Chuyện về “vua lúa đen” Tây Nguyên

Câu chuyện lão nông Lã Như Kỹ (thôn Sơn Cường, xã Buôn Tría, huyện Lắc, Đác Lắc) hay mọi người vẫn gọi vui là “vua lúa đen” Tây Nguyên, làm giàu từ cây lúa, trong đó có giống lúa đen đã mở ra một hướng làm giàu đầy mới mẻ trên vùng đất cao nguyên đầy nắng gió.

Lão nông Lã Như Kỹ (đeo kính) đưa giống lúa đen lên vùng biên Ea Súp, mở ra hướng làm giàu mới.
Lão nông Lã Như Kỹ (đeo kính) đưa giống lúa đen lên vùng biên Ea Súp, mở ra hướng làm giàu mới.

Làm giàu từ hai bàn tay trắng

Những năm 80 thế kỷ trước, cuộc sống của người dân vùng đất Đông Sơn thuộc huyện Đông Hưng (Thái Bình) quanh năm làm ruộng khó nhọc. Lúc bấy giờ, Đảng và Nhà nước đang có chủ trương xây dựng những khu kinh tế mới ở Tây Nguyên. Thấm nhuần chủ trương này, bà con vùng Đông Sơn đã động viên viên nhau rời quê đi vào các tỉnh Tây Nguyên, trong đó có tỉnh Đác Lắc để làm ăn, sinh sống và tìm kiếm cơ hội phát triển mới.

Năm đó, ông Lã Như Kỹ tuổi độ 22, cũng theo dòng người từ vùng quê Thái Bình lên Tây Nguyên mong tìm cuộc sống mới, mãi mới dựng tạm được căn chòi tại Buôn Triết thuộc huyện Lắc để có nơi ở. Cuộc sống thuở đầu khốn khó, hằng ngày vợ chồng ông Kỹ làm thuê cuốc mướn nhưng vẫn cứ cực nhọc.

Nhiều năm tháng trôi qua, sau những đêm thức trắng suy nghĩ về chuyện làm giàu từ cây lúa, ông Kỹ bàn với vợ thì được bà vui vẻ động viên, ủng hộ. Từ đó, ông tích góp dần 15 triệu đồng rồi góp vốn với người thân mua máy cày gần 45 triệu đồng để khai hoang đất. Kết quả thật bất ngờ! Một năm sau, ông Kỹ thu được gần 100 tấn lúa từ diện tích đất khai hoang này. Rồi ông bán số lúa trên được 100 triệu đồng để tiếp tục mua máy cày khai khẩn 25 ha đất hoang.

Vụ hè thu năm 1996, nước lũ từ thượng nguồn đổ về khiến mấy chục ha lúa đang độ thu hoạch chìm trong biển nước. Nhìn cánh đồng lúa trĩu bông ngã rạp vì nước lũ, ông Kỹ cả tháng trời như ngồi trên đống lửa. Được sự tư vấn của người quen, ông khăn gói xuống tỉnh Khánh Hòa tìm mua gần 3.000 con vịt giống thả ở đồng để ăn lúa ngập úng. Ngày bán đàn vịt, ông Kỹ thu về được 10 cây vàng (khoảng 50 triệu đồng thời đó). “Một con vịt thời đó tôi mua giá 10 nghìn đồng/con, sau hai tháng tôi bán được 30 nghìn đồng, lãi gấp ba lần. Cứ nghĩ tài sản ở cả trên cánh đồng đổ sông đổ bể, ai ngờ trong cái rủi lại có cái may mắn đến vậy”, lão ông Lã Như Kỹ tâm sự.

Rồi nhờ khoản tiền này, ông tiếp tục xoay vòng mở rộng diện tích trồng lúa. Có thời điểm, gia đình ông tích góp gần 40 ha ruộng. Từ cơ sở ban đầu, ông Kỹ còn điều hành tốt hợp tác xã của mình dùng máy bơm tự đầu tư cấp nước cho hàng trăm ha ruộng của người dân dọc sông Krông Na...

Hiện, hợp tác xã nông nghiệp do ông Kỹ đứng đầu đang quản lý gần 80 ha đất trồng lúa nước tại huyện Lắc. Để cánh đồng lúa này đạt năng suất cao, ông Kỹ vẫn tiếp tục đi đến nhiều địa phương, gặp các chuyên gia để tìm hiểu về các giống lúa mới, áp dụng các kỹ thuật canh tác hiện đại. Mong muốn lâu dài của ông Kỹ là cùng nông dân làm giàu bền vững nhờ cây lúa nước.

Đưa cây lúa đen lên vùng đất cằn cỗi

Trong chuyến công tác vùng biên vừa rồi, tôi tình cờ gặp ông Kỹ tại một thửa ruộng hoang ở huyện Ea Súp, giáp biên giới Campuchia. Trò chuyện được biết, ông từng dự định bán một phần diện tích đất ruộng ở huyện Lắc về nghỉ hưu lúc tuổi già. Ngờ đâu bốn năm trước, hay tin các sở, ban, ngành tỉnh Đác Lắc đang tìm một nhà đầu tư có năng lực để khai phá hơn 200 ha đất hoang ở huyện vùng biên Ea Súp trồng thí điểm lúa giống, ông Kỹ liền nộp hồ sơ ứng tuyển. “Khi nói chuyện với các vị lãnh đạo tỉnh Đác Lắc, tôi dám khẳng định năng lực… trồng lúa của mình nên các anh trên tỉnh mới đồng ý giao 200 ha đất cho tôi thực hiện dự án”, nói là thế nhưng để biến đất thành “vàng” không hề dễ dàng.

