Chính quyền đùn đẩy, người dân gặp khó

Ngày 31-12-2002, UBND TP Hà Nội ban hành Quyết định số 9096/QĐ-UB về việc phê duyệt kế hoạch của UBND huyện Sóc Sơn, cho phép sử dụng 10.000 m² đất tại xã Phù Linh để giao cho 73 hộ làm nhà ở giãn dân nông thôn. Đã gần 20 năm trôi qua, đa phần người dân không nhận được phần đất này.

Diện tích đất giãn dân tại xã Phù Mã.
Diện tích đất giãn dân tại xã Phù Mã.

Tiền đã nộp đủ vẫn không được giao đất

Theo Quyết định 9096 của UBND TP Hà Nội, thôn Cộng Hòa, xã Phù Linh chỉ có 10 hộ được cấp đất giãn dân. Nhưng danh sách phê duyệt và thu tiền của xã lại có 13 hộ. Không dừng lại ở đó, trong thôn có đến 60 hộ dân đã nộp tiền để được cấp đất giãn dân theo thông báo của trưởng thôn.

Gia đình anh Vũ Văn Đức là 1/13 hộ dân nằm trong danh sách xã Phù Linh phê duyệt đủ tiêu chuẩn để được cấp đất giãn dân. Theo hướng dẫn của xã và thôn, anh Đức đã nộp đầy đủ số tiền theo quy định. Nhưng chỉ có bảy hộ trong danh sách đó được nhận đất, số còn lại đến bây giờ vẫn không được hưởng quyền lợi chính đáng của mình. Anh Đức cho biết: “Đến giờ đã 17, 18 năm chúng tôi chưa nhận được đất. Trước đó, ông trưởng thôn mời họp, thông báo ai có nhu cầu nộp tiền đất, một suất cũng nhận, hai suất cũng nhận, miễn hôm nay nộp là mai có đất”.

Còn gia đình bà Vũ Thị Thành đến giờ vẫn không hiểu vì sao gia đình mình đã nộp cho ông trưởng thôn gần 10 triệu đồng, mua hai suất đất, đứng tên con trai mình nhưng trong danh sách lại là tên của một người khác. Gia đình bà cùng với những hộ dân khác đã nộp đơn theo đúng quy trình. Thế nhưng lại nhận được sự im lặng.

Như vậy, cách đây gần 20 năm, lãnh đạo thôn Cộng Hòa đã thu đến hàng trăm triệu đồng của 60 hộ dân trong thôn. Ròng rã hàng chục năm, người dân mang đơn đi khắp các cơ quan chức năng, từ xã lên huyện, đến thành phố rồi cả Thanh tra Chính phủ. Nhưng những gì họ nhận được là sự đùn đẩy trách nhiệm từ cơ quan này đến cơ quan khác.

14 hộ dân tại thôn Phù Mã, xã Phù Linh, cũng gặp phải tình cảnh tương tự. Thậm chí những mảnh đất giãn dân này - thuộc xứ đồng Khóe Sâu - chưa cấp cho dân nhưng lại thu hồi, đấu giá và cấp sổ đỏ.

Năm 2014, UBND huyện Sóc Sơn tổ chức san ủi mặt bằng, đưa diện tích đất giãn dân này trở thành diện tích đất đấu giá. Nhanh chóng sau đó, 84 hộ dân tham gia đấu giá đã được nhận đất, cấp sổ đỏ, được pháp luật thừa nhận quyền sở hữu một cách hợp pháp.

Gia đình anh Nguyễn Văn Thắng, một trong 84 hộ dân đã tham gia đấu giá quyền sử dụng đất khi UBND huyện tổ chức, cứ ngỡ khi cầm được tờ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì có thể yên tâm làm ăn và phát triển kinh tế, nhưng khi triển khai xây dựng trên đất được huyện cấp hợp pháp như vậy, tranh chấp lại xảy ra.

Anh Thắng cho biết: “84 hộ dân chúng tôi đấu giá, tất cả mọi người đã có bìa đỏ và tất cả được hợp thức hóa. Thế nhưng sáu năm qua, khi chúng tôi ra xây dựng thì bị người dân thôn Phù Mã ra cản trở. Tôi cũng đã kiến nghị lên UBND huyện cũng như là Trung tâm phát triển quỹ đất thế nhưng huyện hẹn chúng tôi hết tháng này đến tháng khác và đến giờ vẫn chưa có câu trả lời”.

Thêm nữa, trong quá trình UBND huyện Sóc Sơn tổ chức đền bù giải phóng mặt bằng cho khu vực đấu giá quyền sử dụng đất này, có năm hộ dân được ưu tiên sắp xếp vào vị trí 1 - vị trí mặt đường khu đấu giá do có diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi. Năm hộ này đã ủy quyền cho trưởng thôn - bà Nguyễn Thị Ngần - nguyên là cán bộ địa chính xã giải quyết. Thế nhưng vụ việc này cũng sớm bị tố giác là sai sự thật.

