Áp lực “điện tăng giá”

Giá bán lẻ điện bình quân đã được điều chỉnh tăng 8,36% kể từ ngày 20-3. Sau gần bốn tháng áp dụng biểu giá bán lẻ điện mới (6 bậc thang), tại Hà Nội vẫn ghi nhận nhiều trường hợp khách hàng phản ánh tổng tiền điện phải trả cho từng kỳ cao vọt, khiến người dân và đặc biệt là người thuê trọ tại Hà Nội không khỏi hoang mang.

Giá xăng dầu, điện nước tăng ảnh hưởng nhiều đến chi tiêu của người dân. Ảnh: THANH LONG
Giá xăng dầu, điện nước tăng ảnh hưởng nhiều đến chi tiêu của người dân. Ảnh: THANH LONG

Hóa đơn phi mã

Thời tiết nắng nóng và oi bức tại Hà Nội khiến cho nhu cầu sử dụng điện ngày một tăng cao, hóa đơn tiền điện của các hộ dân thì tăng vọt một cách bất hợp lý.

Chị Nguyễn Hồng cùng gia đình ở chung cư Green Stars, 234 Phạm Văn Đồng, phường Cổ Nhuế, quận Bắc Từ Liêm cho biết, tháng nào tiền điện cũng tăng thêm trong khi các thiết bị nhà chị không có thay đổi gì. Chị Hồng trực tiếp cung cấp thống kê hóa đơn tiền điện online và không giấu được nỗi bức xúc. “Không hiểu bên điện họ tính toán thế nào, từ đầu năm đến nay gia đình không tăng thêm người, chỉ dùng một cái điều hòa, không trang bị thêm thiết bị sử dụng điện, thời gian sử dụng điện không thay đổi nhưng tiền điện phải trả cứ tăng đều. Lượng điện giữa tháng 5 và tháng 6 chỉ tăng thêm 52 kWh , nhưng đến tháng 7 lại tăng đến 403 kWh so tháng 6”, chị Hồng cho biết.

Cùng hoàn cảnh là chị Kim Cúc (275 Quan Nhân, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân), chia sẻ: “Tôi đồng ý là đang trong cao điểm nắng nóng, nhu cầu sử dụng các thiết bị điện hay cụ thể là máy lạnh có tăng về thời gian hơn bình thường một chút, nhưng hóa đơn tiền điện tăng sốc như vậy thì vẫn cảm thấy có cái gì đó sai sai”. Hóa đơn tháng 5 nhà chị sử dụng 436 kWh điện, mà hóa đơn tháng 7 đã tăng vọt lên 833 kWh điện, chị nhìn tin nhắn thông báo đóng tiền điện của EVN Hà Nội mà chỉ biết thở dài.

Việc tăng giá điện sinh hoạt đồng nghĩa việc nhiều chủ nhà trọ sẽ tiếp tục tăng giá điện và người thuê nhà sẽ phải bỏ ra thêm một số tiền để chi trả cho lượng điện tiêu dùng hằng tháng. Phải mua 5.000 đồng cho 1 kWh khi mức giá bán lẻ điện sinh hoạt tăng 8,36%, nhiều sinh viên, người lao động thuê trọ tại Hà Nội rơi vào tình cảnh bức xúc nhưng vẫn cắn răng chịu đựng.

Anh Trường, một công nhân làm thuê ở quận Hoàng Mai chia sẻ: “Hằng ngày tôi đi làm suốt nên lượng điện dùng cũng không nhiều. Các tháng đều đặn với khoảng 150 kWh điện sử dụng, tôi chỉ phải trả khoảng 270 - 300 nghìn đồng”. Tuy nhiên, tháng 7 này, tiền điện nhà anh bất ngờ tăng lên hơn 500 nghìn đồng. Trước đó, theo tính toán của Bộ Công thương, với việc điều chỉnh tăng thêm 8,36%, khách hàng hộ gia đình sử dụng dưới 50 kWh mỗi tháng sẽ chỉ phải trả thêm khoảng 7 nghìn đồng; khách hàng sử dụng 51 - 100kWh sẽ phải trả thêm khoảng 14 nghìn đồng; từ 101 - 200 kWh phải trả thêm 31 nghìn; 201 - 300 kWh phải trả thêm trung bình khoảng 53 nghìn đồng; khách hàng sử dụng trên 400 kWh phải trả thêm từ 77.200 đồng/tháng.“Tôi tá hỏa kiểm trả lại công-tơ, thậm chí gọi cả thợ đến kiểm tra nhưng thiết bị vẫn chạy bình thường nên tôi cũng không hiểu lý do tại sao lại cao như vậy”, anh Trường không khỏi hoang mang.

Là sinh viên ở tỉnh lên học, bạn Thùy Trang, sinh viên năm hai Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội cho biết: “Em đang thuê trọ cùng một bạn cũng cùng quê, ở khu vực ngõ 336 Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, một căn phòng khoảng 20 m² trong căn nhà bốn tầng. Theo thỏa thuận, mỗi tháng chủ trọ sẽ chốt số điện một lần vào cuối tháng và nhân theo đơn giá là 4 nghìn đồng một kWh điện. Nhưng từ ngày điện tăng giá, nhà chủ bảo “ làm tròn” thành 5 nghìn đồng/kWh”.

