Bác sĩ của những ca đại phẫu đặc biệt

Sự xuất hiện ở vai trò tham vấn chuyên môn của Giáo sư, bác sĩ (GS, BS) Trần Đông A cho các kíp mổ của Bệnh viện Nhi đồng TP Hồ Chí Minh trong ca tách rời cặp song sinh hiếm gặp Trúc Nhi - Diệu Nhi mới đây khiến nhiều người cảm thấy ấm lòng. Ký ức về kíp trưởng Trần Đông A trong ca đại phẫu lịch sử tách rời hai anh em Nguyễn Việt - Nguyễn Đức 32 năm trước lại hiện về rõ nét như mới hôm qua. 

Bác sĩ Trần Đông A với những hồ sơ các ca mổ từng trải qua.
Bác sĩ Trần Đông A với những hồ sơ các ca mổ từng trải qua.

Một giờ rưỡi dài như thế kỷ

Kết thúc hơn 12 giờ đồng hồ căng thẳng cùng gần 100 đồng nghiệp và các học trò của mình trong ca phẫu thuật “Song Nhi”, bước ra phòng mổ Bệnh viện Nhi đồng TP Hồ Chí Minh trong bộ đồ xanh ngọc, bác sĩ phẫu thuật nhi kỳ cựu Trần Đông A chào mọi người bằng nụ cười hiền. Ca đại phẫu bước đầu thành công, được đánh giá là thêm một mốc lịch sử cho sự tiến bộ của y học Việt Nam khi mà tất cả chẩn đoán trước mổ chính xác đến mức cao nhất và ca mổ diễn ra như dự kiến. Không chỉ được tách rời sau 13 tháng dùng chung tã, Trúc Nhi - Diệu Nhi được nhận định có tới 70% khả năng hồi phục, quay lại cuộc sống bình thường, điều mà trước đây ba mẹ các em chưa bao giờ dám ước ao. 

Trước ngày quan trọng với cuộc đời “Song Nhi” được quyết định, BS Trần Đông A cùng các bác sĩ tham gia kíp mổ đã tỉ mỉ quan sát, cùng nhau bàn bạc kỹ lưỡng và lên kế hoạch cụ thể cho từng tình huống có thể phát sinh. Ca mổ phức tạp chấm dứt, vị bác sĩ 79 tuổi nhớ lại khoảng thời gian 32 năm trước ông đứng một góc trong phòng phẫu thuật, hai tay chắp lại, suy nghĩ về hành trình gian nan tiếp theo sau khi vừa hồi sinh một mầm sống. Cắt thuốc mê 10 phút, cậu bé gần tám tuổi Nguyễn Đức đã có thể nhận ra mọi người đứng chung quanh mình với những dấu hiệu hồi phục rất khả thi. 

Một ca phẫu thuật tách dính đặc biệt chưa có trong tiền lệ y văn thế giới khi có trẻ đã bại não được thực hiện bởi các bác sĩ Việt Nam trong điều kiện khó khăn đủ bề, từ trang thiết bị đến kỹ thuật. Một ca phẫu thuật, tạo hình phức tạp với 400 mũi khâu cho vết mổ có tổng chiều dài tới 1,2 m trong điều kiện hạn chế cả thuốc sát trùng, thuốc kháng sinh vỏn vẹn hai loại là điều ít ai dám nghĩ tới hai chữ thành công. “Tôi đứng một góc phòng mổ, chắp tay tự trả lời nhiều câu hỏi trong đầu. Ngay lúc đó tôi quyết định đích thân mình phải là người theo dõi Việt - Đức”, bác sĩ Đông A tâm sự. 

