“Bán đứng” rừng phòng hộ

Đã có tình trạng hạt kiểm lâm và ban quản lý rừng phòng hộ tại một số địa phương buông lỏng quản lý để lâm tặc phá rừng, nhiều cán bộ đã bị xử lý nghiêm khắc. Thế nhưng mới đây, lại xảy ra câu chuyện hy hữu khi cấp ủy Ban Quản lý rừng phòng hộ (BQLRPH) huyện Quỳ Hợp (Nghệ An) bán rừng phòng hộ đầu nguồn thuộc dự án trồng mới 5 triệu ha rừng (dự án 661), khiến người dân bức xúc lên tiếng.

Cán bộ Hạt Kiểm lâm Quỳ Hợp đo đường kính gốc cây bị chặt hạ.
Cán bộ Hạt Kiểm lâm Quỳ Hợp đo đường kính gốc cây bị chặt hạ.

Vùng rừng “đổ trắng”

Ngày 24-11, chúng tôi rời đoạn cuối con đường rừng hiểm trở ở bản Thung Nguộc, tiếp cận vùng rừng phòng hộ bị tàn phá tại lô 7e và lô 7f, khoảnh 7, tiểu khu 332 thuộc địa bàn xã Bắc Sơn, huyện Quỳ Hợp. 

Đứng dưới chân núi, ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Phó trưởng BQLRPH Quỳ Hợp chỉ tay lên phía đỉnh, nói: “Tất cả chỉ có từng này diện tích bị bán thôi”. Chúng tôi ngước nhìn mái núi trơ trụi, chợt nghĩ đến đơn tố cáo “Hành vi phá hoại rừng phòng hộ thuộc BQLRPH Quỳ Hợp” (lá đơn ký tên Người dân), phản ánh “một cán bộ Trạm Quản lý bảo vệ rừng Châu Lý thuộc BQLRPH Quỳ Hợp đã trực tiếp đứng ra ngã giá bán khoảng 10 ha cây keo trên đất rừng phòng hộ cho ông Vi Văn Quân ở xóm bản Nguộc, xã Bắc Sơn” nên quyết định lên núi để khảo sát.

Ngược đỉnh núi mới vài trăm mét, đi qua những gốc cây keo 13 năm tuổi, đường kính 35 - 40 cm trơ trọi, chúng tôi đã bắt gặp la liệt những thân gỗ nằm dọc ngang sườn núi. Có thân cây gỗ nằm chéo lên ba bốn cây gỗ. Có cây gỗ dài hàng chục mét như mới lìa khỏi gốc đang ứa nhựa, nằm đè lên những cành cây gỗ khác. Vô số những gốc cây, thân gỗ như thế tạo nên một vùng rừng “đổ trắng” hơn hai phần ba mái núi.

Chúng tôi đi tìm, đếm từng gốc cây. Một cán bộ kiểm lâm trẻ của Hạt Kiểm lâm Quỳ Hợp cho hay, con số trên từng gốc cây là do Đoàn kiểm tra của Chi cục Kiểm lâm đánh dấu hồi tháng 9. Tổng số gần 400 cây bị đốn hạ. Tuy vậy, chúng tôi quan sát và thấy có nhiều gốc cây không đánh số. Chúng tôi hỏi ông Lĩnh, ở hiện trường lô 7e và 7f đã cho thấy diện tích cây gỗ đứng bị khai thác trắng lớn như thế này, vậy vì sao đoàn kiểm tra của Chi cục Kiểm lâm báo cáo lên Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nghệ An là chỉ có 1,035 ha. Ông Lĩnh nói: “Là do hôm ấy mới chỉ kiểm tra được từng đó”.

Chúng tôi rời vùng rừng bị khai thác trắng với thắc mắc: Vì sao số diện tích trong đơn tố cáo của người dân là khoảng 10 ha nhưng BQLRPH Quỳ Hợp báo cáo chỉ có 1,035 ha; BQLRPH Quỳ Hợp bán 1,035 ha, giá 90 triệu đồng để làm gì và có biết đây là hành vi vi phạm pháp luật? 

