Bí ẩn 500 năm ở Bản Thủy

Bản Thủy (Vĩnh Thịnh, Vĩnh Lộc, Thanh Hóa) nằm ở cuối xứ Mường, đầu xứ Kinh, nhưng mang trong mình một bí ẩn mà cả người Mường, người Kinh và chính họ đều chưa thể giải mã, suốt hàng trăm năm qua. Đó là thứ ngôn ngữ khác biệt, một trầm tích văn hóa lâu đời và độc đáo của cư dân nơi đây. 

Một góc Bản Thủy.
Một góc Bản Thủy.

Kỳ 1: Cội nguồn một ngôi làng Việt cổ

Người Bản Thủy nói như chim hót

Chúng tôi ngồi quanh bộ bàn ghế cũ bày trong ngôi nhà văn hóa của thôn mới được sửa sang. Đó là ngôi nhà gỗ mái ngói năm gian dựng theo lối truyền thống, phỏng theo ngôi đình làng xưa, nhưng sử dụng ít gỗ, nhiều vôi vữa và đơn giản hơn. Chỉ xây kín ba bức vách và còn để trống phía trước chờ lắp cửa, nhưng với ban thờ nghi ngút khói hương đặt ngay ngắn ở gian giữa, thường chỉ thắp khi có việc làng xã, ngôi đình mới vẫn mang không khí trầm mặc, cổ kính. 

Bác Nguyễn Tiến Linh, bác Hà Văn Tính, anh Lưu Văn Bình... cùng ngồi quanh bộ bàn ghế nhỏ, uống trà và trò chuyện rôm rả. Họ cố ý dùng chất giọng địa phương đặc sệt để nói chuyện với nhau. Tiếng nói khá thanh và cao, tiết tấu nhanh, không quen thuộc như giọng nói ở những vùng, miền khác mà tôi từng gặp. Tất nhiên đó là theo sự nhờ cậy của tôi, chứ ít phút trước đó, chúng tôi trao đổi với nhau bằng tiếng phổ thông một cách lịch thiệp. Khi ba người chậm rãi nói, tôi nghe loáng thoáng được một số câu. Nhưng đến khi họ cùng cả cười và nói nhanh hơn, tôi không còn theo kịp câu chuyện nữa. Đành phải yêu cầu những người nông dân vui tính nói chậm hơn thì mới đoán được phần nào.

“Trước đây, làng cũng từng đón một số nhà báo, nhà nghiên cứu ngôn ngữ từ Hà Nội về để tìm hiểu tiếng nói của mình. Họ làm việc nghiêm túc, có khi ở lại cả tháng trời gặp gỡ, ghi chép. Chuyện này không chỉ mới diễn ra trong vài năm gần đây, mà từ mấy chục năm về trước. Họ đến rồi đi, chưa rõ những thu hoạch của họ là gì. Họ cũng chưa giải thích với chúng tôi, rằng tại sao cả xã vùng chỉ mỗi làng này có tiếng nói như vậy. Họ chỉ bảo rằng, làng Sanh là một “ốc đảo” về ngôn ngữ của xứ Thanh”, Trưởng thôn Lưu Văn Bình lên tiếng.

Ông Nguyễn Tiến Linh hồ hởi cung cấp thêm thông tin: “Gần đây chúng tôi bắt đầu tin rằng, giọng nói làng tôi có nguồn gốc từ tiếng Chiêm Thành, do trước đây từng có người Chiêm Thành đến sinh sống. Trong xã còn ngôi chùa Hoa Long cổ xưa có những hoa văn kiến trúc bằng đá mang đậm dấu ấn Chiêm Thành, được dựng từ thời Trần, hiện đang thờ Tướng quân Trần Khát Chân. Một số giảng viên đại học, nhà nghiên cứu địa phương mà tôi có dịp tiếp xúc cũng đồng quan điểm đó”.

