Tổng Công ty Tín Nghĩa

Đầu tư lớn, hiệu quả... bằng 0!

Trên báo Thời Nay các số 869, ra ngày 14-5-2018, và số 870, ra ngày 17-5-2018, đã phản ánh vấn đề trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của Tổng Công ty (TCT) Tín Nghĩa, doanh nghiệp (DN) 100% vốn Nhà nước trực thuộc Tỉnh ủy Đồng Nai. Đáng chú ý, việc định giá DN khi thực hiện cổ phần hóa (CPH) đã “triệt tiêu” những lợi ích của Nhà nước. Tuy nhiên, sau hàng chục năm hoạt động, ai sẽ là người chịu trách nhiệm khi mà “thành tích” lớn nhất của TCT Tín Nghĩa là cả một “đống” nợ?

Cảnh hoang tàn tại Trạm dừng xe Tân Phú.
Cảnh hoang tàn tại Trạm dừng xe Tân Phú.

Từ việc đầu tư theo “phong trào”...

Về hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của TCT Tín Nghĩa, điều đầu tiên có thể thấy là được sự ưu ái quá lớn từ cơ chế, chính sách “người nhà”, khi DN này được giao quản lý và sử dụng quỹ đất lên đến hàng nghìn ha, tổng giá trị tài sản thấp nhất là 5.415 tỷ đồng và cao nhất là 5.898 tỷ đồng. Thế nhưng trong 5 năm trước khi được CPH (giai đoạn 2011-2015), kết quả sản xuất, kinh doanh của TCT Tín Nghĩa lại rất khiêm tốn, lợi nhuận cao nhất năm 2015 ước đạt 192 tỷ và thấp nhất là năm 2012 chỉ với năm tỷ đồng. Đặc biệt, với số lượng quỹ đất để phát triển khu công nghiệp (KCN), đô thị nhưng có đến 55% tổng doanh thu của TCT Tín Nghĩa lại từ xuất khẩu cà-phê, chiếm 35% doanh thu của toàn tổ hợp “công ty “mẹ” - công ty “con”” mà DN này áp dụng. Nguồn doanh thu xếp thứ hai chủ yếu từ nhập khẩu nhiên liệu, thức ăn gia súc, và đến năm 2014 mới xuất hiện doanh thu từ kinh doanh hạ tầng KCN với doanh số là 88 tỷ đồng.

Với thực trạng sản xuất, kinh doanh này, đến trước thời điểm CPH việc nợ phải trả lên đến 4.845 tỷ đồng chiếm đến hơn ba phần tư tổng giá trị thực tế của TCT Tín Nghĩa và nguy cơ dần “nuốt” mất vốn của Nhà nước tại DN này cũng không mấy khó hiểu.

Trong quá trình đi sâu tìm hiểu, phóng viên Thời Nay đã thấy nổi lên một số vấn đề mà có lẽ chỉ ở TCT Tín Nghĩa mới có và một phần lý giải được “thành tích” nợ của DN này.

Một trong những “thành tích” đưa TCT Tín Nghĩa đến tình cảnh này là việc đầu tư theo kiểu “phong trào”. Trong đó, phải kể đến việc đầu tư hai trạm dừng xe: Trạm dừng xe Tân Phú (xã Phú Sơn, huyện Tân Phú), trên tuyến quốc lộ (QL) 20 đoạn bắt nguồn từ quốc lộ 1A đi các tỉnh Tây Nguyên và Trạm dừng xe Xuân Lộc (xã Xuân Hòa, huyện Xuân Lộc) trên tuyến QL 1A chạy dọc tuyến bắc - nam nhằm phục vụ hành khách xe khách đường dài, khách du lịch và lái xe vận tải hàng hóa đi trên tuyến đường này.

Thực tế, với trào lưu đầu tư trạm dừng xe trên các tuyến QL, tỉnh lộ, tháng 4-2009, TCT Tín Nghĩa chính thức cho khởi công đầu tư giai đoạn I Trạm dừng Tân Phú, riêng phần vốn đầu tư hạ tầng, xây dựng công trình lên đến hơn 41,5 tỷ đồng, trên diện tích hơn 3,25 ha đất được thuê của nhà nước, trả tiền hằng năm. Trạm dừng xe Tân Phú được đầu tư thành một cụm công trình gồm trạm xăng với tám trụ trên diện tích hơn 200 m², hai nhà hàng có diện tích 4.570 m² với nhiều tiện ích dành cho khách sử dụng khi dừng chân, nhà nghỉ 24 phòng, một siêu thị mini rộng 792 m²… phục vụ hành khách đi xe khách, khách du lịch tuyến du lịch sinh thái rừng quốc gia Nam Cát Tiên dừng nghỉ chân.

Năm 2011, TCT Tín Nghĩa đưa vào hoạt động giai đoạn I Trạm dừng xe Xuân Lộc, với diện tích hơn 2,55 ha, gồm các cụm công trình liên hoàn như: trạm xăng, siêu thị, nhà nghỉ, trạm sửa chữa bảo trì… tổng vốn đầu tư hơn 50,5 tỷ đồng.

