Chuyện tình thương binh

Có nhiều câu chuyện tình cảm động, đáng khâm phục của các thương, bệnh binh trong đời thường sau những năm trải qua khói lửa chiến tranh. Những mối tình ấy đã đơm hoa kết trái. Cùng phẩm chất của người lính, tình yêu chắp cánh cho các thương bệnh binh có cuộc sống hạnh phúc.

Vợ chồng thương binh Phạm Văn Bắc.
Vợ chồng thương binh Phạm Văn Bắc.

Không “màu mè”

Mỗi lần chúng tôi có dịp trở về Trung tâm điều dưỡng thương binh Duy Tiên (Hà Nam), ngôi nhà chung của hàng trăm thương bệnh binh nặng đang sinh sống, điều trị, chúng tôi luôn cảm nhận được sự ấm áp, thân thương đong đầy từ những nghị lực sống phi thường của những người lính Cụ Hồ năm xưa. Lần này trở lại, tôi đến thăm gia đình thương binh nặng Chu Văn Liêm và Nguyễn Thị Mai. Vẫn căn phòng ngăn nắp được trang bị đầy đủ tiện nghi, nhưng trên khung ảnh của gia đình có thêm một vài tấm ảnh mới của các con, các cháu mới gửi về. Bà Mai lúc nào cũng tươi cười hiền hậu, niềm nở.

Điều làm tôi ấn tượng và thật sự khâm phục về tình yêu của ông bà đã dành cho nhau trong hơn 40 năm gắn bó. Đó là tình yêu thương, sự sẻ chia trong sáng, không toan tính, mà chỉ có một đích chung là hướng đến tương lai phía trước. Nhấp ngụm trà trên tay, bà Mai bùi ngùi nhớ lại: “Ngày đó, tôi còn trẻ lắm, vào chiến trường vài tháng đã bị thương. Tôi được đơn vị đưa về trại này với mức thương tật 81%, một bên tay trái và nửa người của tôi đã bị liệt. Lúc đó tôi buồn, tự ti lắm và không bao giờ dám nghĩ rằng sau này mình sẽ có được một gia đình hạnh phúc và những đứa con ngoan. Đến cái tin tôi bị thương ngoài chiến trường sau bao thời gian tôi cũng không dám thông báo cho gia đình ở quê Đông Hưng (Thái Bình) biết”.

Nhưng rồi thời gian trôi đi, nhờ sự động viên, giúp đỡ của cán bộ, các thương binh khác trong trung tâm, bà Mai đã dần lấy lại được niềm tin vào cuộc sống. Thế rồi, tình yêu giữa bà Mai và thương binh Nguyễn Văn Liêm đã nảy nở. Khi được hỏi về cơ duyên để ông bà đến với nhau thì mắt bà Mai sáng lên, nhìn ông Liêm cười trìu mến. “Ngày đó, đã cách xa lâu rồi... Ông Liêm cũng là một thương binh nặng với thương tật 91%. Nhìn ông ấy rất yếu, lại bị thương vào dây thanh quản nên không thể nói được. Tôi thương ông ấy ngay từ lần đầu tiên, khi tôi đi bằng chiếc nạng sang thăm. Sau đó, qua vài lần trò chuyện chúng tôi đã tìm thấy sự đồng cảm”.

Đầu năm 1976, đơn vị đứng ra tổ chức đám cưới cho ông Liêm và bà Mai. Đám cưới ngày đó thật đơn giản. Trang phục ngày cưới là bộ quân phục bạc mầu, ít bánh kẹo, trầu cau, không có cỗ bàn linh đình mà rất vui. Cuối năm 1976, cậu con trai lớn của ông bà ra đời trong niềm hân hoan hạnh phúc của cả trung tâm. Rồi năm 1979 là cô con gái thứ hai ra đời, tất cả đều rất kháu khỉnh và đáng yêu.

