Giữ không gian cho TP biển Nha Trang

Trước những vấn đề đang diễn ra tại TP biển Nha Trang thì việc đầu tiên có thể thấy được vấn đề quy hoạch phát triển đô thị nơi đây đang bị phá vỡ. Trong khi đó, không gian biển, đất của TP Nha Trang là một phần rất quan trọng trong tổng thể quy hoạch quốc gia.

Dự án trên núi Cô Tiên thi công ẩu gây sạt lở khiến bốn người chết.
Dự án trên núi Cô Tiên thi công ẩu gây sạt lở khiến bốn người chết.

Kỳ 2: Nguy cơ phá vỡ quy hoạch phát triển đô thị

(Tiếp theo & hết)

Quy hoạch ngược trên núi Cô Tiên

Nằm ở phía tây bắc TP Nha Trang, núi Cô Tiên có tổng diện tích khoảng 2.000 ha, độ cao khoảng 400 m so mặt nước biển, được coi là một trong những điểm nhấn của du lịch Nha Trang. Phát triển du lịch núi Cô Tiên sẽ tạo nên một tour du lịch khép kín “lên rừng - xuống biển”. Tuy vậy, việc quy hoạch phát triển dự án đô thị trên núi đang nguy cơ phá nát cảnh quan núi Cô Tiên. Điều bất thường nhất là nhiều dự án trên núi Cô Tiên đã được tỉnh Khánh Hòa phê duyệt quy hoạch 1/500 từ hàng chục năm nay nhưng giờ đây tỉnh vẫn đang triển khai thực hiện quy hoạch 1/2000. 

Theo văn bản của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Khánh Hòa tháng 5-2019 gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư, sau khi kiểm tra, rà soát đã có 30 dự án đầu tư trên núi Cô Tiên. Trong đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt một dự án, UBND tỉnh Khánh Hòa phê duyệt ba dự án và 24 dự án Sở Tài nguyên và Môi trường không có hồ sơ. Tuy nhiên, tại danh sách dự án thực hiện trên núi Cô Tiên được Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Khánh Hòa lập ngày 24-5-2019 thì có 13/30 dự án đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 và được cấp Giấy chứng nhận đầu tư. Trong đó, dự án đầu tiên được phê duyệt chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 điều chỉnh mở rộng dự án tại Quyết định số 2905/QĐ-UBND ngày 12-11-2009 của UBND tỉnh Khánh Hòa là Khu biệt thự Đường Đệ (gồm cả mở rộng) do Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Tâm Hương làm chủ đầu tư. Dự án cuối cùng được phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 là Khu biệt thự sinh thái Cozy Garden tại Quyết định số 1703/QĐ-UBND ngày 15-6-2016, do Công ty TNHH MTV Vịnh Trà Nha Trang làm chủ đầu tư. 

Tuy vậy, đến ngày 9-5-2017, UBND tỉnh Khánh Hòa mới có Thông báo chính thức về việc nghe báo cáo Đồ án Quy hoạch phân khu (tỷ lệ 1/2000) Khu đô thị và Dịch vụ du lịch núi Cô Tiên. Theo đó, mục tiêu thực hiện đồ án quy hoạch nhằm kiểm soát, khuyến khích, bổ sung các chế tài quản lý phát triển và cải tạo khu vực; các tiêu chí quy hoạch phải được nghiên cứu độc lập, không khuyến khích việc chỉ tập trung nghiên cứu phân khu chức năng, tổ chức giao thông và hạn chế việc cập nhật quy hoạch, cập nhật dự án đã được duyệt. Tỉnh Khánh Hòa đã giao cho Sở Xây dựng phối hợp các đơn vị tư vấn nghiên cứu hoàn chỉnh lại đồ án quy hoạch và thể hiện rõ bằng thuyết minh và bản vẽ một số nội dung như: Nghiên cứu mở rộng phạm vi nghiên cứu của đồ án sang các khu vực lân cận để khớp nối tổng thể và đề xuất cụ thể tính chất đô thị của khu vực lập quy hoạch; quy hoạch sử dụng đất, hạ tầng; xác định chương trình, hạng mục hạ tầng kỹ thuật ưu tiên đầu tư và nguồn lực thực hiện. Đồng thời, đề nghị nhà đầu tư có dự án bị ảnh hưởng bởi phương án quy hoạch phân khu tạm dừng việc triển khai các thủ tục liên quan, việc đầu tư dự án sẽ được xem xét sau khi đồ án quy hoạch phân khu được phê duyệt. 

Một vấn đề đặt ra là: Lỗi tại đâu để dẫn đến tình trạng “cười ra nước mắt” của các chủ đầu tư dự án trên núi Cô Tiên khi dự án chi tiết 1/500 được phê duyệt trước khi có phê duyệt chi tiết 1/2000 (?). 

Thực tế, việc thiếu quy hoạch chi tiết 1/2000, không có được quy hoạch, đầu tư tổng thể đang trở thành hiểm họa cho người dân sống trong các dự án và chân núi Cô Tiên. Trong đó, đã có vụ việc thương tâm xảy ra ngày 18-11-2018 sau một trận mưa lớn làm cho hạng mục công trình “hồ bơi vô cực” trên núi Cô Tiên của dự án Hoàng Phú bị sạt lở, vùi sập chín căn nhà dân và làm chết bốn người trong cùng một gia đình. Dự án Khu nhà ở cao cấp Hoàng Phú do Công ty TNHH Đầu tư và phát triển Thanh Châu làm chủ đầu tư, với diện tích hơn 11,5 ha, được UBND tỉnh Khánh Hòa cấp Giấy chứng nhận đầu tư lần đầu số 37121000230 và phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng (tỷ lệ 1/500) tại Quyết định số 1895/QĐ-UBND ngày 18-7-2011; điều chỉnh cục bộ quy hoạch lần 1 tại Quyết định số 877/QĐ-UBND ngày 11-4-2014. Đến nay, dự án vẫn đang ngưng đầu tư, kinh doanh để chờ quyết định quy hoạch mới. 