Với mức độ đầu tư, quy mô dự án, tháng 5-2012 Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã quyết định công nhận việc hoạt động của hai trạm dừng xe này trong hệ thống trạm dừng xe quốc gia, đồng thời công nhận hai trạm này đạt chuẩn Trạm dừng xe loại 1. Trước khi CPH, Trạm dừng xe Tân Phú được định giá là hơn 57,8 tỷ đồng và Trạm dừng xe Xuân Lộc là hơn 61,8 tỷ đồng.

Tuy nhiên, đến thời điểm này cả hai cụm công trình trạm dừng xe thuộc loại hàng đầu Việt Nam của TCT Tín Nghĩa đã phải tạm ngưng hoạt động. Theo quan sát của phóng viên, hiện ở hai trạm dừng xe, chỉ còn hoạt động của các trạm xăng, các hạng mục còn lại đều đang bỏ hoang, nhiều công trình đang xuống cấp nghiêm trọng. Như vậy, khoản đầu tư “khủng” vào các trạm dừng xe đang dần “nuốt trôi” hàng trăm tỷ đồng được coi là vốn Nhà nước tại TCT Tín Nghĩa.

… Đến chuyện “bỏ qua” hàng nghìn tỷ đồng vốn Nhà nước

Không chỉ có trạm dừng xe mà ngay cả khoản đầu tư KCN của TCT Tín Nghĩa cũng phát triển theo “phong trào”. Ngày 23-4-2007, UBND tỉnh Đồng Nai đã có Quyết định số 991/QĐ-UBND do ông Đinh Quốc Thái (khi đó đang là Phó Chủ tịch UBND tỉnh) ký về việc phê duyệt quy hoạch tỷ lệ 1/1000 KCN Tân Phú, tại huyện Tân Phú. Tổng diện tích dự án hơn 54 ha, do TCT Tín Nghĩa làm chủ đầu tư, trong đó có 34,85 ha đất dành cho khu nhà máy, xí nghiệp, bao gồm 22 lô diện tích trung bình từ một đến 1,5 ha và một lô đất cá biệt có diện tích 5,56 ha. Mục tiêu của KCN là cụ thể hóa công tác phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện Tân Phú.

Ngay sau khi có quyết định của UBND tỉnh Đồng Nai, TCT Tín Nghĩa đã đầu tư hàng chục tỷ đồng vào hạ tầng và thu hút vốn đầu tư nhà máy tại KCN Tân Phú. Tuy nhiên, đến nay đã qua hơn 10 năm, toàn bộ KCN mới chỉ có hai nhà máy đầu tư đi vào hoạt động. Số còn lại tuy đã làm đường, phân ô từng khu nhưng vẫn chỉ là khu đất bỏ hoang.

Với những gì đã diễn ra trong việc định giá tài sản và phê duyệt phương án CPH tại TCT Tín Nghĩa, dư luận đang đặt ra một câu hỏi là: Trách nhiệm thuộc về ai? Trong khi đó, việc phê duyệt giá trị vốn Nhà nước tại TCT Tín Nghĩa lại đang theo kiểu “bỏ con cá rô mà bắt con săn sắt”. Ngay khi định giá để chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) đã có dấu hiệu “bỏ qua” hàng nghìn tỷ đồng giá trị của TCT tại các công ty “con”, công ty liên kết. Nhưng lại khá “thoáng” trong việc định giá những đơn vị trực thuộc được liệt vào dạng “nằm chờ chết”.

Thực tế, có kết quả hoạt động kinh doanh gần như bằng không, thậm chí thuộc diện lỗ theo kế hoạch nhưng hai trạm dừng xe của TCT Tín Nghĩa khi được đưa vào xác định để CPH lại có số chênh lệch tăng về giá trị. Đây là hai trong số bốn đơn vị trực thuộc TCT Tín Nghĩa nằm trong danh sách có vấn đề cần phải xử lý sau công bố giá trị DN và sau khi CPH.

Mặc dù thuộc diện hoạt động kém hiệu quả, dẫn đến cần phải xử lý nhưng tài sản cả bốn đơn vị của TCT Tín Nghĩa đều được định giá tăng so số liệu sổ sách kế toán. Cụ thể, theo sổ sách bốn đơn vị này có giá trị hơn 145,7 tỷ đồng và sau định giá là hơn 225,8 tỷ đồng, tăng hơn 80 tỷ đồng. Trong đó, giá trị của các đơn vị này đều tăng ở mức cao như Xí nghiệp xây dựng (Nhà máy đá) giá trị xác định theo sổ sách chỉ là 11,1 tỷ đồng sau khi định giá lên đến 39,4 tỷ đồng (gấp 3,54 lần), Trạm dừng xe Tân Phú có giá trị theo sổ sách là hơn 41,5 tỷ đồng sau khi định giá được xác định là 57,8 tỷ đồng.

Vì sao xảy ra nghịch cảnh này, khi kết quả hoạt động kém nhưng giá trị lại tăng mạnh? Phải chăng ở đây đã có sự “phù phép” trong định giá tài sản Nhà nước để “che mắt” người phê duyệt phương án CPH?