Ở Trung tâm điều dưỡng thương binh Duy Tiên, còn “cặp đôi nghệ sĩ” mà ai cũng ngưỡng mộ. Đó là thương binh Tống Bá Hựu và Trần Thị Nga. Ông Hựu quê ở Chương Mỹ (Hà Nội), nguyên là lính pháo binh chiến đấu bảo vệ từ Vĩnh Linh (Quảng Trị) đến nam sông Gianh. Còn bà Nga quê ở Nghệ An, là con liệt sĩ trong kháng chiến chống Pháp, bị bom cướp đôi mắt khi bà đang dạy học sinh. Bà được chuyển ra trung tâm an dưỡng theo chính sách con liệt sĩ. “Chính nhờ có khả năng về giọng ca, tiếng hát nên tôi và ông Hựu gần gũi nhau. Chúng tôi cũng may mắn sinh được hai con. Đó là niềm hạnh phúc vô bờ bến và là kết quả của một tình yêu đẹp, không màu mè, tô vẽ”, bà Trần Thị Nga tâm sự.

Câu chuyện của thương binh ¼ Phạm Thị Minh Thao và thương binh Nguyễn Văn Lung ở tận vùng quê Vĩnh Long cũng khiến chúng tôi cảm động. Cả hai đều là thương binh nặng, “ưng bụng nhau” từ năm 1965, và một năm sau đám cưới đơn sơ nhưng chan chứa tình yêu thương cũng đã được tổ chức ngay tại Trung tâm điều dưỡng thương binh Duy Tiên. Điều đáng nói, bà Thao bị cụt cả hai tay, việc chăm sóc gia đình đều nhờ… đôi chân khéo léo.

Chuyện tình thương binh ảnh 1

Thương binh Tống Bá Hựu và bà Trần Thị Nga.

“Cuộc chiến” thời bình

Qua giới thiệu, tôi tìm về ngôi nhà ấm cúng của thương binh Phạm Văn Bắc ở thành phố Thái Bình (tỉnh Thái Bình). Ông Bắc quê ở huyện Quỳnh Phụ (Thái Bình), nhập ngũ năm 1972, cùng đồng đội chiến đấu trên chiến trường Thừa Thiên - Huế. Ngày 1-1-1975, trong chuyến đưa chỉ huy trung đoàn đi kiểm tra trận địa, ông Bắc vướng mìn của địch và bị mất chân phải, thủng hai mắt, ba mảnh găm sâu vào đầu gối chân trái. Ông Bắc nhớ lại: “Đêm đó trong hầm, tôi đã trải qua cuộc phẫu thuật suốt năm tiếng đồng hồ. Sau đó tôi nghĩ mình đã không thể sống nổi. Nhưng dường như nội lực bên trong tôi chưa vơi. Sáng hôm sau tôi thở tốt, nhờ sự tận tình của các bác sĩ và đồng đội, hôm sau nữa thì đầu tôi tỉnh dần”.

Sau nhiều lần ông được chuyển đi điều trị vết thương, an dưỡng, giữa năm 1977 được đưa về Trại thương binh nặng Quang Trung (Thái Bình). Cuộc đời của một thương binh nặng tưởng sẽ mãi chìm trong bóng tối, nhưng đã tìm được chỗ dựa khi ông được giới thiệu cho người phụ nữ để lấy làm vợ. Hai người đã về ở với nhau, nhưng chỉ vài tháng thì người vợ đó lại bỏ đi. “Tôi tưởng tương lai tôi cũng như đôi mắt, đã không thấy ánh sáng, tương lai đóng cửa với tôi, không bao giờ mở ra. Ấy thế nhưng, đời tôi đã có thêm một ngã rẽ”, thương binh Phạm Văn Bắc chia sẻ.

