Cần xử lý dứt điểm nhà máy bỏ hoang

Xây dựng từ năm 2012 với công suất thiết kế 5.000 tấn chì/năm, tuy nhiên, nhà máy luyện chì của Công ty CP Khoáng sản Na Rì Hamico tại xã Thượng Quan, huyện Ngân Sơn (Bắc Cạn) đang bỏ hoang, gây lãng phí đất. Công ty không khôi phục để sản xuất, thay vào đó lại đào nhiều bể lớn ngâm ủ quặng, chưa kể còn tự ý phá hơn 3 ha rừng sản xuất.

Hàng tấn thiết bị, máy móc bỏ hoang, gỉ sét trong nhà máy.
Hàng tấn thiết bị, máy móc bỏ hoang, gỉ sét trong nhà máy.

Lãng phí đất

Dự án nhà máy luyện chì công suất 5.000 tấn/năm của Công ty CP Khoáng sản Na Rì Hamico ở Thượng Quan, Ngân Sơn được Bắc Cạn kỳ vọng sẽ tạo đột phá trong chế biến sâu khoáng sản. Xây dựng từ năm 2012, nhà máy đi vào hoạt động được một thời gian thì người dân thôn Bằng Lãng gần nhà máy đã phản ánh tình trạng khói, bụi, mùi ô nhiễm không khí. Qua vài năm, giờ nhà máy bỏ hoang, dần thành sắt vụn.

Đến nhà máy có thể nhận thấy khung cảnh hoang phế, ngoài cổng chỉ có duy nhất một hộ dân sinh sống. Theo chủ nhà này thì từ lâu không thấy có công nhân làm việc tại nhà máy. Bên trong nhà máy, hàng tấn thiết bị, sắt, thép hoen gỉ, nhiều máy móc đã tháo rời, vứt ngổn ngang. Tìm mãi, chúng tôi gặp được bảo vệ của nhà máy. Anh này cho biết, anh nhận trông coi, bảo vệ nhà máy, nhiều năm rồi nhà máy không hoạt động gì, cứ để hoang như vậy.

Theo Sở Công thương Bắc Cạn, từ năm 2014, do khó khăn về nguồn nguyên liệu cũng như đầu ra, nhà máy này đã ngừng hoạt động. Công ty CP Khoáng sản Na Rì Hamico đã xây dựng phương án sửa chữa, cam kết phục hồi sản xuất. Theo đó, sau khi sửa chữa, từ tháng 8-2017 nhà máy sẽ chính thức hoạt động trở lại. Tuy nhiên, sau thời điểm này, khi lãnh đạo tỉnh đến kiểm tra, doanh nghiệp (DN) vẫn chưa đưa nhà máy vào vận hành. Viện nhiều lý do, DN này tiếp tục cam kết lùi thời hạn hoàn thành việc sửa chữa để bắt đầu sản xuất vào năm 2018. Nhưng đến nay, đã là năm 2019, nhà máy vẫn bỏ không, DN tiếp tục lùi thời hạn.

Qua xem xét phương án khôi phục sản xuất của công ty, Sở Công thương Bắc Cạn đánh giá, hầu như toàn bộ thiết bị, máy móc đều phải thay mới; một số công trình phải cải tạo mới sử dụng được do đó chi phí rất lớn nhưng phương án của công ty không cụ thể về các nội dung này. Đối với nguyên liệu cho nhà máy, trữ lượng khoáng sản tại mỏ chì kèm Nà Pù, xã Quảng Bạch, huyện Chợ Đồn là 18.263 tấn quặng, chỉ đáp ứng được 1/5 công suất nhà máy trong một năm hoạt động. Nếu đi vào hoạt động, công ty sẽ phải tự cân đối nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất. Do đó, Sở Công thương Bắc Cạn đã yêu cầu công ty lập, thẩm định, phê duyệt dự án cải tạo nhà máy theo đúng quy định hiện hành.

Nhiều vi phạm

Công ty Na Rì Hamico đã nhiều lần cam kết sẽ đưa nhà máy vào hoạt động vào năm 2017 rồi năm 2018, đến nay lại tiếp tục xin sẽ khôi phục sản xuất từ quý I-2019. Tuy nhiên, đến nay, vẫn không thấy bóng dáng công nhân hay hoạt động sửa chữa nào tại nhà máy. Đặc biệt, trong khi không sửa chữa, khôi phục sản xuất thì công ty lại đào nhiều hố đất, lót bạt làm bể chứa trong khu vực nhà máy. Tại hiện trường, chúng tôi thấy những bể chứa này có kích thước khá lớn nhưng chắc chắn chúng không phải phục vụ cho mục đích chứa nước thải vì dây chuyền của nhà máy này không sử dụng nhiều nước trong sản xuất.

