Chuyện về những dự án giao thông “nghìn tỷ”

Nhiều công trình giao thông (CTGT) được Bộ Giao thông vận tải (GTVT) làm chủ đầu tư (CĐT) tại vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có số vốn giá trị hàng nghìn tỷ đồng, thậm chí gần chục nghìn tỷ đồng. Nhưng ngay từ khâu báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo nghiên cứu khả thi đã có nguy cơ sai phạm trong quá trình đầu tư, gây lãng phí lớn, hiệu quả đầu tư công trình đạt rất thấp… Điển hình như Dự án (DA) luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu.

Thi công tuyến giao thông dự án Lộ Tẻ - Rạch Sỏi.
Thi công tuyến giao thông dự án Lộ Tẻ - Rạch Sỏi.

Kỳ 1: Hàng nghìn tỷ đồng có bị “trôi” sông?

Hơn 200 tỷ đồng đầu tư cho một km kênh?

Với mục đích xây dựng luồng tàu biển có độ sâu cho tàu biển trọng tải 10.000 DWT đầy tải và tàu 20.000 DWT giảm tải ra vào các cảng sông Hậu, nhằm vận chuyển hàng hóa phục vụ ĐBSCL với khối lượng 21 - 22 triệu tấn/năm (hàng xuất, nhập khẩu) và 450 - 500 nghìn TEU/năm (hàng container) cho giai đoạn năm 2020, năm 2007, Bộ GTVT đã phê duyệt DA đầu tư xây dựng công trình luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu. Năm 2013, DA được phê duyệt điều chỉnh. Tổng mức đầu tư cho DA là hơn 9.781 tỷ đồng, bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ và các nguồn vốn hợp pháp khác. CĐT là Cục Hàng hải Việt Nam (sau được chuyển giao cho Ban quản lý (BQL) DA Hàng hải).

Thời gian thực hiện DA được phân kỳ thành hai giai đoạn. Giai đoạn đầu - thông luồng kỹ thuật, từ năm 2013 - 2015, bao gồm: Xây dựng 2,4 km đê chắn sóng phía nam để bảo vệ luồng biển và kết hợp bảo vệ khu cảng của Trung tâm Điện lực Duyên Hải; nạo vét và đào mới các tuyến luồng với tổng chiều dài 46,5 km (gồm các đoạn sông Hậu - hơn 12 km, kênh Quan Chánh Bố hiện hữu - hơn 19 km, đào mới 8,2 km kênh Tắt thông ra biển và kênh biển - 7 km…). Kinh phí khoảng hơn 7.555 tỷ đồng. Tiếp đó, giai đoạn từ 2016 - 2017, thực hiện những hạng mục công việc bảo đảm tính ổn định, đồng bộ như: Hệ thống thông tin, báo hiệu hàng hải, đường ven kênh Tắt, các tuyến đường kết nối phục vụ dân sinh… với khoản kinh phí hơn 2.225 tỷ đồng.

Địa điểm thực hiện xây dựng DA tại huyện Duyên Hải và Trà Cú thuộc tỉnh Trà Vinh. Cấp loại công trình luồng tàu và công trình bảo vệ luồng được xác định: CTGT, cấp đặc biệt. Hạng mục đường, bến phà, bến sà-lan và các công trình khác: cấp IV.

Nhìn vào tổng mức đầu tư và số km tổng dự DA, có thể thấy, để có được một km tuyến công trình luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu đi vào hoạt động ổn định với giá trị đầu tư lên đến hơn 210 tỷ đồng/km (lấy 9.781 tỷ đồng chia cho 46,5 km). Trong đó, riêng gói thầu số 10A - xây dựng đê chắn sóng phía nam dài 2,4 km, do liên danh giữa bốn tổng công ty trúng thầu với thời gian thi công từ tháng 3-2014 đến tháng 12-2015 có trị giá: 1.083 tỷ đồng. Nếu chia đều bình quân thì đê chắn sóng này được đầu tư có giá trị lên đến hơn 451 tỷ đồng/km. Hay như gói thầu số 6B thi công nạo vét kênh Tắt và công trình bảo vệ bờ km3 + 628 đến km8 + 175 (dài 4.547 m) với khối lượng nạo vét khoảng 7,25 triệu m³, do liên danh Tổng công ty (TCT) xây dựng Trường Sơn - Công ty TNHH Phúc Lộc - Công ty TNHH Khánh Giang - TCT xây dựng đường thủy - Công ty CP đầu tư xây dựng Tuấn Lộc thực hiện thi công, được thi công trong vòng 15 tháng (động thổ ngày 4-10-2014), với tổng giá trị lên đến 941 tỷ đồng, thì bình quân sẽ khoảng hơn 205 tỷ đồng/km.