Khi bắt đầu bước vào “cuộc chiến”, Đức tỉnh táo nhưng Việt đã bại não. Điều này khiến nguy cơ tử vong của cả hai trong ca mổ rất cao do có thể dẫn đến nhiều biến đổi vượt tầm kiểm soát. Trong sáu tháng liên tục tập dượt, lên kế hoạch chi tiết trước cuộc đại phẫu, BS Trần Đông A đã tiên lượng cả tình huống không mong đợi này. Khi vừa tiến hành tiền mê Đức, Việt đã kinh giật và mạch tim lên tới 200. Theo đúng kế hoạch, trưởng kíp mổ Trần Đông A rửa tay, đeo găng, theo dõi, sẵn sàng cho việc kẹp tất cả các mạch máu chung để kịp thời cứu Đức vì nếu chỉ cần chậm một nhịp sẽ mất cả hai đứa trẻ. GS Trần Đông A bồi hồi nhớ lại: “Mắt tôi không rời khỏi máy theo dõi sinh học của hai cháu, đặc biệt của cháu Việt. Từ 7 giờ sáng đến 8 giờ 30 phút ngày hôm đó tôi đứng như trời trồng, chuẩn bị cho tình huống xấu nhất trong kế hoạch. Tôi làm mọi thứ thật khẩn trương để cứu sống Đức. Khi các bác sĩ gây mê, hồi sức và tim mạch báo rằng đã kiểm soát được tình hình, tôi thở phào nhẹ nhõm. Lúc đó mới ra thay áo, rửa tay bước vào cuộc mổ chính. Tôi không bao giờ quên được một giờ rưỡi đồng hồ ấy. Với tôi, nó dài như cả thế kỷ”.

Sau cuộc phẫu thuật, BS Trần Đông A cũng tiếp tục dành hơn một năm để phục hồi chức năng cho Đức. Ông giúp Đức từ từ đứng dậy, đi được và sau này có thể đá banh, tự mình chạy xe máy, một chặng đường mà ông thừa nhận là “gian nan lắm”. Biết Đức mê bóng đá, bác sĩ gọi mấy em nhỏ trong Làng Hòa Bình đem bóng đến đá tại khoảng đất bên dưới phòng tập chức năng của Đức và hét hò. Trong phòng trên cao, vướng bức tường không thấy gì được nhưng nghe rõ tiếng reo hò của bọn trẻ, Đức cứ rướn người để xem. Nhờ đó Đức đứng được lúc nào không hay. “Tôi không quên được cảm xúc khi mình chở Đức đi vòng vòng, tập cho cháu lái xe máy, hồi hộp nhưng vui lắm”, trưởng kíp mổ ca phẫu thuật tách rời cặp song sinh Việt - Đức nhớ lại.

Người của những ca mổ hiếm gặp

Trong phòng làm việc tại Bệnh viện Nhi đồng 2 (quận 1, TP Hồ Chí Minh), BS Trần Đông A có một chiếc tủ chất đầy kỷ niệm cho hơn 50 năm làm nghề. Từng tập hồ sơ các ca mổ cùng hình ảnh, bài viết, thư từ đồng nghiệp, học trò, bệnh nhi gửi đến được vị bác sĩ già sắp xếp ngay ngắn, hết mực nâng niu. Hàng chục album lớn nhỏ được ghi tên cẩn thận nhắc nhớ từng khoảnh khắc đáng nhớ trong hành trình cầm dao mổ cứu người. Hôm tôi ghé thăm, ông đang lật mở từng trang thư viết tay của một bệnh nhi đặc biệt nhiều năm về trước, hồi tưởng câu chuyện đẹp với nghề. Đó là ca mổ của bệnh nhi Võ Hà Trung vào cuối thập niên 90 thế kỷ trước, một hội chứng rối loạn sản mô với sự thông động tĩnh mạch trong khắp phần loạn sản hiếm gặp trên thế giới. 

Được gia đình đưa đi các bệnh viện lớn trên cả nước nhưng không ai dám điều trị, cuối cùng bệnh nhi này may mắn được giới thiệu tìm đến BS Trần Đông A. Sau cái gật đầu với gia đình Võ Hà Trung ngày hôm ấy, Trưởng khoa Phẫu thuật Bệnh viện Nhi đồng 2 lúc bấy giờ bắt đầu hành trình điều trị đầy cam go với ca bệnh hiểm nghèo. Tiếng cười, tiếng khóc trong ngập tràn hạnh phúc là món quà lớn nhất mà vị bác sĩ tận tâm nhận về sau chuỗi ngày nỗ lực giành giật mạng sống cho bệnh nhi. Nhìn vào trang thư cũ, vị bác sĩ già rê nhẹ đôi tay lấm tấm đồi mồi trên dòng mực xanh, mỉm cười thật tươi. GS Trần Đông A khoe, giờ bệnh nhi ngày nào của ông đã thành tài, gia đình hạnh phúc. 

