Công nhân nhọc nhằn chống thất học cho con

Năm học mới đang đến, cũng là lúc nhiều công nhân lao động (CNLĐ) lại bộn bề trước những khó khăn để đưa con đến trường: Tìm trường cho con; các khoản phí đóng đầu năm học mới; đưa đón, chăm sóc con… Bên cạnh áp lực công việc hằng ngày đè nặng, họ còn phải “căng mình” để lo cho những đứa con không phải thất học.

Nhiều công nhân canh cánh nỗi lo về việc học hành của con sao cho thuận tiện, tiết kiệm.
Nhiều công nhân canh cánh nỗi lo về việc học hành của con sao cho thuận tiện, tiết kiệm.

Ước mơ con vào trường công

Đa phần những người lao động tự do, các CN làm việc tại các Khu công nghiệp - Khu chế xuất (KCN - KCX) đều là dân “nhập cư” nên cơ hội xin con theo học tại một trường công lập, gần nơi mình làm không nhiều. Họ phải chọn hoặc gửi trường dân lập với giá cao hoặc đưa con về quê nhờ gia đình nội, ngoại chăm sóc.

Chị Nguyễn Mỹ Thuận (CN KCN Đồng Văn, Hà Nam) cho biết, vợ chồng chị quê tận Hà Giang, xuống đây làm CN ở nhà trọ, không có hộ khẩu thường trú, nên rất khó xin cho con vào học tại các trường công lập. Chị đành phải gửi con học mẫu giáo vào trường tư thục, dân lập, chi phí khá cao. “Thu nhập của vợ chồng tôi mỗi tháng hơn 10 triệu đồng, riêng chi phí cho con nhỏ đã hết một phần ba, rồi còn bao thứ phải lo cho cuộc sống nhà trọ. Vì vậy mà thu nhập tháng nào hết tháng nấy, hai năm rồi vợ chồng tôi không về quê thăm gia đình. Còn việc sinh con thứ hai, tôi chưa dám nghĩ tới”.

Vợ chồng anh Nguyễn Hữu Ba (CN KCX Linh Trung II, TP Hồ Chí Minh) vô cùng vất vả để tìm chỗ học cho con. Vợ chồng anh từ Bạc Liêu lên TP Hồ Chí Minh làm CN đã hơn 10 năm nay. Lâu nay, con gái của anh chị ở với ông bà nội và đến tuổi, cháu đi học dưới quê. Nhưng từ khi ông bị bệnh nặng, không thể chăm cháu được nên anh chị phải đón con lên thành phố học. Cầm hồ sơ học bạ của con trên tay, anh Ba tần ngần: “Tôi đến các trường tiểu học quanh KCX Linh Trung II xin cho con học, trường nào cũng lắc đầu vì quá tải, quá đông, phải ưu tiên cho học sinh có hộ khẩu thường trú, rồi mới đến tạm trú dài hạn, sau đó mới đến tạm trú. Có người bảo tôi lên Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Thủ Đức nộp hồ sơ, có người lại chỉ lên xã. Vợ chồng tôi đều làm CN, chữ nghĩa không có, muốn xin nghỉ một ngày đâu có dễ mà lên các trường phải đi vào giờ hành chính. Mà đi một ngày chưa chắc đã xong!”.

May mắn hơn, chị Vũ Thị Hảo (quê Lào Cai), CN Công ty Canon (KCN Thăng Long, Hà Nội) chia sẻ: “Con tôi năm nay bắt đầu vào lớp 1, trước đó vợ chồng tôi lo lắng sẽ phải gửi con về quê cho đi học vì nghe nhiều người nói CN thuê trọ xin cho con học trường công lập ở thành phố rất khó mà trường tư thì học phí đắt đỏ, lại xa chỗ trọ, vợ chồng tôi không kham nổi. Người ta nói là vậy, nhưng đến đợt nộp hồ sơ, tôi vẫn chuẩn bị đầy đủ giấy tờ cần thiết như sổ tạm trú dài hạn, giấy khai sinh của con… để nộp vào Trường tiểu học Hải Bối (Đông Anh, Hà Nội) và con tôi đã được nhận vào học”.

Theo chị Hảo, chuẩn bị cho con bước vào năm học mới có vô số thứ cần phải lo, nào là quần áo, sách vở rồi các khoản phí đầu năm học để đóng cho nhà trường. Gánh nặng trên vai là thế nhưng vợ chồng tôi sẽ cố gắng, “dù lao động vất vả nhưng chúng tôi sẽ cố gắng không để con thất học! Tôi cũng cảm thấy thật sự rất vui và may mắn khi con mình được vào học trường công lập, được ở gần bố mẹ và chúng tôi được quan tâm, chăm sóc và đồng hành cùng con trên những chặng đường con sẽ đi”, chị Hảo tâm sự.

