Chợ quê thưa bóng người quê

Chợ quê, nơi gặp gỡ, chỗ cung cầu của người địa phương, vài năm lại đây đã trở nên vắng khách. Đó là cảm nhận từ chính những người có sạp hàng buôn bán thường xuyên cho đến những người quản lý chợ, người đi chợ.

quà, hàng gạo, hàng thịt, hàng rau...
quà, hàng gạo, hàng thịt, hàng rau...

Ai về, ai đi

Chợ quê, nơi phản ánh cuộc sống của những vùng nông thôn. Nhưng với cuộc sống hiện tại, tủ lạnh, smartphone... chợ quê dần tĩnh lặng. Cô Tri, giáo viên sống ở thị trấn Tiên Phước (huyện Tiên Phước, Quảng Nam), cho hay: “Vài năm nay, mỗi khi có hai cô con gái từ TP Hồ Chí Minh về, ba mẹ con mới rủ nhau đi chợ. Chiều lòng hai cô con gái muốn đến chợ quê, gặp người mua vài thứ chỉ chợ quê mới có. Mà những ngày các em nó về đều là ngày giỗ, ngày Tết hoặc ngày có việc. Vậy, mỗi năm cũng chỉ vô chợ ba bốn lần”.

Những lý do nào khiến cho nhiều người ngại vô chợ? Phải gửi xe máy hay phải kỳ kèo, một nghìn đến vài nghìn đồng cho mớ rau, cân hến? Chị Yến, sinh sống ở thị trấn Bến Sung (huyện Như Thanh, Thanh Hóa), cho rằng: “Cái đó không quan trọng. Mà ra chợ toàn gặp người quen bán hàng. Mua rau ở hàng cô này, cô khác cũng chào mua rau. Họ thấy mình mua bí thì chào mua mướp, thấy mình mua chanh thì chào mua thêm gừng. Thành thử, cứ nể rồi mua. Tốt hơn hết, để không mất lòng ai là không đến chợ nữa”.

Vậy, sinh hoạt hằng ngày dựa vào đâu khi mà hệ thống cửa hàng tiện ích bán lẻ, siêu thị nhỏ chưa vươn đến các thị trấn? Câu trả lời của những người tiêu dùng, họ mua từ các cửa hàng tạp hóa, ở đó không những chỉ có mì tôm, thuốc lá, bia rượu mà có rau các loại, nghêu, cá tôm, thịt lợn, trái cây tươi... “Bần cùng lắm mới phải đi chợ”, chị Yến cho hay. Vào những ngày rằm, mồng một, các tạp hóa còn bán hoa tươi, như hoa hồng, hoa cúc, hoa đồng tiền. Như vậy, đã có một sự cung ứng chuyển dịch từ chợ sang cửa hàng để đón được nhiều khách ghé vô mỗi ngày.

Cô Tri, chị Yến, hai người ở hai địa bàn rất khác nhau nhưng cùng có câu trả lời, giá mua ở chợ cũng giống như giá cả ở cửa hàng tạp hóa. Họ cho rằng, thịt cá ở cửa hàng tạp hóa đều được để trong tủ đông lạnh bảo đảm vệ sinh với một sự thuận tiện khác nữa, mua gì, nhắn tin gọi điện cho một người, khi đến, hàng có sẵn trong bịch, trong thùng, không phải chạy qua hàng này, lượn qua hàng khác mất thì giờ.

Ở một khía cạnh khác cũng có những sự phàn nàn về người dân lười đi chợ. Đó là chuyện cô Nguyệt Minh. Cô Minh bao năm sinh sống ở TP Hồ Chí Minh, gần đây, cô về quê Hải Hậu, Nam Định và đi chợ Cồn. Cô Minh cho hay: “Ngày trước, tôi đi chợ Cồn, đông là đông nườm nượp. Hàng quà, hàng gạo, hàng thịt, hàng rau… cứ vòng tròn người người đứng trước hàng. Nay thì cảnh đó không còn. Đi giữa buổi chợ mà thấy lác đác... Cảm giác như mình đi nhầm chợ”.

Chủ sạp kiếm “síp-pơ”

“Trăm người bán, vạn người mua”, đó là câu nói xưa kia khi chỉ tồn tại mỗi chợ huyện, chợ phiên xếp ngày chẵn - lẻ. Trước đây, tại những nơi gần chợ có dăm bảy tiệm tạp hóa trong phố huyện. Đến nay, “trăm người bán” đã tăng lên, như bán hàng online “síp” tận nhà, các cửa hàng tiện ích có điều hòa nhiệt độ, vào cho mát, ngắm rồi mua. “Vạn người mua” không giảm nhưng đã phân hóa, cô Nguyễn Thị Hương ở thị trấn Chí Thạnh (huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên), cho biết: “Tôi nghĩ rằng, nhà ai cũng có tủ lạnh cất trữ đồ ăn. Không phải nấu kỹ, kho khô như bố mẹ tôi trước đây từng làm. Cho nên chuyện đi chợ chỉ là đôi khi mình có việc, ví như họp mặt, giỗ, gặp gỡ”.

