Đổi thay ở Thung Mài

Xe chúng tôi đến homestay Y Múa (xã Hang Kia, Mai Châu, Hòa Bình) khi trời vừa chập tối. Đón chúng tôi ngoài hiên có “nhiếp ảnh gia” Vũ Đức Thuật người Cần Thơ. Anh nói: “Mọi người nãy giờ cứ lo, xe đến muộn. Trên này đường đêm sương mù rất khó đi”. Chúng tôi hướng mắt nhìn lại con đường vừa đi qua, quả thật sương mù đã dâng ngập lối. Làn sương như một tấm chăn bông mềm mại ôm trọn những nóc nhà trong xóm nhỏ, luồn lách qua từng bờ cây, ngọn cỏ.

Hủm nước xưa giờ trở thành chỗ nuôi trâu, bò.
Hủm nước xưa giờ trở thành chỗ nuôi trâu, bò.

Sở dĩ mọi người trông chờ xe chúng tôi còn một lý do khác, đó là những thùng hàng trở hàng trăm chiếc áo khoác, khăn len, ủng cao-su, sách vở và bút viết cho trẻ con trên bản Thung Mài. Chuyến hàng này là tấm lòng của bà con miền xuôi gửi các em học sinh miền núi, vùng còn nhiều gian khó. Cũng phải nói thêm là những chuyến đi từ thiện của đoàn giờ đây thưa vắng dần bởi cuộc sống của nhiều bản xa đã dần khấm khá. Nhưng Thung Mài thì khác…

Số là nghe tin Hang Kia từ một vùng đất dữ bởi nạn ma túy hoành hành giờ đã trở thành điểm du lịch hấp dẫn, nên đoàn du khách của anh Lê Thanh Sơn từ miền nam xa xôi đến thăm. Thành viên đoàn hầu hết là doanh nhân, tuổi nghỉ hưu muốn nhúng mình vào cái không khí rừng núi, bản xa… thưởng thức, trải nghiệm thú đi chơi bụi - “phượt” của giới trẻ. Lịch trình của đoàn khá hấp dẫn, đi bộ, ăn uống dã ngoại trong rừng, thăm thú bản làng những nơi chưa có du khách đặt chân đến. Cái đoàn “phượt mà không muốn gọi là phượt” này vô tình đi ngang qua Thung Mài.

Đập vào mắt họ là hình ảnh những đứa trẻ leo đá tai mèo đi học. Nhiều đứa ngơ ngác rồi trầm trồ nhìn những đôi giày Nike, Adidas băng băng leo qua lưỡi đá sắc như dao. Mọi người lại nhìn đến những đôi dép tổ ong đã mỏng vẹt đế, tấm áo học sinh mốc đen đường chỉ của chúng. Bàn tay, đầu gối, ngón chân đứa nào đứa nấy chằng chịt vết đá cắt. Mọi người hội ý nhanh, tặng đám trẻ ủng cao-su. Có người góp ý: Tặng chúng áo khoác, vùng này sương giá lạnh quá! Mọi người ào ào góp ý, mỗi người thêm một tý… cuối cùng thảy đều thống nhất là phải đánh một xe hàng lên mới thỏa đáng. Vậy là xe của chúng tôi lên đường.

Đây là lần thứ hai tôi đến Hang Kia. Lần trước là cách đây hơn chục năm. Mà thật ra là cũng chỉ vừa hết đất Pà Cò, chớm vào Hang Kia thôi. Thời đó đường đi lối lại trong vùng này dường như toàn đường mòn. Xe máy phải buộc xích quanh lốp để tăng độ bám đường mới chạy được. Ánh mắt người dân thì xa lạ, đầy nghi ngờ. Người lạ bắt chuyện chỉ nhận được cái lắc đầu. Hỏi đường: lắc đầu; hỏi người: lắc đầu. Chịu, không tài nào đi được. Ấy là chưa kể đến nguy cơ ăn đạn súng kíp của những kẻ buôn bán ma túy vì bị nhận mặt nhầm… Biết Hang Kia phát triển du lịch nhưng tôi vẫn chờn chợn và ngại đường xa. Chỉ đến khi biết xe ô-tô đã vào được đến nơi thì mới hăng hái lên đường.

Giờ đến nơi mới thấy Hang Kia thơ mộng hơn tôi nghĩ. Trong đêm, khu vực trung tâm xa có một vẻ gì đó của “Lặng lẽ Sa Pa”. Chủ nhà là vợ chồng Vàng A Nhà và Sùng Y Nhàn rất niềm nở hiếu khách. Hát hay, rượu giỏi, cả hai cũng chẳng ngại kể chuyện rất tế nhị thời xa xưa của vùng đất nổi danh vì ma túy. Họ kể lứa thanh niên bằng tuổi một thời nghiện ngập ai còn, ai mất. Chuyện đi cõng gái bản theo phong tục người H’Mông nhiều cô dâu bỏ chạy vì sợ vào làng nhiều người nghiện, lại cả chuyện những anh nghiện sức yếu không cõng nổi cô dâu. Nói chung rượu thâu đêm, vui “long trời lở đất”. Hỏi đến gia chủ thì được biết hai người đều “thành phần cơ bản”. Anh là công an, chị là bí thư đoàn xã. Cái nhà nghỉ - homestay Y Múa này ra đời từ năm 2011, nhưng thời đó đố ai dám vào. Mãi đến năm 2017, đất và người hiền trở lại, vợ chồng Nhà - Nhàn mới ăn nên làm ra.

