Đồng bào Chứt ở Rào Tre hồi sinh

Ở huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) có một xã không phải là xã biên giới (chỉ gần sát biên giới Việt Nam - Lào), nhưng vẫn được đồn biên phòng phụ trách với “trách nhiệm đặc biệt”. Xã “đặc biệt”đó là Hương Liên, có bản Rào Tre với nhóm đồng bào dân tộc Chứt.

Căn nhà sàn mới sắp giao cho người Chứt ở bản Rào Tre.
Căn nhà sàn mới sắp giao cho người Chứt ở bản Rào Tre.

Câu chuyện định cư dài và nhiều trắc trở

Thượng tá Nguyễn Văn Sâm, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Bản Giàng (Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh), cho chúng tôi biết: “Những chiến sĩ ở Đồn Bản Giàng vừa hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ biên cương, vừa tích cực tham gia và làm tốt công tác xã hội trong Đề án phát triển đồng bào dân tộc Chứt, bản Rào Tre, xã Hương Liên, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2020”. Nhưng, để có kết quả trên, chiến sĩ biên phòng đã trải qua quá trình nỗ lực nhiều năm...

Người Chứt (có nhóm mang tên khác: người Sách, người Rục, người Arem...) là những nhóm người sống chủ yếu trong hang đá, duy trì cuộc sống bằng săn bắt, hái lượm. Từ ký ức của các cán bộ cao tuổi ở Hà Tĩnh: Cách đây gần sáu mươi năm, khoảng đầu năm 1958, người dân huyện Hương Khê thấy một số “người lạ” nói tiếng Kinh không sõi, xuống chợ đổi chim, thú săn bắt được lấy gạo, muối, dao, kéo... Họ ăn phở, cắt tóc, đi xe goòng mà không trả tiền - “Tao không lên nó cũng chạy mà”(!)... Theo hướng thượng ngàn, người Chứt được tìm thấy ở các hang động phía tây tỉnh Quảng Bình. Từ những năm đó cũng đã có nhiều cố gắng đưa người Chứt về định cư nhưng vì nhiều khó khăn, họ lại lang thang du cư và như đã bị quên lãng.

Năm 1991, khi Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh tuần tra biên giới đã phát hiện một nhóm chừng 20 người Chứt sống trong hang động trên dãy Trường Sơn ở biên giới Việt Nam - Lào. Rồi từng bước, nhóm ít người nhất về quy mô dân số trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam được đưa về cư ngụ tại bản Rào Tre dưới chân dãy Kà Đay, bên dòng sông Ngàn Sâu thuộc xã Hương Liên.

Không phải ngay từ đầu những người Chứt quen sống “lưu động” trong những hang đá nơi đầu nguồn các con suối đã muốn “về xuôi”. Nhưng các chiến sĩ biên phòng đã kiên trì thuyết phục thành công. Việc đầu tiên phải làm là dạy họ tiếng phổ thông. Biết tiếng Kinh mới có thể nói chuyện với nhau để rồi hướng dẫn họ sản xuất và sinh hoạt theo nếp mới. Các công việc như dựng nhà, khai hoang ruộng, tập trồng lúa nước đều được bộ đội hướng dẫn tỉ mỉ. Gạo đã được đồng bào tự tay làm ra để không phải ăn bột cây nhúc lúc mất mùa. Con lợn, con gà, rồi con trâu, con bò cũng dần quen chuồng và ruộng của người Chứt bản Rào Tre. Vải và quần áo cũng được bộ đội biên phòng mang đến cho đồng bào vì người Chứt không biết dệt vải và may vá. Trước khi định cư, họ vẫn “mặc” bằng vỏ cây. Vận động đưa con em trong bản đi học ở trường phổ thông, chữa bệnh bằng thuốc của bác sĩ... và rất nhiều công việc khác cũng được bộ đội hướng dẫn đồng bào làm dần. Hai dịp lễ cúng của người Chứt là lễ Lấp lỗ (tháng 7) sau mùa gieo trồng và lễ Chăm chà bới - mừng cơm mới (tháng 11) sau khi thu hoạch đều có bộ đội biên phòng cùng chung vui. Những năm gần đây, các tổ chức xã hội và các doanh nghiệp cũng đã hỗ trợ bà con thêm nhiều vật chất. Những thói quen cũ ngày xưa: uống nhiều rượu, không đi săn bắt xa, không “thích” làm quen với các cộng đồng khác... được bộ đội giải thích và vận động bà con bỏ dần.