Với những gì đang diễn ra, có thể thấy được việc thực hiện “quy trình ngược” tại dự án núi Cô Tiên thì UBND tỉnh Khánh Hòa và các cơ quan, ban, ngành của tỉnh đã tìm nhiều giải pháp tháo gỡ. Trong đó, đã có những ý tưởng đưa ra là tổ chức kết nối hạ tầng giao thông của những dự án đã phê duyệt. Cụ thể, tại Tờ trình số 744/TTr-SXD ngày 23-3-2017, Sở Xây dựng Khánh Hòa đã trình về việc phê duyệt đồ án phân khu tỷ lệ 1/2000 Khu đô thị và Dịch vụ du lịch núi Cô Tiên. Thực tế, đến nay việc quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2000 của dự án Khu đô thị và Dịch vụ du lịch núi Cô Tiên vẫn còn là ý tưởng.

Lời giải từ bài toán quy hoạch

Đến nay, có bao nhiêu dự án đầu tư, công trình xây dựng đã và đang phá vỡ quy hoạch tại TP biển Nha Trang? Trong đó, có hàng loạt những công trình lấn biển tại khu vực Vịnh Nha Trang cần được bảo vệ nghiêm ngặt. Cụ thể, như dự án Champaraman Resort & Spa do Công ty CP Du lịch Champaraman làm chủ đầu tư (nay đổi thành dự án Vega City), Công viên văn hóa, giải trí, thể thao Nha Trang (Nha Trang Sao); dự án du lịch sinh thái đảo Hoàn Rùa, dự án Công viên Bến du thuyền quốc tế… gần đây nhất ngày 22-5-2020, UBND tỉnh Khánh Hòa đã có quyết định xử phạt đối với chủ đầu tư dự án Khu du lịch đảo Hòn Tằm khi có hành vi xây dựng trái phép. Thực tế, UBND tỉnh Khánh Hòa đã có quyết định xử phạt và kể cả thu hồi dự án nhưng vẫn chưa đủ mạnh để răn đe. 

Trước thực trạng phát triển đô thị tại Khánh Hòa, các chuyên gia về kiến trúc đô thị cho rằng: “Khánh Hòa đã đi sai một đoạn đường dài hàng chục năm nay rồi. Nó cũng như một căn bệnh mãn tính nếu đi càng xa, để lâu chi phí chữa bệnh ngày càng lớn và rồi đến lúc người dân, chính quyền đang phải trả giá ngay trên một TP biển Nha Trang thơ mộng”. Theo phân tích của các chuyên gia kiến trúc đô thị, sai ở đâu thì phải sửa từ đó. Và ở đây có thể thấy được rằng, vấn đề phá vỡ quy hoạch và quản lý đầu tư xây dựng đô thị tại TP Nha Trang đang cần phải xem xét một cách cụ thể. Trong khi đó, TP Nha Trang thuộc diện nằm trong quy hoạch tổng thể quốc gia là cơ sở để lập quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn trên cả nước.

Nói về giải pháp để xử lý được bất cập trong quy hoạch phát triển đô thị tại TP Nha Trang, ông Nguyễn Văn Lộc nguyên Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Khánh Hòa cho rằng: “Những cái nào đã sai rồi thì đành phải chấp nhận, dự án chưa làm thì cần thiết phải dừng lại. Đối với những dự án đã được phê duyệt và đang thực hiện đầu tư thì cần phải kiểm tra lại hết các thông số xây dựng, cần quyết tâm khống chế lại mật độ xây dựng đô thị nói chung và để đô thị có được cây xanh”.

Thực tế, ngày 18-5-2016, Văn phòng Chính phủ đã có Văn bản gửi UBND tỉnh Khánh Hòa số 3585/VPCP-KTN về việc chủ trương lập quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc khu vực đặc thù theo đồ án Quy hoạch chung TP Nha Trang đến năm 2025. Đồng thời, Phó Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Xây dựng chủ trì, thống nhất với các bộ, ngành liên quan làm rõ sự cần thiết điều chỉnh cục bộ một số khu vực trong đồ án Quy hoạch chung TP Nha Trang đến năm 2025. 

Hội Kiến trúc sư Khánh Hòa sau đó đã có bản góp ý về nội dung điều chỉnh cục bộ một số khu vực trong quy hoạch chung TP Nha Trang đến năm 2025. Hội Kiến trúc sư Khánh Hòa đã chỉ ra có đến 2/3 lý do cần phải điều chỉnh chưa được xác đáng cần được làm rõ cụ thể hơn. Văn bản này nêu, một thực tế rất rõ là đã để “lọt lưới” tới 13 dự án đã xây dựng, đang xây dựng và sẽ xây dựng vượt quá tầng cao cho phép, vượt quá mật độ xây dựng trên dải đất đáng lẽ phải được quan tâm hơn. Bây giờ lập luận để điều chỉnh mà không đưa ra các tư liệu cụ thể để chứng minh thì chắc chắn sẽ phát sinh sự ngộ nhận của dư luận xã hội. Ngoài ra, một vấn đề cần được quan tâm phân tích, cân nhắc thận trọng cho việc đề xuất điều chỉnh, đó là TP du lịch Nha Trang gắn liền với việc khai thác, bảo tồn, phát huy giá trị di sản thiên nhiên Vịnh Nha Trang - ở đây có sự điều tiết của Luật Di sản văn hóa.