Cửa hàng “hai sọt” vùng cao

Họ nhẫn nại vượt qua hàng trăm cây số đường rừng để mang hàng hóa từ miền xuôi lên với đồng bào vùng cao, rồi thu mua các vật phẩm từ miền núi đưa về đồng bằng. Với những người phụ nữ làm nghề buôn bán hàng hóa bằng xe máy như thế ở Quảng Bình, công việc của họ chẳng có gì để kể, song phía sau các sọt hàng ấy là câu chuyện mưu sinh, là nỗi trăn trở cần được lắng nghe và sẻ chia.

Cửa hàng “hai sọt” phục vụ dân bản ở xã Trường Sơn (Quảng Ninh, Quảng Bình).
Cửa hàng “hai sọt” phục vụ dân bản ở xã Trường Sơn (Quảng Ninh, Quảng Bình).

Dịch vụ “hai sọt”

Mỗi lần lên vùng cao, miền biên giới công tác, ghé thăm Đồn Biên phòng, trạm kiểm lâm, có khi là bản xa, tôi thường được nghe nói về những cửa hàng “hai sọt”, dịch vụ “hai sọt” mà chưa hiểu. Cho đến khi ngồi uống rượu với Hồ Văn Bình, trưởng bản Chút Mút - Eo Bù tận biên giới Việt Nam - Lào, nghe anh kể tôi mới tường tận về xe hàng di động trên miền biên viễn.

Đã thế, khi nghe tôi hỏi về nguồn thực phẩm đồng bằng tươi ngon đãi khách bữa trưa, Thượng tá Nguyễn Văn Dũng, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cà Roòng, xã biên giới Thượng Trạch (Bố Trạch) trả lời rằng, có chị “hai sọt” lo cho mà, chỉ cần alô là vài ba tiếng đồng hồ sau có ngay. Hóa ra, các cung đường lên biên giới đều in dấu chân của các chị “hai sọt” và các chị trở thành người thân quen với bộ đội, kiểm lâm và dân bản xa gần.

Trong một lần trở lại Thượng Trạch, tôi được gặp và trò chuyện cùng một chị “hai sọt” như thế! Chị Nguyễn Thị Mai nói mình quê ở xã Sơn Trạch (Bố Trạch) làm nhiều nghề trước khi thành người buôn hàng hóa ngược miền biên giới Cà Roòng. Tuyến đường 20 Quyết Thắng xuyên rừng già Phong Nha lên biên giới giờ thành thân quen với chị. Cả năm, chị chỉ nghỉ mấy ngày do ốm đau hoặc cây đổ, đá rơi, đường ngập sau những ngày mưa lũ. Hỏi dò biết đường thông là chị đóng hàng lên với bà con ngay. Hai sọt đựng hàng hóa như một cửa hàng thu nhỏ, từ áo quần, bàn chải, khăn mặt, xà-phòng, mì tôm, dầu ăn cho đến cá biển, thịt lợn, chè xanh, rau lang... Mỗi thứ một ít, được chị Mai cất gói cẩn thận để kịp lên đường khi trời vừa sáng. Chiếc xe máy yamaha như con ngựa thồ, hai bên hai sọt và phía trên thêm một ít hàng, chị lên đường khi sương sớm còn giăng kín núi rừng Phong Nha. Không chỉ một mình chị Mai, giờ đây đồng hành cùng chị là một nhóm cùng mang hàng hóa ngược lên biên giới đến với bà con đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây.

Ở xã Hiền Ninh (Quảng Ninh), chị Phan Thị Hoa là người làm công việc “hai sọt” lâu năm nhất. Chị kể, thông thường khoảng 3 giờ sáng, chị trở dậy, lặng lẽ chất đầy hai chiếc sọt với đủ các loại thực phẩm rau, cá, thịt, bánh trái, đường sữa để lên đường. Mùa nắng còn đỡ chứ những ngày mưa lạnh, hai tay tê cóng nhưng phải ghì vào tay lái xe máy chứ chủ quan một chút là chiếc xe với hai sọt hàng nặng khoảng 70 kg đổ đè lên người khó mà dậy nổi. Các chị phải đi sớm để cho kịp bán, nếu muộn bà con lên rẫy hết, hàng không bán được, dễ bị lỗ.

Sáng sớm trong màn sương mờ, từng nhóm “hai sọt” hối hả ngược các tuyến đường hun hút để đến với các bản làng bên mái Trường Sơn. Đường Trường Sơn nhánh tây và các tuyến đường ngang nối đông với tây Trường Sơn trên đất Quảng Bình mùa này vắng người, nhiều khúc cua và dốc. Nổ giòn giã phá tan không khí tĩnh mịch của núi rừng là tiếng xe máy của các chị làm nghề “hai sọt” đưa hàng hóa đồng bằng lên vùng cao, góp phần kéo gần khoảng cách vùng, miền. Các chị tuổi từ 30 đến 50, đều tần tảo, chịu thương, chịu khó và phải là người có sức khỏe mới trụ lại được với nghề chở nặng, đi sương về gió ở chốn thâm sơn.

