt sĩ Lê Mạnh Hùng, trung đội trưởng. Trong giấy báo tử gửi về, cả thông tin năm sinh cũng bị nhầm lẫn, nơi hy sinh chỉ ghi là “Mặt trận phía Nam”. Mất rất nhiều năm, gia đình anh Thắng mới tìm được đồng đội cũ để xác minh vị trí hy sinh chính xác của liệt sĩ Hùng.
Việt bảo bây giờ cần phải khảo sát tìm kiếm toàn bộ khu vực ấy, việc đó cần thời gian. Mấy chục năm, quỹ thời gian của một anh công an có hạn, chỉ chờ vào những đợt phép. Việt vẫn nằm mơ thấy ông cùng đồng đội hy sinh, không được chôn cất, nằm chồng lên nhau, đau lòng lắm. Giấc mơ ám ảnh Việt nhiều năm qua. “Nhiều năm thế rồi, em chỉ mong không tìm được cũng có một tấm bia tưởng niệm các cụ cho con cháu còn thắp hương”, Việt trầm tư. 

“Tôi chờ mãi”

Có rất nhiều những tấm bia tưởng niệm ở những nơi ghi dấu ấn trên chiến trường Tây Nguyên. Nhưng cũng có những tấm bia chờ đợi mãi vẫn chưa được nhắc đến. Nhiều năm nay, ông Kiềm cứ đau đáu về trận đánh ngày 23-7-1967, trận mà theo ước tính của người trực tiếp tham chiến là ông, có khoảng 600 liệt sĩ E320 đã hy sinh. E320 và Mặt trận B3 đã giải thể, nhiều năm qua, không chỉ hài cốt các liệt sĩ chưa có cơ hội tìm về, mà vị trí trận đánh cũng vẫn còn đang gây tranh cãi. Trong tài liệu phía CCB Mỹ cung cấp, kết thúc trận đánh ngày 23-7-1967, đài BBC đã liên tục đưa tin tiêu diệt Trung đoàn 320 - Sư đoàn 1, diệt hơn 1.000 quân Giải phóng và bắt sống 10 người. Vị trí trận đánh trên bản đồ của phía Mỹ được ghi là ngã ba Plei Yabo, theo trí nhớ của ông Kiềm là ngã ba Da Bò, cao điểm 321. Địa danh này hiện là vị trí của Làng Bò (xã Ia Pnôn, Đức Cơ, Gia Lai). Ông Kiềm cũng đã tìm gặp được một trong số những người bị bắt, cùng tài liệu thu thập được. “Lúc đó không có điều kiện chôn cất cho đồng đội, ngưng tiếng súng là chúng tôi trở lại, chỉ kịp đào hố vội vàng rồi chôn đồng đội xuống, không có điều kiện mang đi”, ông Kiềm xót xa. 

“Cái hôm đó Mỹ oanh tạc liên tục, bắn pháo bốn bề, chỉ nghỉ đúng 15 phút ăn trưa. Máy bay cứ hai ba tốp trực thăng trên đầu bắn xuống. Bắn liên tục thế đất đỏ cũng bị bật tung lên, da thịt người cũng trộn đất rồi làm gì còn nguyên vẹn”, nhiều năm, ông Kiềm cứ đau đáu điều ấy. Dù cho chưa tìm được đồng đội, ông vẫn cứ mong có một nhà bia đặt ở vị trí đấy, để công nhận đã từng có những ngày tháng mà có những đồng đội đã ra đi không tiếc đời mình như thế. Nhưng những bài viết, những văn bản của ông, chờ mãi, vẫn là một sự im lặng từ phía Đức Cơ. 

Anh Nguyễn Tiến Vũ, cháu nội Thiếu úy Nguyễn Đức Chi, người hy sinh trong trận chiến đó cũng đã lần tìm đến chiến trường xưa, theo sự chỉ dẫn của ông Kiềm. Ông Kiềm nói chuyến đi sắp tới, sẽ là cùng gia đình anh Vũ đến đúng ngã ba Plei Yabo khi xưa để tìm kiếm. “Người ta tìm nhiều năm không thấy, là vì họ không chiến đấu ở đó, họ có hỏi tôi đâu”, ông Kiềm thở dài. Hiện giờ theo ông Kiềm đã có gần 50 gia đình liệt sĩ của trận đánh ngày 23-7-1967 tìm tới ông. 

