Đừng cho con nghỉ hè bằng... học cả hè!

Còn gần một tháng nữa, học sinh cả nước mới kết thúc năm học. Tuy nhiên, thời điểm này, nhiều bậc cha mẹ đã “bấn loạn” tìm cách quản lý, trông giữ con trong dịp hè. Cũng chính vì thế “học hè” được coi là cứu cánh của nhiều phụ huynh.

Những khóa học bơi dịp hè sẽ giúp các con có được kỹ năng phòng, chống đuối nước.
Những khóa học bơi dịp hè sẽ giúp các con có được kỹ năng phòng, chống đuối nước.

Những đứa trẻ ngập chìm trong sách vở

Ngay từ đầu tháng 5 khi còn hơn 10 ngày nữa các con mới thi hết học kỳ, chị Nguyễn Thị Kim Thoa (Quan Hoa, Cầu Giấy, Hà Nội) đã sấp ngửa tìm lớp học hè, bổ trợ kiến thức các môn học cho con. Chị Thoa cho biết, nghỉ hè với các con là niềm vui nhưng đối với vợ chồng chị thật sự là một “cơn ác mộng”. Các con chị đều đang ở độ tuổi tiểu học, khá nghịch ngợm, hiếu động và vẫn phải trông chừng. Trong khi đó ông bà nội, ngoại thì ở xa không thể hỗ trợ được gì.

“Nghỉ hè, nếu cứ “nhốt” các con ở nhà trong bốn bức tường thì cũng bí bức và không an toàn. Nguy cơ về tai nạn, thương tích sẽ xảy ra bất cứ lúc nào ngay trong chính căn nhà của mình. Hai vợ chồng thì lại quá bận rộn, cùng lắm cuối tuần mới có thể đưa con đi chơi. Chính vì vậy, việc tìm lớp cho con học hè là một giải pháp an toàn nhất. Các con đi học vừa có kiến thức, bố mẹ vừa yên tâm”, chị Thoa nói.

Cũng theo chị Thoa, chị đã tìm được lớp học hè cho các con. Ngoài các môn học chính là Văn, Toán, Ngoại ngữ thì con gái sẽ được học thêm múa và đàn còn con trai sẽ tham gia lớp học cờ vua mỗi tuần ba buổi. “Chi phí cho các con học hè hơn hai tháng chắc chắn đội lên rất nhiều so trong năm học, nhưng vẫn phải chấp nhận. Giá mà nghỉ hè chỉ có một tháng như trước đây, các trường nhận học hè thì tốt quá”, chị Thoa thở dài.

Không thể lãng phí thời gian dài nghỉ hè khi chỉ sang năm thôi con gái sẽ phải bước vào kỳ thi vượt cấp quan trọng, chính vì vậy, hè năm nay đối với gia đình chị Hoàng Thu Thảo (Hoàng Mai, Hà Nội) sẽ là một “cuộc chiến” để lấy lại phong độ, sức bật cho con khi năm học mới đến. Chị Thảo cho biết, hai tuần nay, vừa ôn thi học kỳ, hai mẹ con chị vừa thảo luận để đưa ra thời khóa biểu học hè cho con. “Thấy con bé khó chịu, mặt mày nhăn nhó, mẹ phải động viên con cố gắng hết năm nay, sang năm đỗ vào trường cấp hai rồi bố mẹ sẽ “thưởng” một chuyến du lịch đi biển con gái mới đồng ý”, chị Thảo chia sẻ.

Thế là, lịch học hè của cô con gái sắp vào lớp 6 bắt đầu bằng 10 ngày tham gia trại hè Anh ngữ bán trú tại một trung tâm tiếng Anh có tiếng. Giá cả cho trại hè này rất đắt đỏ, lên tới 30 triệu đồng/10 ngày, nhưng bù lại, con chị sẽ được “ăn tiếng Anh, ngủ tiếng Anh” cải thiện khả năng nghe, nói theo nguyện vọng của chị. Tiếp đến là lịch học kín mít các môn Văn, Toán tại nhà giáo viên. Để tiện việc đưa đón, chị Thảo cũng sẽ gửi con học bán trú luôn tại nhà cô. “Lịch học hè của con gái sẽ kết thúc trước tháng 9 đúng một tuần, con sẽ có một tuần để xả hơi trước khi vào năm học mới. Mặc dù biết như vậy con sẽ khá mệt nhưng không còn cách nào khác. Tuyển sinh vào đầu cấp ở Hà Nội càng ngày càng khó khăn, nếu muốn vào trường tốt, mẹ con chỉ còn biết cố gắng hết sức mình mà thôi”, chị Thảo nói.