Tuy nhiên, như chị Mai kể, trên cung đường rừng heo hút ấy, những người làm nghề “hai sọt” đã gặp không ít khó khăn, thậm chí nguy hiểm đến bản thân. Đó là những lần xe hỏng lốp mà không có nơi chữa; khi thì bất ngờ mưa rừng đổ xuống làm đường tắc phải đợi vài ba giờ đồng hồ; lúc gặp nhóm thanh niên uống rượu ven đường có ý định xấu… Trong phút khó khăn ấy, họ phải nhanh trí tìm cách đối phó. “Đi đường rừng nhiều, gặp những tình huống trớ trêu nên phải tự rút kinh nghiệm, rèn luyện kỹ năng cho mình”, chị Mai chia sẻ.

Cửa hàng “hai sọt” vùng cao ảnh 1

Dịch vụ “hai sọt” đưa thực phẩm lên phục vụ tận bản 61, xã biên giới Thượng Trạch (Bố Trạch, Quảng Bình).

Kết nối cộng đồng

Thương mại miền núi tại Quảng Bình từng phát triển khá thịnh, sau đó chuyển đổi mô hình hoạt động rồi suy và đến nay gần như mất hút. Vì vậy, hoạt động giao thương cộng đồng ở miền núi, vùng cao gần như được gánh vác bởi dịch vụ “hai sọt” hoạt động khá bền bỉ qua năm tháng. Chưa ai, cơ quan nào ở Quảng Bình thống kê có bao nhiêu người làm dịch vụ buôn bán hàng hóa kiểu “hai sọt” hoặc hoạt động lời lãi ra làm sao nhưng rõ ràng, nhiều năm nay, những người phụ nữ lặng lẽ, miệt mài băng rừng vượt núi để mang hàng hóa Việt đến với các bản làng xa xôi trên tuyến biên giới Việt Nam - Lào. Họ chấp nhận vất vả trên chặng đường đi - về mỗi ngày gần 200 km để mưu sinh theo cách “lấy công làm lãi”.

Theo các chị, mỗi xe là một cửa hàng mi-ni. Mười xe gộp lại bằng một cái chợ nhỏ, đủ cung cấp hàng hóa, thực phẩm cho các điểm bản ở vùng biên giới. Đối với người dân vùng cao, quanh năm gắn bó với núi rừng thì những đoàn xe “hai sọt” như thế này là nguồn cấp hàng hóa hằng ngày. Trưởng bản Chút Mút - Eo Bù Hồ Văn Bình nói, bản biên giới xa trung tâm xã, bà con thiếu phương tiện đi lại nên chỉ biết trông chờ các chị “hai sọt”. Ai cần thêm những thứ hàng hóa gì mà các chị “hai sọt” không bán thì gọi điện nhờ mua, hôm sau có ngay. Vậy, nếu không có họ, công việc cung ứng thực phẩm tươi sống từ đồng bằng cho các chiến sĩ Bộ đội Biên phòng chắc chắn gặp nhiều khó khăn khi mà các đồn chưa đủ nhân lực và phương tiện làm nhiệm vụ này. Nếu thiếu họ, đồng bào dân tộc thiểu số sẽ khó có nguồn cung hàng hóa, thực phẩm tận tình, hợp lý. Khi việc bán hàng thành thân quen, nhà ai trong bản thiếu tiền thì được các chị cho nợ, hôm sau trả. Không chỉ bán hàng, những phụ nữ làm dịch vụ “hai sọt” còn thu mua các loại sản vật rừng mà bà con kiếm được như mật ong, lá nón, nấm lim đưa về xuôi bán.

Chị Hoa cho biết, thông thường càng gần ngày Tết, công việc của các chị tăng lên gấp nhiều lần do hàng hóa bà con đặt mua nhiều. Mà đã hứa không đưa hàng lên không được, do vậy, hơn 10 chị em trong nhóm “hai sọt” của chị Hoa phải chở gắng thêm hàng hóa để phục vụ dân bản. Công việc phục vụ hàng Tết khá vất vả nhưng ai cũng vui vì bán nhiều hàng thì có thêm đồng ra đồng vào để về lo Tết cho gia đình mình. Hơn 10 năm gắn bó với nghề, tuy khó khăn, vất vả nhưng không ai trong “tiểu đội xe hai sọt”của chị Phan Thị Hoa bỏ nghề, bởi họ yêu quý tấm lòng chất phác, thật thà của đồng bào dân tộc Bru - Vân Kiều nơi đây và họ cũng đã quen với cung đường rừng sương giăng mỗi sớm chiều. Nói như chị Hoa, chỉ ở nhà vài ba hôm thôi là nhớ núi rừng, lại phải tất tả mua sắm hàng hóa để lên với bà con, ở đó dân bản đang chờ và Tết sắp đến…