Ấn tượng Hạ Long

Sau một tháng thăm cháu ở Quảng Ninh về, bà bạn tôi, thay vì khoe thằng cháu đích tôn đẹp, khỏe  mạnh, lại chỉ kể chuyện thành phố Hạ Long tuyệt vời làm sao. Rồi bà giục rối mọi người phải đi Quảng Ninh cho biết.

Diện mạo Quảng Ninh hôm nay. Ảnh: HÙNG SƠN
Diện mạo Quảng Ninh hôm nay. Ảnh: HÙNG SƠN

Những ngày cười là thấy than

30 năm trước, nhắc đến Quảng Ninh, trong ý nghĩ của mọi người là nghĩ ngay đến “đặc sản” những mỏ than. Than  phủ  mái nhà, bám vào cành cây, làm bẩn những chiếc áo trắng của các cô gái đang yêu. Đi trên đường phố Hòn Gai, mới mở miệng cười, tôi đã cảm thấy bụi than ở trong răng mình.

Hồi ấy, người Hòn Gai còn nghèo lắm. Phần lớn trong số họ chỉ biết đi lên núi  đào than hay xuống biển để đánh cá. Thành phố có mỗi một con đường lớn, còn toàn là các phố nhỏ, cái có tên, cái không tên. Vào những trưa hè, khi bà bán hàng tạp hóa đã thiu thiu ngủ, bọn trẻ con được thả rông đá bóng ở một con đường vắng vẻ có vỉa hè hẹp đã bong ra bởi những gốc cây trơ rễ. Lũ chó, mèo hoang sục sạo kiếm ăn  bên các  đống rác  lưu cữu. Trong gió  mùa đông lạnh giá, lá bàng rơi xuống thềm nhà trông như những miếng vảy cá xếp lớp, vài ba ông già đốt chúng lên để sưởi ấm.

Các ngôi nhà  mái nhấp nhô, có  khung cửa sổ long cánh. Quần áo phơi, phấp phới bay trên ban-công của những căn hộ chung cư xập xệ dưới sức nặng của thời gian. Những chung cư nay đang dần bị phá đi để xây mới. Tôi lại nghĩ rất nên bảo tồn một phần. Dẫu sao, những tòa nhà cổ lỗ sĩ cũng phản chiếu được quan niệm thẩm mỹ một thời. Đằng sau chúng là cái bãi đổ than mênh mông, thường xuyên có một lũ trẻ  mặt mũi nhọ nhem, chui ra chui vào qua các lỗ thủng hàng rào bảo vệ, “mót” than kíp lê về bán. Đường vào “núi xẻ” có những bờ tường hoang phế, loang lổ, bám đầy dây leo, các giếng nước đã cạn khô. Hai ngôi nhà gỗ xiêu vẹo, nương tựa vào nhau để cố đứng vững. Cuộc sống như cô đặc lại, buồn tẻ.

Ngày nay, như  nghịch lý của con người, chính sự điêu tàn buồn bã này sẽ đem đến cho thành phố một linh hồn. Du khách nước ngoài thường bị vẻ đẹp tình cờ của sự suy tàn lịch sử quyến rũ. Người ta thích ngắm một Hạ Long trinh nguyên và xa xưa. Đơn giản bởi đó là người ngoài cuộc.

10 năm về trước, các nhà lãnh đạo Quảng Ninh không bị bó buộc trong những ngộ nhận “muốn là ai”. Họ đã nhìn thấu hoàn cảnh của mình như một máy chụp cắt lớp CT. Họ “muốn làm gì”. Trong lúc Hải Phòng phát triển thận trọng thì người Quảng Ninh hăm hở đổi mới. Họ rất sáng suốt khép lại cánh cửa vào các mỏ than  ô nhiễm để mở ra cánh cửa khác - Du lịch. Nói hình tượng là “từ nâu sang xanh”. Họ bắt đầu tiến ra biển nhờ sự đầu tư của những tập đoàn kinh tế tư nhân. Cái gọi là mô hình “công - tư kết hợp” đã thành công. Khách sạn 5 sao, đường cao tốc, cầu vượt biển, sân bay quốc tế, bến cảng du thuyền, cái nào cũng đẹp, hiện ra như chỉ sau một đêm. Đấy là câu trả lời cho phán xét vội vàng “Quảng Ninh cưỡng bức biển cả” của một số người chưa hiểu hồi ấy.

