Cần chuyên nghiệp hơn trong chăm sóc người cao tuổi

Tuổi thọ của người Việt Nam ngày càng tăng, nhưng số năm sống khoẻ lại ít. Do đó, nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người cao tuổi là rất lớn. Tuy nhiên, có một thực tế hiện nay là, hệ thống bệnh viện lão khoa, khoa lão của các bệnh viện còn thiếu và yếu.

Chăm sóc người cao tuổi tại Trung tâm Dưỡng lão Diên Hồng (quận Hà Đông, Hà Nội).
Chăm sóc người cao tuổi tại Trung tâm Dưỡng lão Diên Hồng (quận Hà Đông, Hà Nội).

Thiếu bệnh viện lão khoa

Tại Bệnh viện (BV) Lão khoa T.Ư vào thời điểm giao mùa từ thu sang đông như hiện nay có rất đông người cao tuổi được đưa đến đây cấp cứu. Ông Nguyễn Văn Mạnh (78 tuổi ở khu tập thể Phương Mai, quận Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ: “Bị mắc cùng lúc bệnh tim mạch, đái tháo đường, suy giảm trí nhớ nên mỗi khi thời tiết thay đổi, bệnh lại tái phát và BV trở thành ngôi nhà thứ hai. Nhà tôi gần đây nên con cháu cũng đỡ vất vả hơn”.

Còn tại BV E T.Ư, Phòng khám bảo hiểm y tế (BHYT) lúc nào cũng có đến 90% người cao tuổi đến thăm khám. Bà Nguyễn Thị Hòa (72 tuổi ở phố Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, vì BV lúc nào cũng đông bệnh nhân nên đến lượt khám định kỳ của mình, bà phải đi từ 5 giờ 30 phút sáng để ngồi xếp hàng. Đợi đến 7 giờ 30 phút các bác sĩ đến làm việc là vừa. “Dù đến sớm thế, nhưng hôm nào các bác sĩ yêu cầu xét nghiệm thì tôi phải nhờ con đưa đi mất cả ngày. Vì thông thường mãi đến chiều mới có kết quả và được phát thuốc!”.

Ông Lê Văn Năm (82 tuổi ở phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, Hà Nội) có thẻ BHYT tại BV E T.Ư nhưng vì con cháu bận nên… lười đưa đi khám. Mỗi lần đi khám, ông đều được phát thuốc để điều trị bệnh cao huyết áp và teo não tuổi già. Tuy nhiên, do ảnh hưởng bệnh lý, ông dùng thuốc kiểu “nhớ nhớ, quên quên”. Khi đau đầu, chóng mặt mới lại lấy thuốc ra uống. “Chính vì dùng thuốc tùy tiện như vậy, cho nên mấy hôm thay đổi thời tiết vừa rồi, huyết áp lên, bố tôi đã bị tai biến. Rất may, gia đình đưa ông vào viện cấp cứu kịp thời!”, con trai ông Năm kể.

Theo báo cáo của Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế), tuổi thọ trung bình của người Việt Nam hiện lên đến 73,5 tuổi nhưng số năm sống khỏe mạnh chỉ đạt khoảng 64 tuổi. Trung bình một người cao tuổi thường mắc sáu, chín loại bệnh, chủ yếu là các bệnh mạn tính như: Tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường, ung thư, xương khớp, sa sút trí tuệ… Ông Nguyễn Trung Anh, Giám đốc BV Lão khoa T.Ư cho rằng, việc thiếu các BV lão khoa ảnh hưởng không nhỏ đến công tác chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi. Thực tế cho thấy, khi người cao tuổi bị ốm, họ thường không chỉ bị một bệnh mà có tới năm - sáu bệnh kèm theo. Điều đó đòi hỏi người thầy thuốc phải có kiến thức rất rộng và tốt mới đáp ứng điều trị cùng lúc đa bệnh, khác hoàn toàn việc điều trị một bệnh. “Hiện tại, bác sĩ chuyên khoa lão, điều dưỡng lão khoa đều thiếu. Thậm chí, thiếu cả người hỗ trợ, chăm sóc điều trị, cho nên việc chăm sóc người cao tuổi vẫn chủ yếu dựa vào người nhà bệnh nhân. Ở BV của nhiều nước, nhân viên y tế hỗ trợ, chăm sóc bệnh nhân gần như toàn bộ, từ hỗ trợ điều trị, phục hồi đến hỗ trợ sinh hoạt. Nhờ đó, vừa giúp giảm tải cho BV, vừa giúp người thân của bệnh nhân không bị gián đoạn công việc. Thế nhưng, ở nước ta, một người cao tuổi đến BV luôn có hai người thân đi theo chăm sóc. Vì thế, các BV luôn đông đúc, ngột ngạt, nguy cơ gây ô nhiễm, thậm chí lây nhiễm chéo…”, ông Trung Anh nói.