Hy vọng rồi lại thất vọng

Năm 2017, anh M. ở Thanh Oai (Hà Nội) dựa theo thông tin thu thập được, đã bắt xe từ Hà Nội vào tới Sa Nghĩa tìm lại người chú hy sinh tại khu vực này. Liệt sĩ (LS) hy sinh ở khu vực gần suối, chỗ cầu Ya Xier. Dò theo bản đồ, anh M. khi đang lang thang đến lúc khát nước nghỉ tại một quán trà, thì hỏi được tin rằng mới năm ngoái, người dân phát hiện trên rẫy cà-phê ở Sa Nghĩa mà theo mô tả thì đúng là kỷ vật của người nhà anh. Hỏi đi hỏi lại, anh cũng được biết chủ rẫy cà-phê đó sau này đã làm một cái am để thờ cúng, di vật của liệt sĩ đã được khai quật đưa về nghĩa trang địa phương. Nắm được tin tức như bắt được vàng, anh đến trụ sở huyện xác minh thông tin. Tại đây, Ban Dân vận cho biết, khi bàn giao cho Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đã nhận là có danh sách và biên bản, song tìm lại trong kho lưu trữ cũng không có. Như vậy, về mặt giấy tờ trong khoảng thời gian đó, phòng không nhận hay ghi lại thông tin gì về di vật LS. Tuy vậy, vẫn có tín hiệu vui là người của huyện đội Sa Thầy đi quy tập nói là có di vật và đã đưa về nghĩa trang rồi. 

Quyết tâm và hy vọng tìm được người nhà, anh M. đã ở lại gần một tuần chờ xác minh. Thế nhưng người quản trang cũ đã mất, thông tin lại “tắc” ở khâu đó. Đại diện phòng chính sách đã tìm đến người vợ của ông quản trang, dựa theo trí nhớ của bà và người dân thì xác định được hai ông bà đúng là đã từng nhận một gói di vật, song nhận vào buổi tối và không ghi chép chính xác là mộ nào. Theo trí nhớ của bà quản trang cũ, lấy điểm chuẩn của một mộ rồi đếm thêm mấy hàng, bà chỉ một ngôi mộ chưa xác định tên, cho khui lên thì di vật theo cách bó đó không phải bộ đội quy tập về, vì bộ đội được tập huấn có cách cất bốc, bó di vật rất bài bản, gói này chỉ bó buộc đơn giản. “Cả địa phương và người dân phát hiện cùng chứng kiến, rồi xác nhận không phải gói như vậy. Vậy là thân nhân liệt sĩ lại được một lần mừng hụt”, ông Chính nhớ lại. 

Theo ông Trương Công Chính, Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Sa Thầy, về nguyên tắc, toàn bộ sơ đồ mộ bố trí ở nghĩa trang liệt sĩ được chôn theo thứ tự, khi an táng theo thứ tự cứ lần lượt từ dưới lên thì mộ này theo khung thời gian đó không thể chèn vào đây được. Tuy vậy, khi về văn phòng, ông Chính tiếp tục khai thác hồ sơ, dịch chuyển dần dần theo năm, loại trừ theo khoảng thời gian tìm thấy để xác định lại vị trí mộ. Thí dụ, tháng 1 đưa về hai gói, tháng 2, tháng 3 đến tháng 6 không có mộ nào, trừ những cái nào có biên bản thì có thể loại trừ mộ chưa xác định.

“Ba mộ không có biên bản đã cho bật lên, nhưng vẫn chưa xác định được. Thân nhân liệt sĩ gửi niềm tin vào huyện đội và địa phương, song khi đã đưa ra khả năng không phải thì gia đình cũng rút về, mặc dù đã có trong tay rất nhiều dữ liệu. Một là người chủ rẫy mô tả đúng như lời đồng đội của liệt sĩ đi cùng xác nhận, ông bảo vậy nếu đúng chỗ này thì chính xác rồi. Hai là cái di vật khớp với mô tả của thân nhân liệt sĩ. Ba là huyện đội những người đang làm việc cũng chứng kiến chính xác như thế, đã bảo đưa về nghĩa trang rồi. Nhưng đưa về thì không có biên bản, đưa vào ngôi mộ số mấy cũng không nhớ. Chính vì vậy thân nhân người ta kỳ vọng quá”, ông Chính nói thêm. Bây giờ, ngôi mộ người nhà anh M, vẫn là dấu hỏi giữa khoảng 400 ngôi mộ chưa xác định tên ở Nghĩa trang liệt sĩ Sa Thầy. 

Khu tưởng niệm liệt sĩ Hà Nội của E209 đặt tại xã Ya Xier vẫn còn nhiều ô trống - những phần mộ chờ đưa liệt sĩ về và phần mộ của những liệt sĩ đã tìm được đang chờ xác định tên. Những nghĩa trang ở Tây Nguyên, có rất nhiều ô trống như thế. Và có cả những địa danh, thậm chí chẳng có được một ô trống để cắm nén hương. Những ô trống ấy, “như cái dấu hỏi trong question mark” - theo lời một cựu binh Mỹ, vẫn đang để ngỏ. 

(Còn nữa)