Tôi lặng lẽ nghe ngóng, quan sát và ghi chép, rồi bất ngờ đứng dậy, xin phép được đưa đường đến viếng thăm một ngôi mộ nằm phía ngoài cánh đồng của làng. Ai nấy lộ vẻ rõ ngạc nhiên, ngơ ngác, không hiểu chuyện gì. Tôi đành giải thích, trong quá trình tìm hiểu trước khi đến làng Sanh, tôi có biết một nhân vật liên quan câu chuyện ngôn ngữ của làng, chính là người nằm trong ngôi mộ đó. Trưởng thôn Lưu Văn Bình thừa nhận, trong làng có một ngôi mộ thờ cụ “Hà Quý công” của dòng họ Hà, cũng đã mấy trăm năm, nhưng chưa thấy ai tìm đến hỏi. Bác Hà Văn Tính là Phó ban trị sự của họ Hà, nói xen vào: “Đó là cụ Tổ nhà tôi. Cụ đang nằm ở trong khuôn viên nhà ông Hà Văn Lâm, 62 tuổi, trưởng dòng họ Hà ở làng Sanh”.

Nhà ông Hà Văn Lâm nằm ở cuối làng, nhìn ra cánh đồng bằng phẳng, rộng mênh mông của Bản Thủy. Trước đây, ngôi mộ nằm tách biệt khỏi làng, rộng chừng một mẫu ruộng, nhưng nay cư dân đã dựng nhà cửa dần ra đến chân mộ.

Ông Lâm đi vắng nên ông Tính bèn đẩy chiếc cửa sắt được buộc hờ bằng một sợi thép nhỏ, đưa tôi tiến vào trong. Đó là một ngôi mộ lớn mới được sửa sang, dựng thêm một mái ngói nhỏ để tiện thờ cúng. Mộ nằm giữa khu vườn, ngay gần kề ngôi nhà chính của gia chủ, có lẽ đã thu hẹp lại khá nhiều so với nguyên bản. Trên ban thờ ghi rõ mộ của cụ Quý công họ Hà, đắp nổi một số chữ Nho bằng xi-măng. Cảnh vật tuy đơn sơ, giản dị nhưng khá tôn nghiêm.

Chúng tôi quay trở lại đình làng tiếp tục câu chuyện cũ bên ấm trà mới pha thêm. Ông Nguyễn Tiến Linh, anh Lưu Văn Bình vẫn ngồi đợi chúng tôi. Họ vẫn nói nhỏ với nhau bằng thứ tiếng líu lo như chim hót mà tôi nghe câu được câu chăng. Khi nói chuyện với tôi, họ dùng tiếng phổ thông. Câu chuyện tiếp tục rôm rả, chung quanh nguồn cội của Bản Thủy.

Cách phát âm khác biệt

Làng Sanh cùng với làng Đông, Đoài, Trung là bốn làng cổ của xã Vĩnh Thịnh (huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa). Cả xã Vĩnh Thịnh xưa kia vốn có tên chung là làng Bản Thủy (hay là Kênh Thủy, Kinh Thủy, Xuyên Thủy, Ngư Võng Phường…), do nằm ở vùng đầm nước phía tả ngạn sông Mã. Các nhà khảo cổ học khẳng định, con người có mặt ở Bản Thủy từ khoảng 7.000 năm trước, nhưng bắt đầu khai phá lập làng thì từ khoảng thời nhà Trần và sinh sống đông đúc từ thời nhà Hậu Lê. Nằm trong khu vực nhà Hồ xây dựng kinh đô và chuyển giao triều đại, lại là vùng đất từng xảy ra giao tranh dữ dội giữa các tập đoàn phong kiến Trịnh - Mạc, nên Bản Thủy trải qua rất nhiều biến thiên thăng trầm. Đã có thời điểm, người Chiêm Thành, người Minh… từng cư trú và để lại dấu ấn khá đậm nét nơi đây.