Thắt chặt chi tiêu

Nỗi bất bình của người dân giờ không có sự lựa chọn nào khác, là chỉ biết than vãn lên mạng xã hội. Người dân liên tiếp than thở vì chưa kịp hết “sốc” khi giá điện tăng vọt thì tiếp tục nghe tin giá xăng tăng. Kéo theo đó, giá nhà trọ, thực phẩm, hàng loạt những mặt hàng khác… cũng tăng theo khiến họ chỉ biết thở dài.

Nhiều người cho rằng, nhìn giá xăng dầu, điện, nước đã chóng mặt, đi chợ mua sắm còn khổ sở hơn vì cái gì cũng đắt, ảnh hưởng nghiêm trọng đến kế hoạch chi tiêu hằng ngày. Chị Cúc chia sẻ “Bây giờ cầm 200 nghìn đồng ra ngoài chợ chẳng biết có mua nổi gì không, bởi lấy lý do điện tăng giá, người bán hàng họ cũng tăng giá sản phẩm của mình theo luôn, từ thịt, cá cho đến mớ rau, giá cả cứ tăng vùn vụt. Nhà tôi trước chi 200 - 250 nghìn đồng cho một bữa, giờ cắt giảm xuống còn 150 - 200 nghìn đồng thôi, đợi đến khi thanh toán xong tiền điện sẽ cân đối để cải thiện một bữa”.

Với mức thu nhập của những người dân có chi phí thấp, đặc biệt là sinh viên hay người lao động phải thuê trọ, khi đứng trước cơn lốc giá điện tăng, họ sẽ phải đối mặt như thế nào ngoài việc bắt buộc phải chọn một trong hai cách, thắt chặt chi tiêu lại để dành tiền đi chợ hoặc cố gắng cắt giảm những thứ phải mua hằng ngày xuống.

Chị Vân Anh (phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy) than thở: “Biết điện tăng giá nên tôi và gia đình đã ý thức và sử dụng tiết kiệm hơn nhưng vẫn bị sốc. Vốn định dành ra một khoản nhỏ để tổ chức một bữa liên hoan trong gia đình để mừng con gái đạt điểm cao trong kỳ thi THPT Quốc gia vừa rồi, nhưng phải lùi sang tháng 8 vì tháng 7 này tôi phải trả thêm 600 nghìn đồng tiền điện so tháng 6, nên phải cắt giảm những khoản chi tiêu chưa cần thiết để bảo đảm cuộc sống hằng ngày”.

Bạn Trang thì chia sẻ: “Mỗi tháng hai đứa em chi hết hai triệu hai trăm nghìn tiền nhà trọ, tiền điện khi giá chưa tăng chỉ phải chi khoảng 300 nghìn đồng, bây giờ giá điện tăng, chủ trọ cũng tăng theo, thành ra mỗi tháng phải trả 500 - 600 nghìn đồng tiền điện. Mà sinh viên như em vẫn đang đi học, có đi làm thêm cũng chỉ đủ chi trả tiền phòng trọ, các khoản khác phụ thuộc hoàn toàn vào gia đình, mà gia đình ở quê, thu nhập không cao nên nhiều khi xin thêm hai ba trăm nghìn đồng cũng khiến bố mẹ lao đao không ít. Bố mẹ ở nhà cắt giảm chi tiêu để gửi tiền cho em, bản thân em cũng phải cắt giảm chi tiêu để đỡ cho bố mẹ”.

Còn với những người lao động đi thuê trọ như anh Trường lại càng khổ. Với đồng lương ít ỏi, anh vừa phải chi trả các sinh hoạt cá nhân trên Hà Nội, vừa phải gửi tiền về cho vợ con ở quê. “Số tiền 200 nghìn đồng tiền điện tháng này phải trả thêm có lẽ chỉ bằng bữa ăn sáng của người khác, nhưng với vợ con tôi ở quê thì chắc phải được một tuần. Để đủ tiền gửi về, thì tôi phải thắt chặt chi tiêu thôi, đi sớm về muộn, tránh phải sử dụng đến điện, ăn cho đỡ đói, uống cho đỡ khát thôi, tiết kiệm được đồng nào hay đồng đấy!”.

Các cuộc kiểm tra về việc tăng giá điện thời gian qua, cơ quan chức năng đều nói rằng, số cuộc điện thoại gọi đến các đơn vị chăm sóc khách hàng của EVN đều rất ít. Người dân không khiếu nại không có nghĩa là họ không bất bình với việc phải trả tiền tăng vọt những tháng vừa qua. Rất nhiều người chấp hành nghiêm “luật chơi” của ngành điện để mang phần thiệt thòi cho mình mà không lên tiếng.
Vì vậy, trước khi có được đáp án chính xác từ ngành điện, bản thân người dân đành phải tự biết sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả với một số cách như: tắt bớt các thiết bị điện không cần thiết, hạn chế sử dụng các thiết bị tiêu thụ nhiều điện trong giờ cao điểm (bao gồm khung giờ từ 11 giờ đến 14 giờ và từ 18 giờ đến 23 giờ hằng ngày); sử dụng các loại điều hòa tiết kiệm năng lượng có kết hợp thêm quạt và để nhiệt độ từ 26 độ C trở lên bởi việc để nhiệt độ thấp không khiến điều hòa làm lạnh nhanh hơn mà chỉ gây tốn điện.