Bà Nguyễn Thị Phương Thùy, Phó Giám đốc BV đa khoa Đống Đa (Hà Nội) cho rằng, mô hình bệnh tật ở người già có những đặc thù riêng. Do đó, muốn quản lý điều trị tốt đối tượng này đòi hỏi phải có sự phối hợp giữa nhiều chuyên khoa, có hệ thống chăm sóc sức khỏe lão khoa đồng bộ. Mặt khác, các bác sĩ lão khoa cũng cần được đào tạo chuyên sâu và phải có kinh nghiệm trong phối hợp điều trị, nhất là sử dụng thuốc. Thế nhưng, ngay trên địa bàn Hà Nội, ngoài Bệnh viện Lão khoa T.Ư, ngành Y tế Thủ đô vẫn chưa có một BV lão khoa trực thuộc.

Hiện, BV đa khoa Đống Đa là cơ sở y tế đầu ngành lão khoa của thành phố, nhưng thực tế khoa Lão của BV cũng mới được thành lập và đi vào hoạt động từ năm 2016 với 40 giường bệnh, chủ yếu ưu tiên tiếp nhận điều trị nội trú cho những người bệnh từ 75 tuổi trở lên. Ngoài ra, qua khảo sát, đánh giá thực trạng hệ thống chăm sóc sức khỏe người cao tuổi của các đơn vị y tế trên toàn thành phố cho thấy, việc triển khai hệ thống chăm sóc sức khỏe người cao tuổi ở các BV hạng II, Trung tâm Y tế các quận, huyện, thị xã của thành phố đã tương đối tốt. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại chỉ có một số ít BV thành lập được khoa lão, có đơn nguyên lão khoa, còn lại đa phần mới bố trí dành riêng một số giường bệnh phục vụ người cao tuổi.

Chuyên ngành lão khoa cần được ưu tiên

Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số từ năm 2011 với tỷ lệ người cao tuổi trên 60 tuổi chiếm 10% dân số. Hiện, nước ta có khoảng 11 triệu người cao tuổi, dự báo đến năm 2030 sẽ có gần 19 triệu và năm 2050 là hơn 28 triệu người cao tuổi. Trước tốc độ già hóa dân số tăng nhanh, Bộ Y tế đang đẩy mạnh việc củng cố hệ thống BV chuyên về lão khoa và nhân lực trong chăm sóc người cao tuổi, đồng thời tăng cường hoạt động y tế cơ sở, phát triển mô hình y học gia đình.

Ông Nguyễn Doãn Tú, Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) cho rằng, cần đưa chuyên ngành lão khoa vào danh mục ưu tiên, triển khai quyết liệt việc thành lập khoa lão tại các BV, tổ chức phòng khám cho người cao tuổi tại các khoa khám bệnh. Cùng với đó, tăng cường đầu tư trang thiết bị, đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ bác sĩ, y tá, điều dưỡng về lão khoa. Mặt khác, xây dựng các mô hình, câu lạc bộ tại các địa phương để người cao tuổi tham gia và có thể trao đổi kinh nghiệm sống, chăm sóc sức khỏe, đồng thời khuyến khích, động viên người cao tuổi làm những công việc phù hợp với trí tuệ, kinh nghiệm và sức khỏe để họ vừa có thêm thu nhập cải thiện đời sống, vừa nâng cao tinh thần.

Bà Nguyễn Thị Điểm, Chủ nhiệm CLB Liên hệ tự giúp nhau thị trấn Phùng, huyện Đan Phượng, Hà Nội đề xuất: “Chăm sóc tốt nhất là để người già có thể tự nâng cao sức khỏe, không phải đi BV. Muốn vậy, người cao tuổi cần được tư vấn sức khỏe thường xuyên, được tập huấn để biết cách xử lý các tình huống về sức khỏe. Có những cách khá đơn giản như tại cộng đồng có thể trang bị các dụng cụ tập luyện thể dục để người già có nơi tập luyện nâng cao sức khỏe”.

Còn theo ông Trần Văn Lực, Trưởng phòng Kế hoạch - Tổng hợp (BV Lão khoa T.Ư), các BV về lão khoa cần được đầu tư xây những phòng bệnh theo đúng tiêu chuẩn cho người cao tuổi, trong đó nhà vệ sinh, nhà tắm đều phải phù hợp và đầy đủ tiện nghi, giúp các điều dưỡng thuận lợi hơn trong chăm sóc người bệnh. Không chỉ đáp ứng tốt hơn nhu cầu khám, chữa bệnh tại các BV mà còn phải tăng cường năng lực quản lý bệnh mạn tính ở người cao tuổi tại cộng đồng thông qua tuyến y tế cơ sở. Tại đây, người cao tuổi được thăm khám sức khỏe định kỳ, được lưu giữ hồ sơ khám bệnh, được tư vấn sức khỏe thường xuyên và được tập huấn để biết cách xử lý các tình huống xảy ra đối với sức khỏe.

Các chuyên gia Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam đánh giá, để “phủ sóng” chăm sóc sức khỏe toàn dân cần giải quyết các vấn đề liên quan đến già hóa dân số và già hóa khỏe mạnh, hướng tới phát triển bền vững và mang lại lợi ích kinh tế. Muốn thực hiện già hóa khỏe mạnh phải được bắt đầu bằng những biện pháp chăm sóc sức khỏe sớm để phòng bệnh, tiếp đó mới đến sự hỗ trợ của hệ thống chăm sóc dài hạn và môi trường chăm sóc sức khỏe thân thiện với người cao tuổi.