Giấc mơ đất liền... còn dang dở

Sau 5 năm thực hiện đề án Di dời nhà bè trên vịnh Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh), hàng nghìn người dân từ bảy làng chài trên vịnh đã có nhà ở kiên cố trên bờ, không còn canh cánh nỗi lo mỗi khi mùa mưa bão về. Tuy nhiên, cuộc sống người dân làng chài khi lên bờ có được như mong ước năm xưa?

Khu tái định cư làng chài ở phường Hà Phong (TP Hạ Long) thường ngày thưa vắng bóng người.
Khu tái định cư làng chài ở phường Hà Phong (TP Hạ Long) thường ngày thưa vắng bóng người.

Những ngư dân… mắc cạn

Đầu năm 2014, TP Hạ Long triển khai đồng bộ đề án “Di dời nhà bè trên vịnh Hạ Long” bằng nguồn ngân sách Nhà nước. Dự án này được đánh giá là có tầm chiến lược, tạo cuộc sống có tính bền vững, bảo vệ tính mạng, tài sản cho ngư dân, giúp trẻ em có điều kiện học hành, chăm sóc sức khỏe. Đồng thời giải quyết vấn đề an ninh trật tự, hạn chế tác động tiêu cực tới vịnh Hạ Long, bảo vệ môi trường sinh thái biển…

Theo chính sách, các hộ là công dân của TP Hạ Long, có nhà bè neo đậu ổn định trước thời điểm 21-3-2008 và không có nhà ở trên bờ sẽ được bố trí một lô đất tái định cư 80 m² có nhà ở tại khu 8, phường Hà Phong, TP Hạ Long. Những hộ có bè sau ngày này thì được mua 30 - 50% giá tùy từng thời điểm. Thế nhưng thực tế đã không diễn ra như kỳ vọng ban đầu.

Vợ chồng anh Vinh trú tại khu 9, phường Hồng Hà đã bàn giao bè cho TP Hạ Long từ 5 năm trước nhưng đến nay vẫn chưa được cấp đất làm nhà. Không còn các làng chài truyền thống trên vịnh, thuyền của gia đình anh nay ở chỗ này, mai lại “chui” vào vụng kia để neo đậu. Mấy chục năm nay, gia đình anh thuộc diện “nghèo bền vững” dù đã làm đủ nghề, tìm đủ cách để thoát nghèo. Những đứa con anh thấy bố mẹ vất vả, chúng theo bạn bè bỏ học đi làm thuê phụ giúp gia đình. “Một phần do túng thiếu nên có đứa bỏ học đi làm nhưng cũng có đứa học không vào nên nhất quyết nghỉ học. Chúng bảo, chỉ học để đếm được tiền, đi bán hàng là được rồi. Con không được đến trường, chúng tôi cũng xót xa lắm, nhưng đành bất lực”, anh nói.

Trước đây, với những ngư dân quen sống lênh đênh trên thuyền bè, quanh năm trôi dạt quanh những đảo đá thì có được một mảnh đất cắm dùi, một mái nhà che nắng, che mưa trị giá cả tỷ đồng như mở ra một tương lai tươi sáng và một giấc mơ đổi đời. Thế nhưng, khi lên định cư trên bờ, họ vẫn gặp muôn vàn khó khăn khác, quanh năm túng bấn, nhà cửa nhếch nhác.

Gia đình anh Huy, một hộ dân sinh sống ở khu vực phường Hồng Hà, TP Hạ Long cho biết: “Cuộc sống mới ở nơi tái định cư tưởng dễ thở hơn nhưng không phải vậy. Từ bé tới lớn chúng tôi chỉ quen với sông nước. Nay lên bờ chẳng biết làm nghề gì, lại phải quay về biển, nhưng giờ biển cũng không còn như xưa, không thể nuôi trồng, đánh bắt…”. Trong khi đó, những khoản chi cho cuộc sống hằng ngày cứ tăng dần khiến nhiều gia đình càng thêm chật vật. Vì thế, nhiều cuộc dịch chuyển lén lút về phía biển vẫn diễn ra thường xuyên. Bởi nếu không xuống biển, họ chẳng còn biết làm gì để nuôi sống bản thân và gia đình.

Vòng quay luẩn quẩn

Theo kế hoạch đề án, ngoài việc tổ chức tái định cư các hộ nhà bè, UBND TP Hạ Long phải xây dựng bến cảng, tạo công ăn việc làm, hỗ trợ đất canh tác nông nghiệp, sản xuất, kinh doanh, đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho các hộ nhà bè sau khi lên bờ… Thế nhưng thực tế hiện nay, trong gần 2.000 người dân làng chài được đưa lên bờ, nhiều hộ đã qua ba, bốn thế hệ đều sinh sống trên bè nên phần lớn không biết chữ. Vì vậy, dù được đào tạo làm công nhân nhưng họ khó quen việc, chỉ được một thời gian rồi bỏ do không đáp ứng được nhu cầu. Quay về biển nhưng thuyền không còn, họ lại vất vưởng tìm việc khác như bán hàng rong, bốc vác, cửu vạn, lái xe ôm… nay đây, mai đó miễn sao trang trải được chi phí cuộc sống hằng ngày.