Đầu tư rất lớn nhưng hiệu quả như thế nào và có gây lãng phí hàng nghìn tỷ đồng của Nhà nước?

Thực tế, vào thời điểm tháng 1-2016 giai đoạn một của DA luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu đã hoàn thành (thông luồng kỹ thuật), tuyến luồng được thiết kế đã đạt kỳ vọng cũng như mục tiêu đặt ra. Đến tháng 10-2016 tuyến hàng hải chuyên container nội địa Cần Thơ - Hải Phòng chính thức được khai thông với chuyến tàu đầu tiên chở 500 container từ Hải Phòng đi qua kênh Quan Chánh Bố đã cập cảng Cái Cui.

Tuy vậy, chỉ khoảng một năm sau (từ khoảng tháng 10-2017) tàu container đã phải ngưng hoạt động không lưu thông trên tuyến luồng này nữa. Nguyên nhân chính được xác định là do bị bồi lắng mạnh, không đạt độ sâu và luồng rơi vào cảnh ách tắc. Để bảo đảm luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu, theo thiết kế ban đầu có độ sâu là - 6,5 m, nhưng tại Quyết định số 672/QĐ-CHHVN ngày 24-5-2018 thì cao độ đáy luồng chỉ là - 4 m.

Theo đánh giá của các hãng tàu, với độ sâu này cộng thủy triều dâng thì chỉ bảo đảm được tàu có trọng tải hơn 7.000 tấn ra vào được. Do đó, số lượng tàu ra vào và hàng hóa trên tuyến luồng hàng hải đi qua sông Hậu khá khiêm tốn khi năm 2017 có tổng số 781 chuyến tàu ra vào, với tổng lượng hàng hóa hơn 1,8 triệu tấn. Mười tháng đầu năm 2018, số tàu ra vào là 811 chuyến, tổng lượng hàng hóa đạt hơn 1,56 triệu tấn.

Chuyện về những dự án giao thông “nghìn tỷ” ảnh 1

Hàng hóa tại Cảng Cái Cui đã bị giảm nhiều khi Luồng Quan Chánh Bố không bảo đảm cho tàu lớn ra vào.

Hàng loạt sai phạm nghiêm trọng

Theo tìm hiểu của chúng tôi, giai đoạn II của DA đang tiếp tục, nhiều gói thầu được thực hiện với giá trị lên đến hàng trăm tỷ đồng. Trong khi việc triển khai thực hiện giai đoạn I đã có hàng loạt sai phạm nghiêm trọng, được Kiểm toán Nhà nước chỉ ra.

Cụ thể, quyết định phê duyệt DA chưa đầy đủ nội dung, chưa lường hết được mục tiêu, nội dung, quy mô, các hạng mục cần thiết phải đầu tư, dẫn đến phải bổ sung, điều chỉnh làm tăng tổng mức đầu tư. Thậm chí sau khi DA được điều chỉnh, vẫn còn có những hạng mục phát sinh và phải tiếp tục trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận bổ sung. Khi bổ sung, điều chỉnh DA, Bộ GTVT không thực hiện phê duyệt điều chỉnh bổ sung DA, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu theo quy định. Mà lại cho phép Ban QLDA Hàng hải ký phụ lục hợp đồng phát sinh hạng mục vào một số gói thầu đang thực hiện. Đồng thời phê duyệt khung tiêu chuẩn cho DA chưa kịp thời, áp dụng một số tiêu chuẩn đã hết hiệu lực trong lập DA. Cùng với đó, giải pháp đầu tư trong thiết kế cơ sở ban đầu chưa đề cập đến phương án tài chính trồng cỏ, xếp đá khan bảo vệ mặt và phía ngoài thân kè để so sánh phương án thảm đá nhằm lựa chọn phương án tối ưu (gói thầu số 6A, 6B, 10B). Giải pháp thiết kế cơ sở của DA điều chỉnh được phê duyệt áp dụng lưu trữ chiều rộng sa bồi, còn vượt 18 m so quy trình thiết kế, chưa tiết kiệm chi phí đầu tư.

