Đất khó Ia Mơr bám người

Ngồi theo sau xe máy của Thượng úy Rơ Ô Thuy, đội trưởng đội vận động quần chúng, Đồn biên phòng Ia Mơr, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Gia Lai, để đi xuống địa bàn, tôi phải nheo nheo mắt rất lâu trong cái nắng chói mới có thể thấy rõ những ngôi nhà gỗ xiêu vẹo hai bên đường. Bụi đất đỏ ngầu bện vào da, vào tóc, che khuất cả tầm nhìn. Chốc chốc, bánh xe máy như muốn lật nghiêng khỏi đường. Tiếng nói chuyện của Thượng úy Thuy với tôi bị át đi bởi tiếng rè rè của động cơ xe máy, tiếng đất đá văng tạch tạch dưới lốp xe và thi thoảng câu chuyện bị ngắt quãng cái phập do xe đi trúng ổ voi, ổ gà.

Bộ đội Đồn Biên phòng Ia Mơr giúp bà con phơi lúa.
Bộ đội Đồn Biên phòng Ia Mơr giúp bà con phơi lúa.

Gieo mầm ở đất khó

Xe dừng lại trước một ngôi nhà cũ nhỏ xíu, bao quanh là sân vườn rộng mênh mông nhưng cây cối thưa thớt. Ra chào chúng tôi là một người phụ nữ thân hình gầy gò, nhỏ thó. Chị có vẻ rất vui khi nhìn thấy Thượng úy Rơ Ô Thuy nhưng nét mặt khắc khổ, chai cứng đã ngăn lại nụ cười trên khóe miệng. Chị là Ksor Cha, đại diện cho một trong năm hộ gia đình mà Ô Thuy được phân công phụ trách giúp đỡ theo mô hình đảng viên phụ trách hộ. Tranh thủ thời gian, Ô Thuy cầm lấy cái cuốc ở hiên nhà rồi cùng chị Cha đi về hướng vườn rau. Câu chuyện với chị Cha đều phải thông qua Ô Thuy phiên dịch từ tiếng Jrai sang tiếng Kinh và ngược lại.

Chị Cha lấy chồng sớm và sinh được bốn người con. Năm 2014, chồng chị qua đời do bạo bệnh. Năm mẹ con sống nghèo khổ, nheo nhóc mà không biết nương tựa vào ai. Chị làm lúa rẫy theo phương pháp chọc, trỉa từng hạt, mỗi năm chỉ làm một vụ vào mùa mưa nên cái đói cứ dai dẳng từ năm này qua năm khác. “Theo phương pháp cũ thì mỗi năm, 1 ha chỉ thu hoạch được 10 bao lúa thôi. Còn bây giờ, theo hướng dẫn của BĐBP làm lúa nước thì năm vừa rồi tôi thu hoạch được 150 bao tức là được bốn tấn lúa”, chị Cha nói. Đó là một cuộc cách mạng với nhà chị Cha.

Tay vẫn cầm cuốc xới xới luống rau, Thượng úy Thuy hướng dẫn cho chị Cha bằng tiếng Jrai, sau đó chuyển cuốc cho chị. Anh quay sang tôi kể: “Chúng tôi đã tham mưu cho chỉ huy đồn và chính quyền địa phương quy hoạch đất trống để triển khai mô hình lúa nước; kêu gọi các doanh nghiệp san ủi làm lòng hồ trữ nước để đón nước trời; chỉ cho bà con các kỹ thuật canh tác, áp dụng khoa học kỹ thuật về cây giống, phân bón. Bà con thấy ít công mà hiệu quả lại cao nên bảo nhau làm theo hết. Giờ an ninh lương thực bảo đảm rồi”. Chỉ sang giàn rau mùng tơi đang lên mơn mởn, Ô Thuy tiếp: “Người dân Tây Nguyên chỉ ăn rau rừng, giờ rừng không còn nhiều, rau rừng không có mấy nên mình cũng phải chỉ cho bà con tự trồng rau ăn. Chứ thiếu rau sinh ra nhiều bệnh lắm”. Ồ thì ra, những vườn rau ở nơi biên giới này lại quan trọng như thế. Do tư duy và tập quán canh tác mà trước đây, bà con cứ phó mặc hết cho tự nhiên, giờ thì chỉ cần có người hướng dẫn là bà con đã có thể cải tạo được tự nhiên rồi.

Chia tay chị Ksor Cha, Ô Thuy chở tôi đến nhà các già làng của bốn làng: Klăh, Hnáp, Krông, Khôi trên địa bàn xã Ia Mơr để mời các già làng buổi tối nay về Đội công tác của Đồn biên phòng Ia Mơr để họp. Trên đường đi, anh kể cho tôi nghe thêm về những mô hình giúp bà con phát triển kinh tế nơi đây: “Năm 2001 có đồng chí Nguyễn Văn Tươi là cán bộ tăng cường cho Đội vận động quần chúng, đi lấy hạt giống cây điều từ Krông Pa lên trồng thử. Thấy thổ nhưỡng ở đây hợp cây điều, chờ 5 - 6 năm thì điều phát triển tốt, cho nhiều hạt, đều quả nên anh em bàn nhau tham mưu cho xã, huyện xin giống điều của Nhà nước cấp cho dân theo ha. Nhà ai nhiều đất thì cấp nhiều hạt giống, ít đất thì cấp ít, cả làng thi nhau làm kinh tế”. Tôi thán phục: “Hẳn các anh phải lăn lộn, trăn trở với bà con lắm thì mới làm được những việc như thế!”. “Phải lo lắng, tìm cách giúp bà con mình chứ nhà báo. Đó là còn chưa kể tới việc anh em chúng tôi tìm cách xen canh cây đậu xanh, đậu bắp cùng với cây bắp lai để một vụ bà con có đa dạng nông sản. Rồi thì xin cấp bò giống cho bà con, bà con chăm tới khi con giống đẻ được con bê thì bà con được tặng con bê, con giống lại chuyển cho nhà khác chăm. Giờ thì hộ đói không còn nữa rồi nhà báo ạ!”.