Sáng hôm sau chúng tôi dậy sớm đi săn mây rồi vào bản Thung Mài. Mây rất đẹp. Được ông chủ của vườn hoa có tên “Điểm săn mây Hang Kia” đón tiếp nồng hậu. Hỏi ra mới biết ông cũng là chủ tịch UBND xã này, ông Khà A Váu. Gia đình ông Váu trồng hoa phục vụ khách tham quan, chụp ảnh thu nhập rất khá. Nhưng lý do chính khiến tôi khá bất ngờ, ông Váu nói thế này: “Mình làm để người dân cùng làm. Có thêm thu nhập thì dân bớt tệ nạn”. Biết chúng tôi sắp lên Thung Mài, ông vui, tiết lộ một thông tin khá đắt: đây là bản chưa từng dính đến thuốc phiện, ma túy.

Đổi thay ở Thung Mài ảnh 1

Homestay Y Múa.

Bản Thung Mài, nằm cách trung tâm xã Hang Kia chừng 8 km, đấy là đi theo con đường mới mở. Còn đi theo đường bọn trẻ con đi học qua rừng đá tai mèo chỉ mất có 4 km. Diện tích cả bản khá hẹp. Nhà dân xây theo lối nhà vách gỗ rất đặc trưng của dân tộc H’Mông hướng mặt ra một cái hủm rộng nằm giữa bản. Nhìn những bờ rào đá rêu phong và những cây sa mộc to hơn vòng tay ôm, tôi ước tính cái bản này đã nằm đây không dưới 100 năm. Tôi có thắc mắc bản của người dân tộc H’Mông sao mà cái tên nghe “không đúng lắm”. Bí thư chi bộ bản là Sùng A Tráng, tuổi mới ngoài 30, cười vui vẻ nói: Anh tinh đấy, thời tổ tiên cha ông truyền lại rằng đây là bản của người Thái; cái hủm nằm giữa bản kia chính là “thung mài” theo tiếng người Thái. Thung mài vốn là một cái hồ chứa nước sinh hoạt của dân bản. Nhưng mấy chục năm trước hủm đã bị “thủng đáy”, người dân đã tìm được chỗ “thủng”, đó là một khe ngầm nằm ngay bên sườn núi. Người ta cũng đã từng huy động hàng nghìn ngày công của dân bản để trám lỗ thủng, song đâu lại hoàn đấy. Hàng trăm khối đất đổ vào lỗ thủng đều trôi sạch.

Mất hồ nước sinh hoạt, người dân Thung Mài phải trông chờ vào nguồn nước mưa hứng vào bể xây. Và nguồn nước này rõ ràng không đủ cho sinh hoạt của người dân suốt một năm. Vậy nên vào thời điểm khô hạn, người dân từng phải mua nước sinh hoạt. Giá tiền có khi lên đến vài trăm nghìn đồng một khối nước. Cũng phải nói thêm, về địa hình bản Thung Mài nằm gọn giữa lòng một dãy núi hình miệng thúng, đường ra vào rất khó, thời trước chỉ có xe UAZ mới vào được. Và một ngày cũng chỉ chạy được hai chuyến. Lý do, sương mù! Sương mù ở đây rơi rất sớm. Tầm bốn rưỡi, năm giờ chiều là sương mù đã dâng lên đặc quánh. Đường đi chỉ nhìn thấy lờ mờ phía trước tầm bốn - năm mét. Ai không quen đường đi rất nguy hiểm. Và nếu có quen thì nguy cơ sạt đá, rơi vực rất cao. Vậy nên mọi sinh hoạt của dân bản gần như “đóng băng” khi trời chập tối.

Theo thống kê năm 2019, bản Thung Mài có 53 hộ, số hộ không thuộc diện “hộ nghèo” chỉ đếm được trên đầu ngón tay, phần lớn rơi vào những gia đình làm cán bộ, giáo viên. Dân bản 100% làm nông nghiệp, thiếu đất canh tác, thiếu nước tưới tiêu… nên cái nghèo dai dẳng bám riết. Mấy năm gần đây cũng đã có các mô hình trồng thảo quả, nuôi trâu, bò, dê, gà… được Nhà nước đưa lên với bà con nhưng xem ra chưa thành công lắm. Hy vọng lớn nhất của dân bản chính là con đường mới mở kéo theo những cơ hội phát triển du lịch. Con đường này dài 8 km, đi ngang qua điểm săn mây Hang Kia cùng với con đường tắt dài 4 km về trung tâm xã sẽ hình thành một tuyến du lịch khép kín. Có các sản phẩm như: đi bộ dã ngoại (trekking), tham quan thắng cảnh, trải nghiệm cuộc sống dân bản qua hình thức homestay… Vậy nên, khi thấy đoàn tham quan của những du khách đến từ phương nam xa xôi ghé thăm bản, nhiều người dân bản khấp khởi mừng.

Một cái hay nữa ở bản Thung Mài là mặc dù cuộc sống còn khó khăn nhưng người dân rất quan tâm đến việc học của con em. Nhiều năm qua, bản luôn có 100% số trẻ em đến trường. Trong tương lai đây sẽ là lực lượng cho ngành du lịch của bản phát triển. Biết đâu được đấy, nhìn những ánh mắt rực sáng của những đứa trẻ trên bản Thung Mài này, tôi nghĩ rằng niềm tin ấy là hoàn toàn có cơ sở.