Bên cạnh đó, còn có việc cho phép nhà thầu chấm dứt hợp đồng gói thầu số 4A và 4C khi chưa làm rõ nguyên nhân để có biện pháp xử lý bảo đảm thực hiện hợp đồng; chưa kịp thời thu hồi tạm ứng đến hạn thu hồi số tiền hơn 1,9 tỷ đồng; chưa kịp thời điều chỉnh đơn giá thanh toán đối với khối lượng hoàn thành theo thỏa thuận của hợp đồng; nghiệm thu, thanh toán chưa phù hợp hồ sơ hoàn công… số tiền hơn 214,1 tỷ đồng; thanh toán khối lượng hoàn thành thiếu một số biên bản nghiệm thu số tiền hơn 9 tỷ đồng. Ngoài ra, hầu hết các gói thầu xây lắp đều chậm tiến độ so cam kết trong hợp đồng, phải gia hạn thời gian thực hiện. Nhưng các bên tham gia hợp đồng chưa đánh giá, xác định nguyên nhân và trách nhiệm của các bên để xem xét xử lý trách nhiệm theo quy định của hợp đồng.

Trong quản lý chất lượng công trình, một số gói thầu xây lắp chưa theo dõi và quản lý chất lượng theo quy trình kiểm tra, giám sát nghiệm thu được quy định trong hồ sơ mời thầu, chỉ dẫn kỹ thuật của DA như: CĐT và nhà thầu giám sát thi công chưa có biên bản kiểm tra và chấp thuận việc bố trí nhân lực, thiết bị thi công, phòng thí nghiệm, hệ thống quản lý chất lượng theo quy định; chưa có biên bản kiểm tra các điều kiện khởi công công trình, chưa có văn bản kiểm tra năng lực của nhà thầu về nhân lực, thiết bị thi công (gói thầu số 11); ghi chép nhật ký thi công một số nội dung chưa đầy đủ thông tin theo quy định; CĐT chưa yêu cầu nhà thầu lập và phê duyệt đề cương khảo sát địa hình và địa chất cho giai đoạn thiết kế bản vẽ thi công theo quy định của Hồ sơ chỉ dẫn kỹ thuật; tư vấn giám sát không phê duyệt tiến độ theo tháng theo quy định của Hồ sơ chỉ dẫn kỹ thuật; nhà thầu thiết kế từ chối giám sát tác giả chưa phù hợp quy định nhưng Cục Hàng hải Việt Nam chưa xác định nguyên nhân để xử lý bảo đảm thực hiện hợp đồng theo quy định.

Đặc biệt, đã có sự thiếu trách nhiệm trong việc đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư bố trí kế hoạch vốn năm 2016, dẫn đến bố trí vượt nhu cầu và nhiệm vụ chi số tiền hơn 1.585,8 tỷ đồng, gây lãng phí!

Trước những sai phạm trong quản lý tài chính tại DA trên, Kiểm toán Nhà nước đã đề nghị xử lý hơn 391 tỷ đồng. Trong đó, thu hồi nộp ngân sách hơn 3,1 tỷ đồng, giảm thanh toán hơn 177,5 tỷ đồng, giảm giá trị hợp đồng hơn 129,7 tỷ đồng và xử lý khác hơn 81 tỷ đồng.

(Còn nữa)