Gọi nhau hai chữ “đồng bào”

Những cơn bão liên tiếp khiến miền trung oằn mình chịu nạn. Trong gian khó, nghĩa đồng bào lại rõ rệt và ấm áp hơn bao giờ hết. Ngay khi nước lũ miền trung đang ở mức cao nhất, rất nhiều nơi trên cả nước đã xuất hiện những nồi bánh chưng “trái mùa”. Không chỉ quyên góp tiền, người dân khắp nơi còn nấu bánh, soạn cơm chuyển đến tận “rốn” lũ với mong muốn sẻ chia phần nào những khó khăn mà bà con nơi đây đang gánh chịu. 

Gói bánh tét gửi tặng bà con vùng lũ.
Gói bánh tét gửi tặng bà con vùng lũ.

Kỳ 1: Một miếng khi đói

Nổi lửa nấu bánh khắp ba miền

Cập nhật tin tức mưa lũ trên ti vi, lòng chùng xuống, vừa thương vừa lo, chị Lê Thị Huyền Trang (quận 9, TP Hồ Chí Minh) quyết định rủ cả nhà cùng nhau gói khoảng 500 cái bánh chưng gửi tặng đồng bào miền trung. Thế nhưng, ngay khi thông tin này được chia sẻ lên trang thông tin tại khu dân cư, điện thoại chị Trang liên tục reo. Người nói tặng nếp, người ủng hộ thịt, người chuyển tới mấy túi đậu, lá chuối, dầu ăn, gia vị các loại… cứ vậy mấy ngày liên tục chưa dứt. Có mấy chị chở nếp, đậu sang ủng hộ chương trình, thấy vui quá ngồi lại lau lá, gói bánh phụ đến khuya mới chịu về. Sau mấy ngày cùng hơn 40 tình nguyện viên khắp thành phố chung tay, lò bánh đặc biệt của gia đình chị Trang đã hoàn thành hơn 5.000 bánh chưng, bánh tét, bánh ít đủ loại lớn nhỏ rồi làm sạch, hút chân không, vận chuyển đến bà con vùng lũ. Chị Trang không ngờ ý tưởng của mình được quá nhiều người ủng hộ và phát triển thành một chương trình lớn như vậy. 

Khoảng sân rộng tại nhà bà Bùi Thị Bên (quận 9) mấy bữa nay trở nên chật chội với đủ đồ đạc lỉnh kỉnh. Người ngoài đi ngang không biết chắc nghĩ nhà bà sắm mở thêm cửa hàng tạp hóa. Bên trong, bà cùng với các tình nguyện viên trẻ có, già có phân chia thuốc, băng vệ sinh, xúc xích, đồ lót, bánh kẹo… để kịp chuyến hàng “0 đồng” đến vùng lũ, nơi bà con đang rất cần nhu yếu phẩm. Phía trước nhà, mấy nồi bánh tét sắp đến giờ vớt ra, khói nghi ngút. “Chưa khi nào gói bánh tét nhiều mà gấp rút đến vậy. Nghĩ đến là tôi rủ mọi người chung tay làm luôn. Mình gói rồi ép 300 cái bánh tét gửi kèm nhu yếu phẩm, rau củ ra trước rồi nghe ngóng xem bà con cần gì đi quyên góp, gửi tiếp. Lũ lụt kiểu này thì bà con còn khổ dài dài, mình phụ được gì cứ phụ. Mấy bữa này công việc ngưng hết, tập trung hướng về miền trung đã. Chỉ mong bà con mau vượt qua giai đoạn khó khăn này, thương lắm”, bà Bên vừa gói bánh vừa chia sẻ.

Nghe bên nhà bà Bên cần người phụ gói bánh tét, từ sáng sớm, chị Lê Thị Hồng Nhung đã có mặt xắn tay áo vào việc. Chị nói đi vậy là việc bán buôn ảnh hưởng nhưng có hề chi, bà con đang khó khăn giúp được gì chị luôn sẵn lòng. Ngồi từ sáng đến chiều, lưng đau, tay mỏi nhưng mọi người vẫn luôn tươi cười, cùng bàn kế hoạch chuẩn bị cho đợt hỗ trợ tiếp theo. Phía cuối sân, lâu lâu lại nghe tiếng các tình nguyện viên trẻ tuổi gọi “Bà Nam ơi… Cứu con! Cái bánh méo xẹo rồi. Lần đầu con gói nên nó xấu quá chừng. Bà chịu khó sửa để bà con ngoài miền trung ăn được bánh đẹp, bánh ngon nha bà”. Ngồi cạnh đó, bà Năm cười rổn rảng, cầm mấy cái bánh tét mập ú, với thêm vài cọng lạt: “Thiệt tình, cái bánh nhìn ngộ hết biết à. Thôi mấy đứa ra chụm củi, canh bánh cho kỹ nhen”. Cứ vậy, tiếng cười nói, tiếng chuyện trò vang cả khoảng sân. Bà Bên cười, nói với sang: “May mà có mọi người phụ chứ không là còn lâu mới xong”.