Ông Nguyễn Văn Bội, Trưởng khu 8, phường Hà Phong cho biết: Khu phố 8 có 351 hộ, gần 1.700 nhân khẩu, trình độ dân trí thấp, nhiều người không biết chữ. Nghề nghiệp chủ yếu là đánh bắt thủy sản trên biển. Việc quản lý nhân khẩu gặp không ít khó khăn do phần lớn các hộ tái định cư đến từ nhiều nơi khác nhau. Hiện giờ trên vịnh vẫn có hơn chục nhóm ngư dân sống lênh đênh, mỗi nhóm khoảng hơn chục con thuyền quần tụ cùng nhau nay chỗ này, mai chỗ khác. Họ không cố định neo đậu một chỗ vì không được phép sinh sống trên thuyền như trước.

Hằng ngày, khu tái định cư làng chài ở phường Hà Phong khá vắng bóng người, nguyên nhân là nhiều hộ dân đã “bán sới” đi nơi khác mưu sinh. Nếu có ở thì một tháng cũng chỉ về nhà hai lần (mồng 1 và ngày rằm) hoặc các ngày lễ, Tết, còn lại họ lênh đênh bám biển. Có điều, giờ đây khi nguồn lợi từ thiên nhiên ngày càng cạn kiệt, mức sống của xã hội ngày càng cao, những cộng đồng cư dân làng chài đã không còn, đến nghề nuôi cá lồng của ngư dân cũng bị dẹp bỏ. Khát khao ổn định cuộc sống, an cư lập nghiệp với ngôi nhà cấp bốn trên đất liền đã không như hình dung của nhiều người. Cuộc sống của họ cứ vung viêng, vật vờ như sóng cạn. Lên bờ hay ở lại đều quá khó khăn đối với những ngư dân chân chất quanh năm chỉ biết đến con cá, mớ tôm. Họ ngày càng trôi xa giấc mơ của chính mình.

Giấc mơ đất liền... còn dang dở ảnh 1

Nếu không quay lại biển, cuộc sống người dân làng chài không biết trông vào đâu.

Đừng để chỉ là giấc mơ

Mục tiêu của đề án là sắp xếp, quản lý, di chuyển nhà bè trên vịnh Hạ Long để tất cả cư dân trên vịnh sẽ được cấp nhà ở, được tạo điều kiện sinh hoạt tốt nhất, được hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và nhất là trẻ em sẽ được đến trường. Thế nhưng, sau 5 năm lên bờ, kỳ vọng ấy ngày càng xa rời hiện thực. Lời hứa của dự án về việc làm, rồi những viễn cảnh cuộc sống tươi đẹp khi rời tay chài, tay lưới mới chỉ được thực hiện nửa vời.

Không có việc làm, kinh tế khó khăn, những hệ lụy bắt đầu phát sinh tác động mạnh đến đời sống người dân làng chài. Thực tế đang cho thấy nhiều nổi cộm. Như tình trạng tệ nạn xã hội xuất hiện, nhiều gia đình rơi vào cảnh trắng tay, nợ nần chồng chất.

Đầu năm 2019, Trung tâm phát triển quỹ đất TP Hạ Long cùng bốn phường Hồng Hà, Hồng Hải, Bạch Đằng và Hùng Thắng đã thực hiện rà soát hàng chục hộ dân đang sinh sống trên các tàu, thuyền neo đậu trên vịnh Hạ Long. Trong đó có nhiều hộ dân làng chài là công dân TPHạ Long nhưng không có sổ bè, không biết chữ, không công ăn việc làm. Bà con nhiều lần thể hiện niềm mong mỏi một ngày nào đó được hỗ trợ, tạo điều kiện tìm kiếm nghề nghiệp phù hợp khi lên bờ, và ở đó họ có một nóc nhà để thờ cúng ông bà, tổ tiên, để con cái không còn thất học.

Làm gì để đề án di dời nhà bè trên vịnh Hạ Long được như kỳ vọng, đem lại cuộc sống mới cho bà con ngư dân, tạo nơi ở ổn định, hỗ trợ việc làm, xóa mù chữ, xây dựng tương lai tốt đẹp hơn cho người dân làng chài, cùng với đó là bảo vệ môi trường di sản? Nên chăng, TP Hạ Long tổ chức khảo sát thực trạng hiện nay, thu thập ý kiến, nguyện vọng người dân, linh hoạt đề ra các biện pháp phù hợp để giúp bà con làng chài có thêm điều kiện tiếp cận, bắt nhịp cuộc sống trên bờ!