Gánh nợ đại tiệc

Miền núi Quảng Ngãi những năm gần đây ào ạt tổ chức tiệc tùng, hiếu hỉ. Giữa bản làng, tiếng rộn ràng cười nói bên cạnh trại trang hoàng, nhạc tưng bừng. Và sau thoáng chốc lộng lẫy của đại tiệc, chủ nhân gánh nợ như núi cao. Sau những toan tính vun vén cho riêng mình, lòng người rẻo cao đang dần xa cách. 

Sau bốn năm tổ chức sinh nhật, nay con đã lớn, Phạm Thị Biếu vẫn chưa trả hết vòng tiệc mừng những người quen dự từ bốn năm trước. Ảnh: Đ.H
Sau bốn năm tổ chức sinh nhật, nay con đã lớn, Phạm Thị Biếu vẫn chưa trả hết vòng tiệc mừng những người quen dự từ bốn năm trước. Ảnh: Đ.H

Ăn trước trả sau

“1… 2… 3… 4…”, Phạm Thị Lan (thôn Nước Vui, xã Ba Vì, huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi) vừa lật từng trang giấy vừa đếm danh sách khách dự sinh nhật. Dãy tên họ dài ngoằng, Lan đọc mãi một hồi chưa hết. Có lúc đang đọc, Lan khựng lại để nhớ xem tên khách là người thôn nào, bà con thân sơ. Tên đến đâu số tiền mừng đến đó, ít thì 200 nghìn, nhiều thì 700 nghìn đồng. Thỉnh thoảng rà đến số tiền triệu đến non hai triệu, mắt Lan sáng lên, nhìn kỹ rồi lần giở tiếp. Danh sách 200 khách được Lan ghi chép cẩn thận trong sổ.

21 tuổi, vợ chồng Lan có hai con. Sau nhiều lần bàn bạc, vợ chồng quyết định tổ chức sinh nhật cho đứa nhỏ bốn tuổi. Đợt dịch Covid-19 kéo dài, xã không cho tập trung đông người khiến kế hoạch phải tạm dừng. Sốt ruột mãi rồi dịch cũng lắng. Vợ chồng Lan gấp rút tổ chức tiệc mừng cho con trai. Hơn 300 thiệp mời phát tận tay bà con, người quen từ các huyện, xã xa gần và cả thôn Nước Vui.

Cái nhà sàn cũ xập xệ không thể chứa “đại tiệc gia đình”, vợ chồng Lan xin thôn mượn sân bãi làng. Hơn 300 m², trại tiệc được dựng lên lộng lẫy, sáng rực bản núi. 25 bàn tiệc cùng nhạc sống, bia chai, nước ngọt bày biện đầy dãy. Đại tiệc nhà Lan cũng là đại tiệc của Nước Vui. 

“Mình cứ nói với chủ dịch vụ chuyên nấu ăn, cho thuê trại. Họ cho nợ và lo hết. Mình đưa ít tiền cọc, xong tiệc thì lấy tiền mừng cấn qua thôi. Mời đông nên lo lắm! Bà con không đi thì làm sao ăn hết”. Không sõi tiếng Việt, tiếng Hrê thỉnh thoảng xen lẫn bối rối, lúng túng trong câu nói của Lan. Gần 200 khách đến, thức ăn dư thừa, Lan phải xoay xở hai ngày mới đẩy hết. Tiền mừng chưa đủ để trả chi phí tổ chức, Lan phải mượn thêm người nhà. 

Giàn mướp trước nhà lá úa xen lẫn lá xanh. Mấy trái mướp chuyển già Lan không buồn hái. Ba tháng qua, Phạm Văn Xê đi làm rẫy keo, cà-phê tận Tây Nguyên. Ngày công 200 nghìn đồng, đi dăm bữa nửa tháng Lan trông Xê về gom góp ít tiền. Sau đại tiệc, dịch Covid-19 lại bùng phát, vợ chồng Lan túng thiếu. Mấy cái thiệp mời tiệc của người quen chờ chực ngay cửa.

“Họ mời tiệc thì thường báo trước mươi ngày để mình chuẩn bị tiền mừng. Tháng nào nhiều thiệp mời thì mình mượn đi mừng rồi làm trả sau. Không đi lại thì kỳ lắm! Từ đầu năm đến giờ nhà mình đi bốn năm cái sinh nhật, nhà mới rồi”. Vợ chồng Lan có 5.000 cây keo cao đến đầu người. Bí bách quá thì bán bớt keo non trả nợ cho những đại tiệc.

Gánh nợ đại tiệc -0
Những bữa tiệc rình rang là chuyện bình thường ở vùng cao. Ảnh: BÁO QUẢNG NGÃI 

Gánh nợ chạy vòng

Những rặng núi cao Đá Vách, Vang Lang - nơi người Hrê cư trú trải rộng dài. Thế núi chót vót, vách đá đứt ngang, hiểm trở. Phía xa thượng nguồn, 60 km sông Re từ vùng tây huyện Ba Tơ xuôi qua làng xã miền núi Sơn Hà quanh co khúc khuỷu, chia cắt tạo thành những vực sâu dưới lòng các thung lũng. Dòng sông Đắk Xê Lô, Đắk Đrinh hợp nước cùng sông suối chảy dọc miền Sơn Tây, Sơn Hà. 