Do nghi ngờ về số diện tích vùng rừng phòng hộ bị bán đang được che giấu nên sau hai ngày rời vùng rừng này, ngày 26-11 chúng tôi quay trở lại để xác định chính xác diện tích cây gỗ đứng bị bán. Lần này, chúng tôi mang theo máy GPS (máy định vị cầm tay dùng để đo trắc địa). Kết quả, chúng tôi đo được gần 2 ha vùng rừng bị đổ trắng.

Rời Thung Nguộc, chúng tôi tiếp cận vùng rừng phòng hộ thuộc bản Khiết, xã Nam Sơn, huyện Quỳ Hợp, điều tra thông tin của bạn đọc cho rằng, tại đây cũng xảy vụ việc khai thác trái phép 2,5 ha rừng. Chúng tôi ghi hình vùng núi bị khai thác trắng rồi về BQLRPH Quỳ Hợp trao đổi vụ việc này với ông Trần Đại Nghĩa, Trưởng phòng Kế hoạch - Kỹ thuật. Ông Nghĩa thừa nhận tại bản Khiết có 5 ha rừng keo đã 11 năm tuổi, thuộc dự án trồng mới 5 triệu ha rừng. 5 ha này do chủ hộ Lương Thị Nga (vợ ông Nguyễn Đình Hiệp, cán bộ Trạm bảo vệ rừng Châu Lý) đứng tên. Đây cũng là diện tích trồng keo trên đất rừng phòng hộ, chủ rừng là BQLRPH Quỳ Hợp. Năm 2019, vợ chồng bà Nga được phép khai thác 2,5 ha theo hồ sơ khai thác. Nhưng mới đây, vợ chồng bà Nga tự ý khai thác trái phép 2,5 ha còn lại. Chúng tôi nêu câu hỏi: “BQLRPH Quỳ Hợp có “bật đèn xanh” cho vợ chồng bà Nga khai thác 2,5 ha này không”. Ông Nghĩa nói: “Không”. Vậy BQLRPH Quỳ Hợp có biết việc vợ chồng bà Nga khai thác trắng 2,5 ha rừng keo này không. Ông Nghĩa nói: “Chúng tôi không biết”.

“Bán đứng” rừng phòng hộ -0
Vùng rừng phòng hộ sau khi bị khai thác trái phép ở bản Khiết, xã Nam Sơn. 

Cấp ủy “bàn” chuyện bán rừng

Chúng tôi tiếp tục câu chuyện này với câu hỏi đối với ông Lĩnh: “Với tư cách là Phó trưởng BQLRPH, ông có biết vụ bán rừng ở hai xã Bắc Sơn và Nam Sơn không. Ông Lĩnh thành thật: “Trước khi bán rừng ở Thung Nguộc, xã Bắc Sơn thì cấp ủy đã họp bàn và thống nhất. Chúng tôi sai rồi”.