Đằng sau niềm vui

Vui mừng khi con được cắp sách tới trường, nhưng ẩn sâu trong nụ cười, ánh mắt của những CN có con đi học đó là những nỗi lo toan. Chia sẻ với chúng tôi, anh Nguyễn Văn Quang (quê Thái Bình), CN Công ty Jtec (KCN Thăng Long, Hà Nội) giãi bày: Vợ chồng tôi có hai cháu học Trường THCS Kim Chung và Trường tiểu học Kim Chung. Cứ đến đầu năm học mới là vợ chồng tôi lại “toát hết cả mồ hôi” vì bao nhiêu khoản phải lo. Trung bình, để chuẩn bị cho các cháu vào năm học mới, phải chi khoảng 8 - 10 triệu đồng để mua sách vở, quần áo và đóng các khoản phí đầu năm học. Riêng khoản tiền đó chúng tôi cũng phải dành dụm, tiết kiệm từ ba đến bốn tháng trước. Mặc dù tốn kém, song vợ chồng tôi vẫn cố gắng, quyết tâm đầu tư cho các con ăn học.

Chị Đỗ Thanh Hường (CN Công ty Dae Yang, Phú Thọ) chia sẻ: Tôi có hai con, một cháu bảy tuổi, một cháu năm tuổi. Hiện tôi chưa biết vào năm học mới này phải đóng bao nhiêu tiền, mà phải chờ sau khi họp phụ huynh mới rõ. Tuy nhiên, theo tính toán của tôi, tổng các khoản tiền: Học phí, đồ dùng học tập, đồng phục, tiền xây dựng… của cả hai cháu vào khoảng 10 triệu đồng. Cũng may là trường nơi các con tôi theo học không bắt đóng một lúc số tiền lớn trên, mà có thể chia thành nhiều tháng (mỗi tháng đóng một triệu đồng).

Bên cạnh việc lo các khoản phí đầu năm cho con đi học, nhiều CN thuê trọ do không sắp xếp được thời gian đưa đón con nên đã phải chấp nhận gửi con về quê nhờ ông bà chăm sóc hoặc gửi con ở trường tư thục. Chị Mai Thị Thanh (CN Công ty Hanel, KCN Sài Đồng, Hà Nội) nói: “Cháu nhà tôi năm nay đã đến tuổi đi học mầm non, vợ chồng tôi đều muốn xin con vào học trường mầm non công lập nhưng ở đó các cô chỉ làm việc giờ hành chính, trong khi đặc thù công việc của CNLĐ là thường xuyên tăng ca, đi sớm về muộn nên chúng tôi không sắp xếp được thời gian đưa đón con đi học. Vì vậy, hai vợ chồng đã quyết định gửi con về quê Thanh Hóa nhờ ông bà ngoại chăm sóc và cho đi học ở quê. Cả hai vợ chồng nhiều lúc rất nhớ con nhưng chỉ biết ngậm ngùi. Mấy năm nữa, khi cháu lớn khôn, tự chăm sóc được cho bản thân thì vợ chồng tôi sẽ lại đón lên và xin cho đi học ở trường công lập trên này”.

Theo bà Nguyễn Minh Huyền, chuyên viên chính Vụ Giáo dục Mầm non (Bộ Giáo dục và Đào tạo), đối với các KCN - KCX, khó khăn đối với giáo dục mầm non là quy mô trường, lớp chưa đáp ứng nhu cầu gửi con của phụ huynh, nhất là CNLĐ thuộc KCN - KCX. “Vì vậy, phụ huynh phải gửi trẻ tại các nhóm, lớp mầm non tư thục chưa được cấp phép, không bảo đảm điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng, gây nguy cơ mất an toàn cho trẻ. Bên cạnh đó, ở nhiều địa phương, việc đầu tư xây dựng cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập còn gặp nhiều khó khăn; việc quản lý, cấp phép thành lập và hoạt động đối với các cơ sở này chưa chặt chẽ. Đặc biệt, công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng trường lớp mầm non ở các KCN, khu đông dân cư chưa được quan tâm đúng mức”, bà Huyền cho biết.

Anh Nguyễn Văn Quang (CN Công ty Jtec (KCN Thăng Long, Hà Nội) có nguyện vọng: “Ngoài việc cố gắng lo cho các con ăn học tại trường như bạn bè cùng lứa, tôi cũng luôn có ý định cho các con được tham gia những lớp học thêm về ngoại ngữ, kỹ năng sống và được tham gia các hoạt động vui chơi bổ ích để phát triển toàn diện về nhân cách, trí lực và thể lực. Nhưng do điều kiện kinh tế khó khăn nên tôi chưa thể làm được điều đó và bản thân CNLĐ chúng tôi cũng gặp nhiều hạn chế trong việc hỗ trợ các con học tập. Vì vậy, tôi mong rằng, Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội, nhất là Công đoàn, Đoàn Thanh niên… có biện pháp và hình thức hỗ trợ để con em CN có hoàn cảnh khó khăn có thêm điều kiện để học tập, phát triển toàn diện về thể chất và năng lực”, anh Quang nói.