Nếu trước đây, nhà nông nuôi con lợn rồi thịt, ăn một nửa, một nửa gánh ra chợ bán, nay chuyện đó đã không tồn tại. Đối tượng đi chợ bán hàng đã đi vào chuyên nghiệp, từ hàng rau, hàng thịt. “Với cách thức buôn bán ở chợ như hôm nay, những người dân tự trồng rau, tự mang ra chợ bán đã không còn phù hợp”, chị Liên bán thịt heo ở chợ Điện Dương, Điện Bàn, Quảng Nam, cho biết: “Mỗi quầy trong chợ đều phải đóng tiền quét chợ bốn nghìn đồng mỗi ngày. Người nông dân gánh rau ra chợ sẽ phải chịu tiền quét chợ như mỗi sạp hàng. Tuy vậy, chỗ ngồi trong nhà không có, đứng nắng, đứng mưa bán khó, bán khổ. Theo đó, họ đã không trồng nhiều loại rau, mà trồng một thứ, bán cho đầu mối”.

Với một ngôi chợ đã có hơn 300 năm, chợ Gạo (Tiền Giang), nơi xe tải cập bãi, thuyền ghe cập bờ, người mua lẻ, người mua buôn tấp nập từ sáng đến tối. Nay cũng vắng người, chị Chuyền bán gạo cho biết: “Nhìn thôi thì không thấy có người mua. Chúng tôi vẫn bán tốt. Bán cho các vỏ lãi, tắc ráng... họ mua ở đây, rồi chạy vô trong ruộng rẫy, bán cho bà con”. Hai vợ chồng anh Du và chị Dung bán thịt bò, thịt lợn ở chợ Ấm Thượng (Hạ Hòa, Phú Thọ), kể rằng: “Khách mua hàng qua zalo, tin nhắn nên đứng ở chợ cân đo, tính tiền là vợ tôi. Còn tôi, giống như một “síp-pơ” trong thị trấn. Đôi khi khách còn nhờ mua thêm rau, củ, quả... Mình “đi chợ” luôn cho khách. Vui thôi!”.

Anh Nguyễn Hữu Huân, quản lý chợ Chuối (Nông Cống, Thanh Hóa), cho biết: “Nhìn vào các sạp hàng thì thấy vắng người, nhưng họ vẫn buôn bán tốt nhờ các đơn đặt hàng, mối quen. Thỉnh thoảng, trong dân có đám ma, đám cưới, đám giỗ, họp mặt họ mới đi chợ. Thực tế, chợ bây giờ chỉ có người lạ đi mua thôi. Người lạ, tức là người mới đến đây theo các công trình, họ chưa quen tên, biết mặt các chị bán hàng, nên họ đi vài ngày. Sau đó, những người bán hàng sẽ đem thực phẩm đến tận công trường cho họ”.

Ký ức chợ xưa

“Mười nghìn đồng ba quả bí dài một gang tay, bảy nghìn đồng bốn quả mướp dài bằng một cánh tay... Giá cả gì mà thương quá trời luôn”, đó là chuyện mua bán ở chợ quê (huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) của chị Thoa. Chị Thoa kể, có một dọc dài bên bờ tường, là hàng gánh, hàng bưng rổ của các má, các thím lượm ở ao vườn bưng tới chợ. Họ đi một hôm, rồi vắng nhiều ngày, họ bán cũng dễ, mà mua cũng thường tình.

Hình ảnh cụ già hái rau quả vườn nhà vào chiều muộn, sáng hôm sau, dậy sớm, quang gánh gánh ra chợ ở những vùng nông thôn cũng đã vơi dần so ngày xưa. Những người bà, người mẹ tần tảo này, không khảo giá trước, mà cũng chẳng muốn ở đó lâu. Họ ra chợ với một suy nghĩ, không mua đi bán lại, nên không tính lỗ lãi mà chỉ tính đồng trầu, đồng thuốc, đồng cau, đồng kim chỉ, đồng mắm muối. Ngày rằm, mồng một họ lo thêm cút rượu, nén nhang, tiền vàng... thắp cho tổ tiên.

Nhớ lại cảnh sau phiên chợ của những ngày trước đây, nhà tôi có cây mít bên lề đường, mấy cái ghế tre để ở đó, nhà cách chợ hơn một cây số. Những trưa hè, ở đó là nơi nghỉ ngơi của các bà hàng xén, hàng vàng mã, hàng bánh kẹo thuốc lá. Chợ, dù vắng, dù đông cũng chỉ họp buổi sáng, dù bận rộn bán, nhưng những người này cũng đủ thời gian “chiêm nghiệm” khách hàng, với những nhận xét. Mấy bà buôn gà của người quê mang ra chợ, luôn mua cân hai, bán tám lạng. Bà cụ tên Yên, bà đã mất rồi, cách vào chuyện của bà lúc nào cũng bắt đầu bằng hai từ “cơ chỉ”. Bà nói: “Cơ chỉ, ăn mặc diện thế mà cơ chỉ, ra chợ đứng trật đầu gối, mua bán lâu la! Tôi trả tiền, cơ chỉ, chị ta cứ mở ra đếm lại từng tờ, chê rách, chê nhàu. Mấy lần như vậy, tôi mắng chị ta, phải vía phải hồn nhà chị. Tôi đếm thiếu, tôi phải tội!”.

Câu chuyện chợ quê xưa cứ ngân vang mãi.

Nhưng chợ quê hôm nay đã có váy ngắn, guốc cao tìm về.

Anh Nguyễn Hữu Huân, quản lý chợ Chuối (huyện Nông Cống, Thanh Hóa): “Tôi có cảm nhận rằng, bây giờ chỉ có người bán bán cho người bán. Ví như bán thịt thì mua cá, bán cá thì mua thịt... Người đi chợ mua đồ không còn nhiều như xưa. Không biết do tâm lý vào chợ phải gửi xe, nên họ ngại. Hay quan niệm mua đâu cũng phải trả tiền nên họ không đến chợ mỗi sáng mai, mỗi chiều”.