Thượng úy Rơ Ô Thuy cao lớn và vững chãi, ngồi phía sau anh, đi ngược hướng  mặt trời, tôi thấy bóng anh trải dài sau lưng mình, mùi mồ hôi trên vai áo anh quyện  với mùi đất đỏ nồng khét khiến trong lòng tôi dâng lên tình cảm yêu quý và trân trọng.

Kết thành phên dậu

Buổi tối ở Đội công tác, dưới ánh đèn tuýp mờ đục, quây quanh chiếc bàn dài là cán bộ biên phòng, đại diện chính quyền địa phương và các già làng. Mọi người cùng nhau họp bàn về việc phối hợp giữa bộ đội và bà con trên địa bàn trong thời gian tới. Do nhận thức còn chưa đồng đều nên hiện nay bà con dễ bị những đối tượng xấu rủ rê, lôi kéo vượt biên sang Campuchia gây ra bất ổn về an ninh chính trị. Chính vì thế, ngoài việc sâu sát, bám nắm địa bàn, BĐBP Đồn Ia Mơr đã phối hợp triệt để với chính quyền địa phương, nhất là các già làng, những người có uy tín trong cộng đồng để từng bước giáo dục, nâng cao tinh thần cảnh giác cho bà con.

Tôi hỏi bà Ksor hơ Blăm, già làng làng Krông, nữ già làng duy nhất của Tây Nguyên thì được biết, tuy vẫn còn những vụ việc vượt biên trái phép nhưng nhờ có các tổ tự quản, tổ tư vấn là mô hình do BĐBP đề xuất thì nhận thức của bà con đã được nâng lên rất nhiều. Bà kể: “Đợt vừa rồi, bà con đang đi làm nương rẫy thì phát hiện một toán người lạ mặt là dân Cheo Reo với Krông Pa trên địa bàn, bà con mới nói với họ là, nếu anh chị vượt biên ban ngày thì dân phòng với công an người ta bắt đấy, cứ ở đây đợi đến đêm mà đi, tôi về lấy quần áo, chăn màn đi cùng với. Sau khi chỉ chỗ cho toán người kia ngồi đợi thì chạy về Đội công tác địa bàn báo cáo để bắt gọn toán người này”. Ông Rơ Lan Chim, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Ia Mơr ngồi đối diện tôi, chầm chậm nhấp một ngụm nước trà rồi cười: “BĐBP Ia Mơr nhiệt tình lắm. Lo cho bà con cái ăn, cái mặc. Cùng ăn, cùng ở, cùng làm, nên bà con tin tưởng lắm. Giờ có người khả nghi vào địa bàn là bà con báo cáo cho chúng tôi ngay”. 

Tan họp, tôi đi về phòng nghỉ, ngang qua một căn phòng nhỏ, tôi thấy tầm 4 - 5 cán bộ chiến sĩ đang cùng chỉ vào một cuốn sách, miệng đọc những câu thoại bằng tiếng dân tộc mà tôi đoán là tiếng Jrai. Tôi chợt nhớ lại lúc chiều có hỏi chuyện Đại úy Lê Minh Hải, chính trị viên Đồn biên phòng Ia Mơr về những khó khăn khi thực hiện nhiệm vụ trên địa bàn. Anh đã trả lời tôi rằng: “Có một cái khó nữa là bất đồng ngôn ngữ. Một số cán bộ chiến sĩ mới ra trường hoặc từ các địa bàn khác chuyển về thì quá trình giao tiếp với bà con gặp khá nhiều vướng mắc. Thế cho nên chúng tôi động viên nhau tích cực chủ động học tiếng Jrai để hiểu được bà con, từ đó có thể giúp đỡ bà con về mọi mặt”. Thế mới biết, ở vùng biên viễn, luôn có những ánh đèn còn thức để cho Tổ quốc có giấc ngủ trọn vẹn. Đó có thể là ngọn đèn đứng gác hay giản dị hơn là ngọn đèn tự học nơi đây. Dù với nhiệm vụ nào, những người lính đang thực thi nó cũng thật đáng được trân trọng và cảm phục.

Rong ruổi dọc dài đoạn biên giới Chư Prông suốt cả tuần trời, tôi như nghiện màu đất bụi đỏ ngầu, nghiện thứ ngôn ngữ “kơku anan pan bôn prong”... gì gì đó mà mãi tôi không thể đọc đúng được dù chỉ một câu “xin chào”. Thượng úy Rơ Ô Thuy nói với tôi rằng: “Ở riết rồi không muốn về đâu vì đất bám người lắm”. Đúng như vậy thật, đất bám người mà người thì lại thương đất khó. Giống như các anh, bao nhiêu năm lăn lộn ở dải đất biên cương này cùng bà con kết thành phên dậu quốc gia. Cùng ăn, cùng ở, cùng làm nhưng các anh đã cho tôi thấy rõ rằng, trên hết tất cả, phải thương thì mới có thể kết thành phên dậu được.