Có thể thấy diện tích đấu giá đất khu vực thuộc xứ đồng Khóe Sâu, thôn Phù Mã vô hình trung đã trở thành mảnh đất hai chủ. Sự tranh chấp, bất đồng giữa những người dân kéo dài nhưng thực tế cả hai bên đều là những người chịu thiệt bởi cách làm việc của chính quyền địa phương.

Cần sớm xử lý dứt điểm

Để giải đáp những thắc mắc của người dân trong 20 năm qua, chúng tôi đã liên hệ ông Đỗ Minh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn nhưng với lý do bận việc, ông ủy quyền Phòng Tài nguyên và Môi trường trả lời.

Trong buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Sóc Sơn cho biết, nguyên nhân các hộ dân chưa được giao đất là năm 2010, thanh tra thành phố đã kết luận trong quá trình triển khai, UBND xã Phù Linh không thực hiện tổ chức giải phóng mặt bằng theo quy hoạch. Thứ hai, là vì các hộ dân không có đất tại các vị trí trong vị trí được thành phố phê duyệt nên các hộ dân chưa được UBND xã Phù Linh xem xét giao đất tại thời điểm có Quyết định 9096”. Còn những vấn đề khác như nguyên nhân không giải phóng mặt bằng, ông Toàn xin được trả lời bằng văn bản sau.

Còn về diện tích đất đấu giá trùng lặp với diện tích đất giãn dân ở khu vực thôn Phù Mã mà theo khẳng định của người dân là nguyên nhân dẫn đến sự tranh chấp, thì ông Lê Đức Ngọc, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển Quỹ đất huyện Sóc Sơn lại khẳng định hoàn toàn không có! Thế nhưng, trái ngược với khẳng định đó, năm 2008, UBND xã Phù Linh có ban hành Văn bản số 107 báo cáo và xin chuyển địa điểm xây dựng khu đấu giá quyền sử dụng đất sang vị trí khác, vì: “…lô đất xin thỏa thuận đấu giá quyền sử dụng đất thuộc xứ đồng Khóe Sâu đã được quy hoạch vào đất ở diện tích 2,5 ha được UBND huyện Sóc Sơn chấp nhận tại bản đồ phân bổ quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 1999-2020... Ngày 31-12-2002 tại Quyết định số 9096 UBND TP Hà Nội, Phó Chủ tịch Lê Quý Đôn đã ký cấp đất ở cho nhân dân tại vị trí này diện tích 3.375 m². Năm 2003 - 2008, UBND xã Phù Linh tiếp tục xét xin cấp đất giãn dân tại vị trí này”.

Tiếp đó năm 2011, Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hà Nội có Văn bản số 3064 gửi UBND TP Hà Nội khẳng định việc có một phần diện tích chồng lấn giữa hai dự án cấp đất giãn dân và đấu giá quyền sử dụng đất tại khu vực đồng Khóe Sâu là đúng. Để xảy ra sự chồng lấn này là do trong quá trình triển khai lập dự án đầu tư xây dựng và lập quy hoạch dự án đấu giá quyền sử dụng đất tại xã Phù Linh, các đơn vị chức năng của UBND huyện Sóc Sơn đã không kiểm tra, xem xét kỹ khi có khiếu nại của nhân dân, chưa tập trung giải quyết dứt điểm theo chỉ đạo của UBND thành phố. Mới đây nhất Kết luận số 332/KL-TTCP của Thanh tra Chính phủ năm 2017 cũng đã khẳng định có sự chồng lấn một phần diện tích giữa hai dự án này.

Năm hộ dân được ưu tiên tại vị trí mặt đường UBND huyện Sóc Sơn đã thừa nhận không một ai có diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi. “Đối với đất thu hồi, năm hộ dân qua kiểm tra thì thu hồi đối với tên cụ thể của các ông ấy là không có. Hiện nay, chúng tôi xây dựng phương án là vẫn triển khai thực hiện năm hộ ưu tiên vị trí mặt đường và chín hộ ở vị trí hai khu đấu giá, chúng tôi xây dựng phương án cụ thể, đảm bảo dân chủ khách quan công bằng”, ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường, UBND huyện Sóc Sơn cho biết.

Như vậy, cho dù khẳng định năm hộ dân trên được ưu tiên là sai, nhưng huyện Sóc Sơn vẫn không điều chỉnh lại cho đúng… Liên quan đến các vụ việc đất đai này, thực trạng tại huyện nhiều năm qua cho thấy, cách làm việc của một số cán bộ đã để lại nhiều hệ lụy nhưng lại chưa chịu sửa chữa cho dứt điểm.