Hãy cho trẻ một mùa hè an toàn, lý thú

Nói về những kỳ nghỉ hè cho trẻ, các chuyên gia giáo dục cho rằng, quãng thời gian ba tháng hè vô cùng quý giá, nếu như phụ huynh cứ cố gắng nhồi nhét kiến thức, nhốt con trong bốn bức tường để bảo đảm an toàn cho trẻ thì rất sai lầm.

Chuyên gia tâm lý học đường Nguyễn Thụy Anh cho biết, cứ vào năm học, nhiều học sinh tìm đến cô để chia sẻ những áp lực mà các em gặp phải trong mùa hè, dưới sức ép của các bậc cha mẹ. “Có em nói rằng, nghỉ hè khổ lắm, thà cứ đi học ở trường còn hơn vì nghỉ hè, lịch học thêm của các em còn kín hơn trong năm học lại không được gặp bạn bè thân thiết để chia sẻ, giải tỏa những áp lực”, chị Thụy Anh cho biết.

Theo Ths Lê Thị Lan Anh - Viện trưởng Phát triển giáo dục và trí tuệ Việt, suốt chín tháng, học sinh đã ở trong bốn bức tường của trường học, về nhà lại quay cuồng bởi bài tập. Các em rất thiếu những trải nghiệm từ thực tế. Chính vì vậy, nếu ba tháng hè lại phải tiếp tục cái guồng quay ấy thì những đứa trẻ sẽ bị “đánh mất tuổi thơ”. “Không phải chỉ toàn là kiến thức sách vở, Văn, Toán, ngoại ngữ…, các con còn rất nhiều thứ khác có thể học và cần được trang bị trong ba tháng nghỉ hè quý giá - những điều mà trường học hiện nay chưa đủ thời gian để dạy cho các con. Cha mẹ có thể tìm cho con các khóa học về kỹ năng sinh tồn, tự chủ, kỹ năng tự phục vụ bản thân, các khóa học MC, học kỳ quân đội, kỹ năng chống xâm hại, bạo lực, các khóa âm nhạc, múa, vẽ, võ, học bơi… để trẻ bộc lộ cá tính, năng lực và điểm mạnh. Đó cũng là một cách giúp các con phát triển toàn diện”, chị Lan Anh nói.

TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Khoa học - tâm lý giáo dục Hà Nội thì cho rằng, kỳ nghỉ hè nên để cho trẻ tham gia các hoạt động văn hóa, vui chơi… Phụ huynh nên đặt mục tiêu làm thế nào để con mình có một tuổi thơ đẹp, một tâm hồn và thể chất khỏe mạnh, trong sáng chứ đừng nặng về kiến thức và học lực. “Không phải ngẫu nhiên mà người ta đặt ra kỳ nghỉ hè dài cho học sinh. Đây cũng không phải quy định của riêng nước ta mà ở nhiều nước trên thế giới. Vì vậy, kỳ nghỉ hết sức có nghĩa này hãy để cho các em nạp năng lượng chuẩn bị bước vào một năm học mới”, TS Lâm nói.

Cô Nguyễn Thị Lan - Giáo viên Trường tiểu học Hải Bối (Đông Anh - Hà Nội): “Tùy vào từng cấp học, có thể sắp xếp cho trẻ những kế hoạch hè phù hợp. Thí dụ, học sinh ở lứa tuổi tiểu học, các con chưa có thói quen tự học, chưa hình thành nền nếp thì vẫn nên cho các con học hè một cách hết sức nhẹ nhàng mỗi tuần một - hai buổi, mỗi buổi một - hai tiếng để các con đỡ quên kiến thức. Đối với lớp 1, lớp 2, có thể là các bài học luyện viết, luyện tính toán, luyện tư duy, luyện đọc… Những bài học có thể không theo sách vở, mà học sinh được hướng dẫn bởi giáo viên hoặc chính bố mẹ và không được tạo sức ép cho các con. Chỉ là cách khơi gợi kiến thức thôi. Ngoài ra, để có một mùa hè bổ ích và an toàn cho trẻ, theo tôi, các trường rất nên mở thư viện cho học sinh đăng ký tham gia đọc sách, truyện trong dịp hè. Trường bố trí giáo viên quản lý học sinh. Học sinh có thể góp sách, truyện mình có vào thư viện và được cấp thẻ mượn sách. Cách làm này vừa giúp các con được thư giãn, vừa nạp kiến thức một cách chủ động, đầy thích thú và bổ ích chứ không nhất thiết phải nhồi nhét các con trong những thời khóa biểu kín mít vào kỳ nghỉ hè”.