Bảo vệ trẻ em bằng cả trái tim

Tuổi 65, lên chức bà ngoại đã lâu, song ngày ngày, bà vẫn lặn lội gõ những cánh cửa để tìm công lý cho trẻ nhỏ. Hiểm nguy hay bế tắc, thời gian đeo đuổi ngắn hay dài cũng không làm chùn bước người phụ nữ ấy. Bằng trái tim của một người bà, bà được xem là “lá chắn thép” của những cháu bé bị xâm hại tình dục. 

Luật sư Ngọc Nữ đi tìm công lý cho trẻ bị xâm hại ở tỉnh Ninh Thuận.
Luật sư Ngọc Nữ đi tìm công lý cho trẻ bị xâm hại ở tỉnh Ninh Thuận.

Thương những số phận kém may mắn giữa đời

Bà là luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, Ủy viên Ban Thường vụ Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP Hồ Chí Minh. Từ khi Hội thành lập chi hội luật sư, bà đã được đồng nghiệp giao trọng trách là người chèo lái. Nhiều người thắc mắc, không rõ vì đâu, một nữ giảng viên đại học lại rẽ sang con đường bảo vệ trẻ em bị xâm hại, bạo hành… với quá nhiều gian khó, chông gai. Sinh viên cũ của bà thì ngạc nhiên xen thán phục: “Trên giảng đường, cô Ngọc Nữ nhẹ nhàng bao nhiêu, thì trên hành trình đòi công lý cho trẻ bị hại, cô đanh thép bấy nhiêu”.

Lưng chớm còng, nụ cười ấm trên gương mặt phúc hậu, bà Ngọc Nữ nhớ những lần cùng bạn bè đi liên hoan, cùng gia đình đi ăn tiệm, bà thường thấy các bé gái rách rưới bán vé số, ăn xin… Hầu hết những đứa trẻ ấy đều một thân một mình, lăn lóc từ vỉa hè này sang lề đường khác. Trong bà láy đi láy lại câu hỏi: “Bố mẹ bọn trẻ đâu? Có ai bảo vệ chúng trước những xô đẩy của cuộc đời?”. Giọng bà nghèn nghẹn, khác hẳn hình ảnh “người đàn bà thép” đứng trước tòa đòi công lý: “Có những lần, chứng kiến việc các bé gái bị quấy rối, xâm hại tình dục bởi những gã đàn ông say xỉn. Tôi cũng có con gái nên cảnh tượng ấy khiến tôi không khỏi phẫn nộ. Lòng tôi thắt lại. Tôi nghĩ mình phải làm gì đó để bảo vệ các cháu trước những con quỷ ấu dâm luôn rình rập”.

Bấy giờ, có nhiều vụ án xâm hại trẻ em “chìm xuồng” bởi chứng cứ yếu. Gia đình nạn nhân thì hầu hết thiếu hiểu biết về pháp luật. Ông bà, cha mẹ đều là lao động nghèo, nhiều khi vì còn phải lo kiếm sống hằng ngày nên phải nén chịu bỏ qua hoặc không biết kêu ai. Thấu những nỗi đau, bi kịch ấy, từ giảng đường đại học, bà Ngọc Nữ chủ động đến gõ cửa, an ủi động viên và tư vấn miễn phí cho những gia đình bị hại. Càng lăn vào với những mảnh đời yếu thế, bà càng gặp nhiều đứa trẻ hoảng loạn, nhiều ông bố, bà mẹ uất ức. Cơn ác mộng giữa đêm của con trẻ, tiếng khóc nghẹn ngào của những ông bố, bà mẹ đã khiến luật sư Ngọc Nữ dốc lòng, dốc sức để những kẻ thủ ác phải đền tội.

Bảo vệ trẻ em bằng cả trái tim -0
Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ tuyên truyền về phòng, chống xâm hại cho trẻ em. Ảnh: Người đưa tin 

Nhớ từng số phận

Có hôm, sau giờ thỉnh giảng ở Trường đại học Luật TP Hồ Chí Minh, vượt qua đám tắc đường giờ tan tầm giữa trung tâm thành phố, luật sư Ngọc Nữ đến quán cà-phê quen thuộc trên đường Ngô Thời Nhiệm (quận 3) để tiếp tục nghiên cứu hồ sơ một vụ việc mà bà và đồng nghiệp đang theo đuổi. Bà bận rộn đến độ chưa bao giờ những chia sẻ của bà với tôi được liền mạch. Dù chỉ là một câu chuyện nhỏ cũng luôn bị gián đoạn bởi những cuộc điện thoại, khi từ đồng nghiệp, khi từ gia đình nạn nhân, nhiều lúc là tin tức quý giá từ những chiến sĩ công an cơ sở... Có hôm, đang ngồi chờ bà ở quán cà-phê thì thấy chiếc xe tay ga cũ phanh “kít” trước cửa. Chiếc xe vẫn nổ máy, bà kéo khẩu trang nói vội: “Tôi mới nhận tin báo gấp từ gia đình nạn nhân, cháu bé đang cấp cứu ở bệnh viện”. Tôi ngỏ ý được “dự phần” vào một góc công việc của bà… Thấy tôi ái ngại khi để “bà ngoại” bé nhỏ cầm lái, luật sư Ngọc Nữ trấn an: “Tôi vẫn chạy xe máy khắp thành phố, thậm chí đi các tỉnh. Tôi còn quên tuổi của mình, cho đến khi người ta hỏi tôi bao nhiêu tuổi mà chạy xe khỏe dữ”.