Hơn 10 năm trước ca mổ thành công của Võ Hà Trung, BS Trần Đông A đã cứu được mạng sống cho một trường hợp hy hữu khác. Bệnh nhi bị một tật bẩm sinh rất nặng đã có biến chứng vỡ ra ở trong lồng ngực, không mổ gấp sẽ chết. Nếu chọn cách dễ và an toàn nhất lúc đó, là cắt bỏ hoàn toàn một bên phổi. Thế nhưng, ông đã chọn phần khó về mình để mở đường sống lâu, sống bình thường như bao đứa trẻ khác cho bệnh nhi trên bàn mổ. “Thời đó thiết bị y tế rất khó khăn, đèn mổ cháy, chúng tôi phải thay thế bằng bóng đèn ô-tô. Mà mổ lồng ngực thì bác sĩ phải cúi sát trong thời gian rất lâu để thực hiện những thủ thuật một cách chính xác nhất. Tôi không muốn đứa trẻ mình cứu sống phải chịu thêm thương tật khi lớn lên hoặc tử vong do biến chứng về sau nên tôi chọn cách bóc tách thùy phổi đã vỡ ra, giữ nguyên vẹn hai thùy kia dù cách làm này tốn rất nhiều thời gian, công sức. Trường hợp này không thể sử dụng dao điện nhiều vì thuốc mê lúc đó chỉ là Ether rất dễ cháy nổ. Đến bây giờ tôi vẫn nhớ cảm giác chiếc dao mổ bị dính rất chặt vào khi cắt bỏ phần phổi tổn thương nặng. Sáu giờ đồng hồ cứu cháu bé xong, ánh sáng và sức nóng của bóng đèn ô-tô trong phòng mổ khiến tôi chóng mặt phải nằm lăn ra đất một lúc mới đứng dậy được. Lúc đó, tôi thấy hạnh phúc vì mình đã trả bệnh nhi về với cuộc sống bình thường đúng nghĩa”, BS Trần Đông A chia sẻ.

Từ cuộc đại phẫu Việt - Đức, ca tách song sinh dính liền vùng chậu thứ bảy trên thế giới cách đây hơn 30 năm, đến thời điểm hiện tại, khi nhắc đến những ca mổ nhi hiếm gặp tại Việt Nam, những tình huống bệnh hiểm nghèo ở trẻ, người ta đều thấy bóng dáng của BS Trần Đông A. Vượt qua bao thăng trầm cùng nghề, khóc cười cùng bệnh nhi, hạnh phúc của người bác sĩ ấy gói gọn trong hai chữ “cứu người”. Ông luôn tìm cách mới, hướng riêng để mở ra con đường rộng nhất cho người bệnh quay về với gia đình, xã hội. Ông muốn sau quá trình điều trị nhiều đau đớn, đứa trẻ được bình yên lớn lên, được chạy nhảy, đến trường như bao bạn bè. Ông vui vì rất nhiều lần dự hội thảo ở tỉnh này, hội nghị tại tỉnh kia được nhận về lời cảm ơn của gia đình hay bệnh nhi mà mình đã hết lòng cứu chữa. 

Vị bác sĩ già hay tự nhận mình may mắn khi nắm trong tay niềm hạnh phúc mà không phải ai cũng có được trong đời. Đó là hạnh phúc của sự cho đi, của cách tận tụy cứu người bằng những đường mổ, mũi khâu đầy nhân văn giữa lằn sinh tử. Đó là hạnh phúc từ sự đồng hành của các đồng nghiệp, học trò trên bàn mổ, trong đời thường để cùng nhau đưa ra những phương án tối ưu nhất khi cứu trẻ. Đó là hạnh phúc vì vẫn còn đủ sức khỏe, sự tỉnh táo để cố vấn, hỗ trợ thế hệ bác sĩ kế thừa hoàn tất sứ mệnh của người cầm dao mổ cứu người. Ông nói, vậy thôi mà đủ thấy mình có ích cho đời, bởi làm nghề y thì ở đâu cũng là cứu người, vậy nên phải tận sức, tận tâm.