Theo ông Lĩnh, cấp ủy của BQLRPH Quỳ Hợp gồm ba người: ông Lê Phùng Diệu (Trưởng ban, nay đã được điều chuyển làm Trưởng BQLRPH Kỳ Sơn), ông Nguyễn Hồng Lĩnh (Phó trưởng ban) và ông Trần Đại Nghĩa (Trưởng phòng Kế hoạch - Kỹ thuật). Chúng tôi hỏi tiếp, vì sao cấp ủy lại bàn việc bán rừng phòng hộ đã 13 năm tuổi khi biết chức năng của loại rừng thuộc dự án trồng mới 5 triệu ha này là để “vá” rừng, làm giàu rừng. Ông Lĩnh nói: “Do một số cây gãy đổ, anh em tính bán đi để lấy tiền mua cây con trồng xen vào thay thế. Nếu còn dư tiền thì hưởng”. Ông Lĩnh giải thích thêm: “Hiện BQLRPH đã trồng được 700 cây sao nhưng đang nợ cả tiền giống lẫn tiền thuê nhân công”. Như vậy, việc BQLRPH Quỳ Hợp bán rừng phòng hộ thuộc dự án trồng mới 5 triệu ha rừng đã vi phạm các quy định nghiêm ngặt về quản lý và bảo vệ rừng, đồng thời còn để lại nợ nần. Theo nguyên tắc, khi muốn thanh lý rừng keo trồng trên đất rừng phòng hộ đầu nguồn, chủ rừng phải thực hiện nghiêm Quy chế quản lý rừng phòng hộ quy định tại điểm b, Khoản 3, Điều 20 về “Khai thác lâm sản trong rừng phòng hộ”, tại Nghị định 156/2018/CP-NĐ ngày 16-11-2018 của Chính phủ và Điều 12 “Khai thác gỗ rừng trồng do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu” tại Thông tư 27/2018/TT-BNNPTNT, ngày 16-11-2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về quản lý, truy xuất nguồn gốc lâm sản”. Ông Lĩnh lại nói: “Chúng tôi bán “quạ” (bán cho xong). Chúng tôi sai rồi”.

Cùng vấn đề này, ông Diệu (Trưởng BQLRPH Kỳ Sơn, nguyên trưởng BQLRPH Quỳ Hợp) cũng thừa nhận như ông Lĩnh, là “chúng tôi đã sai rồi”. Chúng tôi hỏi khi cấp ủy bàn việc bán rừng có ghi chép biên bản không. Ông Diệu nói: “Có biên bản nhưng Công an huyện đang thu giữ”. Riêng về diện tích rừng bị bán, ông Diệu vẫn khẳng định “chỉ bán 1,035 ha ở lô 7e và 7f” ở Thung Nguộc, ngoài ra không có vùng rừng phòng hộ nào bị bán như ở bản Khiết, xã Nam Sơn.

Sau khi rời khỏi vùng rừng bị khai thác trắng, chúng tôi tiếp xúc với Trung tá Hoàng Nghĩa Tú, Phó trưởng Công an huyện Quỳ Hợp để trao đổi ý kiến về vụ việc. Trung tá Tú nói: “Sau khi nhận được đơn tố giác tội phạm của người dân, Cơ quan CSĐT Công an Quỳ Hợp đã thụ lý, kiểm tra, xác minh. Ngay từ đầu, Viện Kiểm sát nhân dân huyện cũng phối hợp kiểm sát chặt chẽ. Công an Quỳ Hợp đã báo cáo vụ việc với lãnh đạo Công an tỉnh và nhận được chỉ đạo về xác minh, làm rõ”.

Bên lề cuộc trao đổi ý kiến này, chúng tôi nêu một thực tế: Đơn tố giác tội phạm của người dân phản ánh khoảng 10 ha cây keo trên đất rừng phòng hộ bị bán; Chi cục Kiểm lâm Nghệ An báo cáo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ có 1,035 ha  cây keo bị khai thác trắng. Nhưng so với kết quả khảo sát bằng máy GPS của chúng tôi thì hai số liệu nêu trên đều không đúng. Trung tá Tú nói một câu chí lý, sâu sắc: “Bao nhiêu ha rồi chúng ta sẽ làm rõ. Điều quan trọng ở vụ việc này là hành vi phạm tội”.

“SẼ XỬ LÝ RẤT NGHIÊM”

“Từ khi nhận được báo cáo vụ việc này, Thường trực Huyện ủy thường xuyên đặt nó lên bàn các cuộc họp Nội chính của huyện. Khi có kết luận từ các cơ quan chức năng, chúng tôi sẽ xử lý rất nghiêm”, ông Phan Đình Đạt, Bí thư Huyện ủy Quỳ Hợp khẳng định.