Tư duy mới cho du lịch

Các chuyên gia và nhiều doanh nghiệp du lịch vừa chung tiếng nói về thực trạng cần những giải pháp kịp thời và phù hợp nhằm tháo gỡ khó khăn, thách thức “hậu Covid -19” cho du lịch. Bởi dù Việt Nam đã nới lỏng nhiều biện pháp giãn cách xã hội nhưng nhiều doanh nghiệp du lịch như một người ốm mới qua khỏi cơn nguy kịch còn đang rất yếu ớt.

Về với thiên nhiên ở đầm Vân Long (Ninh Bình).
Về với thiên nhiên ở đầm Vân Long (Ninh Bình).

Nhu cầu du khách thay đổi

Một số chuyên gia dự đoán rằng, “hậu Covid-19” du lịch sẽ phát triển theo hai xu hướng tưởng như đối nghịch: Xu hướng “du lịch 4.0” - ứng dụng tối đa những thành tựu của công nghệ thông tin, “du lịch qua thế giới ảo” và xu hướng “du lịch 0.4” - trở về với những gì đơn sơ, bản thể nhất, sử dụng tối thiểu vật chất, công nghệ để con người hòa đồng với vạn vật như các loại hình du lịch thiên nhiên hoang dã, du lịch sinh thái rừng, biển, sinh thái nông nghiệp. Bên cạnh đó xu hướng du lịch nghỉ dưỡng, phục hồi và chăm sóc sức khỏe được dự đoán sẽ có tăng trưởng. Sau dịch, khách đi du lịch vẫn e ngại những chỗ đông. Tâm lý này sẽ chi phối thị trường du lịch. Phần nhiều khách du lịch sẽ đi thành những nhóm nhỏ, chi phí thấp và sẽ tiết kiệm hơn trong mua sắm. TS, KTS Nguyễn Thu Hạnh, Chủ tịch Liên hiệp khoa học phát triển du lịch bền vững (STDe) gợi ý: Các doanh nghiệp du lịch nên đầu tư tổ chức “Tour du lịch hậu Covid-19” để cung cấp những trải nghiệm hoàn toàn mới, phù hợp bối cảnh mới cho du khách. Sau hoang mang, nhu cầu tất yếu của con người là tái lập cảm giác bình an. Hậu đại dịch, du khách sẽ muốn sống trong không gian tĩnh lặng để suy nghĩ, chiêm nghiệm về cuộc đời, về các giá trị sống, về quy luật vô thường của tự nhiên.

Theo chị Hạnh, du khách có thể tham gia loại hình “du lịch cách ly”, tự chăm sóc, tự rèn luyện khả năng sống sót của mình trong các khách sạn hoặc các ngôi nhà có cấu trúc đặc biệt (mô phỏng việc chống dịch), ăn các món ăn đặc biệt, nâng cao sức đề kháng cho cơ thể, học cách kết nối để “đối thoại” với thế giới chung quanh, hoặc cũng có thể tự sáng tạo ra các hoạt động vui chơi giải trí trong nhà, nấu ăn, chơi đàn, vẽ tranh, làm đồ handmade…

Nhà cung cấp phải thay đổi

Nhu cầu du lịch thay đổi, nội dung và hình thức thay đổi nên tất nhiên doanh nghiệp du lịch (nhà cung cấp dịch vụ) phải thay đổi về loại hình, cấu trúc, cách thức vận hành của mình. Ông Ngô Tiến Đức, Giám đốc điều hành Công ty Luxtravel, cho biết: Quy mô nhân sự của công ty hiện nay chỉ còn khoảng 60% so trước dịch và các chương trình du lịch trong năm nay phải ứng phó bằng cách tập trung vào mảng khách nội địa. Theo ông Đức: Phương thức tiếp thị, bán hàng cần tăng cường ứng dụng công nghệ 4.0, nhưng những sản phẩm du lịch 0.4 tiết kiệm chi phí vẫn rất phù hợp.

Giám đốc Công ty PYSTravel Trần Sĩ Sơn chia sẻ những tìm tòi để tạo hứng thú mà vẫn giữ được tâm lý yên tâm an toàn cho khách như phát triển những trò chơi team building 4.0, công nghệ đóng vai trò chủ đạo trong việc vận hành các loại hình dịch vụ du lịch... Theo ông Sơn, các nhà đầu tư trong giai đoạn tới sẽ phải tính toán thay đổi quy hoạch không gian, cảnh quan và thiết kế các công trình kiến trúc du lịch, trong đó chú ý tới những điểm chính: Mật độ xây dựng thấp, quy mô công trình nhỏ, phong cách kiến trúc xanh, gần gũi và hòa đồng thiên nhiên, vị trí gần các khu vực có cảnh quan và hệ sinh thái nguyên sơ…

Đại dịch Covid-19 tạo ra những yêu cầu và cả cơ hội để thay đổi tư duy đã lạc hậu, thay đổi cấu trúc và mô hình phát triển, thay đổi nhận thức về khung giá trị sống, thay đổi các thói quen làm việc và nghỉ ngơi. Từ đó sẽ hình thành những mô hình mới. Du lịch là một trong những ngành chịu ảnh hưởng đầu tiên và nặng nề nhất của đại dịch. Nhưng đại dịch cũng mở ra những cơ hội kinh doanh mới.