Đến bồ hòn cũng ngọt

Từ xưa, người ta đã sử dụng quả bồ hòn để làm chất tẩy rửa. Với chất saponin (được xem như một loại xà-phòng), quả bồ hòn ngày càng được nhiều người chú trọng đến, nhất là dùng bồ hòn làm enzym, vừa tạo ra được chất tẩy sạch, lành tính lại thân thiện với môi trường. Xu thế trở về với “hàng sạch” này được ông Hoàng Anh Quyết, 65 tuổi, ở tại thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị nghiên cứu và chế tạo thành công enzym bồ hòn.

Sản phẩm enzym bồ hòn của bố con ông Quyết đã được người dùng biết đến nhiều hơn qua các phiên giới thiệu sản phẩm tại Hội chợ.
Sản phẩm enzym bồ hòn của bố con ông Quyết đã được người dùng biết đến nhiều hơn qua các phiên giới thiệu sản phẩm tại Hội chợ.

Người của nhiều sáng tạo

Từng kinh qua nhiều công tác khác nhau trong bộ máy hành chính của tỉnh Quảng Trị, điều chúng tôi nhận thấy ở ông Hoàng Anh Quyết là sự đổi mới, luôn kỳ vọng và sáng tạo không ngừng.

Còn nhớ từ năm 1991, ông Quyết là người đi tiên phong trong việc trồng rừng lấy gỗ ở tỉnh và cách đây hơn 5 năm, lúc cao lá vằng chưa trở thành đặc sản (và sau này thành thương hiệu) thì chính ông Quyết lại là người đi tiên phong trong việc trồng cây lá vằng để nấu cao. Người dân Quảng Trị (mà đặc biệt rất nhiều hộ dân ở huyện Cam Lộ) sẽ mang ơn ông Quyết về điều này. Vì giờ đây, cao lá vằng đã trở thành cây chủ lực để phát triển kinh tế tại vùng gò đồi Cam Lộ và một số địa phương lân cận, là “nguồn sống” cho rất nhiều hộ dân, giúp họ xóa đói, giảm nghèo.

Vậy mà, tâm sự với chúng tôi, từ chuyện trồng rừng cho tới giúp cây lá vằng trở thành đặc sản, ông Quyết cũng rất thành thật: “Rừng trồng thì tôi thành công, nhưng còn cao lá vằng thì tôi thất bại. Hồi đó còn khó khăn trong việc trồng và tiêu thụ, kể cả việc đăng ký sản phẩm. Nhưng giờ mọi việc đã tốt hơn, nhìn người dân địa phương đi lên từ cây lá vằng, tôi rất phấn khởi”. Lúc hỏi về năng lượng nào giúp một người đàn ông 65 tuổi đầy nhiệt huyết như thế, ông Quyết cười hồn hậu: “Tôi là con người thích xê dịch, muốn tạo ra cái gì đó hay hay thôi, chuyến vừa rồi tôi đã đi khắp Tây Nguyên để xem nguồn nguyên liệu sản xuất enzym bồ hòn và tôi muốn chủ động nguồn nguyên liệu này để sản xuất được ổn định”.

Căn nhà trên trục đường quốc lộ 9B của ông Hoàng Anh Quyết là nơi sản xuất ra loại enzym bồ hòn duy nhất ở Quảng Trị. Cổng nhà được trồng hai cây bồ hòn làm mẫu. Và trong căn nhà đó hầu hết đều liên quan đến bồ hòn mà chúng tôi quan sát thấy, chính ông Quyết là người “liên quan” nhất. Ông có thể nói hàng giờ về cây bồ hòn và quả của nó, những tác dụng mà nó mang lại cho con người, khác với những loại hóa chất độc hại khác, enzym bồ hòn là chế phẩm sinh học có lợi cho con người và môi trường.

Khởi nghiệp tuổi… 65

Mọi thứ vẫn như rất tốt, và thật sự như thế đối với ông Hoàng Anh Quyết và đứa con trai của mình anh Hoàng Hoài Phương (26 tuổi). Ý tưởng bảo tồn cây bồ hòn và sản phẩm hữu cơ enzym bồ hòn đã được ông Quyết và con trai ông, người cộng sự đắc lực có ý tưởng hình thành từ đầu năm 2019.

Nói về ý tưởng kinh doanh, ông Quyết cho chúng tôi hay rằng “một lần tình cờ xem được chương trình truyền hình về cây bồ hòn và những tác dụng của nó, nhất là sử dụng quả bồ hòn làm chất tẩy rửa thân thiện với môi trường, hai bố con ông thấy loại sản phẩm này thật sự cần thiết và bền vững nên bắt tay vào tìm tòi. Qua nguồn internet và các bài nghiên cứu, bố con ông được biết cây này có khá nhiều ở Thái-lan và người dân cũng sử dụng rất nhiều. Ông Quyết cũng biết đến bà Dr. Rosukon Poompanvong là một giáo sư chuyên về sinh học và enzym. Qua trao đổi, liên lạc nhiều lần, biết được công thức lên men enzym bồ hòn, ông và con trai đã tiến hành làm thử. Mất khá nhiều thời gian và công sức để làm ra được sản phẩm hoàn chỉnh.

