Đứng dậy sau “bão”

Kỳ 4:  “Du lịch Việt Nam an toàn, hấp dẫn”

Nhân viên khu du lịch Bà Nà Hills đã sẵn sàng phục vụ du khách sau khi Đà Nẵng khống chế thành công dịch Covid-19.
Nhân viên khu du lịch Bà Nà Hills đã sẵn sàng phục vụ du khách sau khi Đà Nẵng khống chế thành công dịch Covid-19.

Việc kiểm soát tốt dịch bệnh khiến Việt Nam nổi lên là một điểm đến du lịch an toàn, hấp dẫn. Đến nay, nhiều điểm du lịch, khu vui chơi giải trí, điểm tham quan cũng đã mở cửa đón khách trở lại. Mọi nỗ lực vực dậy nền kinh tế du lịch đang đứng trước rất nhiều khó khăn nhưng cũng tạo ra nhiều cơ hội nếu chúng ta tiếp cận cách làm mới.

Tìm kiếm giải pháp phục hồi

Khó có thể nói hết những ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã tác động đến mọi mặt đời sống, kinh tế, xã hội là như thế nào. Đối với Quảng Ninh tác động sẽ là nặng nề hơn rất nhiều bởi thế mạnh kinh tế được tập trung đầu tư trong những năm gần đây là du lịch, dịch vụ.

Ông Bùi Công Hoan, Phó Chủ tịch Chi hội Tàu du lịch Hạ Long cho biết, tình hình phức tạp của dịch Covid-19 đã ảnh hưởng trực tiếp tới tất cả các doanh nghiệp (DN) tham gia dịch vụ vận tải khách trên vịnh, nhiều DN đang trong tình cảnh điêu đứng. Riêng đối với DN kinh doanh tàu du lịch thì gần 100% vay vốn ngân hàng, mà với tình hình như hiện nay thì không có nguồn thu nào, mà đã không có nguồn thu thì lấy đâu ra tiền để trả gốc, chứ chưa nói đến trả lãi. Trong khi tàu du lịch luôn phải biên chế 1/3 nhân viên ở lại trông nom, bảo dưỡng, ngoài ra còn tiền điện, tiền bến bãi, rác thải… đối với mỗi tàu 10 triệu đồng/tháng. Vì thế, vừa rồi nhiều đơn vị phải cắt giảm lao động vì không đủ tiền chi trả lương nhân viên, hàng loạt DN trong tỉnh phải giãn việc, dừng hoạt động.

Bàn về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN, vực dậy nền kinh tế du lịch địa phương, ông Hoan cho biết, nếu không có sự giúp đỡ của ngân hàng thì hàng loạt DN phá sản. Vì vậy, ông mong các ngân hàng thương mại đánh giá, có chính sách giãn nợ, khoanh nợ đến hết năm 2021 thì may ra mới có thể hồi phục. Theo ông, nếu các ngân hàng xem xét lại tài sản DN và cho vay thêm vốn đối với các DN vừa và nhỏ, nếu không chỉ trong thời gian ngắn sắp tới, nguy cơ các DN bị giải thể, phá sản là điều không tránh khỏi do không còn nguồn lực nào nữa.

Đại diện Hiệp hội DN Hạ Long chia sẻ, trước diễn biến khó lường của dịch bệnh, việc kích cầu du lịch nội địa gặp nhiều khó khăn do người dân vẫn còn e ngại trong việc đưa ra quyết định đi du lịch. Trong đó, họ lo ngại về yếu tố an toàn và thu nhập không ổn định khiến nhu cầu đi du lịch trong nước giảm. Vì vậy, cần có những chính sách mới, hấp dẫn hơn để thu hút khách du lịch nội địa.

