Trống Kính Hoa kể chuyện chinh phục Biển Đông

Kính Hoa có nhiều hoa văn đẹp và lạ, lần đầu mới thấy trên trống đồng. Đấy chính là một trong những tiêu chí để Nhà nước xếp hạng là Bảo vật Quốc gia đợt mới nhất. Nhiều hoa văn đã cho thấy người Việt khai thác và chinh phục Biển Đông từ thời mới dựng nước.

Trống đồng Kính Hoa.
Trống đồng Kính Hoa.

1/ Trống Kính Hoa (hiện thuộc sở hữu tư nhân tại Hà Nội), là một trong năm chiếc trống Đông Sơn đẹp nhất, được các nhà khoa học nước ta xếp vào nhóm A1 gồm Ngọc Lũ, Hoàng Hạ, Cổ Loa, Sông Đà là những trống đã biết trước đây và nay thêm trống Kính Hoa nữa.

Trống có hình dáng cân đối, mặt trống hình tròn, đường kính 89 cm. Thân trống chia ba phần rõ rệt. Tang trống nở, lưng gần hình trụ tròn, chân choãi. Trống có chiều cao 59,5 cm. Nặng 110 kg. Với các số đo này, cho thấy trống Kính Hoa thuộc loại chuẩn mực như các trống trong nhóm đẹp nhất còn lại…

2/ Những nét hoa văn trên trống đẹp không kém trống đồng Ngọc Lũ. Nhưng cái đáng nói là có những hoa văn độc đáo, lần đầu được biết, mà lại kể về chủ nhân của trống, cư dân Việt cổ thời văn hóa Đông Sơn đã có cuộc sống gắn liền với Biển Đông.

Học giả nước ngoài đầu tiên nhận thấy các hoa văn trên nhiều trống đồng Đông Sơn có liên quan đến nghi lễ tang ma của người Dayak trên đảo Borneo là ông Victor Goloubew, một người Pháp gốc Nga, làm ở Trường Viễn Đông Bác cổ, Hà Nội. Cách đây gần tròn một thế kỷ, ông đã thấy hình thuyền trên một số trống đồng Đông Sơn khá giống những chiếc thuyền vàng chở linh hồn người chết trong lễ chiêu hồn Tiwah của người Dayak mà ngôi nhà sàn mái cong trên trống Ngọc Lũ tương tự ngôi nhà chứa linh hồn của họ. Vì thế, trong tác phẩm “Thời đại đồng thau ở Bắc kỳ và Bắc Trung kỳ” xuất bản năm 1929, ông đã nêu một giả định: phải chăng chính cư dân Đông Sơn đã vượt biển đến tận đảo Borneo thuộc Indonesia và để lại ở đấy một nhóm cư dân và những hiện vật của nền văn hóa này tại đảo. Vấn đề người Đông Sơn chắc chắn đến được đất nước vạn đảo này không thể chỉ đi đường bộ mà bắt buộc phải bằng đường… biển, mà cụ thể là phải vượt qua Biển Đông đầy bão tố.

Những dự cảm của V. Goloubew hóa ra lại được chứng minh bằng các tư liệu khoa học trong gần một thế kỷ qua. Qua những chứng cứ gián tiếp, người Việt cổ đã có mặt ở nhiều nước Đông - Nam Á ngày nay và để lại nhiều trống đồng Đông Sơn tại đó. Không bằng đường biển thì làm sao trống lại có mặt được ở trên quần đảo Indonesia khá nhiều. Về phía tây, trống đồng còn tìm được trong vùng ven biển Malaysia, ở đảo Cosamui (đảo dừa) ở bờ biển phía tây vịnh Thái-lan thuộc vương quốc Thái-lan…

Trên trống đồng Kính Hoa mới được công bố gần đây đã cung cấp những bằng chứng chắc chắn về cuộc sống gắn với biển của cư dân Đông Sơn.

Trên mặt trống có hình hoa văn 10 con sam đang nối đuôi và cách đều nhau trong một vành hoa văn chủ đạo. Đây là những con sam biển với những đặc trưng dễ nhận ra: thân có hình gần bầu dục, có phần trên viền tròn, phần dưới có các đoạn gạch ngắn song song giống như những chiếc gai, đoạn đuôi nhọn và có chiều dài lớn hơn chiều dài của thân. Theo chúng tôi, đó là những con sam biển. Hoa văn này cũng mới chỉ thấy trên chiếc trống Kính Hoa mà chưa thấy xuất hiện trên trống Đông Sơn nào khác. Đáng chú ý, sam là loài động vật có hình dáng đặc biệt, môi trường sống của sam là vùng ven biển. Sự xuất hiện của loài sam trên trống mang nhiều ý nghĩa về môi trường, cảnh quan và cuộc sống của cư dân Đông Sơn…

Việc tồn tại của con sam trên trống đồng chứng tỏ môi trường sống và khai thác thức ăn của người Việt cổ phải là gần biển. Điều này cũng cho thấy chủ nhân đúc trống Đông Sơn phải là người sống cạnh môi trường biển, họ không thể là những cư dân ở miền núi xa biển như ở Vân Nam, Quảng Tây (Trung Quốc) được. Điều đó chứng minh chính người Việt cổ ven Biển Đông mới là người đúc trống Đông Sơn, chứ không phải người ở nơi khác đúc rồi đem đến. Đây là một bằng chứng quan trọng khẳng định người Đông Sơn đã biết khai thác hải sản Biển Đông từ rất sớm.