Làng Sanh hiện có khoảng 20 dòng họ với 2.150 nhân khẩu. Tên làng vốn được đọc chệch đi của làng San, theo nghĩa là san sẻ. Bởi trước đây cả ba làng Đoài, Đông, Trung vốn gọi chung là làng Cả, do cư dân đông đúc dần mà san ra thêm làng mới là làng San hay làng Sanh. Họ Hà là dòng họ lớn ở đây, gắn bó với làng từ hàng trăm năm trước, hiện có 72 hộ và hơn 200 suất đinh, chênh lệch khá lớn so với các dòng họ Trần Đăng, Trịnh Đình và Nguyễn… 

Ông Hà Văn Tính không nhẫn nại được nữa, hỏi luôn: “Câu chuyện cụ Tổ nhà tôi có liên quan gì đến tiếng nói kỳ lạ của làng Sanh? Rõ ràng cả khu vực này chỉ có những người làng Bản Thủy cũ nói như vậy, người nơi khác nghe không hiểu đâu. Người Kinh các làng chung quanh không hiểu, người Mường trên bản xuống cũng không hiểu”.

Tôi bèn nhờ các bác nói chuyện với nhau bằng tiếng làng Sanh, theo nội dung tùy chọn. Để mọi người nói hồi lâu, tôi mới đứng dậy, bảo: “Khi các bác nói chậm, em nghe đại loại bác Linh đây nói rằng: Hôm nay chúng ta được mời ra đây để giúp vị khách kia tìm hiểu về thứ ngôn ngữ đặc biệt của làng. Vì vậy, hãy nói theo cách người làng chúng ta thường nói. Sau đó, các bác bàn về việc tôi nghe có hiểu nổi không, chắc cũng như nhiều đoàn khảo sát khác thôi. Còn những câu nói đùa rất nhanh kia thì tôi chịu, không kịp nghe để hiểu…”.

Mọi người cùng ngạc nhiên, chứng tỏ tôi đã nghe rõ đến quá nửa câu chuyện họ nói bằng chất giọng đặc trưng. Tôi lại bảo họ nói lại câu chuyện ban nãy, đoạn giới thiệu thì nói nhanh hơn, đoạn trêu đùa tôi thì nói chậm lại. Nghe xong, tôi dịch nốt mấy câu đùa của các bác nông dân vui tính. Tôi cũng thẳng thắn thừa nhận, đoạn giới thiệu lần này các bác nói nhanh, nếu không được nghe kỹ từ ban nãy, chắc là không dịch nổi. Các bác nông dân chất phác đưa mắt nhìn nhau, hình như thú vị về anh khách lần đầu đến làng.

Tôi giải thích: “Tôi có thể hiểu được câu chuyện của các bác, vì những từ ngữ các bác dùng là tiếng còn xuất hiện khá nhiều trong các làng xã ở Thanh Hóa. Tôi vốn ở làng Cổ Bôn, nơi hằng ngày vẫn đang sử dụng khá nhiều từ ngữ đó. Nhiều làng khác như ở vùng núi Nưa (huyện Triệu Sơn) vẫn dùng, tuy mật độ ít hơn. Trâu là “tru”, gạo là “cấu”, lúa là “lọ”, chổi là “chủn”, mũi là “mủn”, đầu là “trốc”…, tôi nghe quen thuộc từ bé, không làm khó tôi được.

Điểm khiến tiếng làng Sanh trở nên khác biệt với ngay cả những người quen dùng tiếng Việt cổ, chính là cách phát âm. Cùng một từ đó, các bác nói nhanh và cao hơn so các vùng khác. Nếu các bác nói chậm hoặc ghi phiên âm ra giấy, nhiều người quanh vùng hoàn toàn có thể hiểu. Cách phát âm khác biệt cộng với những từ ngữ Việt cổ, khiến cho tiếng làng Sanh líu lo như chim hót là vậy”.

Mọi người ngạc nhiên, dồn dập hỏi: “Tại sao chúng tôi lại nói nhanh như vậy? Sao cả vùng này chỉ mình chúng tôi nói giọng cao như chim hót…?”. Tôi tự rót cho mình một chén trà mới, thủng thẳng: “Tất cả liên quan đến người đang nằm trong ngôi mộ cuối làng mà tôi mới đến viếng thăm đấy”.

(Còn nữa)