Tư liệu tốt là cơ sở bảo tồn đúng

Ngày 12-5, Viện Bảo tồn di tích vừa ra mắt ba cuốn sách: “Kiến trúc đình làng Việt” (tập 3), “Kiến trúc đền Việt Nam”, “Kiến trúc nhà thờ công giáo Việt Nam” (tập 1), được biên soạn trên cơ sở dữ liệu tại Viện Bảo tồn di tích trong nỗ lực tư liệu hóa các di sản văn hóa vật chất.

Một số cuốn sách tư liệu hóa di tích của Viện Bảo tồn di tích.
Một số cuốn sách tư liệu hóa di tích của Viện Bảo tồn di tích.

Đến nay, Viện đã xuất bản được chín cuốn sách, chọn giới thiệu những di tích tiêu biểu thuộc các loại hình kiến trúc: đình, chùa, đền, nhà thờ công giáo, hình tượng linh vật. Những tư liệu đó đã gây nhiều hào hứng với các nhà nghiên cứu kiến trúc cổ, nghệ thuật, mỹ thuật truyền thống… cả trong và ngoài nước cũng như những người quan tâm. Viện sẽ tiếp tục cho ra mắt các tập tiếp theo với các chủ đề mới như các làng cổ điển hình ở các miền, các loại hình kiến trúc ở miền trung và miền nam.

Những tài sản - di sản vật chất của văn hóa cổ truyền mong manh trước áp lực đời sống hiện đại, dễ bị hư hỏng, mất mát không chỉ bởi thiên nhiên, thời gian, mà còn bởi những sự can thiệp của con người vô tình hay hữu ý, đi ngược với những nguyên tắc của bảo tồn. Thời gian qua đã có không ít di tích trở nên lạ lẫm sau khi được tu bổ. Năm 2019, những mảng chạm khắc nổi danh của đình Lương Xá (xã Liên Đạt, huyện Ứng Hòa, Hà Nội) bỗng một ngày được sơn phết tùy tiện do những suy nghĩ sơ sài của chính cộng đồng chủ nhân lúc tu bổ. Những việc tu bổ rồi làm hỏng có nguyên nhân bởi sự tùy tiện không theo đúng những chi tiết đã được ghi lại trong hồ sơ tư liệu của di tích. Điều cần thiết trước mắt là cấp thiết phải ghi chép những gì còn lại của di sản văn hóa dân tộc, nhưng điều quan trọng tiếp theo là khi tôn tạo, phục chế phải bảo đảm tính nguyên mẫu và vẻ đẹp truyền thống. Việc tu bổ, tôn tạo nhất thiết phải dựa trên những tư liệu của cơ quan nghiên cứu chuyên lo việc “chẩn đoán và chữa trị” cho những hư hỏng ở các di tích. Cơ quan quản lý, cơ quan thực hiện và cơ quan lưu trữ tư liệu cần có “đường link” phối hợp chặt chẽ, được quy định bằng những văn bản pháp quy để những hoạt động tôn tạo, bảo tồn di tích được tiến hành một cách đầy đủ và cẩn trọng.

Qua nửa thế kỷ, Viện Bảo tồn di tích đã có khoảng 135 m giá hồ sơ của hơn 7.000 di tích đã được khảo sát, đo vẽ và lưu trữ, với hơn nửa triệu trang tài liệu, trong đó khoảng 1.200 hồ sơ di tích đã được số hóa. Trong nhiều trường hợp, Viện sẵn sàng “mở kho”, chia sẻ để hỗ trợ trực tiếp cho việc phục hồi, trùng tu các di tích ở nhiều địa phương. KTS, TS Hoàng Đạo Cương, Viện trưởng kể: Năm 2015, một vụ hỏa hoạn đã thiêu hủy chiếc hương án gần 300 năm tuổi ở chùa Bút Tháp (Thuận Thành, Bắc Ninh), thuộc hàng đẹp nhất nhì trong số những hương án cổ. Hiện, thợ nhận công việc đã căn cứ vào bản vẽ chi tiết được Viện Bảo tồn di tích cung cấp để phục chế lại hoàn toàn chiếc hương án này. Đến nay, Viện đã và đang từng bước đưa Ngân hàng dữ liệu di tích của mình lên trang web ditich.vn. Kho tư liệu đã được mở rộng rãi hơn, với nhiều đối tượng hơn. KTS Hoàng Đạo Cương cho biết: “Những gì đặc sắc của các di tích đã được khảo sát đo đạc đều có thông tin ở trong ngân hàng dữ liệu này. Viện sẵn sàng chia sẻ những tư liệu này như một sự góp sức vô tư với xã hội để góp phần bảo tồn tốt hơn các công trình kiến trúc cổ với những giá trị nhiều mặt”.