Trên trống Kính Hoa còn khắc họa hình chim đậu trên lưng cá sấu rất thơ mộng, cũng lại chứng minh người Đông Sơn đã sống trong môi trường có nhiều cá sấu. Đó là môi trường biển, đầm lầy, đước, nước mặn hoặc nước lợ, vùng ngập lụt, ở những vùng hạ nguồn của các con sông. Có thể hình ảnh cá sấu còn được cách điệu hóa thành các cặp giao long được trang trí xen giữa các cánh sao trên mặt trống Kính Hoa. Có lẽ giao long - cá sấu là con vật thiêng đối với người Việt thì mới được khắc họa ở vị trí tâm mặt trống như vậy. Hình ảnh của giao long là hình ảnh quen thuộc của họ. Trong sách Hán Thư, Địa lý chí quyển hạ cũng ghi lại “người Việt vẽ mình, cắt tóc để tránh cái hại giao long”. Sách “Lĩnh Nam chích quái” cũng viết “dân miền chân núi làm nghề chài cá, thường bị giao long làm hại, mới kêu với Hùng Vương. Hùng Vương nói: loài ở chân núi với loài thủy tộc khác nhau. Loài kia ưa đồng loại mà ghét dị loại cho nên làm hại. Bèn khiến người ta lấy mực mà xăm mình thành hình thủy quái, từ đó không còn cái nạn Giao xà làm hại nữa”. Trong tác phẩm Bình Ngô đại cáo, Nguyễn Trãi cũng có câu “Người mò ngọc giòng dây quăng biển, làm mồi cho lũ giao long”. Hình tượng giao long cũng còn được khắc họa trên thạp, rìu xéo, tấm che ngực (hộ tâm phiến) và đều được bố trí theo từng cặp quay đầu vào nhau như trên trống Kính Hoa.

Nhóm hoa văn con sam, cá sấu, giao long lần đầu thấy trên trống đồng Đông Sơn đã khẳng định người Việt thời này đã khai thác và làm chủ Biển Đông, chứ không phải là nhóm cư dân xa lạ nào khác. 

Không chỉ khai thác ven bờ mà người Việt cổ còn tung hoành ngang dọc Biển Đông nữa. Họ đã đóng được những con thuyền đẹp, hình người chèo thuyền đội mũ lông chim cũng thể hiện trên tang trống Kính Hoa. Còn những con thuyền to hơn thế, có nhiều người chèo, trên thuyền có cả lầu khắc họa trên thạp Đào Thịnh, có thể là những thuyền đi biển… 

Trống Kính Hoa kể chuyện chinh phục Biển Đông -0
Người Dayak, Indonesia. ẢNH TƯ LIỆU 

3/ Cũng cần nói thêm là ba cộng đồng người giữ được nhiều nét của tộc Việt cổ này được coi là những tộc người có những bản sắc văn hóa độc đáo mà các tộc người khác ở vùng quần đảo không có. Đây cũng là một vấn đề rất lý thú cho những nhà khoa học khi tìm hiểu đời sống văn hóa, xã hội của chính những người Việt cổ ở những “vùng biên văn hóa”, như những mảng “hóa thạch” độc đáo còn đọng lại ở vùng quần đảo đa sắc tộc, đa văn hóa như vậy.

Các nhà khoa học trong và ngoài nước dần dần đã dựng nên được những chuyến hải hành của người Việt cổ dựa vào những trống Đông Sơn tìm được ở các vùng biển. Câu hỏi được đặt ra: người Việt cổ chỉ dùng các con thuyền thô sơ làm sao vượt xuyên Biển Đông đến các vùng ven biển xa xăm để giao lưu buôn bán, giao lưu văn hóa, thậm chí là định cư?

Câu hỏi này đã được học giả Leonard Y. Andaya của Trường đại học Hawai, Mỹ giải đáp trong hội nghị quốc tế về những nền văn minh sớm ở Đông - Nam Á họp vào tháng 10 ở Malaysia: vùng Biển Đông nói riêng và vùng biển Đông - Nam Á nói chung là vùng biển có nhiều bão tố, nhưng cũng có lúc sóng yên, biển lặng. Chính người Việt cổ đã biết rõ quy luật của trời đất này để ra khơi. Đó là họ dựa vào các dòng hải lưu và gió mùa. Bằng kinh nghiệm, họ biết được rằng trên biển có những xa lộ dễ “đi”, đó là các dòng hải lưu. Bên cạnh là gió mùa từ tháng 1 đến tháng 4 là gió mùa thổi từ hướng bắc nam, từ tháng 7 đến tháng 11, gió mùa lại thổi từ hướng nam lên bắc. Thế là người Việt cổ dựa theo các dòng hải lưu và nương theo gió mùa, đã đến được các vùng biển xa.

Trống Kính Hoa là chiếc trống được xếp hạng Bảo vật quốc gia đầu tiên thuộc sở hữu tư nhân là trống đẹp một cách hoàn mỹ, lại còn có những hoa văn chứng minh cư dân đúc trống là cư dân Việt cổ, cư trú ở đồng bằng Bắc Bộ mới được thành tạo sau khi biển mới rút, đất đai được phù sa bồi đắp, nhưng nhiều chỗ còn lầy lội, thích hợp cho công cuộc trồng lúa và đánh bắt hải sản. Họ là những người trồng lúa giỏi kiêm khai thác sản vật biển. Họ còn là những người đóng thuyền để đưa các trống đồng đi khắp đây đó trong vùng. Bối cảnh lịch sử khi đó, nước ta đang trong thời kỳ Hùng Vương - An Dương Vương cách đây khoảng 2.300 - 2.400 năm.