Để có niềm vui ngày khai trường

Trước thềm năm học mới, dù các con học cấp nào, phụ huynh cũng vẫn nặng trĩu những tâm tư, nguyện vọng. Cấp mầm non, mong sao cho con không bị bạo hành, môi trường học tập an toàn. Sang bậc tiểu học, chỉ mong trường lớp đừng quá tải. Đến bậc THCS lại ôm mối lo con học thêm nhiều. Học xong ba năm THPT, bố mẹ lại lo kỳ thi THPT quốc gia không nghiêm túc… Nhưng khi con đón năm học mới, tất cả phụ huynh đều mong mỏi, con thật vui khi đến trường, đến lớp.

Hy vọng các con sẽ có một năm học mới nhiều niềm vui.
Hy vọng các con sẽ có một năm học mới nhiều niềm vui.

1.Bạo hành trong các cấp học mầm non là vấn đề nhức nhối, ám ảnh các vị phụ huynh và gây tổn thương tâm lý cho trẻ. Hầu hết các vụ việc xảy ra trong thời gian gần đây đều do giáo viên không kiềm chế, đánh trẻ, nhốt trẻ khi trẻ không chịu ăn...

Có con bước vào lớp mầm non 4 tuổi, chị Hoàng Thu Nga (quận Cầu Giấy, Hà Nội) bày tỏ nỗi niềm: “Con trai tôi năm nay học lớp mầm non 4 tuổi tại Trường mầm non Dịch Vọng Hậu. Hôm nay, tôi đưa con đến trường để tập dượt trước ngày khai trường mà cảm xúc vô cùng khó tả. Nhìn thấy con vui vẻ bên thầy, cô và các bạn là lòng tôi cũng thêm phấn chấn. Sau những vụ việc gần đây như trẻ bị nhốt vào tủ, cô giáo dạy kỹ năng sống khiến trẻ bị bỏng nặng… Tôi chỉ mong sao lứa tuổi mầm non của con được học trong môi trường yêu thương và an toàn. Được cùng con chuẩn bị cho ngày khai giảng, tôi thấy hân hoan và hy vọng con sẽ có một năm học mới nhiều niềm vui”.

Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Nguyễn Thị Nghĩa cho hay, hiện cả nước có gần 310.000 giáo viên mầm non và theo định mức mà Bộ GD&ĐT, Bộ Nội vụ đã thống nhất thì số giáo viên mầm non còn thiếu là khoảng 40.000 người. Theo bà Nghĩa, giáo viên mầm non thiếu ở rất nhiều địa phương. Thống kê cho thấy, chỉ riêng tại Hà Tĩnh, số giáo viên mầm non còn thiếu lên đến 800 người, khoảng 1.200 trẻ không được nhập học vì thiếu giáo viên cũng như trường lớp. Tình trạng thiếu giáo viên mầm non được đánh giá là một trong những nguyên nhân để xảy ra bạo hành trong các cơ sở mầm non trên cả nước thời gian qua. Trình độ giáo viên thấp, đào tạo, bồi dưỡng không thường xuyên cộng với quá tải công việc khiến giáo viên mắc lỗi về cả nghiệp vụ sư phạm lẫn đạo đức nghề nghiệp.

2. Bên cạnh thiếu giáo viên, thực trạng quá tải trường lớp vẫn diễn ra trước thềm năm học mới, đặc biệt tại các thành phố lớn. Riêng tại Hà Nội, năm học 2018 - 2019, thành phố đã xây mới được 74 trường học, bổ sung thêm 1.579 phòng học; cải tạo, sửa chữa được 387 trường học các cấp học... Tuy nhiên cũng trong năm học này, Hà Nội tăng gần 110.000 học sinh.

Đây chính là một trong những nỗi lo lớn của phụ huynh, học sinh và cả giáo viên khi năm nay Hà Nội có số học sinh tăng mạnh ở tất cả các lớp đầu cấp. Do đó, Hà Nội phải đối mặt với tình trạng quá tải trường lớp tại một số quận, huyện nơi tập trung nhiều khu đô thị, khu công nghiệp, chế xuất.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc quá tải sĩ số ở một số lớp tại Hà Nội, có nơi lên đến 60 - 70 học sinh, ông Lê Ngọc Quang, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội chia sẻ: Thực tế, đây là điều bất khả kháng, ngành giáo dục Thủ đô mong nhận được sự thông cảm của người dân. Giải pháp Hà Nội đưa ra là tiếp tục bổ sung lớp học, bố trí tăng cường giáo viên với những lớp quá đông.

Chị Nguyễn Thị Minh (quận Hoàng Mai, Hà Nội) năm nay đón nhận một niềm vui nho nhỏ nhưng cũng đầy ắp nỗi lo, đó là có con gái vào lớp 1. Không còn được các cô giáo bao bọc như ở trường mầm non trước đây, với cả mẹ con chị, việc lên cấp tiểu học hứa hẹn nhiều thách thức mới. “Sống ở Thủ đô nhưng phải nói thật là tôi thấy áp lực học hành trường lớp của con luôn khiến các phụ huynh căng thẳng!”, chị Minh chia sẻ.