Khởi đầu từ Nghệ An, những nồi bánh chưng “khẩn cấp” cho bà con miền trung chống lũ cứ lan rộng. Từ TP Hồ Chí Minh đến Hà Nội, Hải Dương... hiếm lúc nào bánh chưng, bánh tét lại được nhiều người sẻ chia đến vậy. Đó là món quà ngay lập tức, lại ấm áp nghĩa xóm làng đúng chất người Việt. 

Gọi nhau hai chữ “đồng bào” -0
Trao suất cơm tại Quảng Bình. 

Món đồ giản dị ngay giữa tâm lụt

Lễ 20-10 năm nay với chị Đồng Lê Quỳnh Hương (quận 3, TP Hồ Chí Minh) bỗng trở thành kỷ niệm đáng nhớ. Thay vì cùng chồng đi ăn tiệc ở một nơi thật ấm cúng, thậm chí đi du lịch xa thành phố, năm nay chị quyết định ở nhà bán quần áo cũ lấy băng vệ sinh, dung dịch vệ sinh để gửi tặng chị em phụ nữ vùng lũ. Chỉ hai giờ đồng hồ sau khi chia sẻ ý tưởng trên trang facebook cá nhân, phòng khách nhà chị Hương ngập tràn băng vệ sinh và các loại dược phẩm cần cho phụ nữ. Xếp từng gói băng vệ sinh vào thùng, chuẩn bị gửi đến dịch vụ vận chuyển “0 đồng”, chị Hương rơm rớm nước mắt. “Mình không ngờ mọi người hưởng ứng nhiều như vậy. Có nhiều chị không lấy quần áo, đem tới tặng mấy chục gói băng, còn nhắn cảm ơn vì ý tưởng thiết thực của mình. Rồi người lấy cái áo, thay vì chỉ cần đưa 4 - 5 bịch, đưa luôn 20 bịch băng. Mình nhận quà cho chị em vùng lũ mà hạnh phúc lắm vì biết rằng trong giai đoạn này các chị rất cần những món đồ này. Mình sẽ tổ chức thêm một gian chợ “0 đồng” để mọi người trao đổi quần áo, phụ kiện, vật dụng, đổi sang băng vệ sinh, các vật dùng cần thiết để tiếp tục gửi tặng chị em ở miền trung trong thời gian tới”, chị Hương cho biết thêm.

Sau 5 ngày triển khai, nhóm Những anh em làm du lịch tại Quảng Bình đã cùng nhau quyên góp, nấu và trao tận tay 17.000 suất ăn cho bà con mắc kẹt tại những khu vực ngập sâu. Chị Trần Thị Thùy Dung, chủ An Homestay tại Quảng Bình cho biết, sau khi đi hỗ trợ bà con từ Thừa Thiên Huế và Quảng Trị về, nghe cảnh báo quê nhà mưa lớn, lũ lụt, trong tay còn 10 triệu đồng, chị Dung đưa ra cùng ý tưởng chuẩn bị suất ăn giúp bà con vượt qua cơn đói nếu lũ lụt hoành hành. Sau đó, một người bạn khác góp thêm 13 triệu đồng để khởi động bếp ăn này. “Từ 23 triệu đồng  ban đầu ấy, sau mấy ngày vận động quyên góp, số tiền cho chương trình kêu gọi “10.000 suất ăn, nước uống, nhu yếu phẩm” đã lên đến hơn 700 triệu đồng. Đó là chưa thống kê hết số lương thực, thực phẩm do nhiều anh, chị em gửi tặng. Số tình nguyện viên tăng lên mỗi ngày. Mấy nhà hàng thì phụ nhóm nấu xôi, làm bánh chưng, bảo đảm thức ăn chất lượng, an toàn cho bà con. Số tiền tăng lên, suất ăn ngày càng nhiều món, đủ để bà con dùng tạm hai ngày. Tụi mình làm du lịch nên rõ địa bàn, rồi phối hợp với lực lượng chức năng địa phương đi vào tận rốn lũ, những nơi khó khăn nhất để chung tay hỗ trợ bà con. Thương bà con mình lắm, nhiều người nhận cơm mà khóc, họ nói “Bữa ni không cần tiền bạc chi hết, chỉ cần có ăn vượt qua cơn đói đã”. Thấy vậy tụi mình rơi nước mắt, chỉ muốn giúp được nhiều hơn”, chị Dung xúc động nói.

Khi nước một số nơi đã tạm rút, nhu cầu đồ ăn tại chỗ không còn quá cấp bách, nhóm nấu bánh của chị Dung (TP Hồ Chí Minh) đã tạm ngưng việc nấu cơm, chuyển sang cung cấp nhu yếu phẩm, đặc biệt là rau củ, các loại bánh, các loại khô, thịt nguội, nước uống đến bà con vùng lũ. Chị Dung nói mọi người không muốn trao tiền mặt vì hiện nay bà con đi chợ vẫn khó, mua được hàng giá cả sẽ đắt, không ngon. Chị cùng mọi người đi chợ, mua những món phù hợp nhất trao tận nhà cho bà con đỡ khổ, như vậy sẽ giúp được nhiều gia đình hơn.