Trao đổi với chúng tôi về cuộc khởi nghiệp khi tuổi đã 65 này, ông Quyết tâm sự: “Nếu còn năng lượng sống, còn lao động, còn sáng tạo thì khởi nghiệp sẽ không bao giờ là muộn. Nhất là đối với người đàn ông trụ cột gia đình, vấn đề hướng nghiệp cho con cái là thật sự cần thiết”.

Quả bồ hòn được biết đến là một chất tẩy rửa từ thiên nhiên an toàn và không hại da tay. Người dùng có thể rửa bát, giặt quần áo, lau nhà bằng nước bồ hòn hay bột bồ hòn rất dễ dàng. Enzym bồ hòn có nhiều ưu điểm như bảo quản được lâu, giặt đồ không bị ố vàng, ngâm ủ cùng các loại trái cây tốt cho da tay và có thể xua đuổi côn trùng, ruồi muỗi. Tuy nhiên, trên thực tế địa bàn vùng miền núi tỉnh Quảng Trị không có nhiều cây bồ hòn để lấy quả làm nguyên liệu sản xuất enzym bồ hòn. Một số vùng trên cả nước, nhất là ở Tây Nguyên, hiện cây bồ hòn bị khai thác cạn kiệt do cây cao, trái nằm ở ngọn nên thường bị người khai thác đốn hạ. Để chủ động nguồn nguyên liệu lâu dài, ông Quyết vẫn muốn phát động mô hình mỗi nhà dân trồng một cây bồ hòn, vừa tạo bóng mát mà sau này có nguồn nguyên liệu sạch chủ động sản xuất.

Anh Hoàng Hoài Phương chia sẻ thêm: “Ngày nay quả bồ hòn không còn phổ biến, ngay giai đoạn tìm hiểu cũng đã gặp khó khăn. Quá trình tìm hiểu sự sinh trưởng của cây, xem cây này có khả năng tồn tại với thổ nhưỡng khí hậu của Quảng Trị hay không mới thật sự quan trọng. Được sự giới thiệu của một số cán bộ kiểm lâm, tôi đã tìm tới các vùng miền núi của tỉnh như phía bắc huyện Hướng Hóa, huyện Đa Krông, được biết cây bồ hòn đã từng tồn tại nhưng bị chặt bỏ do quá trình phát triển kinh tế và trồng rừng”.

Đến bồ hòn cũng ngọt ảnh 1

Ông Hoàng Anh Quyết và con trai ông, anh Hoàng Hoài Phương đã ươm thành công cây giống bồ hòn.

Gian nan và quả ngọt

Ngược xuôi trên hành trình đến với loại enzym bồ hòn, bố con ông Quyết còn có nhiều chuyện để nói chung quanh trái đắng bồ hòn. Anh Phương chia sẻ thêm với chúng tôi về những vất vả trên hành trình đó: “Sau chuyến đi Tây Nguyên, tôi sang Savanakhet, Pakse của Lào để tìm hiểu và tìm cách ươm giống cây. Quá trình đi thực tế ở Tây Nguyên tôi cảm thấy cách người ta khai thác hiện nay quá là tận diệt, họ sẵn sàng chặt cành, thậm chí chặt cả cây để khai thác. Phải đi đôi giữa việc khai thác và bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn lợi, đó mới là việc làm có tính bền vững. Thời gian tới, tôi sẽ thực hiện ươm giống cây bồ hòn và trồng trên diện rộng, đối với vùng có khí hậu và đất đai phù hợp thì cây bồ hòn chỉ tầm năm - bảy năm là cho trái, chúng ta có thể khai thác từ những cây xanh này nguồn nguyên liệu để làm enzym bồ hòn”.

Trên thị trường hiện nay có rất nhiều chất tẩy rửa khác nhau, kể cả hàng trong nước sản xuất và hàng nhập ngoại. So các sản phẩm tẩy rửa thì enzym bồ hòn có hiệu quả đáng ghi nhận và đặc biệt là thân thiện với môi trường. Vấn đề ở chỗ để người dùng nhận thấy ưu điểm của enzym bồ hòn mới thật sự quan trọng. Ông Quyết chia sẻ: “Hiện nay, đầu ra của sản phẩm cũng là một nút thắt khó khăn vì thị hiếu của người dùng và thói quen sử dụng. Dù enzym bồ hòn là một sản phẩm tự nhiên, an toàn, lành tính, nhưng tác động vào thói quen tiêu dùng của người dân là một quá trình lâu dài.

Bước đầu thành công của ông Hoàng Anh Quyết và con trai Hoàng Hoài Phương trong việc tạo ra sản phẩm enzym bồ hòn khiến rất nhiều người hưởng ứng. Một số trường học và bệnh viện trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã dùng sản phẩm enzym bồ hòn. Đây là tín hiệu vui của thời đến “bồ hòn cũng ngọt”.