Nỗi lo của chị Minh không phải là không có cơ sở khi mới chỉ đưa con đến trường nhận lớp và làm quen với lớp mới vào đầu tháng 8-2019 (con chị Hoa học một trường công lập trong quận), chị đã thấy “chóng mặt” với sĩ số quá đông, lên đến gần 60 cháu/lớp. Sĩ số đông, trong khi lớp học thì chật chội, chiếc bàn bé tí ngồi đến ba bạn.

Trong buổi làm việc mới đây với ngành GD&ĐT Thủ đô, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải cho biết, dân số TP Hà Nội mỗi năm tăng khoảng 240.000 dân và cùng với tăng trưởng dân số là số lượng học sinh các cấp học tăng. Điều này khiến các kỳ tuyển sinh gặp khó khăn và việc đáp ứng trường lớp chưa theo kịp yêu cầu đề ra. Tuy hằng năm tỷ lệ đầu tư trường học mới đều vượt chỉ tiêu đặt ra nhưng việc phân bổ không đồng đều. Khu vực trung tâm ít hơn các khu vực khác nên tuy số trường tăng nhưng một số trường học tại nội đô vẫn bị quá tải.

3.Vấn đề thi cử luôn được xã hội quan tâm. Trước tiên, các phụ huynh đều mong muốn kỳ thi THPT quốc gia diễn ra an toàn và nghiêm túc. Riêng tại Hà Nội, với cả trăm nghìn học sinh chuyển từ THCS lên THPT, phương án tuyển sinh lớp 10 rất được mọi người quan tâm theo dõi. Chị Lê Thu Trà, có con năm nay lên lớp 9, Trường THCS Giảng Võ (quận Ba Đình, Hà Nội) nói: “Điều mà phụ huynh chúng tôi đang quan tâm nhất là kỳ thi vào cấp 3 năm học mới này có thay đổi gì không. Năm ngoái, các cháu đã phải thi lên lớp 10 với bốn môn. Riêng môn Lịch sử, đến tận tháng 3 năm sau mới thông báo. Tôi mong sao, kỳ thi này nên giữ ổn định và sớm có thông báo chính thức về các môn thi để học sinh kịp thời ôn luyện!”.

Với nhiều người lao động nghèo, việc chuẩn bị cho con em mình một khoản tiền đóng góp vào đầu năm học mới chẳng dễ dàng chút nào. Nhận được tin con trai trúng tuyển vào Trường đại học Bách khoa Hà Nội, anh Nguyễn Mạnh Hùng (Hoằng Hóa, Thanh Hóa) mừng khôn xiết, nhưng nỗi lo vẫn hiện trên khuôn mặt. Vợ anh Hùng bị bệnh mất sớm, anh một mình nuôi hai con ăn học bằng nghề đúc gạch và phụ hồ. “Để có tiền cho con ra Hà Nội ăn học, tôi đã chuẩn bị ngót nửa năm nay. Nếu cháu ở ngoài đó chi tiêu tốn kém quá, tôi đã có dự định ra ngoài đó kiếm việc làm thêm, hai bố con trọ cùng nhau. Cháu bé tôi sẽ gửi bác trông nom giúp. Nay, cháu đỗ được một trường đại học có tiếng, toại nguyện ước mơ của cháu nên dù có vất vả thế nào tôi cũng quyết tâm nuôi cháu ăn học”.

Chị Nguyễn Thu Huệ, buôn bán tự do ở quận Hoàng Mai (Hà Nội) cũng đang đau đầu với tiền học đầu năm cho con. Chị Huệ nói: “Chồng mình làm xe ôm ngày kiếm được vài ba trăm nghìn, còn mình bán rau ở chợ nên con bước vào năm học mới là hai vợ chồng lại lo lắng”. Chị Huệ nói thêm: “Sợ nhất là con nộp tiền muộn, bị cô giáo nhắc tên trên lớp. Lúc đó con dễ chạnh lòng, nhất là những trẻ mới vào tiểu học như đứa út nhà mình”. Chẳng vậy mà ba tháng hè vợ chồng chị đã phải tằn tiện chắt bóp để ưu tiên cho đứa con út học lớp 2 đóng tiền trước… “Tuy nhiên, niềm vui con được đến trường, vui đùa cùng bè bạn, chiều về kể chuyện cho bố mẹ khiến vợ chồng mình quên hết mọi vất vả”, chị Huệ bộc bạch.

PHÁT SINH LẠM THU, SẼ XỬ LÝ NGHIÊM
Để chấm dứt tình trạng lạm thu, trong công văn hướng dẫn công tác tăng cường quản lý thu chi năm học 2019 - 2020 mới được ban hành, Sở GD&ĐT Hà Nội lưu ý về bảy khoản tiền Ban đại diện cha mẹ học sinh không được phép thu, gồm: Bảo vệ cơ sở vật chất, bảo đảm an ninh nhà trường; Trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; Vệ sinh lớp học, vệ sinh trường; Khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên; Mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên; Hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; Sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường.
UBND TP Hà Nội cũng đã ra Công văn 3464/UBND-KGVX, trong đó nêu rõ tuyệt đối cấm việc lợi dụng danh nghĩa Ban đại diện cha mẹ học sinh để thu các khoản thu ngoài quy định; trường nào để xảy ra tình trạng lạm thu, hiệu trưởng sẽ bị xử lý nghiêm.