Tại thời điểm tháng 5-2018, việc công ty tự ý đào các bể ngâm ủ không nằm trong thiết kế theo hồ sơ được phê duyệt đã được ngành chức năng Bắc Cạn phát hiện, xử lý. Qua kiểm tra đã phát hiện gần khu vực xưởng tuyển trọng lực của nhà máy có ba bể được đào dưới đất có lót bạt (một bể có thể tích khoảng 3.000 m³, hai bể có thể tích khoảng 300 m³/bể) ngâm ủ khoảng 1.200 m³ đất quặng; một hệ thống đường ống dẫn nước tưới vào đất quặng ngâm ủ trong bể. Phía trên khu lò luyện chì (cũ) có khoảng 3.000 m³ đất lẫn quặng có trộn vôi được tập kết chung quanh khu vực.

Công ty giải thích, khối lượng đất đá vận chuyển từ mỏ chì, kẽm Sáo Sào về tập kết trên khu lò luyện chì (cũ) khoảng 3.000 m3; khối lượng đất đá mới vận chuyển do công ty hợp đồng mua bán với các hộ dân chung quanh khu vực, ngâm ủ làm tơi để tuyển trọng lực và thử nghiệm phục vụ cho nhà máy tuyển luyện chì sau này đi vào hoạt động. Tuy nhiên, theo Sở Công thương Bắc Cạn, việc công ty tự ý đào ba bể đất trong phạm vi khu vực nhà máy để ngâm ủ đất quặng không nằm trong các công trình bảo vệ môi trường của dự án đã được duyệt. Hoạt động ngâm ủ đất quặng chưa được cấp có thẩm quyền cho phép là trái quy định của pháp luật. Công ty báo cáo không trung thực về nguồn gốc số lượng đất, đá, quặng đã ngâm ủ trái phép.

Trưởng phòng Quản lý công nghiệp (Sở Công thương Bắc Cạn) Nguyễn Văn Dũng cho biết, việc công ty tự ý đào các bể ngâm ủ quặng là trái phép, tiềm ẩn nguy cơ khai thác khoáng sản trái phép, tạo tiền lệ xấu gây khó khăn cho công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản. Qua tìm hiểu, được biết, phần lớn đất, quặng đã được tập kết về nhà máy để ngâm ủ đều được khai thác ở các mỏ, điểm mỏ lân cận như Sáo Sào… Đây là quặng đa kim, trong thành phần có chứa vàng, bạc. Do đó, dư luận nghi ngờ, việc công ty đào bể ngâm ủ quặng thực chất là tìm cách lấy vàng chứ không phải ngâm ủ làm tơi để tuyển trọng lực và thử nghiệm phục vụ cho nhà máy tuyển luyện chì sau này đi vào hoạt động.

Trong khi đó, theo Sở Tài nguyên & Môi trường, công ty được UBND tỉnh giao cho thuê 30 ha để xây dựng vườn ươm giống và trồng rừng tại xã Thượng Quan. Sau đó, công ty xin chuyển mục đích 10 ha sang để khai thác thạch anh và 2.874 m² để xây dựng nhà máy luyện chì. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, công ty tự ý chuyển đổi 3,3 ha rừng sản xuất sang mục đích khác mà không hề thông báo, xin phép. Những diện tích phục vụ trồng rừng đến nay, công ty chưa trồng một cây nào.

Ngày 8-3-2019, Thanh tra Sở Tài nguyên & Môi trường đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính về đất đai đối với công ty vì tự ý chuyển mục đích đối với diện tích 3,3 ha đất rừng sản xuất; phạt tiền 30 triệu đồng; buộc khôi phục lại tình trạng đất trước khi vi phạm. Tuy nhiên đến nay công ty không chấp hành, không báo cáo việc thực hiện quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

Để xử lý dứt điểm dự án “treo” gây bức xúc trong nhân dân, UBND tỉnh Bắc Cạn đã chỉ đạo các ngành tiến hành các bước chấm dứt hoạt động dự án đầu tư của công ty. Sở Tài nguyên & Môi trường đánh giá, trình UBND tỉnh tiến hành thu hồi đất đã giao cho công ty. Có thể nói, hành vi phớt lờ pháp luật của công ty cần được tỉnh Bắc Cạn sớm xử lý nghiêm minh. Đặc biệt khi người dân ở Thượng Quan đang thiếu đất trồng rừng. Hiện tại, vì thiếu đất, tiếc đất nên một số người dân đã tự ý trồng thông lên diện tích đất bỏ hoang của công ty. Do đó, việc sớm chấm dứt dự án, thu hồi đất giao cho nhân dân trồng rừng là điều cần thiết.