Cứu hộ rùa Côn Đảo

Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu) sẽ là điểm du lịch sinh thái số một Việt Nam trong chỉ một hai năm tới. Huyện đảo này đáp ứng năm tiêu chí theo Công ước Ramsar gồm mẫu chuẩn về sự độc đáo, hiếm và đại diện cho kiểu đất ngập nước tự nhiên ở vùng biển Đông Nam Việt Nam và khu vực.

Không phải chỉ ngày một ngày hai khám phá với vài điểm đến quen thuộc, Côn Đảo có sức hút bền lâu hơn thế, thậm chí đủ cho cả một đời người. Tôi muốn bắt đầu câu chuyện ở Côn Đảo với những chú rùa và những người chọn cho mình con đường lâu dài để bảo vệ động vật, sinh thái.

Rùa biển lên bãi đẻ.
Rùa biển lên bãi đẻ.

Kỳ 1: Ăn ngủ cùng rùa

Khi muốn xác định một điểm du lịch tiềm năng, các nhà hoạch định sẽ phải dựa vào rất nhiều yếu tố để đánh giá. Nhưng ở Côn Đảo, tiêu chí đánh giá lại rất đơn giản, chỉ cần thông qua số lượng đơn đăng ký làm tình nguyện viên đi đỡ đẻ cho rùa. Ít người có thể tưởng tượng ra độ “nóng” mà IUCN Việt Nam (Liên minh quốc tế Bảo tồn thiên nhiên và tài nguyên thiên nhiên) “phải chịu đựng” khi chính thức ra thông báo “Tuyển tình nguyện viên cứu hộ rùa” mỗi khi hè về.

Trắng đêm trông rùa đẻ

Trong một duyên may, tôi có hai lần tham gia cứu hộ rùa, nhiều lần tự túc đi theo các tour giáo dục môi trường ở Côn Đảo. Tôi còn nhớ mãi chuyến đi của mình năm 2016. Dù không phải là trưởng nhóm nhưng tôi được giao hỗ trợ các bạn sinh viên vào rừng lấy củi và dạy cách chẻ củi. Các bạn lóng ngóng cầm chiếc rìu, bổ lần nào cũng trượt vì từ nhỏ tới giờ nào đã biết cái rìu hình dáng ra sao đâu. Ấy thế mà những đêm đi cứu hộ, các bạn lại trở thành những người hoàn toàn khác. Lăn lê bò toài đào cát gom trứng đưa về khu vực ấp an toàn. Vật vã cứu rùa mẹ ra khỏi những bộ rễ cây chằng chịt. Hì hục đào tổ để ấp những quả trứng rùa đã gom về. Mọi công việc được làm một cách thuần thục và chuyên nghiệp.

Ai được ở bãi chính thì còn có nhiều người hỗ trợ, ai nhận nhiệm vụ đến bãi Xi-măng (một bãi nhỏ tại hòn Bảy Cạnh) thì công việc vất vả bội phần. Bạn thử tưởng tượng chỉ một tình nguyện viên, một kiểm lâm trực tại bãi cát rộng chỉ bằng một căn nhà. Đêm nào chỉ một, hai mẹ rùa lên đẻ thì chỉ lo chống muỗi là chính. Gặp những hôm cả chục mẹ rùa mót đẻ thì xoay như chong chóng. Chưa bới hết trứng của ổ rùa này, rùa đã đẻ thêm ổ khác. Có lúc ba, bốn mẹ rùa cùng đẻ, tình nguyện viên và kiểm lâm cứ phải nằm im chịu cảnh rùa mẹ đào hố, vẩy cát đầy vào võng. Lúc chúng xong việc thì mới dám ra bốc trứng gom lại.

Quần thảo với rùa suốt cả đêm, tới tờ mờ sáng, mặt ai cũng hốc hác vì kiệt sức. Nhưng mọi thứ mệt mỏi sẽ tan biến khi những lứa rùa con nở được gom lại và đưa ra bãi biển. Đám rùa nhỏ xíu, những chân chèo khua khua trong không khí, khi vừa chạm cát là chạy thật lực hướng ra biển. Rất nhanh, chúng hòa vào làn nước và biến mất. Ai biết được sau 30 năm nữa, bao nhiêu chú rùa sẽ quay lại đây để tiếp tục công việc duy trì nòi giống. Những người làm công tác bảo tồn chỉ có thể giúp, bảo vệ chúng được an toàn đến lúc này. Còn lại, chúng sẽ phải đấu tranh để sinh tồn.

Bãi đẻ của rùa thì ở Việt Nam có rất nhiều. Lý do đơn giản là chúng ta có một dải bờ biển kéo dài từ bắc tới nam. Ngư dân ở nhiều tỉnh, thành phố như Quảng Ninh, Quy Nhơn, Phú Quốc... đều đã từng ghi nhận rùa lên bãi cát tìm chỗ đẻ. Nhưng do tình trạng săn bắt quá mức đã dẫn đến hiện nay, hãn hữu lắm mới thấy rùa xuất hiện ở các khu vực đó, chưa nói đến việc chúng lên bờ đẻ. Và chỉ còn ba - bốn địa điểm còn rùa để chính thức, có ghi nhận cứu hộ.