Một ngày lang thang

Khi mặt trời bắt đầu lên chậm rãi trên vịnh Hạ Long, chúng tôi đi dạo con đường bao biển mà người Quảng Ninh nói rằng đẹp nhất Việt Nam. Con đường dài hơn 5 km có đến 100 biệt thự  bề thế, hiện đại.

Thư viện Quảng Ninh cùng với Bảo tàng Quảng Ninh là hai tác phẩm nghệ thuật độc đáo, được tạo hình thành những khối lập phương đen nhánh như than bởi bàn tay kiến trúc sư người Tây Ban Nha danh tiếng, nổi bật trên đường bao biển. Tôi ít bắt gặp cảnh người Hạ Long đọc sách trong quán cafe. Thành phố quá ít hiệu sách.

 
Là một thành phố trẻ, hướng ngoại, cà-phê Hạ Long có mùi vị thời hiện đại. Rất hiếm những quán tạo nên  được sự thân mật nơi mà cùng ngồi với khách là con mèo già động đậy đôi tai lười biếng và kêu gừ gừ như một cái ấm đun nước sắp sôi.

Chiều xuống, có tiếng âm nhạc vọng ra từ cuối Quảng trường 30 tháng 10, cạnh Cung Cá heo. Chúng tôi bắt gặp các cặp tình nhân, tay trong tay đứng ngắm mặt trời lặn. Một em bé mắt đen nhánh, sâu thẳm, ngồi trong xe nôi được đẩy bởi hai cô gái nói cười vui vẻ. Trên sân rộng lát đá xám, nhiều thanh, thiếu niên tai nghe iPod, mặc quần bò, trượt patin.

Hạ Long hầu như không có rạp chiếu phim hay sàn nhảy cổ điển. Chúng tôi đến Nhà văn hóa Việt - Nhật và rồi thất vọng. Nhà văn hóa không sáng đèn, trừ các quán nhậu nằm trong khuôn viên của nó.

Ngược lại, đường Lê Thánh Tông sáng choang một dãy cửa hiệu  của những tập đoàn thời trang thế giới khổng lồ (Chanel, Prada, Armani…) bán sự xa xỉ và vẻ quyến rũ. Trên phố có nhiều người dùng hàng hiệu, mặc sơ mi Versace, đeo đồng hồ Rolex, cầm điện thoại Apple, xách túi Louis Vuitton, lái xe Mercedes. Tôi đã gặp một  “đại tỷ” của làng thời trang Quảng Ninh ăn vận như được bước ra từ  tạp chí mốt với chiếc quần Gucci bó chặt. Cô có vẻ đẹp khỏe mạnh.

Mới 9 giờ đêm mà thành phố  đã lim dim trong làn gió biển và bắt đầu những giấc mơ của mình. Trăng lưỡi liềm treo vắt vẻo phía cuối chân trời. Biển chợt hiện ra với những con sóng cuộn tròn theo gió. Ánh đèn hành trình của các con tàu trên vịnh như những vì sao nhấp nháy. Cường, bạn đồng nghiệp nói với tôi: “Lần đầu tiên  dân Hạ Long ở bên này cầu Bãi Cháy có một bãi biển để tắm. Dân rất đồng tình việc làm của chính quyền tỉnh”.

Hạ Long có ít công viên. Phải chăng nếu cần không khí trong lành thì họ ra biển?

Quảng Ninh sẽ phát triển rất bền vững, kể cả khi đang căng sức đối phó với con virus Covid -19. Các nhà báo khi đến tác nghiệp tại đây đều có nhìn nhận chung rằng: Lãnh đạo Quảng Ninh cởi mở. Tiếp xúc với họ rất dễ và thích. Nhất là họ biết lắng nghe. Đội ngũ công chức của tỉnh Quảng Ninh thực hiện công việc được đánh giá minh bạch, không có hiện tượng “trên trải thảm, dưới rải đinh”. Đã ba năm nay, Quảng Ninh đứng đầu trên bảng xếp hạng “Năng lực cạnh tranh” toàn quốc của VCCI.

Điều họ cần bây giờ là hạ tầng văn hóa. Đó là mảnh đất màu mỡ để canh tác sự sáng tạo và phát triển bền vững.