Nhẹ dần nỗi lo hôn nhân cận huyết

Cơ sở hạ tầng vật chất, kỹ thuật đang được hoàn thiện. Trình độ nhận thức của đồng bào cũng được nâng cao dần, nhưng nỗi lo nhất lại không phải là ở những việc phát triển kinh tế. Nỗi lo thoái hóa giống nòi với nhiều hệ lụy khôn lường còn “nóng” hơn. Nhóm người Chứt ở đây không biết tới những tác hại của hôn nhân cận huyết thống. Do điều kiện địa lý cách trở, do tập tục sống biệt lập, không canh tác, chỉ săn bắt... họ vẫn “hồn nhiên” lấy nhau dù là anh em cùng trong họ tộc. Con sinh ra không được khỏe mạnh, thậm chí khuyết tật, họ vẫn cho là “do ông trời” (!).

Nhận rõ điều này, nhưng để thay đổi cần rất nhiều cố gắng. Bộ đội biên phòng và những thanh niên xung kích của Tỉnh đoàn Hà Tĩnh đã tổ chức nhiều hoạt động nhằm kết nối, giao lưu giữa thanh niên dân tộc Chứt ở Rào Tre với thanh niên người Kinh, với thanh niên các nhóm dân tộc Chứt ở Quảng Bình để “giãn” dần mối kết hôn cận huyết. Chính quyền cũng khuyến khích và hỗ trợ các đám cưới của người Chứt với người các dân tộc khác 30 triệu đồng, cấp đất làm nhà, giúp tổ chức đám cưới và nhiều quà tặng khác... Đã có ba đám cưới nữ thanh niên dân tộc Chứt kết hôn với nam người Kinh. Họ đều có cuộc sống hạnh phúc và sinh con khỏe mạnh.

Công việc thì nhiều, đường đến bản còn cách trở xa xôi, giao tiếp cũng còn khó khăn nhưng những cố gắng của các chiến sĩ quân hàm xanh cùng với các cán bộ địa phương tỉnh Hà Tĩnh đã bước đầu thành công, thay đổi dần tập tục hôn nhân cận huyết ở Rào Tre. Đó là nhiệm vụ khó khăn hơn nhưng các anh đã làm được, như lời Thượng tá Nguyễn Văn Sâm tâm sự: “Điều khó khăn nhất nhưng bộ đội đã làm được đó là đã thuyết phục để bà con người Chứt thay đổi tập tục kết hôn quanh quẩn trong tộc”. Cũng từ đó, hy vọng về cuộc hồi sinh nhóm tộc người Chứt ở Hương Khê đã được nhen lên...

Hơn 20 năm cố gắng, nay bản Rào Tre đã có 41 hộ dân, số nhân khẩu đã hơn 140 người. Từ năm 2001, đồng bào tự khai hoang được ruộng và trồng được lúa. Năm nay, diện tích ruộng của 40 gia đình đã là 3,5 ha. Dù còn nhiều khó khăn, đến tháng 5-2017, bản Rào Tre đã có thêm 3 km đường tốt, có thêm trạm xá quân - dân y với một phòng khám và hai phòng điều trị, đã có quy hoạch chi tiết tại bản mới với 80 ha đất rừng, 4 ha đất ở. Nhiều căn nhà sàn vững chắc được ngân sách hỗ trợ xây dựng, trung bình 100 triệu đồng mỗi căn, sẽ được giao cho bà con, thay dần những căn nhà vách gỗ, tre đã sắp hỏng.