Tình trạng hoàn, hủy liên tục xảy ra đã khiến các công ty lữ hành gặp nhiều khó khăn trong việc hoàn trả kinh phí, do kinh phí khách đặt cọc cũng đã được các công ty lữ hành đặt dịch vụ tại điểm đến. Vì thế, việc liên kết hỗ trợ các DN du lịch giữa các địa phương là rất cần thiết. Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Quảng Ninh cũng đã đề nghị các DN du lịch, dịch vụ trên địa bàn tỉnh tích cực phối hợp cùng các DN lữ hành trên cả nước bàn thảo việc hoàn lại kinh phí đã đặt dịch vụ do khách hoãn, hủy chương trình du lịch đến Quảng Ninh. Đồng thời đề nghị Hiệp hội Du lịch tỉnh phối hợp với Hiệp hội Du lịch các địa phương vận động DN du lịch có biện pháp phối hợp và hỗ trợ lẫn nhau trong giai đoạn khó khăn hiện nay.

Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Quảng Ninh Phạm Ngọc Thủy cho biết, với quyết tâm vượt qua đại dịch, tỉnh Quảng Ninh sẽ triển khai một số giải pháp cấp bách để thu hút khách du lịch, chủ động ứng phó trước sự suy giảm nhất thời lượng khách cũng như từng bước chuyển dịch cung - cầu, hạn chế lệ thuộc vào các thị trường du lịch truyền thống, tích cực khai thác các thị trường mới, thúc đẩy khai thác thị trường nội địa; xây dựng liên kết các đơn vị cung cấp dịch vụ vận chuyển, lưu trú, nhà hàng… để giảm chi phí, hạ giá thành.

Tạo sức hấp dẫn mới

Dịch Covid-19 đã làm thay đổi nhu cầu của du khách, dẫn đến nhiều thay đổi về hành vi du lịch. Thay vì ưu tiên giá cả, sự bảo đảm về an toàn của bản thân, an ninh của điểm đến mới là mối quan tâm hàng đầu. Theo khảo sát “Tâm lý và hành vi của khách du lịch sau Covid-19 tính đến ngày 20-9-2020” của Hội đồng tư vấn du lịch (TAB), có tới gần 60% số người được hỏi cho rằng vấn đề điểm đến an toàn là quan trọng nhất. Đồng thời 41% người được hỏi sẵn sàng đi du lịch vào dịp đầu năm mới 2021 và Tết Nguyên đán. Bởi vậy, việc khởi động chương trình kích cầu du lịch nội địa lần hai với chủ đề “Du lịch Việt Nam an toàn, hấp dẫn” giống như một hiệu lệnh phá tảng băng đông cứng du lịch trong những tháng vừa qua.

Nắm bắt cơ hội này, các địa phương, các DN cần nâng cao chất lượng dịch vụ và tư duy, tiếp cận khách hàng theo cách mới. Ứng dụng công nghệ thông tin vào du lịch được đánh giá là vấn đề cấp thiết. Đây cũng là ý kiến của ông Nguyễn Văn Hùng, Thứ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch, khi tham dự diễn đàn “Chuyển đổi số thúc đẩy phát triển Du lịch Việt Nam”. Ông Hùng cho rằng, việc ứng dụng công nghệ số không mang tính trừu tượng, phức tạp, mà triển khai ứng dụng về du lịch an toàn chính là hoạt động thiết thực nhất của chuyển đổi số. Với sự phát triển công nghệ thời 4.0, DN cần tiếp cận hệ thống tự động, sử dụng trí tuệ nhân tạo, sử dụng công nghệ mới để phát triển hoặc tiến hành quảng bá các sản phẩm du lịch mới. Từ đó cung cấp các dịch vụ tour, khách sạn với giá cả phải chăng… để tạo sự hấp dẫn mới.

Trong bối cảnh giãn cách và đóng cửa biên giới, các hoạt động kinh doanh trực tuyến đã có cơ hội phát triển mạnh mẽ. Trong sáu tháng đầu năm 2020, nhiều DN kinh doanh trực tuyến đã tăng trưởng từ 50 - 200%, trong đó có nhiều DN du lịch trực tuyến. Kết quả khảo sát tâm lý và hành vi khách du lịch thời Covid-19 do TAB thực hiện mới đây cho thấy, 40% khách du lịch đặt tour trực tiếp, 36% đặt tour qua nền tảng trực tuyến.

