Đường lên miền tẻ thơm

Đêm về giữa đại ngàn, dưới ánh điện lung linh, những “nang phổm hom” (cô gái tóc thơm) của bản người Thái đang cùng các mế cặm cụi bên nong tằm và khung dệt để hoàn thành những tấm thổ cẩm sặc sỡ điểm tô thêm cho vùng bản mỗi độ Xuân về.

Ngoài phát triển kinh tế, bà con phụ nữ dân tộc Thái bản Na Khướng vẫn lưu giữ và phát triển nghề dệt thổ cẩm.
Ngoài phát triển kinh tế, bà con phụ nữ dân tộc Thái bản Na Khướng vẫn lưu giữ và phát triển nghề dệt thổ cẩm.

Trở lại Na Loi

Lần này lên Na Loi, xã ở phía tây của huyện rẻo cao Kỳ Sơn (Nghệ An) trong tâm thế không còn lo phải lội bộ. Xe gầm thấp năm chỗ đã leo, bò vào tận trụ sở làm việc của xã. Bản Na Khướng, trung tâm xã Na Loi đêm về điện như sao sa giữa đại ngàn lung linh huyền ảo. Chủ tịch UBND xã Na Loi Vi Văn Khuôn giải nghĩa “Na Loi” nghĩa là vùng có ruộng nước ngập sâu phải bơi.

Chạm bản Na Khướng, lại nhớ hơn 10 năm về trước theo đoàn công tác của huyện lên đây chia làm hai mũi đi triệt phá cây anh túc. Chuyến đi đó, tôi được phân công theo mũi thứ hai lội bộ len lỏi qua những cánh rừng rậm không có đường mòn. Đại ngàn hun hút, sương khói mù mịt, mặt chạm gối, người đi sau “ngửi” gót chân người đi trước, gồng mình vượt qua những con dốc dựng đứng. Những hòn đất đá bằng nắm tay vỡ ra, rơi xuống rào rào như mưa, nhiều người đã bị đất đá văng vào đầu cả vào miệng, môi đỏ nhòe đất núi như nhai trầu. Đang cặm cụi bấm chân vượt dốc, ai đó phía sau cất tiếng giải thích hai từ “Na Khướng”, theo nghĩa tiếng Thái nghĩa là vùng ruộng, vùng đất sướng. Cũng có người giải thích rằng vùng ruộng nước này đặt theo tên của một loài cây rừng!

Hôm đó, đến điểm tập kết Thẳm Pốt, thuộc địa bàn bản Na Khướng, cách cột mốc khoảng 2,5 km, tiếp giáp với xã Huồi Khốc, Huồi Pạ, Pạ Ven thuộc huyện Noọng Hét, tỉnh Xiêng Khoảng nước bạn Lào địa hình vô cùng hiểm trở rất ít người qua lại. Một cán bộ xã cho biết, khu vực này chỉ duy nhất vào mùa xuân thường có người lên đây bắt dơi mà thôi và những rẫy thuốc phiện không phải do người dân Na Loi trồng mà là của người từ Huồi Pốc xã Nậm Cắn, hoặc của người dân xã Đoọc Mạy sang xâm canh. Và theo kinh nghiệm, chủ nhân của 10 rẫy thuốc phiện được nhận diện sắc tộc thông qua tập quán sản xuất cũng như công cụ lao động. Ở Na Loi có loại gạo tẻ thơm truyền thống nổi tiếng từ lâu đời. Tẻ thơm theo nghĩa tiếng Thái gọi là “Khẩu cháo hom”.

Đường lên miền tẻ thơm ảnh 1

Mô hình bảo tồn giống lúa tẻ thơm ở xã Na Loi.

“Khẩu cháo hom” và hương ước bất thành văn

Từ bao đời nay giống lúa “Khẩu cháo hom” được người Thái ở Na Loi lưu truyền, gieo trồng trên độ cao trung bình hơn 600 m so mực nước biển. Giống lúa này thích nghi nhiệt độ trung bình khoảng 20 - 23 độ C và nguồn nước tưới từ các khe núi đá chảy ra rất sạch và mát. Đây là giống lúa có hàm lượng dinh dưỡng cao, dẻo, khi nấu có mùi thơm đặc trưng, vị đậm ngon nên gọi là tẻ thơm (“khẩu cháo hom”).

Đặc biệt là loại gạo này có giá bán rất cao, dao động khoảng 25 nghìn - 30 nghìn đồng/kg, tính ra mỗi ha trồng lúa tẻ thơm cho bà con thu nhập vài chục triệu đồng. Gia đình ông Kha Văn Quang, bản Na Nọi, xã Na Loi là một trong những hộ còn lưu giữ được và gieo cấy giống lúa này. Hiện, gia đình ông Quang có hơn 1,5 ha ruộng, trong đó hơn nửa diện tích được gieo cấy giống lúa tẻ thơm vừa để làm nguồn lương thực cho gia đình vừa để lưu giữ nguồn giống lúa quý truyền thống. Ông Vi Văn Hồng, bản Na Khướng, cho biết: Bà con ở đây trồng lúa không bón phân, phun thuốc nhưng lúa vẫn sinh trưởng tốt, chống chịu được các loại sâu bệnh gây hại. Năng suất của lúa tẻ thơm thấp hơn một số giống lúa mới nhưng bù lại, giá bán cao hơn so lúa khác. Bởi vậy, bà con vẫn duy trì sản xuất giống lúa này vừa bảo tồn truyền thống vừa đem lại hiệu quả kinh tế cho người dân địa phương.

Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Na Loi Pịt Thị Hà cho biết: “Việc cải tạo, khôi phục, tăng năng suất cho giống lúa đặc sản của địa phương không những góp phần lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống mà còn nâng cao nhận thức của đồng bào dân tộc trong việc phát huy lợi thế để cạnh tranh, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống. Xã cũng đã phối hợp Sở Khoa học và Công nghệ xây dựng thương hiệu cho lúa tẻ thơm Na Loi, để nâng cao hơn nữa giá trị hàng hóa của mặt hàng này.

Thấy được tiềm năng phát triển kinh tế từ giống lúa đặc sản của người dân bản địa, huyện Kỳ Sơn cũng đã phối hợp các sở, ban, ngành tỉnh Nghệ An nghiên cứu lập phương án để bảo tồn và phát triển thương hiệu giống lúa. Tuy nhiên, việc mở rộng diện tích trồng giống lúa còn gặp khá nhiều khó khăn. Một trong các nguyên nhân khiến quá trình mở rộng diện tích gieo cấy giống lúa tẻ thơm gặp khó là do nguồn giống đã có sự thoái hóa trong quá trình canh tác nhiều năm, cùng với việc người dân chưa chú trọng đầu tư, chăm sóc, duy trì bảo tồn giống làm giảm năng suất và chất lượng sản phẩm. Vụ mùa năm 2018, Sở Khoa học và Công nghệ Nghệ An đã phối hợp xã Na Loi, triển khai mô hình cải tạo, khôi phục lại giống lúa tẻ thơm, lựa chọn được giống gốc, làm cơ sở phục vụ cho sản xuất đại trà. Hiện, toàn xã Na Loi có hơn 91 ha đất ruộng, trong đó có đến 60 ha được bà con nông dân xuống giống lúa tẻ thơm truyền thống, Bí thư Huyện ủy Kỳ Sơn Vi Hòe cho biết thêm.

Việc khôi phục lại giống lúa đặc sản của địa phương góp phần lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc nơi đây, đồng thời nâng cao nhận thức của người nông dân trong việc phát huy lợi thế để cạnh tranh, tạo ra sản phẩm mang giá trị hàng hóa, xóa đói, giảm nghèo, góp phần phát triển kinh tế, nâng cao đời sống. Nhấp bát nước chè xanh đặc sánh, anh Pịt Pà Chiến, bản Đồn Bọng, phấn khởi chia sẻ: Nhờ được hướng dẫn mô hình trồng lúa nước khép kín từ công đoạn khai hoang ruộng đến lựa chọn con giống, triển khai kỹ thuật gieo cấy đến thu hoạch… cho năng suất cao. Nghe và làm theo định hướng của Đảng, nay bà con đã có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Cũng như nhiều địa phương khác của huyện Kỳ Sơn, trước đây nhắc đến Na Loi, một trong những xã vùng sâu, vùng xa của huyện rẻo cao Kỳ Sơn nhiều người thường nghĩ và liên tưởng đến một miền heo hút, muôn vàn cách trở và nghèo khó... Nhưng bây giờ cuộc sống của bà con các vùng bản đang dần đổi thay không chỉ trong nếp nghĩ mà cả trong cách làm...

Vào bữa, được Chủ tịch UBND xã Vi Văn Khuôn giới thiệu những món ăn đặc sản của Na Loi soạn ra đãi khách. Ngoài rau, măng rừng, còn có các món cá suối Na Khướng nướng, hò mọc, canh măng chua nấu gà “đi bộ”... Phó Bí thư Đảng ủy xã Pịt Thị Hà giải thích: Trước đây, do không được bảo vệ nên nguồn thủy sản ở suối Na Khướng gần như bị tận diệt bằng kích điện, thuốc nổ. Những năm gần đây, bản Na Khướng đã phối hợp đồn biên phòng quyết tâm bảo vệ nguồn thủy sản với hương ước bất thành văn lúc nào có khách hay gia đình nào có công chuyện, được bản cho phép mới chài lưới đánh bắt cá. Nhờ vậy, các loại cá đặc sản như: pá khinh (cá mát), pá mụt (cá tịt mũi), pá cốt (cá lăng)... gần như tuyệt chủng dưới suối Na Khướng mới dần được hồi sinh và sinh sôi đông đúc như bây giờ. Hôm nay, xã cũng phải xin phép bản cho quằng vài mẻ chài, giăng lưới bắt cá dưới suối đãi khách xa.

Đêm về, dưới ánh điện lung linh giữa đại ngàn, những “nang phổm hom” (cô gái tóc thơm) của bản người Thái Na Khướng đang cùng các mế cặm cụi bên khung dệt và bên nong tằm để làm nên nhưng tấm thổ cẩm sặc sỡ điểm tô thêm nét đẹp tươi cho vùng bản trong độ Xuân về.