Côn Đảo cũng không ngoại lệ, đã có thời rùa được coi là thực phẩm thay thịt lợn, bị giết để bán công khai ngoài chợ, để làm tiệc cưới... Điều đó dẫn đến có một quãng thời gian việc gặp rùa lên đẻ là rất hiếm. Chỉ đến khi chương trình cứu hộ rùa biển ra đời từ năm 2015 với sự tham gia của tình nguyện viên, mọi việc mới trở nên khác đi. Từ ghi nhận một đêm trên dưới chục mẹ rùa lên đẻ vào những năm 2015, đến nay, khi vào mùa cao điểm, đã có những ghi nhận hơn 20 rùa mẹ lên đẻ chỉ trong một đêm. Không chỉ vậy, như năm nay, từ tháng 3 đã có lác đác rùa lên đẻ, tháng 4 bắt đầu đều hơn và tháng 5 thì đã vào mùa, tức là sớm hơn các năm trước một tháng. Thời điểm hiện tại, đây đang được xem là địa phương làm tốt công tác cứu hộ rùa hàng đầu cả nước.

Bỏ hàng chục triệu đi làm tình nguyện

Không phải vô cớ mà mỗi lần IUCN chính thức thông báo tuyển tình nguyện viên tham gia cứu hộ rùa, cộng đồng mạng lại một phen xôn xao, í ới rủ nhau đăng ký. Thậm chí chỉ sau một vài ngày, số lượng đơn đăng ký lên đến vài nghìn trong khi chỉ tiêu chỉ trên dưới 100 người. Các phóng viên, nhà báo quan tâm đến mảng đề tài này dù có các mối quan hệ nhưng nếu muốn tham dự sẽ vẫn phải làm đủ trình tự đăng ký, sau đó là chờ xét duyệt. Khả năng được tham gia của họ vẫn như bất kỳ một ai khác đã gửi đơn.

Cần biết rằng mức chi phí mà các tình nguyện viên có thể phải bỏ ra không hề thấp. Đầu tiên là phải có thời gian ít nhất 10 ngày để tham gia chương trình. Toàn bộ thời gian đó họ sẽ chỉ ở trên một hòn đảo tuyệt đẹp, hoang sơ, chỉ có biển, cát, rạn san hô và… rùa. Tiếp đó, họ sẽ phải tự túc mua vé máy bay hoặc vé tàu để di chuyển đến Côn Đảo. Sẽ có ít nhất một vài ngày tình nguyện viên phải tự chi trả tiền ăn ở, đi lại trên đảo. Số ngày chờ tham gia chương trình có thể dài hơn, thậm chí không thể tham gia chương trình vì thời tiết xấu.

Chưa hết, do làm công việc cứu hộ, thành viên sẽ phải tự trang bị các đồ dùng bảo hộ cơ bản như giày lội nước, găng tay, võng, lều, quần áo bảo hộ, thuốc chống côn trùng… để bảo đảm cả đêm nằm trực rùa lên đẻ mà không bị ảnh hưởng sức khỏe. Đối với những ai thích chụp ảnh, quay phim, làm các hoạt động tuyên truyền sau đó, một khoản đầu tư không nhỏ sẽ đến từ máy ảnh chống nước, flycam, bộ đồ lặn, thiết bị chụp đêm… Nghĩa là với một chuyến đi tình nguyện như vậy, ít nhất bạn phải dằn túi đâu đó 15 triệu đồng. Nếu đầu tư thật sự, bạn có thể mất 40 - 50 triệu đồng.

Qua những lần cùng tham gia cứu hộ, tôi thấy nhiều bạn thực hiện công việc vô cùng vui vẻ, dễ dàng bởi các bạn xác định từ đầu, tham gia vì ý nghĩa công việc. Cũng có một số bạn cảm thấy vất vả bởi ở nhà đôi lúc lo một bữa cơm còn chưa xong, trong khi đi làm tình nguyện, không chỉ là thức thâu đêm hỗ trợ rùa đẻ mà còn phải nấu nướng, dọn dẹp bờ biển, ghi chép số liệu, hòa hợp với nhóm...

Sau những nhọc nhằn nâng niu rùa, hành trình này cũng có nhiều cái vô cùng hay mà không phải ai (kể cả có nhiều tiền) cũng có thể được trải nghiệm. Chúng tôi được nằm phơi nắng cả ngày ở một bãi biển cát trắng trải dài, được lội trong khu rừng ngập mặn chằng chịt rễ cây, được lặn ngắm rạn san hô đầy mầu sắc, cá tung tăng bơi lội. Tất nhiên là mọi việc chỉ được thực hiện điều đó ở khu vực không có rùa đẻ.

Những điều đó diễn ra nhiều ngày trên một hòn đảo cực đẹp, đẹp hơn cả thiên đường du lịch Maldives. Bên cạnh tìm hiểu về rùa, chúng tôi có thể tìm hiểu về hệ sinh thái, gặp những con cua xe tăng to cỡ hai bàn tay đi nghênh ngang trong rừng. Có những khi công việc không liên quan đến rùa, mà là lo đuổi lũ khỉ chỉ rình lao vào bếp trộm đồ ăn hay phá tan vườn rau mà khó khăn lắm đội kiểm lâm mới trồng được. Không biết bạn thấy thế nào, chứ với những tình nguyện viên, điều đó thật tuyệt vời, mọi rắc rối của cuộc sống ngoài kia như chưa từng tồn tại.

Nếu bạn vẫn chưa hiểu lắm về chuyện tình nguyện này và cho rằng, đi như vậy là hành xác thì bạn chỉ cần biết, được trở thành “tình nguyện viên cứu hộ rùa” là một trong những trải nghiệm phải làm của những người yêu thích du lịch hiện đại.

(Còn nữa)