Theo ông Tuấn Hà, Giám đốc Công ty Vinalink và nhiều CEO khác chia sẻ, DN lữ hành của họ vẫn vượt qua khó khăn nhờ xoay trục sản phẩm và biết cách sử dụng dữ liệu khách hàng. “Chuyển đổi số trong ngành du lịch không hẳn là giải pháp hoành tráng như big data, blockchain, AI..., mà nhiều khi chỉ đơn giản là giữ được quan hệ với khách hàng thông qua những ứng dụng Zalo, Facebook, Google, hệ thống quản trị khách hàng, thông tin dữ liệu về điểm đến du lịch an toàn, chương trình khuyến mãi đặc biệt... Nhờ cách làm này, voucher giảm giá tại một số resort vẫn bán chạy, một số tour nội địa vẫn thành công, các tour nghỉ dưỡng cuối tuần vẫn kín khách, khó đặt...”, ông Tuấn Hà phân tích.

Trong bối cảnh hiện nay, chủ trương của Đảng và Chính phủ là đặt phát triển kinh tế số là mục tiêu hàng đầu. Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27-9-2019 đưa ra một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, góp phần phát triển kinh tế bền vững. Theo đó, năm lĩnh vực hiện nay cần tập trung gồm có đẩy mạnh công nghệ số, quản lý điểm đến du lịch thông minh, hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu ngành du lịch tạo tương tác với các tổ chức khác, kêu gọi DN cùng hưởng ứng tạo ra sáng tạo trong chuyển đổi số, lan tỏa công nghệ số đến mọi cấp, ngành để hỗ trợ phát triển ngành du lịch.

Trong diễn đàn “Chuyển đổi số thúc đẩy phát triển du lịch” vừa qua, bà Nguyễn Ánh Nguyệt, Giám đốc chính sách công Việt Nam của tập đoàn Facebook (Mỹ) cho rằng, “du lịch” và “nghỉ dưỡng” là hai xu hướng sẽ diễn ra mạnh mẽ sau dịch Covid-19. Khảo sát xu hướng dịch vụ tại Việt Nam cuối 2020 của Facebook cho thấy, 86% người tiêu dùng có ý định tự thưởng cho bản thân và 87% có ý định chia sẻ và tặng quà cho người thân. Như vậy, sau đại dịch Covid-19, du lịch và nghỉ dưỡng là ưu tiên lớn nhất của người tiêu dùng khi được hỏi về xu hướng dịch vụ và trong đó Facebook là kênh quảng cáo hàng đầu về du lịch, lữ hành.

Cũng trong sự kiện này, ông Nguyễn Văn Hạ, Giám đốc Hahalolo, một trong số những mạng xã hội du lịch có tiềm năng của Việt Nam, cho biết: “Hãng sẽ cung cấp đầy đủ thông tin về khách sạn, tour du lịch, địa điểm du lịch, địa điểm mua sắm và giải trí, phương tiện đi lại... Mạng xã hội du lịch này có lộ trình mở thị trường dự kiến đến 1-2024 sẽ phủ sóng toàn cầu. Tiếp đó, mục tiêu dài hạn (2021-2025) bao gồm 300%/năm tốc độ phát triển người dùng”. Hiện tại, nền tảng đã có hơn 500 nghìn thành viên đăng ký, cùng thông tin của hàng chục nghìn khách sạn tại Việt Nam, hàng trăm nghìn khách sạn, căn hộ, villa, chung cư cao cấp ở các quốc gia châu Âu, châu Á và đơn vị cung cấp tour du lịch trong nước.

Liên quan vấn đề chuyển đổi số để phát triển du lịch, Thứ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng khẳng định, Bộ đang yêu cầu khẩn trương nghiên cứu, sớm hoàn thiện các tính năng, đưa ứng dụng “Du lịch Việt Nam an toàn” trở thành công cụ hữu ích đối với du khách trong việc khuyến cáo điểm đến an toàn và quảng bá điểm đến cho khách du lịch; đồng thời phục vụ hiệu quả chương trình kích cầu du lịch nội địa lần hai, từng bước mở cửa du lịch quốc tế.