Dự tính ban đầu của ông Kỹ là sẽ cải tạo một diện tích đất rộng lớn ở huyện Ea Súp để trồng thí điểm các giống lúa mới. Rồi tình cờ trong năm 2018, ông Kỹ biết đến giống lúa đen từ các chuyên gia tại Trung tâm Khảo kiểm nghiệm giống, sản phẩm cây trồng quốc gia. Mang về trồng thử nghiệm trong vụ đầu tiên với diện tích gần sáu ha, ông Kỹ thu hoạch 35 tấn lúa trị giá gần 350 triệu đồng. Theo ông Kỹ, việc trồng lúa đen nếu được nhân rộng chắc chắn sẽ lãi hơn rất nhiều so với các giống lúa bình thường vì giá trị kinh tế cao và được bao tiêu toàn bộ sản phẩm.

Việc ông Kỹ mang giống lúa đen lên trồng ở một huyện vùng biên như Ea Súp quả thật đã mở ra hướng làm giàu đầy mới mẻ. Tuy nhiên, mọi việc đâu phải lúc nào cũng suôn sẻ. Dù tỉnh Đác Lắc đã có chủ trương giao 200 ha đất hoang ở huyện Ea Súp cho ông Kỹ cải tạo trồng lúa giống, nhưng rồi chỉ mới giao được 30 ha đất sạch. Số diện tích đất còn lại đều đã bị người dân chung quanh lấn chiếm trồng hoa màu. Cũng cần nói thêm rằng, do yếu tố lịch sử nên phần lớn diện tích đất nông nghiệp tại huyện Ea Súp đều còn nguồn gốc đất lâm nghiệp hoặc đất rừng. Quá trình sinh sống, người dân tứ xứ đã lần lượt phá rừng để lấy đất sản xuất. Nhiều lần ông Kỹ cùng các xã viên trong hợp tác xã của mình mang máy cày bừa cải tạo đất đã vấp phải sự chống đối quyết liệt của nhiều người. Nghĩ phần lớn đất được giao nằm ở vị trí sát biên giới trong khi bản thân muốn làm ăn yên ổn, cuối cùng ông Kỹ cùng các xã viên tiếp tục bỏ tiền túi để mua lại chính mảnh đất đã được cấp trước đó để trồng lúa.

Khi có gần 50 ha đất sạch, ông Kỹ bắt đầu cùng một số người trồng lúa đen. Sau một vụ mùa thuận lợi, nhận thấy giống lúa đen giá thành cao, gạo thành phẩm có khi bán được giá 70 nghìn đồng/kg trong khi gạo truyền thống giá từ 15 - 20 nghìn đồng/kg, nên nhiều người đã xin vào hợp tác xã của ông Kỹ. Và thật bất ngờ, trong số những người dân mới tham gia hợp tác xã để cùng trồng lúa đen có chính những người đã từng lấn chiếm đất và kiên quyết ngăn cản ông Kỹ trồng lúa nhiều năm trước.

Nhắc lại chuyện này, ông Kỹ chia sẻ, không chỉ trong nông nghiệp, ở bất cứ ngành nghề gì, cần phải mềm mỏng, kiên định thì chuyện gì cũng ắt thành công. “Với mọi người chung quanh, tôi tránh xung đột với họ mà tự chứng minh cho họ thấy cây lúa đen có hiệu quả kinh tế cao. Khi mình làm giàu được từ giống lúa đen thì mọi người sẽ hiểu những gì mình làm và sẽ làm theo”, ông Kỹ kể.

Với 200 ha đất mà tỉnh Đác Lắc đã giao trồng lúa giống, ông Kỹ hy vọng trong thời gian tới, địa phương sẽ tạo điều kiện tiếp tục giải phóng mặt bằng để ông và các xã viên mở rộng diện tích trồng lúa đen. Tham quan cánh đồng của “vua” lúa Tây Nguyên, nhiều cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ea Súp tin tưởng, vùng đất Ya Tờ Mốt sẽ thay da đổi thịt nhờ giống lúa đen. “Chúng tôi khuyến khích và tạo mọi điều kiện cho nông dân sản xuất. Cánh đồng lúa đen của nhiều hộ dân, trong đó có nhà ông Kỹ sẽ giúp địa phương mở ra một hướng làm giàu đầy mới mẻ”, Trần Quang Trịnh, Phó trưởng phòng tâm sự.

Hiện ông Kỹ đã đầu tư hơn ba tỷ đồng ở huyện Ea Súp để xây dựng đường điện ba pha, thuê máy san ủi mặt bằng để xây dựng nhà máy chế biến lúa. Việc đưa đường dây điện vào khu vực sản xuất sẽ giúp hợp tác xã của ông Kỹ tiết giảm các chi phí sản xuất.