Đó là một ngày tình cờ. Tại đường liên xã Đông La (huyện Đông Hưng, Thái Bình) xảy ra vụ va chạm xe đạp giữa một cô gái và hai thanh niên. Hai thanh niên cậy thế bắt bí cô gái. Một người cụt một bên chân, đeo kính đen (có người đèo) đã đứng lại can thiệp và cô gái được giải cứu. Người thương binh đó là Phạm Văn Bắc. Hành động của anh thương binh khi đó đã gây ấn tượng với bà Phạm Thị Lạc (vợ liệt sĩ). Bà Lạc hỏi han người đàn ông dũng cảm. Ông Bắc giới thiệu mình là thương binh ở Trại thương binh nặng Quang Trung và mời bà Lạc có điều kiện thì đến chơi. Sau cuộc gặp gỡ tình cờ ấy, bà Lạc đã chọn ngày thăm ông Bắc. Trong buổi gặp, trò chuyện lần hai, bà Lạc thổ lộ rằng, chồng hy sinh năm 1968, phải đến năm 1975 mới biết tin. Sau nửa năm tìm hiểu, bà Lạc và thương binh Phạm Văn Bắc đã thành đôi. Đích thân Giám đốc trại khi ấy làm Trưởng ban tổ chức lễ cưới. Chuyện tình của bà Lạc, ông Bắc khi ấy đã lan tỏa, thắp niềm tin cho nhiều tình yêu khác. Nhiều người phụ nữ đã tình nguyện làm vợ những thương binh nặng nơi đây.

“Cuộc chiến ở chiến trường gian khổ thì cuộc chiến của thương binh ở đời thường cũng vô cùng gian nan. Tôi vừa mất chân, vừa mù nên mọi chuyện đều phải nhờ vợ. Bà ấy sinh con, nhưng chẳng được một ngày kiêng cữ. Lúc đó thương vợ lắm nhưng tôi chưa có cách nào khả dĩ hơn”, ông Bắc nói.

Năm 1982 ông Bắc xin trung tâm cho về địa phương, bà Lạc cũng về nghỉ mất sức. Bà mở cửa hàng ăn uống còn ông rửa xe máy với sự giúp đỡ của một số đồng đội xuất ngũ. Ông Bắc bảo, cuộc sống khó khăn, nhưng có động lực. Đặc biệt bà vợ đã mang lại ánh sáng cho đời ông. Ông tự hào khoe: “Vợ tôi vừa là vợ, vừa là chồng. Việc gì cũng đến tay. Bà ấy sinh con cho tôi, nuôi nấng chúng, chịu đựng gian khổ mà lúc nào miệng cũng tươi cười. Thế mới lạ chứ!...”.

Điều đáng mừng là hầu hết con cái các thương, bệnh binh đều ngoan ngoãn, học giỏi. Nhiều người thi đỗ vào đại học và ra trường, có việc làm ổn định. Trở lại với thương binh Chu Văn Liêm, ông nói: “Chắc ông trời thương, ban cho chúng tôi con cái. Người thương binh như chúng tôi đến chăm cho mình còn khó, huống hồ phải chăm con. Nếu một người yếu, một người khỏe còn đỡ, đằng này có gia đình hai vợ chồng đều bị những vết thương hành hạ, những lúc trái gió trở trời, vết thương cũ lại tái phát đau đớn khủng khiếp. Nghĩ đến tương lai, chúng tôi tự nhủ dựa vào nhau, cùng chia sẻ và vượt lên tất cả”.

Ông Nguyễn Sỹ Lương, Giám đốc Trung tâm điều dưỡng thương binh Duy Tiên cho biết, cơ sở có 20 gia đình thương binh đang sống. Các gia đình thương binh có tinh thần vượt khó, động viên nhau vượt qua bệnh tật, đau đớn, nuôi nấng con cái nên người.
Thời gian trôi đi, nhiều thương binh vượt qua khó khăn đời thường, nuôi dạy con cái nên người, có gia đình riêng. Các thương bệnh binh cũng đã hưởng niềm vui có các cháu nội ngoại. Đó là động lực, là những giá trị mà họ vịn vào để sống.