Xét danh hiệu với nghệ sĩ uy tín

Từ ngày 15-5, Nghị định số 40/2021/NĐ-CP sẽ có hiệu lực. Nghị định này sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 89/2014/NĐ-CP từ năm 2014 quy định về xét tặng danh hiệu “Nghệ sĩ Nhân dân” (NSND), “Nghệ sĩ Ưu tú” (NSƯT). Đáng chú ý, đây là những sửa đổi, bổ sung theo hướng có lợi hơn cho các nghệ sĩ. 

Nghệ sĩ Phó Thị Kim Đức (trái) hướng dẫn cháu gái hát ca trù. Bà có nhiều cống hiến cho nghệ thuật ca trù và sự nghiệp phát thanh - được phong NSND năm 2019.
Nghệ sĩ Phó Thị Kim Đức (trái) hướng dẫn cháu gái hát ca trù. Bà có nhiều cống hiến cho nghệ thuật ca trù và sự nghiệp phát thanh - được phong NSND năm 2019.

1/Cần nhấn mạnh ngay ở việc “bù khuyết” cho thiếu hụt về giải thưởng. Theo đó, trong các tiêu chí - được coi như điều kiện với các nghệ sĩ, có những tiêu chí là giải Vàng liên hoan, hội diễn quốc gia, toàn quốc, hoặc giải vàng được quy đổi từ các giải tương đương hoặc quy mô nhỏ hơn, thì có thêm tiêu chí “đặc biệt”. 

Đó là: Có cống hiến nổi trội, có tài năng nghệ thuật xuất sắc, thiếu giải thưởng theo quy định nhưng được Hội đồng các cấp thảo luận, đánh giá là trường hợp đặc biệt, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trong một số trường hợp. Cụ thể: Là người cao tuổi, có nhiều cống hiến, đóng góp trong nghệ thuật; tích cực tham gia nhiều hoạt động phục vụ nhiệm vụ chính trị lớn của địa phương và đất nước; là giảng viên các trường đào tạo văn hóa, nghệ thuật chuyên nghiệp, đào tạo nhiều thế hệ sinh viên tham gia đạt các giải thưởng cao tại các cuộc thi nghệ thuật chuyên nghiệp quốc tế.

Có thể thấy, quy định này sẽ phần nào giải tỏa được nỗi băn khoăn, bức xúc nhiều năm qua trong giới nghề. Đó là có những trường hợp nghệ sĩ lão thành từng có nhiều năm, dành nhiều tâm sức, sáng tạo cống hiến nhiều cho nghề, như đi biểu diễn chiến trường, hăng hái phục vụ nhiệm vụ chính trị, tâm huyết dìu dắt các nghệ sĩ trẻ, tích cực giảng dạy, truyền nghề trên giảng đường, trên sân khấu, đặc biệt là tài năng, đạo đức đã được nhiều thế hệ nghệ sĩ ghi nhận, nhưng vì thiếu giải nhất, Huy chương vàng mà không hoặc chưa được phong tặng danh hiệu NSƯT, NSND một cách xứng đáng. Nhất là, trong bối cảnh nhiều chục năm qua, nước ta chưa có điều kiện tổ chức nhiều liên hoan, hội diễn chuyên nghiệp toàn quốc như bây giờ. Sau này, khi các cuộc đua tài nghệ thuật cả quy mô toàn quốc và tầm vóc khu vực, quốc tế diễn ra nhiều, thì các nghệ sĩ đó lại đã trung, cao tuổi, không còn sung sức, xuân sắc như xưa để tranh tài trên sàn diễn, ca, múa, màn ảnh… 

2/Điều cần chú trọng tới đây, khi áp dụng tiêu chí “đặc biệt”, là sự đánh giá các trường hợp “đặc biệt” sao cho khách quan, công tâm và thật sự cần những con mắt “có tầm” trong nghệ thuật ngồi ghế hội đồng các cấp. Mà theo quy định, vẫn có đến bốn cấp hội đồng ở cơ sở, ở cấp tỉnh - bộ, ngành, hội đồng chuyên ngành cấp nhà nước và hội đồng cấp nhà nước, với trung bình mỗi cấp có đến hàng chục thành viên, lại thuộc những cơ quan, đơn vị khác nhau trong và ngoài lĩnh vực nghệ thuật. Như vậy, thành viên hội đồng, nhất là các thành viên là nghệ sĩ, là chuyên gia, phải rất am hiểu nghề, nắm bắt đời sống nghệ thuật tốt, có nhiều “kênh” để thẩm định, tham vấn, thì mới nhìn nhận đúng về các nghệ sĩ “đặc biệt” được. 

3/Theo Nghị định 40, Bảng quy đổi giải thưởng trong các lĩnh vực điện ảnh, âm nhạc, múa, sân khấu và phát thanh, truyền hình, ngoài một chút điều chỉnh, về cơ bản vẫn tính toán cho các thành phần tham gia vào các tác phẩm nghệ thuật ở nhiều vị trí khác nhau theo tinh thần lấy chuẩn là giải vàng, giải thưởng xuất sắc tại các liên hoan phim quốc gia, cuộc thi biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quốc do Bộ VHTT&DL tổ chức. Với mỗi tác phẩm được giải xuất sắc hay vàng, thì đạo diễn, họa sĩ, nhạc sĩ, ca sĩ, diễn viên múa đơn, múa đôi, diễn viên chính, diễn viên chính thứ… đều được “tính phần”, theo tỷ lệ 1/1, hoặc 2/3, 1/2… Từ các giải vàng đó, có thể quy đổi cho các giải của những cuộc thi nhỏ hơn như giải các hội nghề nghiệp, giải liên hoan phát thanh, truyền hình toàn quốc, giải chuyên nghiệp của liên hoan bộ, ngành, quốc tế với tùy theo tính chất, quy mô… 

Theo quy định, danh hiệu nghệ sĩ sẽ được xét tặng ba năm/lần. Như vậy, sau lần xét thứ IX của năm 2018 (trao năm 2019), năm nay 2021 sẽ đến lần xét thứ X. Thực tế cho thấy, sau mỗi kỳ xét tặng, lại có những bất cập được nhận ra, để sau đó từng bước rút kinh nghiệm, điều chỉnh. Tuy nhiên, vẫn có thể thấy sự chậm trễ trong triển khai chính sách so thực tiễn đời sống nghệ thuật, thành quả cống hiến của không ít nghệ sĩ uy tín. Quy định mới lần này cho thấy sự lắng nghe, điều chỉnh từ giới nghề và dư luận. Tất cả chỉ còn “trông cậy” vào sự sáng suốt, công tâm và trách nhiệm của các cấp hội đồng trong nay mai. 

Theo Nghị định mới, hồ sơ xét danh hiệu để chuyển lên cấp trên, phải đạt ít nhất 80% (nghị định trước là 90%) phiếu đồng ý của tổng số thành viên hội đồng (ở mỗi cấp) có mặt. Quy định này cũng phần nào “giảm nhiệt” trong việc xét chọn, khi mà thời gian qua, vẫn có những băn khoăn về thực tế mỗi hội đồng gồm nhiều thành phần khác nhau, khó lòng hiểu biết hết về mỗi lĩnh vực và không dễ đánh giá thấu đáo về các nghệ sĩ trong lĩnh vực đó.