Câu chuyện về cháu bé mới hơn hai tuổi đầu trong bệnh viện ngày hôm ấy thường trở đi trở lại trong những cuộc trò chuyện giữa tôi và bà sau này: Ở xóm trọ hầu hết là công nhân, người mẹ trẻ xây lưng ra phía cửa lúi húi nấu cơm, cháu bé hơn 2 tuổi tha thẩn chơi trong phòng, ngay sau lưng mẹ. Chỉ tích tắc, cháu bé bị gã hàng xóm vẫy ra rồi ẵm về phòng giở trò đồi bại. Luật sư Ngọc Nữ luôn nghẹn giọng khi nhắc đến trường hợp đầy buốt xót ấy. Dù công lý đã đòi được cho bé và gia đình, nhưng bà luôn day dứt vì chẳng thể nào chữa lành được cơn ác mộng đã hằn lên tuổi thơ của cháu. Và bà hiểu, ân hận, dằn vặt sẽ còn đeo bám bố mẹ cháu đến hết cuộc đời.

Thỉnh thoảng, bà tạt qua một gian trọ bên quận 8. Người quen của bà là thiếu phụ trẻ măng. Nhác thấy bóng bà Ngọc Nữ, đứa trẻ khoảng 2 tuổi rời tay mẹ, ào đến ngọng nghịu gọi “bà”. Người mẹ trẻ mừng mừng tủi tủi, em là nạn nhân bị anh rể lạm dụng khi chưa đủ 16 tuổi. Tôi không rõ tên thiếu phụ có ánh nhìn hoang hoải đến nhức lòng người đối diện ấy, chỉ biết luật sư Ngọc Nữ gọi em là “con gái”. Lần nào bà cùng “con gái” nói chuyện về cuộc sống của em và thiên thần bé, cũng chỉ được dăm câu là cả hai đã nước mắt ngắn dài. Bà choàng tay ôm lấy đôi vai run rẩy của em, rồi lén đưa tay gạt nước mắt mình. Bà thú thật là không phải lúc nào mình cũng nhớ họ tên của nhiều nạn nhân, nhưng từng hoàn cảnh, từng câu chuyện, từng số phận của các cháu và gia đình, thì bà chẳng thể nào quên được.

Cánh chim đầu đàn 

Không ít đồng nghiệp nam đã nhắc về luật sư Ngọc Nữ đầy cảm kích, bởi bà thật sự là cánh chim đầu đàn của các luật sư chuyên bảo vệ quyền, lợi ích phụ nữ và trẻ em bị xâm hại, bạo hành. Nạn nhân ở Ninh Thuận hay Cà Mau… bà đều tìm đến tận nhà tư vấn, trợ giúp và đồng hành cùng gia đình trên hành trình tìm công lý. Cháu bé 13 tuổi ở Cà Mau bị xâm hại đã tự vẫn. Mẹ cháu không cam lòng để con ra đi oan khuất, đã tìm đến luật sư Ngọc Nữ. Bà đã viết đơn gửi đến các cơ quan chức năng tìm sự giúp đỡ nhưng vụ án đã bị đình chỉ nên khó khăn chất chồng. Cuối cùng, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, vụ án của cháu được khôi phục, điều tra lại. Kẻ ác phải cúi đầu nhận tội. Phiên tòa vừa kết thúc, vợ của bị cáo đã lao đến phía luật sư Ngọc Nữ hành hung, bà ta không tin chồng mình gây ra chuyện kinh thiên ấy. “Tôi không bị đánh trúng, nhưng phải trốn ra cửa sau của tòa án mới về được. Tôi chạy thẳng một mạch từ Cà Mau, qua Bạc Liêu, Hậu Giang mà không dám dừng nghỉ chân. Lên đến TP Cần Thơ, bụng đói không chịu được nữa tôi mới dừng để ăn cơm”, luật sư Ngọc Nữ nhớ lại kỷ niệm “để đời”.

Có khi, bên cạnh bà, gương mặt lo toan của một người cha đầy lên xúc động: “Con gái tôi bị xâm hại khi mới hơn 2 tuổi đầu. Lúc đó vợ chồng tôi khổ đủ đường, xảy ra chuyện mà bên kia đâu đoái hoài đền bù, hỗ trợ cho cháu. Luật sư Ngọc Nữ đã giúp đỡ gia đình tôi về pháp lý để con quỷ đội lốt người phải chịu án chung thân. Bà còn giúp chúng tôi rất nhiều về tinh thần, thậm chí cả tiền bạc, đi lại tới lui chữa trị cho bé suốt những ngày dài nằm viện. Với gia đình tôi, bà thật sự là bà ngoại thứ hai của cháu”.

Tri ân “lá chắn thép” của những đứa trẻ bị xâm hại tình dục, tri ân người hơn mười năm đi đòi công lý bằng trái tim bà ngoại; tháng 11-2019, Giải thưởng KOVA lần thứ 17 đã tôn vinh luật sư Trần Thị Ngọc Nữ ở hạng mục “Sống đẹp”. Cũng năm 2019, bà được bầu chọn là một trong “Những tấm gương thầm lặng mà cao cả” của TP Hồ Chí Minh.