Tự thuở nào người Cor, Hrê, Ca Dong có những lối mòn, nối làng với rừng rẫy, nối làng với bản xưa. Lối mòn gắn kết bản làng, thông thương miền xuôi ngược. Nếu như núi rừng năm xưa đôi lễ hội với Giàng, tiếng hú giữa rừng gọi nhau, cả làng vượt đường mòn tề tựu, thì nay lời mời gọi tiệc nhà tiệc làng rơi giữa lưng chừng núi. Làng phía dưới thung lũng, bên suối gánh những ngọn núi nhấp nhô tựa như hai đầu đòn gánh ngược. Và mấy năm nay gánh thêm nợ đại tiệc lòng vòng bên triền núi.

Nhắc đến nhà Đinh Thị Mây, bà con quanh xã Sơn Kỳ (huyện Sơn Hà) ai cũng lắc đầu, ngại ngùng. Dành dụm tiền đền bù đất, vay thêm mươi triệu đồng vợ chồng Mây xây nhà mới. Dự mấy mươi cái sinh nhật, tiệc tùng, Mây cũng muốn người ta biết nhà mình. Trại to dựng bên căn nhà mới cùng 20 mâm tiệc lớn, chi phí gần 25 triệu đồng. Niềm khấp khởi giảm dần khi khách đến non nửa. Sau tiệc, mươi lăm bàn dư thừa cùng số tiền nợ ngót nghét như thế. Hai ngày sau, vài con trâu bò gánh nợ cùng chủ dịch vụ. Còn vợ chồng Mây ngày ngày chặt keo thuê trả tiền ngân hàng. “Mời đông mà họ đi ít quá nên nợ nhiều thôi. Giờ vẫn đi tiệc trả lại đấy. Họ mời thì mình đi dự để trả lại”, Đinh Thị Mây buồn bã.

Tập tục, văn hóa làng bản thấp thoáng nét đẹp hội làng. Lễ hội linh thiêng, trang trọng giữa núi rừng bù cho những ngày thường vất vả, thiếu thốn. Nay tiếng nhạc xập xình về làng, không còn bánh rông, thịt trâu, cơm rẫy, rượu cần, rượu đoát hay cồng chiêng, thổ cẩm bản địa. Thay vào đó là bia, mồi trộn lẫn nhạc điện tử nhảy nhót xập xình. Một nhà làm cả xóm theo. Thôn bản miền núi rầm rộ tổ chức tiệc nhà mới, sinh nhật, thôi nôi, trúng mùa làm ăn... Đại tiệc lan dần từ ngõ đến cổng làng, kéo theo nhiều bi hài kịch khiến gia chủ điêu đứng vì nợ. “Mời một thiệp đi cả nhà. Có người đi tiền mừng ba bốn trăm nghìn thôi mà kéo cả nhà năm sáu người. Hai gia đình ngồi mất hết một mâm rồi. Vậy là lỗ luôn”, anh Đinh Văn Pha xã Sơn Kỳ, huyện Sơn Hà thổ lộ.

Phong trào đại tiệc rộn ràng phố núi Ba Tơ, Sơn Hà, Sơn Tây... Tiền mừng không đủ bù chi phí, gánh nợ oằn vai. Vợ gồng chồng gánh. Truyền thống dành dụm sau mùa vụ cho ngày khó, nắng gió, giáp hạt lùi dần. Trâu bò, rừng keo non tuổi là tài sản, là “chỗ chỉ” thay nhau trừ dần cho hậu đại tiệc. Cái nét hồn nhiên, thuần phác ẩn dần sau những ưu tư, gồng gánh của phút chớp nhoáng. Sau một chút thoáng của hiện đại rực sáng góc núi, bản làng lại trở về với gánh nợ gối đầu. 

Chủ tịch UBND xã Ba Vì Lê Hữu Trinh cho biết, toàn xã có hơn 1.200 hộ, 74% đồng bào Hrê. Để giảm tỷ lệ hộ nghèo 11,2%, nhiều chính sách giúp bà con được đưa về thôn bản. Nạn tiệc tùng chạy theo phong trào, hình thức những năm qua khiến bà con khó càng thêm khó. “Mấy năm trước thì rầm rộ phong trào tiệc lớn nhỏ, nợ nần nghèo khó kéo theo. Huyện và xã cũng có nghị quyết về tổ chức lễ hội, cưới hỏi tiết kiệm. Chúng tôi tuyên truyền, giải thích cho bà con hiểu những hệ quả không tốt nếu chạy theo hình thức, lãng phí nợ nần. Đến bây giờ thì xu hướng giảm dần rồi”, Chủ tịch UBND xã Ba Vì chia sẻ. 

“Có người không đủ tiền trả thì bán keo non cho chủ cơ sở nấu ăn, thuê trại, bàn ghế. Keo ba năm thì họ chờ cây lên 5 năm, chủ nợ thu hoạch xong thì trả lại đất cho bà con. Mình hết nợ rồi nhưng mấy năm nay gom tiền đi chúc mừng, trả lại cho người quen cũ. Mình trả dần trả mòn thôi”, chị Phạm Thị Biếu ở xã Ba Vì buồn bã với “gánh nợ” đeo đẳng suốt bốn năm qua.